Các thành viên của Thượng hội đồng về tính Thượng hội đồng tham dự một cuộc họp tại Vatican. (Nguồn: Vatican Media.)


Elise Ann Allen của CruxNow, ngày 1 tháng 10 năm 2024, viết:

Trước khi bắt đầu giai đoạn cuối cùng trong một tiến trình Thượng hội đồng từng cho thấy một số điểm mới, bao gồm sự tham gia của giáo dân và quyền bầu cử của phụ nữ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ trì một buổi lễ sám hối để xin tha thứ một danh sách tội lỗi mới.

Trong danh sách đó có những tội chống lại tính Thượng hội đồng và "sử dụng giáo lý như những hòn đá để ném" vào người khác.

Phát biểu trong buổi lễ sám hối ngày 1 tháng 10 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng cho biết, "Giáo hội luôn là Giáo hội của những người nghèo trong tinh thần và của những tội nhân đang tìm kiếm sự tha thứ, và không chỉ của những người công chính và các thánh, mà đúng hơn, của những người công chính và các thánh nhận ra mình là người nghèo và tội nhân."

Ngài cho biết ngài đã viết những lời cầu xin tha thứ do nhiều Hồng Y đọc to trong buổi lễ, “bởi vì cần phải gọi đích danh tội lỗi của chúng ta”.

Trong buổi lễ, Đức Hồng Y Oswald Gracious của Bombay đã cầu xin tha thứ cho “tội thiếu can đảm, lòng can đảm cần thiết để tìm kiếm hòa bình và công nhận phẩm giá của mỗi người”, cũng như việc không tôn trọng sự sống “trong mọi giai đoạn của nó”.

“Để tạo ra hòa bình, cần có lòng can đảm: Nói có với cuộc gặp gỡ và nói không với xung đột; nói có với sự tôn trọng các thỏa thuận và nói không với sự khiêu khích; nói có với sự chân thành và nói không với sự gian dối”, ngài nói, cầu xin tha thứ cho việc biện minh cho chiến tranh và phân biệt đối xử.

Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, đã cầu xin tha thứ cho những tội lỗi chống lại sáng thế, người bản địa và người di cư, lên án việc khai thác trái đất và bản năng thực dân, và cầu xin tha thứ cho việc tham gia vào “việc hoàn cầu hóa sự thờ ơ”.

Đức Hồng Y Sean O’Malley, Tổng giám mục danh dự của Boston và là chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, đã cầu xin sự tha thứ cho tội lạm dụng, bao gồm cả lạm dụng lương tâm, quyền lực và lạm dụng tình dục.

Ngài đặc biệt cầu nguyện “cho tất cả những lần chúng ta đã lợi dụng điều kiện của thừa tác vụ thụ phong và đời sống thánh hiến để phạm tội lỗi khủng khiếp này, cảm thấy an toàn và được bảo vệ trong khi chúng ta đang lợi dụng một cách quỷ quyệt những đứa trẻ và người nghèo”.

Đức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã cầu xin sự tha thứ cho những tội lỗi chống lại phụ nữ, gia đình và những người trẻ tuổi.

Ngài cầu xin sự tha thứ thay mặt cho tất cả mọi người trong Giáo hội, “đặc biệt là chúng ta, những người đàn ông, cảm thấy xấu hổ vì tất cả những lần chúng ta không công nhận và bảo vệ phẩm giá của phụ nữ, vì khi chúng ta khiến họ câm lặng và nhu nhược, và không ít lần bị bóc lột, đặc biệt là trong điều kiện của đời sống thánh hiến”.

Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã cầu xin sự tha thứ cho “tất cả những lần trong Giáo hội, đặc biệt là chúng ta, những mục tử được giao phó nhiệm vụ củng cố anh chị em mình trong đức tin, đã không thể bảo vệ và đề xuất Tin Mừng như một nguồn sống mới vĩnh cửu, ‘nhồi nhét nó’ và có nguy cơ biến nó thành một đống đá chết để ném vào người khác”.

