CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN (B)

Cv 2: 1-11, 20a; I Corintô 12: 3b-7, 12-13 (Galat5: 16-25) Ga 15: 26-27; 16: 12-15

Anh chị em thân mến,

Một người bạn kể tôi nghe chuyện một người được tin mình bị ung thư và sắp đến cuối đời. Sau khi biết tin này, ông buồn rầu, và quyết định thay đổi một số thói quen của mình. Những việc từ trước đến nay hay làm ông bận tâm, bây giờ không còn làm ông quan tâm nữa. Ông có 2 con trai dưới tuổi 20, và ông muốn dành thì giờ để nói chuyện với 2 người con đó. Ông không muốn khi ra đi mà vẫn còn để lại những chuyện chưa nói với hai con. Ông muốn nói với chúng là ông thương yêu chúng lắm, và ông rất hãnh diện về chúng. Ông cũng đã nhất định nói với vợ là ông yêu quý và khâm phục bà rất nhiều. Đã nhiều năm ông không nói chuyện với người em trai, nay ông gọi người em đến và nói chuyện rất lâu trong bữa ăn, và hai người đã làm hòa với nhau.

Bác sĩ của ông đã nghỉ hưu, nên ông tìm một bác sĩ khác. Và người này công nhận ông bị ung thư, nhưng lại nói là có thể chữa trị được. Ông đã khóc, không phải vì ông cảm thấy nhẹ người do bệnh có thể chữa trị được, nhưng ông sợ sẽ trở lại với những thói quen cũ. Đó là những điều trong thời gian qua, ông đã bỏ và đã quen với những thay đổi rất có ích cho ông và cả gia đình rồi. Ông cảm thấy sợ là sẽ mềm lòng trước những thói quen cũ, và sẽ làm cho ông mất đi lối sống mới mà ông đã tập làm được.

Đối với chúng ta, chúng ta có nỗi lo sợ là có một quyền lực ngăn cản chúng ta cố gắng thay đổi lối sống, đó là mỗi khi chúng ta ngại bỏ những thói quen và những tập quán chúng ta đã hấp thụ, để tập những lối sống mới mà chúng ta chưa quen biết. Các Môn đệ trong phòng họp, cửa đã đóng kín mà vẫn lo sợ. Sợ là những điều đã xảy ra cho Chúa Giêsu nay sẽ xảy đến cho họ. Họ cùng hội họp trong sự thất bại và vô vọng. Trong khi mọi sự dường như xấu đi, thì Chúa Giêsu hiện ra giữa các ông. Có người trong chúng ta cũng đã trải qua kinh nghiệm gặp được Chúa Giêsu trong những lúc đời mình đến ngõ cụt. Đó là khi bị thất bại, không ai giúp đỡ, và không thấy hy vọng gì ở tương lai.

Chúa Giêsu xuất hiện: Ngài là Đấng đã bị thất bại, bị trấn áp, chịu chết và bị ném ra ngoài. Rõ ràng là Ngài có vẻ như không có tương lai. Và cũng chính Ngài đã "từ cõi chết sống lại". Làm tất cả mọi suy tính điều sai lầm. Chúa Giêsu xuất hiện giữa các Môn đệ là những kẻ đã bỏ Ngài trong lúc Ngài cần đến họ; đã chối Ngài khi người ta hỏi đến; không tin bà Maria Madalena nói là Ngài đã sống lại. Đấy, họ là những kẻ nhát sợ đến như vậy, lúc họp nhau, thì ở trong phòng đóng kín cửa lại.

Chúa Giêsu hiện ra giữa những Môn đệ bị thua thiệt và nhát sợ. Nhưng thay vì dùng lời quở trách vì sự yếu hèn trong nỗi thua thiệt đó, thì Ngài lại vạch ra một tương lai mới cho họ. Lời nói đầu tiên từ miệng Ngài là "Bình An". Nghĩa là không có vấn đề gì giữa Ngài và các ông cả. Lời nói này đã đánh tan quá khứ, và mở ra một tương lai cho các ông. "Mừng quá!", chắc các ông nghĩ vậy, và cảm thấy nhẹ người. Điều này giống như khi chúng ta tranh biện với ai, và làm họ phiền lòng, để rồi nghe người ấy nói "Thôi quên đi! không sao cả, tôi tha thứ cho bạn". Và lúc đó, chúng ta cảm thấy nhẹ cả người như các Môn đệ đã cảm nhận được khi Chúa Giêsu chào họ. "Bây giờ chúng ta khởi sự lại từ đầu. Hãy quên quá khứ đi. Và bây giờ sự liên hệ giữa Chúa Giêsu và chúng ta có một tương lai". Đó là ý nghĩa của lời chúc "Bình An " của Chúa Giêsu cho các Môn đệ.

