Hồng Kông - Theo Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Giáo phận Hồng Kông, Bức thư Gửi Người Công Giáo Trung Hoa mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết vào năm 2007 đã bị hiểu sai một cách trầm trọng. Điều này làm lợi cho nhà cầm quyền cộng sản, và làm lợi cho kế hoạch khuất phục Giáo Hội của họ. Để hiệu chỉnh vấn đề này, Tòa Thánh đã đưa ra Bản Tóm Lược Bức Thư dưới dạng hỏi đáp được Đức Thánh Cha phê chuẩn hôm 24/5. Hai năm sau khi Bức Thư được công bố, hồi giữa tháng Bảy, Đức Hồng y Giuse đã phát họa những đánh giá về Bức Thư công bố trên website Giáo phận Hồng Kông bằng Hoa ngữ và Anh ngữ.

Việc đánh giá này hòa trộn vào nhau. Bên cạnh các yếu tố tích cực, Đức Hồng y liệt ra những yếu tố tiêu cực. Ngài xác định yếu tố tiêu cực chủ yếu nằm ở chỗ “giải thích sai lạc” ở vài đoạn then chốt trong Bức Thư năm 2007 của Đức Thánh Cha. Việc giải thích sai theo thiển ý của ngài "đã đem lại những hậu quả tai hại trên khắp Giáo Hội ở Trung Hoa".

Dưới đây là bản dịch bức thư của Đức Hồng y Trần Nhật Quân đề ngày 29/06/2009 trên website Giáo phận Hồng Kông

Hai năm kể từ khi chúng ta nhận được bức thư từ Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến trong đại gia đình Giáo Hội Công Giáo chúng ta ở Trung Hoa,

Vào Lễ kính trọng thể Thánh Phêrô và Phaolô năm nay, chúng ta cũng đã cử hành kỷ niệm lần thứ hai Bức Thư của Đức Thánh Cha Bênêđictô gửi Giáo Hội ở Trung Hoa.

Trong những ngày này, anh chị em đã nhận được Bản Tóm Lược Bức Thư của Đức Thánh Cha từ Tòa Thánh, nó giúp anh chị em dễ hiểu hơn những điều thiết yếu nơi những giáo huấn của Đức Thánh Cha và cũng để xóa tan sự giải thích sai lạc một điểm chính yếu trong Bức Thư.

Cho phép tôi nhấn mạnh một vài điều trong đó.

1. Câu hỏi 7 của Bản Tóm Lược

Trước hết, đối với anh em trong cộng đoàn hầm trú, tôi muốn chỉ ra Câu hỏi số 7 để dẫn chứng là nhiều trích dẫn rút ra từ Bức Thư, nơi Đức Thánh Cha bày tỏ niềm cảm kích và sự động viên của ngài đối với tất cả những người đã chịu đau khổ và đang chịu đau khổ vì đức tin Công Giáo.

Thường chúng ta nghe những than phiền từ những anh em chúng ta trong cộng đoàn hầm trú rằng họ cảm thấy bị bỏ rơi, bị bỏ mặc, thậm chí bị xem là mối gây thiệt hại. Chúng ta hiểu cảm giác này và những cảm xúc này của họ. Tuy nhiên, những trích dẫn phong phú từ Bức Thư của Đức Thánh Cha chứa đựng trong Số 7 của Bản Tóm Lược tái cam kết với họ rằng Đức Thánh Cha ủng hộ họ. Từ tận đáy lòng mình, tôi ước mong động viên những anh em tôi trong cộng đoàn thầm lặng để họ kiên vững lòng trung kiên mà không thỏa hiệp.

2. Chú thích số 2 và số 5 của Bản Tóm Lược

Tôi cũng muốn anh chị em chú ý đến chú thích số 2 và số 5 của Bản Tóm Lược.

Chú thích số 2 mang đến sự phân biệt quan trọng giữa "sự hòa giải tâm hồn của những con tim và sự hợp nhất về cơ cấu vào một một hệ thống". Đức Thánh Cha khuyến khích những người đi trước cần tiếp tục theo đuổi hầu hết những dấn thân và điều này thật cấp bách, trong khi việc thưc thi của những người đi sau nên vượt ra ngoài thiện chí đơn phương của chúng ta.