“Tôi cầu xin sự tha thứ, cảm thấy xấu hổ vì tất cả những lần chúng ta đã đưa ra lý lẽ giáo lý để biện minh cho cách đối xử vô nhân đạo”, và vì những nỗ lực cản trở “nhiều quá trình hội nhập văn hóa hợp pháp khác nhau về chân lý của Chúa Giêsu Kitô”, ngài nói.

Đức Hồng Y Cristóbal López Romero, Tổng giám mục Rabat đã cầu xin sự tha thứ vì đã ngoảnh đầu đi hướng khác “trước bí tích của người nghèo, thích trang điểm cho bản thân và bàn thờ bằng những đồ vật có giá trị tội lỗi lấy cắp bánh mì của người đói”.

Ngài cũng xin tha thứ vì đã đầu hàng trước “sự quyến rũ của quyền lực và sự nịnh hót” của đặc quyền và danh hiệu, cũng như vì đã khép kín trong “sự tự tham chiếu” và do đó không vươn tới được các vùng ngoại vi vật chất và hiện sinh.

Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng giám mục Vienna, đã xin tha thứ vì đã không xây dựng được “một Giáo hội thực sự đồng nghị, giao hưởng, nhận thức được mình là những người thánh thiện của Chúa, những người cùng nhau bước đi và công nhận phẩm giá chung của phép rửa tội”.

Ngài đã cầu xin tha thứ vì “thích lắng nghe chính mình, bảo vệ các ý kiến và hệ tư tưởng làm tổn hại đến sự hiệp thông trong Chúa Kitô của tất cả mọi người”, và vì đã biến “thẩm quyền thành quyền lực, bóp nghẹt sự đa dạng, không lắng nghe mọi người, khiến nhiều anh chị em khó tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội”.

Ngoài các lời cầu xin tha thứ, ba lời chứng cũng đã được đưa ra, đại diện cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, chiến tranh và hoàn cảnh khó khăn của người di cư.

Chị Deema, đến từ Homs, Syria, đã nói về cuộc nội chiến đã xé nát đất nước của chị, dẫn đến, theo chị, “sự từ chối mọi hình thức đồng cảm, dán nhãn người khác là kẻ thù và thậm chí trong những trường hợp cực đoan là hạ thấp nhân tính của họ và biện minh cho việc giết họ”.

Cần phải có “nỗ lực phi thường” để hàn gắn các mối quan hệ, chị nói, và kêu gọi cam kết “phản kháng bất bạo động”.

Laurence, mộtca sĩ đến từ Nam Phi, đã nói về việc bị một linh mục xâm hại tình dục khi mới 11 tuổi, và về hậu quả tâm lý lâu dài mà nạn nhân, gia đình và cộng đồng của họ phải gánh chịu, cũng như khó khăn của những người sống sót khi lên tiếng và sự thiếu minh bạch trong Giáo hội.

"Trong nhiều thập niên, các cáo buộc đã bị bỏ qua, che đậy hoặc xử lý nội bộ thay vì báo cáo với chính quyền. Sự thiếu trách nhiệm này không chỉ cho phép những kẻ xâm hại tiếp tục hành vi của chúng mà còn làm xói mòn lòng tin mà rất nhiều người từng đặt vào địnnh chế", ông nói.

Ông cho biết sự miễn cưỡng của Giáo hội trong việc giải quyết những tội ác này "là một sự bất công đối với các nạn nhân và là sự phản bội trách nhiệm đạo đức và tinh thần của Giáo hội".

Ông cũng nói về tác động của các vụ tai tiếng đối với xã hội, nói rằng chúng đã làm tổn hại đến tính đáng tin cậy của Giáo hội và phá vỡ lòng tin.

"Khi một định chế nổi tiếng như Giáo Hội Công Giáo không bảo vệ được những thành viên dễ bị tổn thương nhất của mình, điều đó gửi đi thông điệp nói rằng công lý và trách nhiệm có thể thương lượng được—trong khi trên thực tế, chúng phải là nền tảng", ông nói.

