Elise Ann Allen, trên Crux ngày 8 tháng 4 năm 2024, tường trình rằng trong một tài liệu mới được công bố hôm thứ Hai, Vatican đã trình bày một cách tiếp cận “áo liền mạch” đối với phẩm giá con người, hợp nhất chương trình nghị sự xã hội tiến bộ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với những mối quan tâm luân lý và đạo đức truyền thống của những vị tiền nhiệm.



Liên kết chặt chẽ với Đức cố Hồng Y Joseph Bernardin của Chicago, cách tiếp cận “áo liền mạch” đối với các vấn đề cuộc sống trong Giáo hội bao gồm sự tôn kính toàn diện đối với sự sống và phẩm giá con người trong mọi trường hợp và hoàn cảnh trên khắp thế giới.

Tuyên bố mới hôm thứ Hai Dignitas Infinita về Nhân phẩm của Bộ Giáo lý Đức tin (DDF) đã trình bày đạo đức sống nhất quán áo liền mạch này, đưa ra một định nghĩa rõ ràng về phẩm giá con người như Giáo hội nhìn nhận và nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ nó từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên.

Nó đề cập đến các vấn đề như chiến tranh, nghèo đói, di cư và khủng hoảng lạm dụng, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ và đề cao phẩm giá con người trong tất cả các trường hợp này, đồng thời nó cũng có quan điểm phê phán về các chủ đề như phá thai, mang thai hộ, lý thuyết phái tính và chuyển đổi giới tính, nói rằng chúng coi thường phẩm giá tự nhiên mà Thiên Chúa đã ban cho con người.

Tuy nhiên, đáng chú ý là Tuyên bố tuy lên án rộng rãi vấn đề chuyển đổi giới tính nhưng lại không đề cập cụ thể đến vấn đề chuyển đổi giới tính ở trẻ vị thành niên, bất chấp cuộc tranh luận hoàn cầu về vấn đề gây tranh cãi này ngày càng gia tăng.

Tài liệu này, đã được soạn thảo trong 5 năm và phiên bản cuối cùng đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn vào tháng trước, trích dẫn không những vị Giáo hoàng đương nhiệm mà cả các vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, đan xen với nhau các nghị trình xã hội và đạo đức của các ngài.

Trong suốt 11 năm làm giáo hoàng của Đức Phanxicô, ngài thường bị coi là mâu thuẫn với cách tiếp cận bảo thủ hơn của những người tiền nhiệm đối với các vấn đề đạo đức như phá thai và đồng tính luyến ái, đôi khi tỏ ra hạ thấp phong trào ủng hộ sự sống trong khi liên tục nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chào đón các cá nhân LGBTQ nhiều hơn.

Được chia thành bốn phần, với phần cuối cùng dành riêng cho một loạt các tình huống có vấn đề, trong đó Tuyên bố nói rằng phẩm giá con người không được công nhận, tài liệu phác thảo những phát triển quan điểm nhân học của Giáo hội về phẩm giá con người và nhiều lần ca ngợi Tuyên bố Phổ quát về Quyền Con người năm 1948 của Liên Hiệp Quốc.

Nó nhấn mạnh bản chất hữu thể học của phẩm giá con người, nói rằng phẩm giá này “thuộc về con người đơn giản vì họ hiện hữu và được Thiên Chúa mong muốn, tạo dựng và yêu thương,” và không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, có nghĩa là nó không bao giờ có thể bị lấy đi.

“Nhân phẩm không phải là thứ được người khác ban tặng cho một người dựa trên năng khiếu hoặc phẩm chất của họ, đến mức có thể bị thu hồi…nó có trước bất cứ sự công nhận nào và không thể bị mất đi. Tất cả mọi người đều có phẩm giá nội tại giống nhau, bất kể họ có thể thể hiện nó theo cách phù hợp hay không”, Tuyên bố Bộ Giáo lý Đức tin cho biết như thế.

Nó nhấn mạnh niềm tin rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa như là nền tảng của “sự thống nhất không thể tách rời giữa thể xác và linh hồn” theo quan điểm của giáo hội về phẩm giá con người.



Tuy nhiên, tài liệu cũng lưu ý rằng con người được hưởng quyền tự do hoàn toàn, đồng thời nói rằng “việc lựa chọn để phát biểu phẩm giá đó và biểu lộ nó một cách trọn vẹn hay che giấu nó tùy thuộc vào quyết định tự do và có trách nhiệm của mỗi người”.

Trích dẫn lời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Tuyên bố cảnh báo rằng nếu không có tôn giáo, nhân phẩm có nguy cơ trở thành nạn nhân “bị bóp méo” hoặc “bị hệ tư tưởng thao túng, hoặc áp dụng một cách phiến diện mà không tính đầy đủ đến phẩm giá của con người”.

Nó cho hay, “Rốt cuộc, việc lạm dụng lý trí như vậy là nguyên nhân dẫn đến nạn buôn bán nô lệ ngay từ đầu và nhiều tệ nạn xã hội khác, đặc biệt là các hệ tư tưởng toàn trị của thế kỷ XX”.

Nhấn mạnh những gì được cho là “sự hiểu lầm” về khái niệm nhân phẩm và ý nghĩa của nó, Tuyên bố chỉ ra việc thúc đẩy “phẩm giá cá nhân” hơn “phẩm giá con người”, trong đó các quyền của con người được ưu tiên hơn các quyền của con người như một tổng thể, khiến một số người, chẳng hạn như trẻ chưa sinh và người bệnh nan y, gặp nguy hiểm.

“Chỉ bằng cách nhìn nhận một phẩm giá nội tại và bất khả xâm phạm nơi mỗi con người, chúng ta mới có thể bảo đảm một nền tảng an toàn và bất khả xâm phạm cho phẩm chất đó. Nếu không có bất cứ nền tảng hữu thể học nào, việc thừa nhận phẩm giá con người sẽ bị dao động trước những phán xét tùy tiện và khác nhau”.

Nhân phẩm, đôi khi cũng bị lạm dụng “để biện minh cho việc phổ biến một cách tùy tiện các quyền mới, nhiều quyền trong số đó mâu thuẫn với những quyền được xác định ban đầu và thường được đặt ra đối lập với quyền cơ bản là sự sống”.

Tài liệu cho biết, phẩm giá dựa trên bản chất con người, chứ không phải “sự tùy tiện cá nhân hay sự công nhận của xã hội”, đồng thời nói rằng nếu không có cơ sở khách quan như vậy, “khái niệm về phẩm giá trên thực tế sẽ trở thành đối tượng của các hình thức độc đoán và lợi ích quyền lực đa dạng nhất”.

Tài liệu cũng nhấn mạnh đến bản chất cộng đồng của phẩm giá con người, nói rằng nó bao hàm sự quan tâm đến phẩm giá của nhiều người, và do đó, có trách nhiệm đối với người khác và với cộng đồng.

Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do tôn giáo, Tuyên bố cũng hoan nghênh những nỗ lực gia tăng nhằm giáo dục về mối nguy hiểm của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ và việc bị gạt ra ngoài lề xã hội đối với phụ nữ, trẻ em, người bệnh và người khuyết tật.

Trong phần phác thảo những gì được cho là một số “sự vi phạm nghiêm trọng đối với phẩm giá con người” trong bối cảnh xã hội hiện đại, Tuyên bố đã chỉ ra các vấn đề như nghèo đói, chiến tranh, di cư, buôn người, an tử và hỗ trợ tự tử, cũng như bạo lực trong lĩnh vực kỹ thuật số như những lĩnh vực mà nhân phẩm bị đe dọa.

Cũng được đề cập là các chủ đề như lạm dụng tình dục, bạo lực đối với phụ nữ, phá thai, mang thai hộ, gạt ra ngoài lề xã hội của người khuyết tật, lý thuyết phái tính và chuyển đổi giới tính.

Về chủ đề lạm dụng tình dục, Tuyên bố cho biết nó “để lại những vết sẹo sâu trong trái tim của những người phải chịu đựng nó” và lan rộng khắp xã hội.