Chú thích số 5 nói rõ ràng rằng Đức Thánh Cha "không loại trừ khả năng chấp nhận hay tìm kiếm sự công nhận của chính quyền, và cũng không khuyến khích làm như thế". Mỗi một con người có thể hành động trong tự do không bị hạn chế, nhưng rất tiếc là trong nhiều trường hợp, "thực ra là trong hầu hết các trường hợp", không thể thực hiện được điều đó vì những điều kiện áp đặt lên chúng ta vốn không phù hợp với lương tâm Công Giáo của chúng ta. (Đối với cụm từ "indeed almost always - thực ra là trong hầu hết các trường hợp" trong bản dịch Hoa ngữ, vui lòng xem bản văn tiếng Hoa ngữ đã hiệu đính được đưa lên website Tòa Thánh Vatican từ ngày 24/10/2008, khi cụm từ này được thêm vào vì nó đã bị thiếu mất trong bản Hoa ngữ chính thức đầu tiên của Bức Thư).

Thật là đúng đắn khi Đức Thánh Cha để quyền quyết định cuối cùng cho từng giám riêng lẻ liệu có chấp nhận hay có yêu cầu sự công nhận của chính quyền không. Nhưng Đức Thánh Cha cũng nói rằng để đưa ra quyết định này là việc hết sức khó khăn, bởi vì, trong hầu hết các lần, các điều kiện mà chính quyền đưa ra áp đặt thì một quyết định tích cực là không thể xảy ra.

Không có gì gọi là bí mật về điểm nhạy cảm này nơi Bức Thư của Đức Thánh Cha, ngay sau khi được công bố, nó đã nhận được sự giải thích có dụng ý đi xa hơn những gì Đức Thánh Cha đã viết. Việc giải thích cho rằng, theo Đức Thánh Cha, không còn bất cứ lý do nào để duy trì tình trạng thầm lặng và rằng Đức Thánh Cha muốn tất cả các cộng đoàn hầm trú yêu cầu sự công nhận của chính quyền. Giải thích này cũng ủng hộ việc tham gia bừa bãi vào các cử hành Bí Tích Thánh Thể.

Một quan niệm sai lầm như thế còn bao gồm trong quyết định bỏ qua nhiều bước đáng kể vốn rất cần thiết phải thực hiện và cứ nghĩ rằng người ta có thể tiếp cận mục tiêu ngay lập tức. Chúng ta có thể gọi đó là lỗi lầm của chủ nghĩa lạc quan nóng vội. Con người dễ dàng bị cám dỗ bởi tính lạc quan, do đó giải thích sai lầm này đã được phổ biến hết sức rộng rãi ở Trung Quốc và đã được nhiều người tin tưởng, cứ như là điều này là thiện ý đích thực của Đức Thánh Cha.

Tuy nhiên, vì một giải thích như thế không chỉ không đại diện cho ý định của Đức Thánh Cha, mà còn đi đến chống lại tính xác thực một cách thảm khốc nơi các sự việc được Đức Thánh Cha mô tả trong Bức Thư của ngài, trong hai năm qua việc giải thích này đã gây những hậu quả tai hại trên khắp Giáo Hội tại Trung Hoa.

Thực tại cơ bản là chính quyền vẫn giữ các chính sách không thay đổi về bản chất của mình, một chính sách nhắm đến nô dịch hóa toàn thể Giáo Hội. Đó là lý do tại sao chúng ta phải chứng kiến cảnh tượng đau thương thế này: các giám mục và các linh mục, những người nghĩ rằng họ đang vâng lời Đức Thánh Cha, hết sức nỗ lực để đi đến giao hảo với chính quyền; nhiều người trong họ phải đối mặt với những điều kiện không thể chấp nhận được do chính phủ áp đặt, rút lui, nhưng trong quá trình này hàng giáo sĩ không còn hiệp nhất như trước; những người khác, nghĩ rằng rút lui có thể là không vâng lời thiện ý của Đức Thánh Cha, đã phải cố gắng duy trì tình trạng thỏa hiệp, trong khi phải khó khăn đấu tranh để giữ bình an trong lương tâm họ, một tình trạng mâu thuẫn gây ra đau đớn hết sức không chỉ đối với các giám mục trực tiếp liên quan, mà còn đối với các linh mục không còn có thể hiểu được giám mục của họ.