Sara, giám đốc của Fondazione Migrantes, đã chia sẻ về kinh nghiệm làm việc với những người di cư gần đảo Lampedusa của Ý, lưu ý rằng nhiều người được họ chăm sóc đều bị chấn thương, suy dinh dưỡng và "chịu mọi hình thức bạo lực".

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài phát biểu của ngài đã nói rằng tội lỗi là thứ luôn làm tổn thương các mối quan hệ, trước hết là với Chúa và cả với những người khác.

"Không ai được cứu một mình, nhưng cũng đúng là tội lỗi của một người để lại hậu quả cho nhiều người", ngài nói, và nói rằng Giáo hội "về bản chất đức tin và lời công bố luôn luôn hợp lý, và chỉ bằng cách chữa lành các mối quan hệ đang đau yếu, chúng ta mới có thể trở thành một Giáo hội đồng nghị".

Giáo hội và các tín hữu, ngài nói, phải nhận ra những sai lầm của mình để chữa lành vết thương và trở thành những nhân chứng đáng tin cậy.

Điều này bắt đầu bằng việc xưng thú tội lỗi của mình, ngài nói, và đặt câu hỏi về việc các tín hữu thường chỉ dành không gian cho bản thân và những ý tưởng, phán đoán và quan điểm của họ, mà không dành không gian cho Chúa hoặc người khác.

"Ngày nay, tất cả chúng ta đều giống như người thu thuế, chúng ta cúi mặt và xấu hổ về tội lỗi của mình. Giống như ông này, chúng ta vẫn ở lại phía sau, giải phóng rộng không gian bị chiếm giữ bởi sự kiêu ngạo, đạo đức giả và lòng kiêu hãnh,” ngài nói.

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng không thể kêu cầu danh Chúa mà không cầu xin sự tha thứ từ anh chị em mình, cũng như từ trái đất và mọi loài thụ tạo.

“Trong thực tế của cái ác và sự đau khổ của những người vô tội, chúng ta tự hỏi: Chúa ở đâu? Nhưng chúng ta phải tự hỏi và tự vấn về trách nhiệm của mình khi chúng ta không thể ngăn chặn cái ác bằng điều thiện.”

Người có đức tin không thể “giả vờ giải quyết xung đột bằng cách kích động bạo lực ngày càng tàn bạo hơn, tự cứu mình bằng cách gây ra đau khổ, tự cứu mình bằng cái chết của người khác,” ngài nói.

Ngài nói rằng cần phải thú nhận tội lỗi của mình trước Thượng hội đồng để tái lập lòng tin và làm cho lời chứng của mình đáng tin cậy hơn, “chúng ta phải làm phần việc của mình, thậm chí mắc lỗi.”

“Chúng ta tiếp tục sứ mệnh hết khả năng của mình, nhưng bây giờ chúng tôi quay sang các bạn, thưa các bạn trẻ, những người mong đợi chúng tôi truyền đạt chứng ngôn của mình, cầu xin sự tha thứ từ các bạn nếu chúng tôi đã không đáng tin cậy,” ngài nói.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng lời cầu xin sự tha thứ “cho mọi tội lỗi của chúng con” và cầu xin Chúa giúp Giáo hội “phục hồi khuôn mặt của Chúa mà chúng con đã làm biến dạng vì sự bất trung của mình. Chúng con cầu xin sự tha thứ, cảm thấy xấu hổ, đối với những người đã bị tổn thương bởi tội lỗi của chúng con”.

Được Đức Giáo Hoàng chính thức khai mạc vào tháng 10 năm 2021, Thượng hội đồng giám mục về tính đồng nghị là một quá trình tham vấn nhiều giai đoạn đã diễn ra ở cấp địa phương, quốc gia, lục địa và hoàn cầu.

Sau cuộc họp ban đầu tại Rome vào năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên giáo dân nói chung được phép tham gia và phụ nữ được trao quyền bỏ phiếu, thượng hội đồng sẽ lên đến tuyệt đỉnh với cuộc họp tại Rome từ ngày 2 đến ngày 27 tháng 10 trong tháng này, quy tụ 368 tham dự viên từ khắp nơi trên thế giới.