Chương Bốn: Màn chen quan trọng: Công đồng Vatican II, tiếp theo



Gaudium et Spes

Hầu hết các văn kiện của Giáo hội đều do các ủy ban viết và, ngoài bản chất chuyên biệt và khó hiểu của phần lớn chất liệu, chúng còn mang những nhược điểm về văn phong của nhóm tác giả như vậy. (20) Nhà thơ vĩ đại Ái Nhĩ Lan hiện đại William Butler Yeats từng lập luận rằng văn phong tẻ nhạt cho thấy sự thiếu niềm tin chân thực: “'Chúa Thánh Thần là suối nguồn trí thức', và các Giám mục có tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ tự biểu lộ trong trang trí và kiến trúc, trong cách cư xử hàng ngày và văn phong viết không? Người mộ đạo nào có thể đọc các thư mục vụ của phẩm trật chúng ta mà không kinh hãi trước một văn phong thiu thỉu, thô thiển và mơ hồ, giống như văn phong của các tờ báo hàng ngày?” (21) Một cách nào đó, lời chỉ trích ấy công bằng, nhưng không đúng đồng đều cho mọi sản phẩm của phẩm trật. Chẳng hạn, một ngoại lệ đáng chú ý từ Công đồng Vatican II là bản văn thường đầy sinh lực và sáng suốt về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại, Gaudium et Spes.

Henri de Lubac đã đóng một vai trò trong việc soạn thảo nhiều tài liệu công đồng khác nhau, nhưng có thể tinh thần của ngài hiển hiện nhất qua những cách Gaudium et Spes hình dung ra những mối liên hệ gần gũi hơn theo kiểu mới giữa Giáo hội và thế giới và tham gia vào một loạt vấn đề —không những gia đình và đạo đức, như trong các tài liệu tương tự, mà còn cả chủ nghĩa vô thần, kỹ thuật, kinh tế và bản chất đặc thù của nền văn hóa hoàn cầu hóa hiện đại. Nếu Lumen Gentium, một cách nào đó, có thể được cho là đánh dấu sự kết thúc của phong trào Phản Cải cách, thì Gaudium et Spes tìm cách giải quyết một số chủ đề hiện đại về tự do và phẩm giá con người mà phần lớn người Công Giáo vốn chống đối, một phần vì bạo lực đã làm cho Giáo hội sau Cách mạng Pháp. Tất cả những phát triển này dường như ủng hộ lập luận của de Lubac rằng sự tách biệt giữa các vấn đề trần thế và tâm linh, đặc trưng của thế giới hiện đại, có nguồn gốc sâu xa nhất từ sự tách biệt thần học giữa “tự nhiên thuần túy” và ân sủng, điều mà de Lubac cho rằng đó là cách hiểu sai lệch về truyền thống Công Giáo.

Nhưng không phải chỉ có bản chất thần học sâu sắc, mà cả sự cởi mở và tự tin về quan điểm, trong cam kết đổi mới với các chân lý của đức tin, đã phản ảnh de Lubac rõ nhất:

“Niềm vui và hy vọng, đau buồn và lo lắng của con người thời đại này, đặc biệt là những người nghèo hoặc bất cứ người nào đau khổ, đó là niềm vui và hy vọng, đau buồn và lo lắng của những người theo Chúa Kitô. Thật vậy, không có gì chân chính của con người lại không gây được tiếng vang trong lòng họ. Vì cộng đồng của họ là một cộng đồng bao gồm những con người. Hiệp nhất trong Chúa Kitô, họ được Chúa Thánh Thần dẫn dắt trong cuộc hành trình của họ tiến về Vương quốc của Chúa Cha họ và họ chào đón tin mừng cứu độ dành cho mọi con người. Đó là lý do tại sao cộng đồng này nhận ra rằng nó thực sự được liên kết với nhân loại và lịch sử của nó bằng những mối liên kết sâu sắc nhất”. (GS 1)

Đây là những lời mở đầu chân thành và cân chỉnh của văn bản, và khó có thể tìm được cách diễn đạt nào tốt hơn về cảm thức của đạo Công Giáo—luôn cổ kính, luôn mới mẻ—ở bất cứ đâu. Những tình cảm lớn như vậy đã có nhiều tác động tốt và, theo cách mà Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã nỗ lực để rút ra một phiên bản trung thành hơn của tầm nhìn từ tình trạng hỗn loạn xảy ra sau đó, vẫn mang lại nhiều hứa hẹn.

