Như mọi người đã biết, Bộ Giáo Lý Đức Tin vừa đưa ra phán quyết ban cấp tư cách “Nihil Obstat” cho việc sùng kính Đức Mẹ tại Mễ Du, mà không có việc thừa nhận tính chân chính hay chính thống của toàn bộ sự việc Đức Mẹ hiện ra ở đó.
Nên thẳng thừng lên án
Trước quyết định này, không ít người như Ed. Condon của The Pillar tỏ ý không hài lòng ở thứ phán quyết “nửa vời” đó. Ngày 21 tháng 9 hôm nay, Ông cho hay, phán quyết Nihil Obstat này “bị nhiều người coi là đáng tranh cãi” vì theo Ông, Đối với nhiều người Công Giáo mà ông biết, việc tháo gỡ một cách lịch sự huyền thoại xây nền cho Medjugorje này gây cảm giác kỳ lạ với việc bộ ủng hộ nơi này (dù là thận trọng) — nhiều người muốn thấy một sự lên án thẳng thừng đối với những lần được cho là hiện ra, nếu không phải là mọi thứ đi kèm với chúng.
Những cảm quan đó gần như sâu sắc và rộng khắp ở một số nơi trong Giáo hội ngang bằng với sự ủng hộ đối với địa điểm hành hương.
Vatican có thể không gọi những lần được cho như hiện ra là đồ "vớ vẩn" [bullshit], nhưng đó chính là thuật ngữ mà một viên chức của Bộ Giáo lý Đức tin đã dùng để mô tả chúng với Ông cách đây vài năm khi họ ngồi cạnh nhau trên máy bay — khi đó Ông còn là một luật sư giáo luật toàn thời gian.
Đã đành, trong nhiều thập kỷ, như Bộ Giáo lý Đức tin đã ghi chú, hàng ngàn người Công Giáo "đã khám phá ra vẻ đẹp của việc trở thành Kitô hữu thông qua Mễ Du."
"Những thành quả tích cực liên quan đến trải nghiệm tâm linh này là rõ ràng và theo thời gian, chúng đã trở nên khác biệt với trải nghiệm của những người được cho là thị nhân, những người không còn được coi là những người trung gian chính của 'hiện tượng Mễ Du'", theo Bộ Giáo lý Đức tin, và Ông phải đồng ý là Bộ rất đúng trong nhận xét này.
Người ta không cần phải tin vào tính chân chính của "các thị nhân" ở Mễ Du nữa để nhận ra rằng Chúa và Đức Mẹ có xu hướng ưu ái những người tiếp cận các Vị một cách chân thành, bất kể ở đâu. Và nhiều người đã đến Mễ Du, gặp các Vị ở đó và được nuôi dưỡng đức tin trong quá trình đó.
Thành thử như một giải pháp cho vấn đề Medjugorje như hiện nay, ít nhất thì đây là một phán quyết dễ hiểu, ngay cả khi nó sẽ khiến nhiều người khá khó chịu.
Một số người sẽ không thích việc Giáo hội dường như mang lại vẻ ngoài đáng kính về mặt tâm linh cho những thị kiến rất có thể là gian lận, và cho rằng nó làm giảm giá trị, thậm chí bằng sự liên tưởng gián tiếp, những hiện tượng Đức Mẹ thuyết phục và đáng tin cậy hơn như Lộ Đức và Fatima; rằng nó không tốt cho đức tin và cho các tín hữu.
Mặt khác, việc tranh cãi về những thành quả hợp pháp của Chúa Thánh Thần đã xuất hiện, như Bộ Giáo lý Đức tin đã nói, "giữa hiện tượng này" trong nhiều thập niên sẽ tương đương với việc làm mất hiệu lực kinh nghiệm sống về đức tin được nhiều người chứng thực — và có một mối quan tâm mục vụ nghiêm túc cần được điều hướng ở đó.
Nhưng trong khi linh đạo đại chúng không phải là không có chỗ đứng trong Giáo hội, thì chủ nghĩa dân túy dưới bất cứ hình thức nào cũng có thể dễ dàng bị định hướng sai lầm, cũng như nó có thể mạnh mẽ.
Giáo hội không nghi ngờ những cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa mà nhiều người có thể đã có "giữa hiện tượng này". Những người khác có thể hợp lý khi hoãn phán đoán về sự thận trọng cuối cùng của Vatican khi kết luận rằng không có gì ngăn cản những huyền thoại làm nền cho Medjugorje được kể lại.
Theo Luke Coppen cũng của The Pillar, tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin thừa nhận rằng “các giám mục, thần học gia, ủy ban và phân tích gia” từng phát biểu nhiều ý kiến trái ngược nhau, thành thử “đã đến lúc phải tiến đến chỗ kết luận một lịch sử lâu dài và phức tạp bao quanh hiện tượng thiêng liêng ở Mễ Du”.
Đôi hàng lịch sử
Jimmy Akin, trên National Catholic Register ngày 20 tháng 9, sơ lược thuật lại đôi hàng lịch sử về biến cố Mễ Du:
Phán quyết mới đưa ra câu trả lời của Bộ cho một câu hỏi lâu đời và gây tranh cãi về các hiện tượng tại Mễ Du.
Năm 1981, sáu người trẻ bắt đầu báo cáo về các lần Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du, khi đó là một phần của Nam Tư. Những lần hiện ra này bao gồm nhiều thông điệp, được báo cáo hàng ngày. Ba trong số những cá nhân này vẫn báo cáo rằng họ nhận được thông điệp từ Đức Mẹ hàng ngày, trong khi ba người còn lại chỉ báo cáo vào những dịp đặc biệt.
