Dùng khả năng và khoa học để tìm kiếm Chúa
SUY NIỆM LỄ CHÚA HIỂN LINH
(Mt 2, 1-12)
Lễ Hiển Linh “Epiphaino” được cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ hai sau lễ Giáng Sinh, là một trong những lễ trọng lâu đời nhất trong niên lịch Kitô giáo. Được nhiều người biết đến với tên gọi là lễ Ba Vua, và do các truyền thống đi kèm, lễ này chủ yếu cử hành việc Đức Kitô Cứu Thế xuất hiện, tỏ mình cho thế gian, với tư cách là Thiên Chúa, Con Người và là Vua. Lễ Hiển Linh cử hành biến cố ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Hài Đồng (Mt 2, 1-12).
Lễ Hiển Linh “Epiphaino” có ý nghĩa quan trọng là Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Ðức Kitô, tự làm cho mình có thể trông thấy được qua các Đạo Sĩ.
Lễ Hiển Linh cũng mạc khải cho nhân loại biết về thần tính của Đức Giêsu Con Thiên Chua làm người. Người là Vua, là Thiên Chúa được biểu lộ qua 3 lễ vật mà các Đạo Sĩ tiến dâng : Vàng, Nhũ Hương và Mộc Dược.
Các Đạo Sĩ đến quỳ gối trước vị vua mà quyền năng bao trùm vạn vật; không phải bằng quân đội và vinh quang cá nhân mà bằng tình yêu vô bờ qua việc phục vụ và tự hiến chính mình, dâng cho Chúa Hài Nhi Vàng. Khi dâng Vàng, các Đạo sĩ nhìn nhận vương quyền của Đức Kitô, hậu duệ cuối cùng của giòng dõi Đavít, như ngôn sứ Isai đã tiên báo: “Một chồi non sẽ trồi ra từ gốc Giesê, một mầm non sẽ mọc lên từ cội rễ ấy, Thánh Thần của Yavê sẽ ngự trên vị này …” (Is 11, 1-2).
Các Đạo Sĩ cũng dâng cho Chúa Trầm Hương là họ đã nhìn nhận thiên tính của Đức Kitô ngay từ khi hạ sinh. Hương Trầm bay toả lên cao ngụ ý muốn nói : Vương quốc của Chúa Kitô không thuộc về thế gian này, như Chúa Giêsu đã tuyên bố với Philatô trong cuộc thẩm vấn. Quyền lực mà Chúa Giêsu Kitô có được là do Chúa Cha ban cho và đó là ý nghĩa của lễ dâng trầm hương vì sản vật này dành riêng cho Thiên Chúa trong các nghi lễ tại Đền Thờ.
Thế còn Mộc Dược? Mộc Dược, thứ hương liệu dùng để băng bó vết thương và tẩm liệm xác chết. Khi nhập thể, quả thật Con Thiên Chúa đã hoàn toàn thông phần vào kiếp con người, chia sẻ vận mệnh của mỗi người từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, ngoại trừ tội lỗi, mà không cần sử dụng đến quyền năng Thiên Chúa. Nên khi dâng Chúa Hài Đồng Mộc Dược là họ tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Các Đạo Sĩ là ba người ngoài Do Thái, được coi là dân ngoại nhưng đã tìm hiểu và tin nhận Chúa Giêsu là Chúa của mình. Vì thế ngày lễ này được coi là ngày lễ của niềm tin.
Tin Mừng chẳng nói thêm gì về các Đạo Sĩ, ngoài việc nói họ đến từ phương Đông. Người ta thường cho rằng họ là các thành viên của một trong sáu giai cấp của xứ Ba Tư cổ xưa. Vừa là tư tế, nhà thiên văn và chiêm tinh, những người có học thức cao này không chỉ phục vụ cho tôn giáo mình mà họ biết rõ các nghi lễ và thực hành, nhưng họ cũng có kiến thức về khoa học rất rộng, nhất là thiên văn, chuyên giải thích các giấc mộng và những dấu hiệu thiên văn. Trong nhiều xứ sở, họ là cố vấn của triều đình.
Đối với các Đạo sĩ này, sự xuất hiện trên trời một hiện tượng thiên văn bất thường (như sao chổi hay sự giao nhau của các hành tinh) là dấu hiệu của một biến cố lịch sử quan trọng như ngày sinh của một nhân vật hàng đầu. Thật vậy, ý tưởng rất phổ thông trong thế giới cổ đại là có một sự tương quan giữa con người và vị trí của những vì sao nào đó ở trên trời.
Thánh sử Matthêu không nêu con số chính xác các Đạo sĩ, cũng không nói họ là vua. Trong các bức hoạ hay tranh ghép cổ thời, người ta vẽ hai, ba, bốn ông hay nhiều hơn thế nữa, các Kitô hữu ở phương Đông quen tính đến hơn chục ông. Con số ba theo truyền thống chắc chắn là do ba lễ vật dâng lên cho Chúa Kitô. Ta cũng có thể thấy sự lựa chọn con số này biểu trưng cho Ba Ngôi. Về việc trình bày các Đạo sĩ như là những vị vua, cưỡi trên lưng lạc đà, đầu đội vương miện, có cả đoàn tuỳ tùng đi theo, hình ảnh này là do ngôn sứ Isai đã loan báo rằng người ta sẽ thấy các vị vua lên đường đến thờ lạy Thiên Chúa thật tại Giêrusalem: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước (…) Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha; tất cả những người từ Saba kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng Chúa” (Is 60, 1-6).
Mừng lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, chúng ta, những con người ở thời đại công nghệ với sự phát triển đột phá về trí tuệ nhân tạo học ở nơi các nhà Đạo Sĩ. Họ là những người thông thái, học thức. Họ đã dùng khối óc và con tim, cùng với ơn Chúa ban và chuyên chăm học hỏi mà có được. Họ tính toán để khám phá ra Ngôi Sao xuất. Họ can đảm cất bước lên đường tìm đến đến Bêlem để thờ lạy Chúa Hài Nhi là Vua thật cả và trời đất, là Thiên Chúa thật và là người thật, đó là hành trình của các Đạo sĩ.
Việc các Đạo sĩ đến Bêlem để thờ lạy Chúa Hài Nhi dạy chúng ta phải biết kiếm tìm Thiên Chúa bằng cả khối óc lẫn con tim. Kiến thức của mình thôi chưa đủ. Như các Đạo Sĩ, họ còn dò hỏi các luật sĩ và tiến sĩ Luật, các nhà chuyên môn về Kinh Thánh là chính Mạc Khải của Thiên Chúa. Cũng thế, kiến thức của chúng ta không đủ để giải thích tất cả: chúng ta cần phải đọc Kinh Thánh, lắng nghe các ngôn sứ, cả thời xưa lẫn thời nay, để nhờ đó, chúng ta có thể nhận biết khuôn mặt thật của Thiên Chúa và tình yêu Ngài mang đến cho mọi loài thụ tạo. Amen.