Tuyên bố nói rằng, “Nó cũng ảnh hưởng đến Giáo hội và là một trở ngại nghiêm trọng đối với sứ mệnh của Giáo hội, từ đó bắt nguồn những nỗ lực không ngừng nghỉ của Giáo hội nhằm chấm dứt mọi hình thức lạm dụng, bắt đầu từ bên trong”.



Tuyên bố cũng lên án bạo lực đối với phụ nữ là “một vụ tai tiếng hoàn cầu ngày càng được thừa nhận”.

Nó phê phán việc những lời kêu gọi về phẩm giá bình đẳng của phụ nữ thường kết thúc bằng lời nói, trong khi “sự bất bình đẳng giữa nữ giới và nam giới ở một số quốc gia vẫn rất nghiêm trọng”, ngay cả trong các xã hội phát triển và dân chủ.

Trích lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tuyên bố cho biết “có một nhu cầu cấp thiết để đạt được sự bình đẳng thực sự trong mọi lĩnh vực: trả lương bình đẳng cho công việc như nhau, bảo vệ các bà mẹ đang đi làm, công bằng trong thăng tiến nghề nghiệp, bình đẳng giữa vợ chồng liên quan đến quyền gia đình và sự công nhận mọi điều thuộc về quyền và nghĩa vụ của công dân trong một Nhà nước dân chủ.”

“Các bất bình đẳng ở những khu vực này cũng là những hình thức bạo lực khác nhau”, đồng thời lên án việc thực hành chế độ đa thê và “cưỡng bức phá thai, ảnh hưởng đến cả mẹ và con, thường để thỏa mãn sự ích kỷ của nam giới”.

Nó cũng lên án xu hướng đáng lo ngại của nạn diệt nữ (femicide), một vấn đề quan trọng ở Ý gây chú ý hàng năm, thường là số người chết vào cuối năm dựa trên số lượng phụ nữ bị sát hại trong năm trước.

Tuyên bố cũng lên án việc phá thai là “sự giết hại có chủ ý và trực tiếp, bằng bất cứ phương tiện nào, đối với một con người trong giai đoạn đầu của hiện hữu, kéo dài từ khi thụ thai đến khi sinh ra”, gọi những đứa trẻ chưa sinh là “những đối tượng không có khả năng tự vệ và dễ bị tổn thương nhất và vô tội giữa chúng ta.”

Nó cũng nhắm vào việc thực hành mang thai hộ, vốn đã bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên án trong bài phát biểu của ngài trước đoàn ngoại giao bên cạnh Tòa thánh vào tháng 1, và là điều Tuyên bố cho rằng đã coi “đứa trẻ vô cùng xứng đáng” như một “dồ vật đơn thuần”.

Trích dẫn phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các nhà ngoại giao vào tháng 1, tài liệu cho biết tử cung của người mẹ “không thể bị đàn áp hoặc biến thành đối tượng buôn bán”, gọi việc mang thai hộ là “tồi tệ” và “vi phạm nghiêm trọng phẩm giá của người phụ nữ và trẻ em, dựa trên việc khai thác hoàn cảnh nhu cầu vật chất của người mẹ.”

Tài liệu cho biết, vì phẩm giá bất khả xâm phạm của mình, “đứa trẻ có quyền có nguồn gốc hoàn toàn là con người (chứ không phải giả tạo) và nhận được món quà sự sống thể hiện cả phẩm giá của người cho và phẩm giá của người nhận”.

Mang thai hộ cũng vi phạm phẩm giá của người phụ nữ, “dù họ bị ép buộc hay tự nguyện tuân theo nó”, vì họ bị tách rời khỏi đứa trẻ đang lớn lên bên trong họ và do đó trở thành “một phương tiện đơn thuần phục vụ cho lợi ích hoặc mong muốn độc đoán của người khác.”

Nó cho hay, “Điều này trái ngược về mọi mặt với phẩm giá cơ bản của mỗi con người và với quyền của mỗi con người luôn được công nhận một cách cá nhân và không bao giờ trở thành một công cụ cho người khác”.