Chính quyền, về phần mình, đã bộc lộ mình là người nhiệt tình thực hiện thiện ý của Đức Thánh Cha, tự tuyên bố là người cổ võ cho hiệp nhất, hiển nhiên là sự hiệp nhất dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Chính quyền bên trong cơ cấu hết sức chặt chẽ của một Giáo Hội độc lập.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì cuối cùng trong các chú thích số 2 và số 5 của Bản Tóm Lược, Tòa Thánh đã đưa ra giải thích có thẩm quyền về điểm này. Chúng ta hy vọng rằng Bản Tóm Lược có thể có khả năng giải quyết những mâu thuẫn đau đớn trong rất nhiều con tim tín hữu và có khả năng mang đến cho các cộng đoàn thầm lặng tái xây dựng sự hiệp nhất tín hữu của mình trong đau đớn.

Rõ ràng là trên bình diện hòa giải và hiệp thông tâm hồn giữa hai cộng đoàn giáo hội, đã có nhiều thứ được nỗ lực và được thực hiện càng sớm càng tốt, vượt qua mọi tình cảm tiêu cực gây ra bởi hoàn cảnh lịch sử mà chúng ta không mong muốn, nhưng lại áp đặt chúng ta từ bên ngoài.

3. Tự thẩm tra

Trong Bức thư của mình, Đức Thánh Cha đã trình bày bằng ngôn ngữ rõ ràng mang tính tông đồ của Giáo Hội, vốn luôn được dìu dắt bởi các giám mục, những người kế vị các Tông Đồ, trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, người kế vị Thánh Phêrô, đứng đầu các Tông Đồ.

Đức Thánh Cha, bằng tất cả sự thân ái của tình thân phụ, đã đặt bút trình bày hoàn cảnh bất bình thường của Giáo Hội ở Trung Hoa, bị điều khiển và lãnh đạo bởi những thân xác không là Phẩm trật mà Chúa Giêsu Kitô thiết lập.

Những thách đố to lớn cho chúng ta hiện giờ là đưa Giáo Hội trở lại bình thường, là một Giáo Hội Công Giáo đích thực.

Hai năm đã trôi qua, từ khi Đức Thánh Cha viết Bức Thư gửi cho chúng ta. Có phải chúng ta đã tiếp cận được tư tưởng Kitô giáo chân thực được mô tả sinh động trong Bức Thư? Nếu đúng, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa. Nếu không, chúng ta phải suy tư nghiêm túc về lý do tại sao chúng ta đã lãng phí quà tặng quý giá như vậy từ thiên đường. Những gì chúng ta phải suy ngẫm nghiêm túc là chúng ta đã dự phần bản thân mình nhỏ hay lớn trong bổn phận hoàn thành mục tiêu tuyệt vời và gian khổ này. Chúng ta đã bỏ ra hai năm nay như thế nào? Đã bao lần chúng ta tự vấn mình: Tôi phải làm gì để biến ước mơ của Đức Thánh Cha trở thành hiện thực?