Nhưng đối với tiềm năng đó, cũng phải nói rằng những ảnh hưởng tổng hợp của các năng lực được thả lỏng tại Công đồng và phong trào tranh đấu cấp tiến của các thập niên 1960 và 1970 bên trong và bên ngoài Giáo hội, cùng với một số yếu tố khác, đã dẫn đến những kết quả khá lẫn lộn. Như thường xảy ra khi một sự điều chỉnh mạnh mẽ được áp dụng vào một vấn đề lâu đời – trong trường hợp này, là việc Giáo Hội sợ hãi và đôi khi vắng mặt đối với thế giới hiện đại – thì quả lắc xoay theo Công đồng sang một thái cực ngược lại. Không phải ngẫu nhiên mà không ít dòng tu bắt đầu thấy những cam kết đức tin của họ không khác mấy so với những cam kết của những người hoạt động xã hội và hoạt động chính trị và coi những vấn đề của xã hội là những vấn đề dễ giải quyết nếu chỉ cần có thiện chí. (Điều này bất chấp việc bị mất uy tín cách chung của quan điểm lạc quan về “sự tiến bộ” sau những nỗi kinh hoàng của Thế chiến I và II.) Phần lớn khía cạnh thiêng liêng của đức tin và việc đánh thực tiễn hơn đối với tội lỗi và tình trạng hỗn loạn dai dẳng của thế giới đã không còn nơi nhiều giới Công Giáo trong những năm ngay sau Công đồng.

Giáo hội và Văn hóa

Một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất xuất hiện trong tài liệu Gaudium et Spes là cách đối xử với văn hóa đương thời. Để phù hợp với định hướng chung của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, văn hóa hiện đại được nói đến ở hầu hết mọi nơi dưới dạng ca ngợi và hầu như là ngưỡng mộ, chỉ với một vài lời cảnh cáo rằng, với tất cả sự phong phú của nó, nó không nên tự thu mình lại và do đó, đóng cửa với Thiên Chúa. Nhưng thậm chí còn hơn cả những phán đoán của mình về các trào lưu chính trị và xã hội, Gaudium et Spes khá lạc quan rằng Giáo hội có thể rút tỉa cách hữu hiệu từ nền văn hóa hiện đại như đã từng làm với nền văn hóa Hy Lạp-La Mã cổ xưa mà từ đó đã trở thành một yếu tố trung tâm trong việc đạo Công Giáo tự hiểu mình. Tuy nhiên, như nhiều nhà phê bình đã chỉ ra, nền văn hóa cổ thời cởi mở với Thiên Chúa và tiền Kitô giáo. Do đó, nó có thể được thích ứng và tái định hướng bởi một đức tin Kitô giáo năng động. Trong khi, nền văn hóa hiện đại phần lớn được phát triển theo giả định rằng văn hóa có thể tự trị đối với các xem xét thần học, điều này nhất thiết có nghĩa là các nguyên tắc của nó, hậu Kitô giáo, cũng phản Kitô giáo. Biến những nguyên tắc đó thành việc sử dụng của Kitô giáo không những chỉ hoàn toàn khó khăn, mà còn gặp một nguy cơ, trên thực tế, đã xảy ra: việc tái cấu trúc các ý niệm và thực hành Kitô giáo cho phù hợp với những phê phán gay gắt của nền văn hóa hiện đại. (22)