Ở Ý, cách xử lý của tài liệu về việc mang thai hộ – ở đây được gọi là utero in affitto, hay “tử cung cho thuê” – có thể sẽ gây được tiếng vang đặc biệt. Một đạo luật năm 2004 đã cấm mang thai hộ ở chính Ý và quyết định năm 2017 của Tòa Hiến pháp Ý giữ nguyên lệnh cấm đó cho biết hành vi này “xúc phạm phẩm giá của phụ nữ và làm suy yếu sâu xa các mối quan hệ con người một cách không thể chấp nhận được”.

Giờ đây, chính phủ bảo thủ hiện tại dưới thời Thủ tướng Giorgi Meloni cũng đang tìm cách quy định việc người Ý thuê người mang thai hộ ở nước ngoài là bất hợp pháp, với mức án tù lên tới 3 năm và số tiền phạt lên tới 1.5 triệu đồng. Dự luật đã được Hạ viện của Quốc hội Ý thông qua vào tháng 7 năm 2023 và hiện đang được đưa ra trước Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Ý.

Một số nhà quan sát kỳ vọng chính phủ sẽ cố gắng thúc đẩy biện pháp này trước cuộc bầu cử châu Âu dự kiến diễn ra vào tháng 6, vì hầu hết các cuộc thăm dò đều cho thấy đa số người Ý phản đối việc mang thai hộ, đặc biệt là khi liên quan đến tiền bạc.

Tuy nhiên, luật đề xuất đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhóm như Famiglie Arcobaleno hay “Gia đình cầu vồng”, những nhóm gần đây đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối bên ngoài một trường đại học do Vatican tài trợ ở Rome với những người đã thuê những người mang thai hộ giơ những tấm biển ghi dòng chữ “Chúng tôi là gia đình, không phải tội phạm”.

Tuyên bố hôm thứ Hai từ Bộ Giáo lý Đức tin cũng lên án việc thực hành an tử và hỗ trợ tự tử, đây cũng là nguồn gốc của cuộc tranh luận gay gắt ở Ý và khắp châu Âu, gọi đó là hành vi vi phạm nhân phẩm “âm thầm hơn” và đang “nhanh chóng có chỗ đứng”.

Tuyên bố cho biết: “Thật độc đáo ở chỗ nó sử dụng sự hiểu biết sai lầm về phẩm giá con người để biến khái niệm về phẩm giá chống lại chính sự sống”, đồng thời lưu ý rằng cái chết êm dịu thường được coi là “cái chết có phẩm giá”.

Đáp lại, Bộ Giáo lý Đức tin cho biết “cần phải nhắc lại một cách mạnh mẽ rằng đau khổ không làm cho người bệnh mất đi phẩm giá…Thay vào đó, đau khổ có thể trở thành cơ hội để củng cố mối quan hệ gắn bó lẫn nhau và nâng cao nhận thức hơn về giá trị quý giá của mỗi người đối với toàn thể gia đình nhân loại.”

Tài liệu cũng lên án việc “bị gạt ra ngoài lề xã hội” đối với người khuyết tật, đồng thời cho rằng “nền văn hóa vứt bỏ” đang ngày càng áp đặt lên xã hội, trong đó những người khuyết tật bị áp bức và bị đối xử như “những thứ bị loại bỏ”.

Tuyên bố viết: “Tuy nhiên, sự thật là mỗi con người, bất kể những tổn thương của họ, đều nhận được phẩm giá của mình từ việc được Thiên Chúa yêu thương và mong muốn”.

Về chủ đề lý thuyết phái tính, mà trước đây Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất mà thế giới hiện đại phải đối đầu, Tuyên bố nhắc lại rằng mỗi người, bất kể khuynh hướng tình dục của họ, phải được tôn trọng, cũng như phải tránh sự phân biệt đối xử và bạo lực đối với họ.

Nó nói, “Cần phải lên án như trái với phẩm giá con ngườ sự kiện là ở một số nơi, không ít người bị cầm tù, tra tấn và thậm chí bị tước đoạt sự sống chỉ vì xu hướng tính dục của họ”.

Tuy nhiên, đồng thời, về lý thuyết phái tính, tài liệu lặp lại sự lên án của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về nó trong bài phát biểu hồi tháng Giêng trước đoàn ngoại giao, trong đó ngài nói rằng “trong những thập niên gần đây, đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa ra các quyền mới không hoàn toàn nhất quán với những gì được xác định ban đầu và không phải lúc nào cũng được chấp nhận.”