Ngày Cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Hoa năm nay, trong khi viếng thăm Đan viện Montecassino, Đức Thánh Cha đã cổ vũ chúng ta "canh tân sự hiệp thông của chúng ta nơi đức tin vào Chúa Kitô và nơi lòng trung tín vào người kế vị Thánh Phêrô". Ngài cũng bày tỏ hy vọng rằng "sự hiệp nhất của tất cả các Kitô hữu, tính phổ quát và tính toàn thể của Giáo Hội sẽ luôn được sâu sắc hơn và hiển nhiên hơn nữa". Những anh chị em trong cộng đoàn thầm lặng, có phải họ vẫn tin rằng thật đáng giá để chịu đau khổ vì đức tin và rằng những khổ đau sẽ mang lại chiến thắng mặc dù vào lúc này tất cả mọi thứ dường như là một thất bại? Những anh chị em trong cộng đoàn công khai, có phải họ tin rằng những nỗ lực của họ bước ra khỏi tình trạng khác thường về giáo luật là rất quan trọng và rằng sự gắn kết với tình trạng đang hiệp thông với Đức Thánh Cha của họ đòi hỏi họ phải can đảm?

Tất cả chúng ta đều sống trong một thời điểm lịch sử cụ thể. Điều này mang lại cho chúng ta những nhiệm vụ cụ thể. Trách nhiệm rất đặc biệt của chúng ta ngày nay trong Giáo Hội ở Trung Hoa là trình bày cho người dân Trung Hoa bản tính thật sự của Giáo Hội Công Giáo, là tổ ấm của mọi dân tộc và mọi quốc gia. Sự hiệp nhất và tính phổ quát của Giáo Hội chào đón tất cả mọi người không phân biệt ai và do đó cũng không bị chi phối bởi bất kỳ thế lực dân sự cụ thể nào.

Giáo Hội, nơi chăm sóc cho hạnh phúc của chúng ta trên địa cầu, cũng mang đến cho chúng ta mục tiêu đời đời: về nhà chúng ta trong vòng tay ôm ấp của Cha trên trời. Di sản phong phú thuộc về chúng ta đã đạt được qua sự đau khổ và cái chết của Đấng Cứu Độ chúng ta và đã được trao phó cho các Tông Đồ, vì thế nó đã được truyền một cách trung thực qua bao thế hệ. Của cải to lớn nhất của chúng ta là được kêu gọi gia nhập vào gia đình to lớn nhất này và trách nhiệm cao quý của chúng ta hiện nay là sống đức tin chúng ta bằng sự gắn kết và truyền đức tin vẹn toàn đó cho các thế hệ tương lai.

Có những người muốn tạo ra sự đối kháng giữa lòng trung tín với Giáo Hội và lòng yêu tổ quốc đối với đất nước chúng ta. Anh chị em biết rằng đây là một lối ngụy biện. Tất cả chúng ta đều biết rằng, bằng cách trung thành hoàn toàn với Giáo Hội chúng ta, chúng ta đang thực sự yêu nước, bởi vì xây dựng một Giáo Hội Công Giáo đích thực tại Trung Hoa là sự đóng góp cụ thể của chúng ta đối với Tổ Quốc to lớn của chúng ta.

Chúng ta phải cầu nguyện để các nhà lãnh đạo đất nước hiểu rằng một Giáo Hội Công Giáo tự do thì không phải là mối đe dọa cho đất nước. Trái lại, nếu chúng ta được phép vui sống đức tin, thì chúng ta có thể đóng góp nhiều hơn cho phúc lợi và sự tiến bộ chung của người dân chúng ta.

Anh chị em thân mến, hãy ngước mắt nhìn lên, nhìn lên “rặng núi từ nơi ơn phù trợ tôi đến" (TV 121). Trong cuộc hành trình đức tin này, chúng ta được đoan hứa cả nỗi khổ cực và niềm ủi an. Bầu bạn và mẫu gương của chúng ta là Các Thánh và nhất là Các Thánh Tử Đạo hiển vinh.

Đức Maria, Mẹ Phù Hộ các Kitô hữu, mẹ tuyệt trần của chúng ta và Ngôi Sao của Hy Vọng, Đấng mà Đức Thánh Cha đã phó thác Giáo Hội chúng ta, sẽ dẫn dắt chúng ta đến chiến thắng an bình.

Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân

Ngày 29 tháng Sáu năm 2009

Để hiểu rõ hơn những điều Đức Hồng y Giuse đã đánh giá trong bức thư của ngài, dưới đây là bản dịch chú thích số 2, số 5 và câu hỏi số 7 trong Bản Tóm Lược Bức Thư Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi người Công Giáo Trung Hoa được ngài phê chuẩn hôm 24/05/2009:

Chú thích số 2

Chúng ta có thể thấy rằng Đức Thánh Cha nói về sự hòa giải tâm hồn, vốn có thể và phải thực hiện bây giờ, thậm chí trước khi sự hợp nhất về cơ cấu nơi các cộng đoàn Công Giáo chính thức và không chính thức được thực hiện. Thực sự của vấn đề, dường như Đức Thánh Cha đưa ra sự phân biệt giữa “sự hòa giải tâm hồn” và “sự hợp nhất về cơ cấu”. Ngài thừa nhận rằng hoà giải giống như một cuộc hành trình “không thể hoàn thành một sớm một chiều” (6.6). Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng các bước phải được thực hiện là cần thiết và cấp bách, vì thế không được trì hoãn – hoặc viện cớ - vì chúng khó khăn bởi vì đòi hỏi họ phải vượt thắng những lập trường và quan điểm cá nhân. Thời điểm và cách thức có thể khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh địa phương, nhưng sự dấn thân để hòa giải không thể bị bỏ rơi. Hơn thế nữa, đường hướng của sự hòa giải này không thể bị giới hạn chỉ trong lĩnh vực thiên liêng của cầu nguyện riêng tư mà còn phải được diễn tả bằng những bước thực hiện phù hợp với sự hiệp thông giáo hội (trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những chương trình mục vụ, những sáng kiến chung…). Cuối cùng, đừng quên rằng tất cả mọi người đều được mời gọi tham gia vào những bước này, không loại trừ một ai: giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân. Các bước thực hiện này mang ý nghĩa hòa giải tâm hồn, gồm cả hòa giải hữu hình, sẽ được thực hiện dần dần, một ngày nào đó sẽ đạt đến đỉnh điểm là hiệp nhất cơ cấu của mỗi cộng đoàn giáo phận quanh một Giám Mục giáo phận đó và của mọi cộng đoàn giáo phận với nhau và với Giáo Hội hoàn vũ. Trong bối cảnh này, thật là đúng luật và thích hợp để khuyến khích giáo sĩ và giáo dân đưa ra cử chỉ tha thứ và hòa giải theo chỉ dẫn này.

Chú thích số 5

Liên quan đến sự công nhận của nhà cầm quyền dân sự - cần cho hoạt động công khai – Đức Thánh Cha tái khẳng định một số nguyên tắc cơ bản: “Hoàn cảnh thầm lặng không phải là đặc điểm bình thường của đời sống Giáo Hội, và lịch sử cho thấy các vị Mục Tử và tín hữu chỉ chọn cách này trong lúc gian nan, với khao khát duy trì tính toàn vẹn của đức tin và để chống lại sự can thiệp của các cơ quan Nhà Nước trong các vấn đề có liên quan mật thiết đến đời sống Giáo Hội (8.10); Sự công nhận của chính quyền có thể được chấp nhận “miễn là điều đó không gắn liền với việc phủ nhận các nguyên tắc không thể đảo ngược của đức tin và sự sự hiệp thông giáo hội” (7.8): tuy nhiên, “trong hầu hết các trường hợp” những người có liên quan bị buộc phải “đưa ra những thái độ, phải làm những cử chỉ và thực hiện những cam kết những điều trái ngược với tiếng gọi lương tâm Công Giáo của họ” (7.8); Tòa Thánh để quyền quyết định cho cá nhân từng Giám Mục, người có thể tham khảo linh mục đoàn của ngài, có khả năng biết rõ hơn hoàn cảnh địa phương và cân nhắc những hệ quả. Vì thế, Đức Thánh Cha không ngăn chặn khả năng chấp nhận hay tìm kiếm sự công nhận của chính quyền cũng không khuyến khích làm việc đó: quan niệm sẽ bị bỏ rơi trong hoàn cảnh thầm lặng nhưng mọi thứ phụ thuộc vào những miễn cưỡng bị áp đặt. Nên thận trọng và phán quyết cuối cùng thuộc về Giám Mục địa phương, là người sau khi tham khảo linh mục đoàn (7.8). Đương nhiên, Giám Mục nên luôn hỏi ý kiến Tòa Thánh, để tìm sự trợ giúp khi gặp khó khăn trong công việc đánh giá hoàn cảnh địa phương và nhận thức rõ chiều hướng tốt nhất trong hành động, nhưng, cuối cùng, quyết định thuộc về ngài. Đó cũng là cơ hội nhắc nhở rằng hoàn cảnh hoàn toàn không giống nhau giữa vùng này và vùng khác, giữa giáo phận này và giáo phận khác (ví dụ, liên quan đến mức độ tự do hoạt động của Giáo Hội), và rằng ngay cả khi các điều kiện "khách quan" đã được đáp ứng (ví dụ, tính hợp pháp của vị Giám Mục), thì sự chín chắn và lương tâm của từng cá nhân người Công Giáo phải luôn luôn được tôn trọng.

Câu hỏi số 7: Đối với những người Công Giáo chịu đau khổ vì đức tin ở Trung Hoa, Đức Thánh Cha đề cập những gì?

Đức Thánh Cha hết sức cảm kích sự làm chứng của họ. Sự cảm kích của Ngài xuyên suốt toàn bộ Bức Thư ở những đoạn dưới đây:

“Do đó, tôi ao ước được chuyển đến tất cả anh chị em một biểu lộ tình huynh đệ gần gũi của tôi. Với niềm vui mãnh liệt, tôi nhìn nhận sự trung tín của anh chị em đối với Chúa Kitô và với Giáo Hội, một sự trung tín đã được anh chị em thể hiện “đôi khi với một giá đau khổ lớn lao” 1 vì “nhờ Đức Kitô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người” (Pl 1:29)” (2.1)

“Lời Chúa lần nữa giúp chúng ta khám phá ý nghĩa huyền nhiệm và sâu xa về con đường của Giáo Hội trong thế giới. Thật vậy, “chủ thể của một trong những thị kiến quan trọng trong Sách Khải Huyền là Chiên Con trong hành động mở cuốn sách được đóng bẩy ấn niêm phong mà trước đó không ai mở được. Thánh Gioan đã cho thấy là ngài rơi lệ vì không ai xứng đáng mở được hay đọc được cuốn sách ấy (x Kh 5:4). Lịch sử vẫn y nguyên không giải mã được, không thể hiểu được. Không ai đọc được nó. Có lẽ, Thánh Gioan đã rơi lệ trước mầu nhiệm của một lịch sử quá u minh thể hiện nơi sự thất vọng của các Giáo Hội tại Á Châu trước sự yên lặng của Thiên Chúa khi phải đối diện với những bách hại xảy ra cho họ. Đó là một sự thất vọng có thể phản ánh rõ ràng nỗi tuyệt vọng của chúng ta trước những khó khăn nghiệm trọng, trước những hiểu lầm và sự thù địch mà Giáo Hội phải gánh chịu trong nhiều miền khác nhau trên thế giới. Đó là những thử thách mà Giáo Hội không đáng phải gánh chịu, cũng như Chúa Giêsu không đáng bị hành hạ. Tuy nhiên, chúng thể hiện cả sự tàn ác của con người, khi nó từ bỏ chính mình để chiều theo sự dữ; cũng như trật tự siêu việt của các biến cố nơi Thiên Chúa” (3.6).

“Trong tư cách Mục Tử toàn thể Hội Thánh, tôi muốn thể hiện lòng biết ơn chân thành với Thiên Chúa vì chứng tá được cảm nhận sâu xa về lòng trung tín do cộng đoàn Công Giáo tại Trung Hoa đưa ra trong những tình huống thật khó khăn. Đồng thời, tôi cảm nhận được nhu cầu cấp bách, như nghĩa vụ sâu xa và đòi buộc và như một thể hiện của tình phụ tử, cần xác nhận đức tin của người Công Giáo Trung Hoa và trợ giúp sự hiệp nhất trong họ bằng những phương thế thích hợp với Giáo Hội”. (4.1)

“Hơn thế nữa, anh chị em hãy nhớ rằng con đường hòa giải của anh chị em được nâng đỡ bởi những gương sáng và lời cầu nguyện của đông đảo các “chứng nhân đức tin”, những người đã đau khổ và đã thứ tha, đang dâng hiến cuộc đời mình cho tương lai của Giáo Hội tại Trung Hoa. Chính sự hiện diện này của họ tiêu biểu cho một ơn phúc trường tồn dành cho anh chị em trước Thiên Chúa Cha, và ký ức về họ không ngừng nảy sinh hoa trái dư dật”. (6.7)

“Nhiều thành viên của Hội Đồng Giám Mục Trung Hoa, những người đã hướng dẫn Giáo Hội trong những thập niên qua, đã và sẽ còn tiếp tục đưa ra một sự chứng tá sáng ngời cho các cộng đoàn của mình và cho Giáo Hội Hoàn Vũ. Một lần nữa, hãy để cho bài tụng ca tạ ơn chân thành được vang lên đến “Vị Mục Tử Tối Cao” của đàn chiên (Pr 5:4): thật vậy, chúng ta không được quên rằng nhiều vị Giám Mục đã phải chịu bách hại, đã bị cấm thi hành sứ vụ mục tử, và một số trong các vị này đã làm cho Giáo Hội thêm nhiều hoa trái bằng việc đổ máu mình”. (8.5)

“Chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa vì sự hiện diện thường xuyên, không phải không có đau khổ, của các Giám Mục, những người được tấn phong theo đúng với truyền thống Công Giáo, nghĩa là, trong tình hiệp thông với Giám Mục Rôma, Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, và dưới sự đặt tay của các vị Giám Mục được tấn phong hợp lệ và thành sự theo đúng với nghi thức của Giáo Hội Công Giáo”. (8.9)

“Vào những giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử cận đại của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa, các tín hữu, cả trong tư cách cá nhân và gia đình, cũng như trong tư cách là thành viên của các phong trào tu đức và tông đồ, đã chứng tỏ lòng trung tín hoàn toàn đối với Tin Mừng, ngay cả khi chính mình phải trả giá cho sự trung thành với Thiên Chúa. Anh chị em tín hữu thân mến, hôm nay cũng vậy, anh chị em cũng được mời gọi để thể hiện Tin Mừng trong cuộc sống của anh chị em và để làm chứng cho Tin Mừng qua sự phục vụ quảng đại và hiệu quả cho lợi ích của dân tộc và sự phát triển của đất nước: và anh chị em sẽ hoàn thành sứ mệnh này bằng cách sống như những công dân trung thực, và hoạt động như những cộng tác viên tích cực và có trách nhiệm trong việc truyền bá lời Chúa đến những người xung quanh anh chị em, ở nông thôn cũng như tại thành thị. Anh chị em, những người đã từng là những chứng nhân can đảm của đức tin trong thời gian gần đây, hãy duy trì niềm hy vọng của Giáo Hội cho tương lai! Điều đó đòi hỏi anh chị em một sự tham dự tích cực hơn bao giờ vào mọi lĩnh vực của đời sống Giáo Hội, trong niềm hiệp thông với các vị Mục Tử của mình”. (15.1)

“Để kết thúc lá thư này, tôi cầu nguyện xin cho anh chị em, những Mục Tử của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa, các linh mục, những người sống đời tận hiến và anh chị em giáo dân yêu dấu, được “hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.” (1 Pr 1:6-7)” (20.1)

Chú thích người dịch:Riêng nội dung Câu hỏi số 7 trên đây được rút ra từ bản dịch Lá Thư của Đức Thánh Cha gởi người Công Giáo Trung Hoa của VietCatholic Network (Lm Trần Công Nghị, Đặng Minh An, Tường Huy, Phạm Hoàng Nghị, Anthony Lê, Thụy Nguyên) ngày 05/07/2007 (http://vietcatholic.org/News/Html/45362.htm)