Các thông điệp được cho là cũng chứa 10 bí mật về các sự kiện trong tương lai chưa được tiết lộ công khai. Một thông điệp liên quan đến một dấu hiệu vĩnh viễn sẽ xuất hiện trên ngọn đồi nơi các lần hiện ra đầu tiên xảy ra.
Sau khi các lần hiện ra bắt đầu được báo cáo, giám mục địa phương lúc đó, Giám mục Pavao Zanic của Mostar-Duvno, đã bổ nhiệm hai ủy ban để nghiên cứu chúng. Tuy nhiên, sự phổ biến của địa điểm này đã tăng lên đến mức hội đồng giám mục Nam Tư đã thành lập một ủy ban thứ ba.
Vào thời điểm đó, các giám mục đang tìm cách ban hành một trong ba phán quyết liên quan đến các lần hiện ra: constat de supernaturalitate (“xác định là siêu nhiên”), non constat de supernaturalitate (“không xác định là siêu nhiên”) hoặc constat de non supernaturalitate (“xác định là không siêu nhiên”).
Năm 1991, các giám mục Nam Tư đã ban hành một phán quyết “không xác định là siêu nhiên”, nhưng điều này không chấm dứt vấn đề, và sự quan tâm trên toàn thế giới đối với Mê Du đã khiến Vatican can dự vào nhiều hơn.
Năm 2010, Đức Benedict XVI đã thành lập một ủy ban mới dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo lý Đức tin khi đó, và ủy ban đã gửi báo cáo riêng cho bộ này vào năm 2014.
Ủy ban được cho là thấy những lần hiện ra đầu tiên ở Mễ Du xứng đáng được điều tra thêm, nhưng lại nghi ngờ những lần hiện ra sau đó. Bình luận về báo cáo năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố:
“Về những lần hiện ra được cho là hiện tại, báo cáo có những nghi ngờ. Cá nhân tôi thì khắt khe hơn. Tôi thích Đức Mẹ là mẹ, mẹ của chúng ta, chứ không phải Đức Mẹ của bưu điện, người chuyển thông điệp mỗi ngày vào một giờ cố định.... Đây không phải là mẹ của Chúa Giêsu. Những lần được cho là hiện ra này chẳng có giá trị gì mấy. Đó là ý kiến cá nhân của tôi.”
Vào thời điểm này, Tòa thánh đã gặp phải một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, có những nghi ngờ đáng kể về tính siêu nhiên của nhiều hiện tượng ở Mễ Du. Mặt khác, nếu họ đưa ra phán quyết không phải là siêu nhiên, thì đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào nhiều tín hữu trên toàn thế giới của những lần được cho là hiện ra như vậy.
Theo Luke Coppen của the Pillar, kể từ ngày 24 tháng Sáu năm 1981, ước lượng đã có khoảng 50 triệu người đến viếng Mễ Du, một con số không nhỏ. Vả lại, theo ông, Vatican từng vật lộn với các biến cố được tường trình về Mễ Du kể từ năm 1981, năm được cho là Đức Mẹ đã hiện ra với sáu người trẻ ở đây. Sở dĩ đến nay, Bộ Giáo Lý Đức Tin có thể ban hành một phán quyết về hiện tượng này, là nhờ vào hồi tháng Năm, Bộ đã ban hành các qui định mới về “việc biện phân các hiện tượng được cho là siêu nhiên”. Và kể từ tháng Năm, Bộ cũng đã ban hành 10 tuyên bố về các biến cố được cho là siêu nhiên ở Âu Châu, Á Châu và Mỹ Châu.
Chúng ta cũng đừng quên, lúc ban đầu, sáu “thị nhân” nhận diện bà “hiện ra” với họ là Gospa (mệnh phụ), tự xưng là “Nữ Vương Hòa Bình” với sứ điệp cầu nguyện, hoán cải, và ăn chay. Chính vì vậy, theo Coppen, tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng: “các khía cạnh chính” của sứ điệp Mễ Du là việc nhấn mạnh tới hòa bình, qui Kitô, kêu gọi hoán cải, cầu nguyện, ăn chay, dự thánh lễ và xưng tội. “Các sứ điệp này, xét tổng quan, sở hữu giá trị lớn lao và nói lên giáo huấn thường hằng của Tin Mừng bằng những lời lẽ khác nhau”.
Kinh lý tông tòa
Điều cũng đáng nói nữa là tuyên bố của Bộ lưu ý tới vai trò của vị kinh lý tông tòa tại giáo xứ Thánh Gia-cô-bê của Mễ Du, Đức Tổng Giám Mục Aldo Cavalli. Vị này, vốn là một nhà ngoại giao kỳ cựu của Tòa Thánh, đã được Đức Phanxicô cử nhiệm làm Kinh lý tông tòa đặc biệt tại giáo xứ này vào ngày 27 tháng 11 năm 2021, sẽ tiếp tục thực thi các nhiệm vụ của ngài, nay gồm việc bảo đảm để tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin được “bao gồm như một dẫn nhập trong bất cứ ấn phẩm thu thập các sứ điệp nào”.
Đức TGM Cavalli cũng sẽ “biện phân bất cứ sứ điệp tương lai, hay quá khứ nào chưa được công bố, và cho phép chúng trước bất cứ việc công bố nào. Nói tóm lại, Mễ Du sẽ liên tục được Tòa Thánh giám sát.