Ngài nói thêm, “Chúng đã dẫn đến những trường hợp thực dân hóa ý thức hệ, trong đó lý thuyết phái tính đóng vai trò trung tâm; điều thứ hai là cực kỳ nguy hiểm vì nó hủy bỏ những khác biệt trong tuyên bố của mình nhằm đảm bảo mọi người đều bình đẳng”.

Gọi cuộc sống là một hồng ân của Thiên Chúa, Tuyên bố cho biết mong muốn có “quyền tự quyết cá nhân…ngoài sự thật cơ bản này là cuộc sống con người là một hồng ân, không khác gì một sự nhượng bộ trước cơn cám dỗ lâu đời biến mình thành Thiên Chúa, bước vào cuộc cạnh tranh với Thiên Chúa tình yêu đích thực đã được mạc khải cho chúng ta trong Tin Mừng.”

Tài liệu cho biết: “Một khía cạnh nổi bật khác của lý thuyết phái tính là nó nhằm mục đích phủ nhận sự khác biệt lớn nhất có thể hiện hữu giữa các sinh vật: sự khác biệt về giới tính”, đồng thời cho biết sự khác biệt về giới tính là “sự khác biệt đẹp nhất và mạnh mẽ nhất” trong tất cả những khác biệt giữa nam và nữ, vì nó mang lại “phép lạ” là sự sống mới.

Tài liệu cho biết, lý thuyết phái tính là một hệ tư tưởng “hình dung ra một xã hội không có sự khác biệt về giới tính, do đó loại bỏ nền tảng nhân học của gia đình”.

“Tất cả những nỗ lực nhằm làm lu mờ sự đề cập đến sự khác biệt giới tính không thể loại bỏ giữa nam và nữ đều phải bị bác bỏ,” nó nói như thế và thêm rằng, “Chỉ bằng cách thừa nhận và chấp nhận sự khác biệt này trong sự hỗ tương, mỗi người mới có thể khám phá đầy đủ chính mình, phẩm giá và bản sắc của mình”.

Đề cập đến vấn đề thay đổi giới tính, Tuyên bố nhắc lại niềm tin của Giáo hội rằng con người “gồm cả thể xác và linh hồn không thể tách rời”.

Tuyên bố viết, “Sự sáng tạo có trước chúng ta và phải được đón nhận như một hồng ân. Đồng thời, chúng ta được kêu gọi bảo vệ nhân tính của mình, và điều này có nghĩa trước hết là chấp nhận và tôn trọng nó như nó đã được tạo ra”.

Theo nghĩa này, “bất cứ sự can thiệp chuyển đổi giới tính nào, như một quy luật, đều có nguy cơ đe dọa phẩm giá độc nhất mà một người đã nhận được từ thời điểm thụ thai”, Tuyên bố nêu rõ sự khác biệt giữa việc thay đổi giới tính tự nguyện và những người sinh ra với những bất thường về bộ phận sinh dục được giải quyết thông qua thủ tục y khoa.

Tài liệu cũng chỉ trích những gì được cho là vi phạm nhân phẩm trong lĩnh vực kỹ thuật số, chẳng hạn như nhiều hình thức bóc lột, nội dung khiêu dâm, bắt nạt trên mạng và cờ bạc.

Văn kiện kết thúc bằng cách yêu cầu đặt sự tôn trọng phẩm giá con người và công ích vào trung tâm của “mọi hệ thống pháp luật”, và các quốc gia không chỉ bảo vệ phẩm giá này mà còn đảm bảo “những điều kiện cần thiết để nó phát triển trong việc thúc đẩy toàn diện quyền con người”.

Nó quả quyết, “Ngay cả ngày nay, trước rất nhiều vi phạm nhân phẩm đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của gia đình nhân loại, Giáo hội vẫn khuyến khích việc thăng tiến phẩm giá của mỗi con người, bất kể họ có đặc điểm thể lý, tinh thần, văn hóa, xã hội và tôn giáo nào”.