Mặc dù Công đồng muốn hợp tác với nền văn hóa hiện đại và thế giới nói chung như một cách truyền giảng Tin Mừng đáng lẽ đã phải làm từ lâu, nhưng cách tiếp cận mà Công đồng đưa ra không thể không gặp rắc rối một cách mau chóng. Vào đầu những năm 1960, chủ nghĩa cấp tiến hiện đại tự coi mình và thường được những người khác coi là trung lập về mặt văn hóa. Nó dường như là một loại thị trường bỏ ngỏ của các ý tưởng, trong đó tất cả đều được tự do đưa ra quan điểm của mình và thuyết phục người khác về sức mạnh của nó. Nếu điều này đúng, thì một kiểu đối thoại giữa chủ nghĩa cấp tiến và đạo Công Giáo - đối thoại là một thuật ngữ được sử dụng nhiều trong Gaudium et Spes – đáng lẽ đã có thể thực hiện được rồi. Trên thực tế, quyền tự chủ và các quyền như thường được quan niệm trong chủ nghĩa cấp tiến hiện đại là một sự đi trệch triệt để khỏi quan điểm của Kitô giáo. Điều đó hiển nhiên trong cách, chẳng hạn như Cách mạng Pháp từng dẫn đến việc đàn áp Công Giáo và sau đó loại trừ Công Giáo và tất cả các ý niệm tôn giáo khác khỏi các vấn đề công cộng, và phần lớn là khỏi văn hóa công cộng. Kết quả, tốt nhất, là Đạo Công Giáo sẽ đưa ra yêu sách đối với một số cá nhân nào đó, nhưng các niềm tin hướng dẫn phổ biến là các niềm tin không công nhận yêu sách thần linh nào đối với nhà nước hoặc cá nhân, và các quyền chính trị và bản thân bị chặn rào như thế chỉ bị hạn chế bởi các ý niệm cấp tiến về điều gì cấu thành tội gây hại cho người khác. Trong khi các giá trị Kitô giáo vẫn còn hiện diện như một tàn dư, điều này có nghĩa là những thực hành như tà dâm, phá thai, ly dị, v.v., được thực hành nhưng bị coi khinh. Và những yêu sách lớn hơn về công lý liên kết với tình liên đới Kitô giáo phải hiện hữu một cách mờ ảo.

Nhưng tồi tệ hơn, với sự cấp tiến hóa xảy ra vào cuối những năm 1960, rõ ràng là truyền thống cấp tiến cũ không có gì người ta có thể dùng để chống lại việc tự khẳng định [self-assertion] kiểu Nietzsche sẽ xuất hiện sau này. (23) Trong tương lai, nhiều hạn chế truyền thống về tác phong riêng tư hoặc tác phong công cộng bị coi là những áp đặt “tôn giáo” không thích đáng và không thể biện minh đối với những người triệt để tự trị. Ở một số quốc gia, khu vực riêng tư - khu vực được bảo vệ mà nhà nước không thể xâm nhập - phát triển mạnh mẽ trong các vấn đề tình dục, trong khi các hạn chế đối với hoạt động kinh tế và các hoạt động được coi là có hại cho môi trường và sức khỏe ngày càng trở nên phiền hà. Nơi mà các quyền cũ hơn dường như bắt nguồn từ tự nhiên và Thiên Chúa của tự nhiên—hoặc, trong bối cảnh Mỹ, từ “Đấng Tạo dựng”—các quyền mới hơn trở thành vấn đề của ý chí thuần túy, và một nhiệm vụ khó khăn đối với nhà nước—và không kém đối với Giáo hội— là lập luận rằng có bất cứ điều gì trong trật tự sự vật tạo tiêu chuẩn có thẩm quyền để đánh giá được mọi con người.

Khi những trào lưu văn hóa này bắt đầu xuất hiện, điều dễ hiểu là các người ủng hộ chúng đã xem những đoạn trong Gaudium et Spes như một loại giấy phép để hoạt động ngay bên trong Giáo Hội Công Giáo. Mục 59 của Hiến chế thoạt nhìn có vẻ ôn hòa, nhưng nó mở ra những khó khăn lớn lao một cách tiềm ẩn:

“Vì những lý do trên, Giáo hội nhắc nhở mọi người rằng văn hóa phải lệ thuộc vào sự hoàn thiện toàn diện của con người, vì lợi ích của cộng đồng và của toàn xã hội. Do đó, cần phải phát triển các khả năng của con người theo cách sao cho kết quả là sự lớn mạnh của khả năng ngưỡng mộ, trực giác, chiêm niệm, đưa ra phán đoán bản thân, phát triển cảm thức tôn giáo, đạo đức và xã hội.

“Văn hóa, vì nó bắt nguồn trực tiếp từ đặc tính thiêng liêng và xã hội của con người, nên thường xuyên cần một quyền tự do chính đáng để phát triển; nó cũng cần khả thể hợp pháp để thực hiện quyền tự chủ của mình theo các nguyên tắc riêng của nó. Do đó, nó đòi hỏi việc tôn trọng một cách đúng đắn và được hưởng một tính chất bất khả xâm phạm trong các giới hạn của lợi ích chung, tất nhiên, miễn là nó duy trì các quyền của cá nhân và cộng đồng, dù là cá biệt hay phổ quát.

“Do đó, Công đồng thánh thiêng này, khi nhắc lại giáo huấn của Công đồng Vatican I, tuyên bố rằng có “hai trật tự nhận thức” khác biệt, đó là đức tin và lý trí; và Giáo hội không cấm 'các nghệ thuật và kỷ luật của con người sử dụng các nguyên tắc và phương pháp riêng của chúng, mỗi nguyên tắc trong lĩnh vực riêng của chúng'; do đó 'khi thừa nhận quyền tự do chính đáng này,' Thánh Công đồng này khẳng định quyền tự trị hợp pháp của nền văn hóa nhân loại và đặc biệt là của các ngành khoa học.

“Tất cả điều này giả định rằng, trong giới hạn của đạo đức và lợi ích chung, con người có thể tự do tìm kiếm sự thật, bày tỏ ý kiến của mình và công bố nó; họ có thể thực hành bất cứ nghệ thuật nào họ chọn; cuối cùng, họ có thể tận dụng thông tin thực sự liên quan đến các sự kiện có tính chất công cộng.

“Đối với thẩm quyền công cộng, chức năng của nó không phải là xác định đặc điểm của nền văn minh, mà đúng hơn là thiết lập các điều kiện và sử dụng các phương tiện có khả năng phát huy đời sống văn hóa giữa mọi người, kể cả trong các nhóm thiểu số của quốc gia. Cần phải làm mọi sự có thể để ngăn chặn văn hóa bị quay lưng lại với mục đích đúng đắn của nó và bị biến thành công cụ của quyền lực chính trị hoặc kinh tế”.

“Những lý do trên” ở đầu đoạn văn này đề cập đến Tin Mừng của Chúa Kitô trong phần trước, nhưng những đoạn văn này đã hơi lo lắng bật đèn xanh cho một loại quyền tự chủ mà các Nghị phụ Công đồng dường như vừa muốn khẳng định vừa muốn hạn định. Các ngành khoa học mà các ngài khẳng định ở những nơi khác là tâm lý học và xã hội học - một cách chuyên biệt, trong thực hành, là lý thuyết Freud và các lý thuyết tâm lý khác một bên, và bên kia là chủ nghĩa Mác – vốn có nhiều tác động tai hại trong Giáo hội đối với sự tự hiểu tôn giáo và nhiều phần trong giáo huấn xã hội Công Giáo, đặc biệt là thần học giải phóng. (24)

Nhưng vấn đề đối với người Công Giáo còn đi sâu hơn. Nếu de Lubac đúng khi cho rằng một việc lên khái niệm sai lầm cho mối tương quan giữa tự nhiên và ân sủng sẽ dẫn đến một “thuyết ngoại tại” [extrinsicism] khiến tự nhiên hoàn toàn tách rời khỏi Thiên Chúa và do đó, có thể tạo ra điều mà ngài gọi là “bi kịch của chủ nghĩa nhân bản vô thần”, thì có thể nói gì về một văn kiện Giáo hội hiện đại dường như muốn nghĩ rằng có nhiều hoạt động tự trị nơi con người? Đây không những chỉ là vấn đề bảo đảm chẳng hạn rằng, những khám phá khoa học hiện đại được sử dụng cho các mục đích đạo đức—tất nhiên, điều đó cũng quan trọng không kém. Nó liên quan nhiều đến việc có bao nhiêu câu hỏi cá nhân và xã hội của con người được lên khuôn khổ. Không có khuôn khổ “khoa học” trung lập nào cho niềm tin tôn giáo, tập tục tình dục hay thực hành xã hội, và điều này đã trở nên rõ ràng ngay cả đối với các nhà tư tưởng thế tục hậu hiện đại chỉ trong vòng vài năm sau Công đồng. Trên thực tế, những gì có vẻ trung lập lại chứa đầy những giá trị và quy điển diễn giải, nhiều điều trong số này chống lại Kitô giáo. Hơn nữa, khi người Công Giáo nhảy qua nhóm của Freud và Jung, Marx và Dewey, trong một thời gian ngắn, các nhà tư tưởng thế tục nào chuyển sang hướng hậu hiện đại sẽ phủ nhận rằng “các bậc thầy đáng ngờ” của thuyết duy hiện đại cũ là những nhà phân tích khách quan và khoa học.

Ẩn phía sau hậu cảnh của văn kiện là một quan điểm gần như kiểu Kant về loài người cuối cùng đã “đến tuổi trưởng thành” và đạt đến “sự chín mùi” hoàn toàn, một đề xuất rất đáng nghi ngờ trong nửa thế kỷ kể từ đó, khi loài người tự chứng tỏ vẫn ở cùng một bình diện như họ đã luôn luôn ở. Tuy nhiên, Công đồng đã thấy một điều khác có thể xảy ra:

“Càng ngày càng có nhiều người, nam cũng như nữ, thuộc bất cứ tập thể hay quốc gia nào, ý thức được chính họ và những người xây dựng và sáng tạo văn hóa của cộng đoàn mình. Trên toàn thế giới, ngày càng gia tăng ý thức tự trị cũng như trách nhiệm. Ðó là điều rất cần để nhân loại trưởng thành trên bình diện tinh thần và luân lý. Ðó là điều sẽ xuất hiện rõ ràng hơn, nếu chúng ta quan tâm đến sự thống nhất thế giới và đến bổn phận chúng ta là phải kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn trong chân lý và công bằng. Do đó, chúng ta là chứng nhân của sự hình thành một nền nhân bản mới trong đó con người được định nghĩa trước hết tùy theo trách nhiệm của mình đối với anh em và đối với lịch sử.” (GS 55)

Một chủ nghĩa nhân bản “được xác định trước hết bởi trách nhiệm này đối với anh em của mình và với lịch sử” khác xa với điều được Jacques Maritain gọi là “chủ nghĩa nhân bản chân chính” và gây ra sự hiểu lầm. Nhìn bề ngoài, khẳng định con người hiện đang sống là “tác giả” của văn hóa là bỏ qua tính liên tục của con người và sự phụ thuộc vào quá khứ. Và trong bối cảnh hiện đại, một lần nữa có lẽ không cố ý, nó khuyến khích một quan niệm nông cạn về phẩm giá con người bao gồm quyền tự chủ và sự lựa chọn theo chủ nghĩa cá nhân triệt để. Hơn nữa, Công đồng dường như muốn xuất hiện một nền văn hóa phổ quát và đồng thời lo lắng rằng một nền văn hóa như vậy có thể sẽ xóa sổ các nền văn hóa truyền thống - thường có tính tôn giáo -, điều này trên thực tế đã xảy ra ở một mức độ nào đó khi các tổ chức quốc tế chà đạp lên các tập tục văn hóa địa phương. Và đối với những câu hỏi thực tế, có những đoạn dường như đã được viết một cách hết sức vội vàng: “Trong các lãnh vực kinh tế và xã hội cũng vậy, phẩm giá và ơn gọi trọn vẹn của con người cũng như phúc lợi của toàn xã hội phải được tôn trọng và thăng tiến. Vì con người là nguồn, là trung tâm và là mục đích của mọi đời sống kinh tế và xã hội” (GS 63). Con người là nguồn gốc của mọi đời sống kinh tế, xã hội? Phải chăng Thiên Chúa không có tiếng nói nào trong những lĩnh vực này và các lĩnh vực được cho là tự trị khác? Không ngạc nhiên gì khi các Kitô hữu và những người Mácxít dường như lờ mờ trong tâm trí của một số người trong những thập niên tới.

Jacques Maritain, người mà công trình trong việc ủng hộ nền dân chủ hiện đại và các ý niệm đương thời về nhân quyền đã ảnh hưởng đến những người soạn thảo Gaudium et Spes, tuy nhiên, đã có một số lời chỉ trích gay gắt về cách nhiều Kitô hữu giải thích văn kiện theo hai phạm trù lớn: “trần tục hóa [temporalization] Kitô giáo” và “quỳ gối trước thế giới”. Ở điều thứ nhất, Ông muốn nói rằng mọi người đã nhầm lẫn, một mặt, sự phục hồi đúng đắn của việc đánh giá thế giới như là sáng thế của Thiên Chúa, một điều tái nối kết chúng ta với sách Sáng thế và mặt khác, toàn bộ hành động của Thiên Chúa trong thời gian, với việc để mặc số phận siêu việt của loài người cho các dự án trần tục. Maritain nói, công lý, tự do, xóa đói giảm nghèo, giáo dục và các mục tiêu khác của con người tất nhiên là những điều tốt lành thực sự, và người Công Giáo buộc phải tìm kiếm chúng và đánh giá cao thế giới này, chứ không phải trốn tránh nó theo kiểu của phái Manikêô. Nhưng nơi những bộ óc và trái tim kém thông sáng, hoạt động xã hội phần nào đã trở thành mục tiêu hàng đầu và duy nhất và thậm chí biến thành một kiểu quỳ gối trước thế giới.

Điều mà Maritain muốn nói qua cụm từ thứ hai là những người Công Giáo, giờ đây không chắc chắn về tầm nhìn Kitô giáo của chính họ, bắt đầu tuân theo các giá trị trần tục, như thể những giá trị đó, ít nhất, không thể bị tranh cãi trong nền văn hóa hiện đại. Ông nói, trớ trêu thay, bạn không thấy người trong thế giới — các nhà khoa học, “kỹ thuật viên, nhà sản xuất, đoàn viên công đoàn, chính khách” — cúi đầu trước “thế giới”; bạn thấy họ theo đuổi tầm nhìn của riêng họ về những điều tốt đẹp. Ngược lại, ngay cả trên bục giảng (Maritain viết năm 1966), tội lỗi, ăn chay, mục đích siêu việt, thế giới bên kia, Thập giá và sự thánh thiện hầu như đã bị loại bỏ khỏi cách nói của Kitô hữu. (25) Ông lập luận, biện pháp khắc phục duy nhất cho việc từ bỏ sứ mệnh này của Giáo hội là việc nên thánh, và các vị thánh. Chúng ta cần được giải cứu khỏi “lỗi lầm điên rồ” tin rằng không hề có vương quốc nào của Thiên Chúa mà lại khác biệt với thế gian. Tất nhiên, chúng ta tìm cách làm điều đúng đắn cho thế giới này, nhưng, theo chính lời của Chúa Kitô, “Ai yêu thế gian, thì tình yêu của Chúa Cha không ở trong người ấy.”

Sự kiện một trong những nhân vật từng giúp thay đổi các thái độ Công Giáo theo hướng ủng hộ dân chủ và ý niệm đúng đắn về quyền tự do của con người đã có phản ứng như vậy, và ngay sau Công đồng, lẽ ra phải là một lời cảnh báo cho thấy có điều gì đó không ổn một cách nghiêm trọng. Một số học giả sau đó đã lập luận rằng một phần chính sự lạc quan của Maritain về văn hóa hiện đại và lời nói của ông về các quyền đã dẫn đến sự thất bại. Và quả có một số sự thật trong lời buộc tội ấy: Maritain đã giúp soạn thảo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, một văn kiện rất hữu ích theo cách của nó, nhưng cũng bị rầy rà bởi sự kiện được chính Maritain nhìn nhận nhận, là: các nguyên tắc căn bản cho các quyền mới của nó khác nhau giữa các nhóm khác nhau—và nhanh chóng dẫn đến những diễn giải trái ngược nhau về ý nghĩa của những quyền đó trong thực tế. Ví dụ, các nguyên tắc về tự do và quyền lợi đã quay trở lại chống chính Giáo hội. Và mặc dù có một số chỗ, phần nào hơi yếu, trong Gaudium et Spes nơi các dự án nhân bản được đặt trong một viễn cảnh thần học đúng đắn, thậm chí cấp tiến hơn là cách một số lời khen ngợi thiếu thận trọng về nền văn hóa hiện đại đã bị sử dụng như một đòn tấn công chống lại Lumen Gentium.

Như chúng ta đã thấy, Hiến chế về Giáo hội có một số phát triển về hàng ngũ giáo dân và quan điểm về Giáo hội như dân Chúa. Nhưng các đặc quyền của các giám mục và giáo hoàng trong tư cách người cai quản và thừa kế nhất thiết của đức tin tông truyền cũng được tái khẳng định một cách rõ ràng. Một số nhà giải thích Công đồng, những người có ảnh hưởng khá lớn đến đời sống của Giáo hội trong những năm tới, coi tất cả những điều đó chỉ là sự sống còn có tính định chế đơn thuần của một quá khứ cần phải loại bỏ - những ý niệm niệm lỗi thời cần được đưa vào các văn kiện đang được khai triển để đạt được đủ số phiếu thông qua. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi trái ngược với Lumen Gentium và thậm chí cả nhiều phần của chính Gaudium et Spes, những ý kiến chưa bao giờ là thành phần của đạo Công Giáo lịch sử về thẩm quyền, sự vâng lời, kỷ luật, phong chức cho phụ nữ, sự độc thân của linh mục, phụng vụ, các bí tích và nhiều vấn đề về định chế và luân lý đã được đưa ra như thể được Công đồng dạy dỗ. Trên thực tế, chúng được dạy dỗ bởi những cách giải thích về Công đồng được Maritain gọi đúng là “việc trần tục hóa Kitô giáo”.

Còn tiếp