Trên sân cỏ Euro 2008 ( 4)



Khi một đội banh tiến ra sân cỏ thi đấu, người ta không chỉ chú ý đến tên tuổi cùng trình độ chuyên nghiệp chơi banh của các Cầu thủ, nhưng còn chú ý nhiều hơn nữa tới Huấn luyện viên, người tập luyện dìu dắt đội banh.

Triết lý chơi thi đấu chuyền banh, kỹ thuật nhồi banh, đội hình cùng cung cách dàn chạy lên xuống trên sân cỏ của các cầu thủ phản ảnh lại những gì Huấn luyện viên đã vạch vẽ ra cho họ lúc luyện tập trước đó. Huấn luyện viên là bộ óc điều khiển đội banh.

Có thể nói, chiến thắng của đội banh trên sân cỏ cũng là chiến thắng của Huấn luyện viên. Ông cũng nhận được nhiều lời chúc mừng, ca ngợi vui mừng reo hò cùng cám ơn, như vị anh hùng.

Thất bại thua trận của một đội banh cũng ảnh hưởng rất mạnh đến tương lai nghề nghiệp huấn luyện của ông. Vì thế sau những trận thua liên tiếp, Huấn luyện viên một là tự ý từ chức hai là bị ban lãnh đạo đội banh sa thải. Ông là mũi nhọn của nhiều lời phê bình chỉ trích.

Có điều gì tương đồng giữa Huấn luyện viên banh đá với Huấn luyện viên trong đời sống đức tin đạo giáo không?

Không dám, cùng càng không được phép đơn giản thu tóm đời sống đức tin lại như một đội đá banh. Nhưng trong đời sống Giáo Hội, những vị chủ chăn hướng dẫn tinh thần đức tin đạo giáo đâu có khác gì là những Huấn luyện viên về đức tin!

Xin được phép ngược dòng lịch sử Giáo Hội tìm về cội nguồn cách đây hơn hai nghìn năm. Chúa Giêsu khi đi rao giảng về nước Thiên Chúa đã kêu gọi chọn 12 Tông đồ làm cột trụ nền tảng cho Giáo Hội Công giáo. Ngài đặt Thánh Phero đứng đầu làm thủ quân đoàn Môn đệ 12 người. Nhưng sau cùng đội (banh) Môn đệ còn lại 11 người.

Đoàn đội 11 người này là khởi đầu cho Giáo Hội của Chúa từ khi Chúa về trời trên sân cỏ đời sống ở trần gian: “ Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." (Cv 1,8).

Chưa xong, lệnh truyền của Chúa làm sao trải rộng sân cỏ đời sống đức tin tới mọi biên cương trái đất. Vì thế cần nhà huấn luyện hăng say dấn thân cho việc này. Và Chúa đã tìm ra cùng kêu gọi Thánh Phaolô vào vị thế này.

1- Trong việc tuyển lựa chọn huấn luyện viên cho đội banh, nhiều khi ban lãnh đạo đi thuê chọn một huấn luyện viên, lẽ dĩ nhiên yếu tố khả năng là ưu tiên hàng đầu, không chỉ xa lạ mà có khi còn có ý kiến khác mới lạ với ban lãnh đạo nữa.

Trường hợp Thánh Phaolô tương tự như vậy. Ông Phaolô không được huấn luyện trực tiếp với Chúa Giêsu như Phêrô. Nhưng ông được huấn luyện trong một khung cảnh môi trường trí thức sách vở, có một nền học vấn uyên bác ở ngưỡng cửa đại học thời đó. Ông được huấn luyện về cung cách tìm tòi, đối chất biện bác và viết lách.

Ông là đối thủ với Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô thuở Hội Thánh còn sơ khai. „ Còn Saolo thì cứ phá Hội Thánh: ông đến từng nhà lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục.“ ( Cv 8,3).

Nhưng „ thế gian bỗng tự nhiên ra khác“, Chúa Giêsu đã hoán cải ông ngay trên đường đi tìm lùng diệt phá Hội Thánh Chúa, và dùng ông làm Huấn luyện viên cho việc rao giảng nước Chúa trong Hội thánh: „ Mọi người nghe ông giảng đều kinh ngạc và nói: Ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu sao?...Nhưng Phaolô càng thêm vững mạnh và ông làm cho người Do Thái ở Damaskus phải bẽ mặt, khi chứng minh rằng Ðức Giêsu là Ðấng Mêsia.“ ( Cv 9,21-22).

Yếu tố phản chứng đối nghịch không cản trở việc huấn luyện. Trái lại nhiều khi lại tốt, giúp huấn luyện viên phát triển sáng kiến mới và nhiệt thành hăng say dấn thân hơn!

2- Khi được hỏi làm sao để thi đấu thắng trận. Huấn luyện viên thường nói: Trái banh trên sân cỏ lúc nào cũng tròn. Các cầu thủ phải tập, tập và tập luyện luôn luôn, cùng tuân giữ kỷ luật!

Huấn luyện viên Phaolô dùng hình ảnh trong thể thao, làm phương pháp thao luyện tinh thần niềm tin, như „ Người tham dự điền kinh cũng vậy, không đoạt gỉai nếu không thi đấu theo luật lệ“ ( 2 Tm 2,5).

Lời hướng dẫn minh bạch rõ ràng!

3- Trên sân cỏ thi đấu, khi thấy đội hình cầu thủ có vẻ như rời rạc, huấn luyện viên ở mép sân thường la hét ra dấu chỉ tay thúc dục các cầu thủ đội mình chạy tiến lên tấn công, hay chạy vòng ngược trở lại phòng thủ giữ nhà...

Huấn luyện viên Phaolô cổ vũ tinh thần người tín hữu Chúa Kitô như sau: „ Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt gỉai. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng.“ (1 cor 9,24)

Lời chỉ bảo cổ võ khuyến khích, nhưng cũng là lời cảnh cáo thúc dục!

4- Các huấn luyện viên thường khuyến khích các cầu thủ đội mình chơi thi đấu tận lực, nhưng với tinh thần thế thao có kỹ thuật cùng có văn hóa nghệ thuật cao đẹp.

Huấn luyện viên Phaolô khuyên nhủ học trò mình: „ Anh Timotheo, đó là chỉ thị tôi trao cho anh là người con của tôi, chiếu theo các lời ngôn sứ trước đây đã nói về anh, để anh dựa vào đó mà chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này, với đức tin và lương tâm ngay thẳng.“ (1 Tm 1,18-19).

Fair play trên sân cỏ cuộc thi đấu bóng đá, và fair play trên sân cỏ cuộc đời!

5- Tinh thần đồng đội cùng nhau thi đấu, giúp nhau chuyền banh phá lưới khung thành đối thủ là yếu tố giúp đưa đến thành công. Trước trận thi đấu huấn luyện viên thường nói những lời khuyến khích tinh thần cầu thủ cùng chung vai sát cánh chơi thi đấu.

Huấn luyện viên Phaolô đưa ra chỉ dẫn trong nếp sống đạo đức: „ Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.“ ( 1 Cr 13,13).

Tình yêu Thiên Chúa và con người giữa con người với nhau là điểm cao qúy trong cuộc sống chung!

6- Là người hướng dẫn dìu dắt các cầu thủ cả về mặt tinh thần. Nên Huấn luyện viên không chỉ chú ý đến phần kỹ thuật nhồi chuyền banh, đến thể lực dẻo dai của cầu thủ. Nhưng còn cả phong cách sống cư xử của cầu thủ với nhau trong đội banh, với Trọng tài trên sân banh, với các cầu thủ của đội banh bạn cùng với khán gỉa nữa: dành chiến thắng, nhưng chơi thi đấu với tinh thần ngay thẳng cùng lịch sự, kính trọng nhau.

Huấn luyện viên Phaolô vạch ra lối sống giữa nhau: „Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo!“ (Col. 3, 12-14).

Mens sana in copore sano - Tinh thần lành mạnh trong thân xác khỏe mạnh! Một lối huấn luyện hài hòa trong ngoài, tinh thần lẫn thể xác, củng cố lối sống đức tin, cùng cung cách sống tình người!

7-Trong suốt trận thi đấu trên sân cỏ, Huấn luyện viên đứng ngồi không yên theo dõi diễn biến xảy ra. Khi thấy cầu thủ nào của đội mình phạm lỗi kỷ luật bị phạt cảnh cáo, hay bị thương nơi thân thể, hay có vẻ như mệt nhọc đuối sức uể oải, ông hồi hộp lo lắng tìm cách cho chữa chạy an ủi nhắc bảo, nếu cần thiết cho cầu thủ khác vào sân thay thế.

Huấn luyện viên Phaolo đưa ra những lời thân tình nhắc bảo, cảnh cáo học trò mình về tinh thần cùng cung cách sống trung thành vơi Ơn kêu gọi: “ Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.

Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.8 Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.9

Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su,nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su đã xuất hiện. Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.11 Thiên Chúa đã đặt tôi làm người rao giảng Tin Mừng đó, làm tông đồ và thầy dạy.

Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó.

Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy.Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta. “ ( 2 Timotheo,6-14).

Lời khuyên nhủ sống theo kỷ luật thật chính xác cùng đậm nét thân tình đầy lòng xác tín của một Thầy dậy - Huấn luyện viên - Phaolô cho học trò Timotheo của mình!

*****************************

Ngay từ thuở đầu đời và rồi trong suốt dọc đời sống, cha mẹ là Huấn luyện viên của con cái mình. Con cháu cần được huấn luyện chỉ bảo” học ăn, học nói, học gói, học mở” trong đời sống.

Con cái cần được huấn luyện biết hướng lên trời cao, biết sống tự lập, biết sống vươn lên, biết sống chung trong cộng đồng xã hội. Đời sống trong gia đình thấm nhuần cung cách huấn luyện chỉ dẫn của cha mẹ cho con cái mình là một trường giáo dục đào tạo rất tốt cho họ hôm nay và ngày mai.

Đời sống đức tin người tín hữu Chúa Giêsu Kitô trong lòng Giáo Hội cũng cần những chỉ dẫn nhắc bảo cùng cổ võ khuyến khích. Giáo Hội là Thầy dậy, là nhà Huấn luyện được Chúa tuyển chọn làm công việc huấn luyện này.

Kỷ niệm năm Thánh Phaolo 29.06.2008