Rồi một lần nữa, Chúa Giêsu lại nói "Bình An cho các con". Lần này không nhắc gì đến quá khứ cả. Và đây là thời khắc của tương lai. Được Bình An, các ông phải tháo khóa, mở cửa ra và đi khắp cùng thế gian, nơi đã làm cho các ông sợ hãi. Nơi đã gây khổ ải cho Chúa Giêsu, thì cũng sẽ gây khó khăn cho các ông vì các ông đã tin vào Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã gởi các ông đi như Ngài đã gởi chúng ta ra đi ngày lễ Hiện Xuống năm nay. Chúng ta ra đi không phải để trả thù những khó khăn, mà đem sự tha thứ đến với một thế gian đầy hận thù mà chúng ta đang sống. Ngay cả Chúa Giêsu cũng đã gởi các Môn đệ Ngài ra đi để tha thứ.

Nếu mọi người biết các Môn đệ có lòng tha thứ, thì sẽ có nhiều người theo họ, vì mọi nơi trên thế giới, trong các quốc gia, ngay cả trong các bạn bè và các gia đình mà chúng ta đang sống, it khi nghe đến hai chữ tha thứ. Nếu chúng ta biết tha thứ, chúng ta sẽ lôi kéo được người khác theo Chúa Giêsu, và vào với cộng đoàn chúng ta, hoặc sẽ gây nên sự chống đối, chế nhạo và ruồng bỏ, như Chúa Giêsu đã chịu.

Chúa Giêsu không bảo các Môn đệ tự bảo vệ mình hay tự bào chữa. Ngài không muốn họ trở nên như những đồ vật chưng trong viện bảo tàng. Ngài không muốn Giáo hội Ngài khóa cửa lại, không đón nhận những phần tử mới, những người từ các nền văn hóa khác, những tư tưởng mới. Chúa Giêsu không muốn một cộng đoàn chỉ gồm những người quen biết nhau họp lại, hợp ý nhau, cầu nguyện với nhau và che chở cho nhau hầu mong chờ ngày Ngài trở lại.

Trái lai, Chúa Giêsu mời gọi các ông dấn thân vào trong thế gian đầy âu lo trắc trở, để sống và thực hành theo lời Ngài dạy: bắt đầu với sự tha thứ; đón chào tha nhân; quan tâm đến những người bị bỏ rơi khinh miệt; bênh vực kẻ bị bất công; và lên tiếng nâng đỡ những kẻ hoạn nạn. Tại sao các Môn đệ làm được, trong khi các ngài cũng là người phàm như chúng ta? Tại sao các Môn đệ và chúng ta sống được đời sống của Chúa Giêsu giữa một thế giới đã ruồng rẩy Ngài và sẽ ruồng rẩy chúng ta? Chỉ với Thánh Linh của Ngài sao!

Chúa Giêsu đã cho các Môn đệ và cho cả chúng ta nữa, Thánh Linh của Ngài: đó là nguồn sống, là năng lực; nguồn lực thúc đẩy Ngài làm những điều Ngài đã nói. Ngài thổi hơi Thánh Linh của Ngài trên các Môn đệ. Ngài cùng thổi hơi Thánh Linh Ngài trên chúng ta, hôm nay và mọi ngày. Mỗi khi chúng ta cần nói, cần can đảm, cần sức mạnh để quyết định sống đức tin trong thế gian này. Ngài sẽ nói "bình an" và thổi hơi Thánh Linh Ngài trên chúng ta trong bữa Tiệc Thánh này. Và chúng ta đáp lại "Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến trong lòng chúng con, là kẻ tin cậy Người, xin hãy đốt lên trong lòng chúng con ngọn lửa yêu mến."

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP