Câu hỏi 41: Tại sao Chúa Giêsu chịu đựng mọi đối xử tệ bạc Người nhận được từ rất nhiều người trong suốt cuộc đời Người? Dù sao, Người cũng là Con Thiên Chúa!

Viên bách quản dưới chân thập giá, thấy cách Người qua đời, kêu lên: “Quả thực, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39). Đối với Máccô, điều có nghĩa khi gọi Chúa Giêsu là “Kitô” hay “Con Thiên Chúa” hay “Con Người” chỉ có thể hiểu được khi chúng ta đứng dưới chân thập giá và tự cảm nghiệm cách Người qua đời. Câu trả lời cho câu Người hỏi “Các con nói Thầy là ai?” (8:29) không phải là câu Phêrô tuyên xưng đức tin nhưng là việc ngài chấp nhận thập giá như một điều đích thân cảm nghiệm. Chúa Giêsu đến như “người này”, như Con Người “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (10:45), người tôi tớ “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng” (Mt 12:20, trích dẫn bài ca người tôi tớ của Is 42:1-4).

Chính cuộc đời và cái chết của Chúa Giêsu là sự mặc khải của Thiên Chúa, một Thiên Chúa không can thiệp để cưỡng bức người ta phải thực hiện thánh ý Thiên Chúa nhưng đúng hơn mời gọi họ trở thành con cái tự do của Thiên Chúa, tự do như Chúa Giêsu tự do. Chúa Giêsu tự do đối chất với quyền lực ma qủy và sự giả hình bao quanh Người. Người tự do kêu gọi người khác theo Người trên đường Người đi và chung chia cảnh vô gia cư và bất an toàn của Người. Người tự do tín thác hoàn toàn và toàn diện vào lòng nhân hậu của Cha Người ngay cả lúc mọi sự dường như đi ngược lại niềm tín thác này. Người tự do yêu thương và ôm ấp những người bị hắt hủi khinh chê, trong đó, có phụ nữ và trẻ em, và gọi đó là thánh ý Thiên Chúa, công lý Thiên Chúa. Người tự do chịu đựng mọi đối xử tệ bạc nhận được chính vì Người là Con Thiên Chúa, và giống như Cha Người, cách thế của Người là cách thế cảm thương, tha thứ, và yêu thương mọi người. Bất cứ cách thế nào khác cũng sẽ bẻ gẫy cây lau, giập tắt tim đèn leo lét. Nó sẽ không mang lại tự do mà vì thế Đức Kitô đã giải thoát chúng ta (Gl 5:1).



Câu hỏi 42: Có quá nhiều đau khổ trong thế giới, cả lúc ấy và bây giờ. Chúa Giêsu thực sự có quyền năng chữa lành hay không?

Tâm trí tôi không bao giờ nghi ngờ rằng Chúa Giêsu đã chữa lành người bị qủy ám hay đau khổ vì tật bệnh. Điều quan trọng cần lưu ý là: thừa tác vụ chữa lành của Người nhằm phục hồi người ta không những chỉ về phương diện thể lý mà cả phương diện tinh thần và thiêng liêng nữa nghĩa là chữa lành toàn diện con người và tái tích hợp họ vào xã hội. Các phép lạ của Chúa Giêsu cũng nhằm mục đích công bố việc đến của vương quốc: “Nếu nhờ Thần khí Thiên Chúa mà tôi trừ qủy, thì nước Thiên Chúa đã đến trên các ông” (Mt 12:28).

Các sách Tin Mừng, nhất là Máccô, mô tả Chúa Giêsu như Đấng hết sức quan tâm tới nỗi đau khổ của người bệnh và đích thân chịu ảnh hưởng bởi diễn trình chữa lành. Không những Người vươn ra để lên sinh lực cho người bệnh bằng cái đụng tay chữa lành của Người mà chính Người cũng được lên sinh lực để chữa lành bởi đức tin của họ. Thực thế, Mátthêu minh nhiên nối kết sức mạnh đức tin với sức mạnh chữa lành trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu (Mt 13:58; so sánh với Mc 6:5-6). Đối với tôi, một trong các trình thuật cảm động nhất là câu truyện người đàn bà chịu chứng xuất huyết suốt 12 năm trường (Mc 5:25-34). Trong một điều kiện như thế, đáng lẽ bà không nên xuất hiện nơi công cộng, chứ đừng nói gì đến việc đến với một người đàn ông trong đám đông và rờ vào ông ta! Người ta chỉ có thể tưởng tượng lòng can đảm đã giúp bà thắng vượt sự sợ hãi và cấm kỵ. Nhưng Chúa Giêsu làm nổi bật trọng điểm. Người biết có một năng lực tự nơi mình phát ra, nên hỏi : “Ai đã sờ vào áo tôi?” Khi người đàn bà sợ sệt và run rẩy bước tới, và thú thực với Người, Người nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con...”. Người gán việc chữa lành không phải cho Thiên Chúa cũng không phải cho chính Người, mà là sức mạnh đức tin của bà, nghĩa là, khả năng vượt quá sự sợ hãi của bà đối với các cơ cấu áp bức và vươn tay ra trong lúc cần kíp, tin tưởng một người khác sẽ giúp bà. Việc bà được chữa lành cũng đã phục hồi bà vào cộng đồng trong tư cách con gái của Ápraham (so sánh Lc 13:16)

Cũng một trọng điểm trên đã được nhấn mạnh trong câu truyện con gái ông Giaia, một câu truyện vốn quyện lẫn với câu truyện này (Mc 5:21-24. 35-43). Cả tuổi (12) cũng như cái chết của em có thể ghi dấu em như dơ bẩn. Thế nhưng, Chúa Giêsu nói với ông Giaia đừng sợ, chỉ nên có đức tin mà thôi. Khi cầm lấy tay em và nâng em dậy, Người nói với người ta cho em thứ gì đó để em ăn, một chi tiết khá lạ nếu không phải là sự kiện nay em cũng đã được phục hồi vào cộng đoàn được biểu tượng bằng việc chung chia bữa ăn. Hai phụ nữ, bị coi như dơ bẩn, cảm nghiệm được việc lên sức mạnh nhờ đức tin, nhờ đụng tới Chúa Giêsu hoặc được Người đụng tới đúng vào lúc đã nên toàn vẹn một cách tượng trưng (con số 12), được phục hồi để tham dự trọn vẹn vào cộng đoàn: đó là loại toàn vẹn được thừa tác vụ chữa lành của Chúa Giêsu nhắm tạo ra.

Câu hỏi 43: Chúa Giêsu có bao nhiêu quyền lực? Người có thể làm bất cứ điều gì hay không?

Chắc chắn Chúa Giêsu là một nhà trừ qủy từng xua đuổi ma qủy khỏi những người bị chúng ám, và Người là người chữa lành luôn tìm cách làm cho người ta toàn vẹn trên bình diện thể lý, tinh thần và thiêng liêng. Như đã gợi ý, Người có quyền lực chữa lành những người liên hệ nhờ đức tin, bất kể là của người bệnh, hay của người bạn hay thân nhân khẩn cầu cho người bệnh. Nhưng Người cũng được ban quyền lực bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã xức dầu cho Người lúc Người chịu phép rửa để “...Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11:5, tham chiếu Is 29:18-19; 35:5-6; 61:1; xem Lc 4:18-19). Câu này để trả lời câu hỏi của Gioan Tẩy giả: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11:3).

Thừa tác vụ chữ lành của Chúa Giêsu chủ yếu nhằm trở thành một biểu tượng của việc xuất hiện Nước Thiên Chúa (Mt 12:28) và nên được hiểu trong bối cảnh này. Như thế, quyền lực của Người phát xuất từ Đấng đã xức dâu cho Người (Chúa Thánh Thần) và từ Đấng đã sai Người thi hành sứ mệnh (Chúa Cha). Đó không phải là quyền lực muốn làm gì thì làm. Đó là một quyền lực ban cho để phục hồi và đổi mới Israel. Thừa tác vụ chữa lành của Chúa Giêsu, một cách rõ nét, đã hiện thân và khiến ta nhớ đến Israel quá khứ: khốn khổ và bị áp bức dưới ách Ai Cập, mù và điếc, què cụt và thậm chí chết chóc. Thừa tác vụ chữa lành của Người cử hành Israel hiện tại: Israel mà Thiên Chúa của họ là Thiên Chúa của Ápraham, của Isaác và Giacóp, nghĩa là Thiên Chúa “không phải của người chết mà là Thiên Chúa của người sống” (Mc 12:27tt). Thừa tác vụ chữa lành của Người gợi hy vọng cho Israel tương lai: một Israel mà ký ức của họ có tính sáng tạo đầy tưởng tượng về một thế giới trong đó không còn người nghèo, người bị khinh miệt và người bị hắt hủi giữa họ nữa. Quyền lực của Người nhằm lên quyền lực cho nhiều người khác để cả họ nữa cũng lên đường như nhóm mười hai vốn tượng trưng cho một Israel canh tân, “để công bố sứ điệp và có thẩm quyền xua trừ ma qủy” (Mc 3:14c-15 tt; xem Mc 6:7-13 tt). Như thế, quyền lực của Người không phải của riêng Người nhưng cho mọi người nó đã được ban cho.

Từ viễn ảnh trên, chúng ta nên chôn cất một lần vĩnh viễn bất cứ ý niệm coi Chúa Giêsu như một loại siêu anh hùng có thể làm bất cứ điều gì Người muốn và là người đẹp trai, thông minh, lực lưỡng nhất v.v... trong số những người từng sống xưa nay. Người cũng là một người như chúng ta. Người từng sống một cuộc sống bình thường không có những biến cố xem ra phi thường cho tới năm 30 tuổi lúc Người được trao quyền lực thi hành sứ mệnh bởi Thánh Thần Thiên Chúa. Một lần nữa, bất cứ chúng ta nói điều gì về thiên tính của Người, thì điều này không nên bác bỏ hay làm ngơ thực tại trọn vẹn của nhân tính Người. Luca cho ta một bản tóm lược nói rất nhiều về thừa tác vụ của Chúa Giêsu: “...Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10:38).

Câu hỏi 44: Nhưng về quyền lực của Chúa Giêsu trên thiên nhiên thì sao?Người có thực sự bước đi trên nước và nuôi ăn 5 ngàn người cùng một lúc không?

Điều gọi là “các phép lạ trên thiên nhiên” trình bầy một loại vấn đề khác nhau. Dù người ta có thể hiểu khả thể chữa lành các loại bệnh tật đa dạng, ngay cả bị qủy ám, trong các diễn trình bệnh tật và sức khỏe thông thường, nhưng quả là khó khăn hơn nhiều để hiểu được các lần can thiệp dường như đảo ngược các diễn trình thông thường của thiên nhiên. Người ta rất có thể hỏi: “Đâu là trọng điểm của những can thiệp như thế?” Mối nguy với các phép lạ trên thiên nhiên là nó quyến rũ thèm khát của chúng ta muốn có những điều phi thường, lạ lùng vì chính chúng. Những câu truyện như thế có thể mang loại bầu khí trò xiếc.

Trong các Tin Mừng, có ba việc làm người chết sống lại (thiếu nữ ở Mc 5:35-43; con trai của một góa phụ ở Lc 7:11-17; và Ladarô ở Ga 11:1-44) và bẩy phép lạ trên thiên nhiên (làm im sóng bão ở Mc 4:35-41; đi trên nuớc ở Mc 6:45-52; nuôi ăn nơi hoang địa ở Mc 6:34-44 và ở Mc 8:1-9tt; nguyền rủa cây vả ở Mc 11:12-14.20 tt; đồng tiền ở miệng cá ở Mt 17:24-27; mẻ cá lớn của Phêrô ở Lc 5:1-11, xem Ga 21:3-13; và biến nước thành rượu ở Ga 2:1-11). Dù mỗi phép lạ phải được phân tích riêng rẽ, người ta có thể nói một cách chung rằng tất cả các câu truyện này có liên hệ tới đức tin Kitô giáo vào Chúa Giêsu phục sinh hơn là tới các biến cố lịch sử thực sự có thể xẩy ra hay không. Như đã nhắc ở trên (Câu hỏi 4) sự kiện thực nghiệm hơi lạ của việc Chúa Giêsu làm trái ngược luật thiên nhiên bằng cách làm im bão tố hay đi trên nước không thực sự là trọng điểm của vấn đề. Đúng hơn, vấn đề là liệu ngày nay, chúng ta có cảm nghiệm Người như Chúa sống lại đang giúp chúng ta đối đầu và vượt thắng các nỗi sợ hãi và xao xuyến trong tâm hồn chúng ta hay không.

Đơn cử thí dụ nuôi ăn 5 ngàn người ở nơi hoang địa, hiển nhiên có tính biểu tượng trong việc nuôi ăn 5 ngàn người và rồi sau đó 4 ngàn người, có ý nói đến việc Chúa Giêsu vươn tay ra với các thế giới Do Thái và Ngoại giáo. Mỗi Tin Mừng (cả Ga 6:1-14) ghi lại việc nuôi ăn 5 ngàn người, chỉ có Máccô và Mátthêu nhắc lại câu truyện 4 ngàn người. Hiển nhiên, câu truyện có tầm quan trọng về thần học. Một chi tiết thường bị làm ngơ (và không có trong trình thuật Gioan) nhưng là chìa khóa để hiểu câu truyện. Câu trả lời đầu tiên của Chúa Giêsu cho các môn đệ là: “các con cho họ thức gì đó để họ ăn”. Và khi Người nhân thừa 5 ổ bánh và 2 con cá, tiếp theo các phản bác của họ, trước hết, Người trao chúng cho các môn đệ để họ phân phối thực phẩm cho dân. Bất kể Chúa Giêsu có thực sự thực hiện các việc phi thường đó hay không, há phép lạ đã không xẩy ra mỗi lần chúng ta chia sẻ thực phẩm với người đói ăn hay sao? Mỗi khi chúng ta cầm lấy bánh và cá hay bất cứ thứ gì chúng ta có, làm phép, bẻ ra và phân phối cho mọi người hiện diện, há phép lạ không diễn ra đó sao? Há đó không là ý nghĩa nền tảng nhất của hiệp thông hay sao?



Câu hỏi 45: Việc gì đã diễn ra tại Bữa Ăn tối sau cùng? Chúa Giêsu có thực sự biến bánh và rượu thành mình và máu Người không? Há đó không phải là một phép lạ trên thiên nhiên hay sao?

Đây là một điển hình nữa trong đó, điều quan trọng là phân biệt câu hỏi về lịch sử với câu hỏi về thần học. Dường như về phương diện lịch sử, rất có thể Chúa Giêsu chia sẻ bữa ăn sau cùng với các môn đệ của Người khi Người đối diện với khả thể có thực là cái chết đầy bạo lực của Người. Nhưng từ quan điểm của phương pháp lịch sử, ta không thể biết điều gì thực sự đã diễn ra vì mọi trình thuật mà chúng ta hiện có (1Cr 11:23-26; Mc 14:22-25tt; Ga 13:1ff; 6:35-50 và 51-58) chủ yếu quan tâm đến việc thông truyền ý nghĩa cái chết của Người trên thập giá. Thánh Phaolô coi việc ăn và uống như việc công bố cái chết của Chúa cho tới khi Người lại đến. Cũng như các Tin Mừng nhất lãm, rõ ràng ngài nhắc lại thực hành thánh thể của các cộng đồng Kitô giáo. Thánh Phaolô và các Tin Mừng nhất lãm, hơi khác nhau một chút, coi mình và máu như đại diện cho lễ tế hy sinh của Chúa Giêsu trên thập giá vì người khác, nghĩa là vì sự cứu rỗi của chúng ta.

Mặt khác, Gioan không có lời nào về việc thiết lập (Phép Thánh Thể) tương ứng với 4 tác giả kia. Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu nhấn mạnh tới sự kiện rửa chân cho Phêrô nhằm làm nổi bật tầm quan trọng và sự cần thiết của thập giá nếu Phêrô muốn dự phần với Người trong tương lai. Những diễn ngôn tiếp theo trong Gioan (các chương 13-17) thầy đều tập chú vào việc Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha nghĩa là sự cần thiết của cái chết của Người. Diễn ngôn về bánh ban sự sống trước đó (6:35-50) kết luận với lời khuyên (các câu 51-58) ăn thịt và uống máu Người để sống muôn đời. Rõ ràng, tất cả các trình thuật này phản ảnh đức tin của Giáo Hội sơ khai vào Chúa chịu đóng đinh và sống lại như được cảm nghiệm trong thực hành Thánh Thể của họ.

Khi công bố cùng những lời thiết lập này trong thánh lễ, chúng ta cử hành một cách bí tích quyền lực và sự hiện diện của Chúa sống lại. Bánh và rượu có thay đổi chăng? Giáo Hội luôn luôn chủ trương rằng, trên bình diện của điều chúng ta thường coi bánh và rượu là, nó vẫn vậy, nghĩa là bề ngoài thể lý, mầu sắc, hình dáng, mùi vị v.v... Mầu nhiệm là nó không còn chỉ là bánh và rượu nữa vì nó đã biến đổi thành sự hiện diện đích thực của Chúa phục sinh. Tuy nhiên, người ta muốn giải thích nó trên bình diện triết học, thì bánh và rượu nay đã hiện thân một cách bí tích thực tại sự hiện diện của Chúa Giêsu một cách độc đáo và nó không cho phép chúng ta coi bánh và rượu này chỉ như bánh và rượu nữa. Đây là một phép lạ nhưng nó không ngược với các định luật của thiên nhiên. Đúng hơn, Phép Thánh Thể cử hành và hiện thân một cách sâu xa hơn sự hiện diện của Chúa Phục sinh, Đấng đã hiện diện trong cộng đoàn cử hành vì lý do đức tin và phép rửa.

Câu hỏi 46: Các sách Tin Mừng dường như mô tả Chúa Giêsu đôi lúc giận dữ và thất vọng, thí dụ, tại sao Người lại nhục mạ người đàn bà ngoại quốc, gọi bà là chó và từ chối chữa cho con gái bà, hay tại sao Người lại nguyền rủa cây vả?

Nếu Chúa Giêsu hoàn toàn là con người, thì dĩ nhiên Người cảm nghiệm đầy đủ hàng loạt các cảm xúc của con người, không phải chỉ có giận dữ và thất vọng, nhưng còn sợ hãi, xao xuyến, hy vọng, yêu thương, trung thành. Giống như cảm thấy có tội [guilt], giận dữ là một cảm xúc tốt và lành mạnh nếu có lý do được biện minh cho nó. Máccô trình bầy thực tại và chiều sâu trong các cảm xúc của Chúa Giêsu một cách thẳng thắn hơn các Tin Mừng khác và nhờ thế đem lại cho chúng ta một hình ảnh con người hơn về Người. Điển hình giận dữ tốt là phản ứng của Người trước sự giả hình thinh lặng và cứng lòng của những kẻ tố cáo Người: “Người giận dữ rảo mắt nhìn họ” (Mc 3:5; Mátthêu và Luca trong những câu song hành đã bỏ bất cứ lời nào nói tới sự giận dữ của Người). Sự thất vọng của Người xem ra rõ ràng khi Người hỏi các môn đệ trì độn của Người: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế!” (Mc 8:17; song hành trong Mátthêu nhưng không có trong Luca).

Hai điển hình được nhắc tới trong câu hỏi một lần nữa lại minh họa cho sự khác nhau giữa một phép lạ chữa lành và một phép lạ trên thiên nhiên. Câu truyện của người đàn bà gốc Phênixi thuộc xứ Syria (Mc 7:24-30) người mà trong Mátthêu là người Canaan, trong cả hai trường hợp đều là người ngoại quốc ngoài Israel, đáng chú ý ở lòng kiên trì của người đàn bà này, người không coi chữ “không” là câu trả lời, cả từ Chúa Giêsu! Trọn con người bà tập trung vào một điều bà vốn quan tâm, sức khỏe của con gái bà, và bà bằng lòng chịu mọi sỉ nhục và hạ giá miễn là đứa con gái của bà được phục hồi cho bà. Chúa Giêsu quả sỉ nhục bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”. Nhưng bà đã có câu trả lời sẵn sàng: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”. Quả là một câu truyện đáng lưu ý về đức tin, như Mátthêu lưu ý: “Này bà, đức tin của bà thật lớn lao!” Chúa Giêsu không những được trao quyền chữa lành vì đức tin của bà; Người cũng học được từ bà rằng quyền lực này cũng nhắm những con chiên lạc ở bên ngoài nhà Israel (Mt 15:24).

Việc nguyền rủa cây vả (Mc 11:12-14.20 = Mt 21:18-19; xem Lc 13:6-9) là dịp để khuyên nhủ người ta tin vào Thiên Chúa, có lẽ tương phản với Israel (được tượng trưng bởi cây vả) vốn không biết thời gian được viếng thăm và do đó, không sinh hoa trái. Nói cách khác, nó là một câu truyện khác nữa từ viễn ảnh đức tin phục sinh của cộng đồng tiên khởi, dùng thiên nhiên để minh họa sự tương phản giữa việc bác bỏ Chúa Giêsu trong thừa tác vụ lịch sử của Người và việc chấp nhận Người sau khi Người qua đời của những người tin vào Người. Đức tin này ban cho các Kitô hữu quyền lực di chuyển núi non. Không gì còn có thể bất khả đối với một Kitô hữu có đức tin và cầu nguyện (Mc 11:21-24tt).

Câu hỏi 47: Chúa Giêsu có luôn luôn tha thứ và yêu thương, bất bạo động và hòa bình không?

Như đã gợi ý, Chúa Giêsu là người có các cảm xúc mạnh mẽ. Về câu hỏi, tôi xin gợi ý 3 nhân đức (tuy không loại bỏ các nhân đức khác) vốn có âm sắc xúc cảm mạnh mẽ. Người là người quả quyết, biết cảm thương và trung thành. Mátthêu 23:23, trong một đoạn văn đặc trưng cho thấy nền thần học của ngài, nói tới “những điều quan trọng nhất trong Lề Luật”: công lý (krisis), lòng thương xót (eleos) và đức tin (pistis). Tôi dịch các chữ này là quả quyết, cảm thương và trung thành.

Trước nhất, Chúa Giêsu là con người quả quyết. Người được trao cho một sứ mệnh và theo cách các tiên tri trước Người, sứ mệnh này bao gồm việc đối đầu với bất công và giả hình thời Người. Người không sợ phải gọi con pích là con pích và lên án sự quanh con và tự biện minh của những “người công chính”. Người đến để kêu gọi kẻ có tội (Mc 2:17tt) nghĩa là những người biết nhìn nhận và chấp nhận nhu cầu cần được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ từ nhân. Hơn nữa, Người không sợ bước vào Đền Thờ và thanh tẩy nó khỏi các kẻ mua bán để nó thực sự là “nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc” (Mc 11:17).Tóm lại, chính nghĩa bất bạo động và hòa bình của Người chỉ có thể có nghĩa nếu Người cổ vũ công lý, chứ không phải là người bàng quan vô cảm và hiền lành.

Thứ hai, Người là con người biết cảm thương. Đó là từ ngữ năng được dùng nói về Chúa Giêsu trong thừa tác vụ chữa lành của Người, và nó được chính Chúa Giêsu sử dụng trong hai dụ ngôn hay nhất của Người, dụ ngôn người Samaritanô (Lc 10:33) và dụ ngôn người cha thấy đứa con trai thứ trở về (Lc 15:20). Nó không chỉ có nghĩa là lòng thương hại [pity] (như nhiều người phiên dịch) mà đúng hơn là việc đồng nhất với nỗi đau khổ của một con người khác đến nỗi đau khổ này trở thành đau khổ của chính mình và thúc đẩy ta làm bất cứ điều gì để làm vơi sự đau khổ này. Cảm thương thúc đẩy ta hành động. Chúa Giêsu tìm cách biến đổi sâu xa xã hội của Người nhằm kết liễu mãi mãi sự thống khổ của người nghèo, người bệnh, người bị qủy ám và người bị loại trừ.

Cuối cùng, Người là con người trung thành. Điều không may là chữ Hylạp, chỉ được dùng trong Mátthêu (πραΰς =praǜs) thường được dịch là “hiền lành” [meek], đem lại cho chúng ta hình ảnh Chúa Giêsu như người nhu mì và thụ động trước tranh chấp. Không điều gì xa sự thật hơn thế! Vì theo Mátthêu, Chúa Giêsu không những giảng dạy lời hay thánh ý Thiên Chúa; Người còn hiện thân nó một cách vâng lời trung thành. Người sống thánh ý của Cha Người cho đến chết. Như thế, mối phúc thật nên được dịch là: “phúc cho người trung thành thực hiện thánh ý Thiên Chúa” (Mt 5:4) vì cùng chữ praǜs này đã được áp dụng vào Chúa Giêsu như Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa mà chúng ta nên học hỏi (11:29: “...vì tôi vâng lời và khiêm nhường trong lòng”) và như vị vua vâng lời vào thành Giêrusalem để chịu chết (21: 5). Trong nhân đức này, cũng như trong các nhân đức khác, Chúa Giêsu nên được nhìn như một con người can đảm trong các xác tín của Người và mạnh mẽ trong tình yêu.

Câu hỏi 48: Đôi khi Chúa Giêsu xem ra quá nghiêm túc. Có bao giờ Người nhẹ bớt và tỏ ra có óc khôi hài không?

Các nguồn của chúng ta quá tập chú vào thập giá đến nỗi đôi khi xem ra như thể Chúa Giêsu chỉ biết sống một cuộc sống khổ sở. Niềm vui chỉ đến sau khi Người phục sinh. Dĩ nhiên, điều này là một tri nhận sai lầm. Chúa Giêsu là một con người có niềm vui dù hiểu sâu xa các điểm yếu của cuộc sống con người và lòng nhân hậu của Thiên Chúa đầy yêu thương.

Các câu nói và dụ ngôn của Người biểu lộ một óc tưởng tượng đầy thi ca sáng tạo. Người có con mắt biến các chi tiết xem ra vô nghĩa của cuộc sống thường nhật trở thành phi thường. Người có sự hiểu biết đầy yêu thương và thiện cảm tình thế khó khăn của con người. Người thích nghịch lý và điều bí ẩn, thí dụ “Người trước nhất sẽ là người sau hết và người sau hết sẽ là người trước nhất”. Các dụ ngôn của Người, thường rất hài hước, nhằm gây khó chịu cho thế giới của những người dễ chịu và có trật tự vốn có nhiệm vụ giải thích “đúng đắn” lề luật. Nói rằng nước Thiên Chúa giống như người đàn bà lấy men và ủ vào 3 đấu bột cho đến khi 3 đấu bột lên men nghĩa là gì (Mt 13:33 tt)? Người đàn bà, người không phải là một nhân vật công cộng và chẳng có chi ăn có với vấn đề nghiêm túc nước trời, hay chất men vốn là biểu tượng của thối nát, hay ủ, có gì ăn có với nước Thiên Chúa? Hay ngay cả khối lượng bánh khổng lồ do đó mà có?

Chúa Giêsu không chỉ công bố nước trời trong giáo huấn của Người; Người cử hành nó với việc cùng bàn ăn đầy vui tươi và đôi lúc xem ra rất ồn ào đến nỗi đã bị tố cáo là “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11:19). Người từng bị thách thức vì không ăn chay và chỉ biết trả lời; “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ” (Mc 2:18-22). Người thích các tiệc cưới và yến tiệc lớn và coi chúng như hình ảnh nước Thiên Chúa. Điều đặc biệt làm các địch thủ của Người khó chịu là Người đã cử hành các bữa tiệc này với “những tên thu thuế và kẻ tội lỗi” (Mc 2:15-17; Lc 15:1-2) nghĩa là với những người bị coi như nằm ngoài lề luật và và do đó vô lại. Chúa Giêsu không những nói với những người như thế rằng cả họ nữa cũng thuộc về nước Thiên Chúa; mà khi bẻ bánh và uống rượu chung với họ, Người thực sự bao gồm họ trong phước lành của nước Thiên Chúa như được cảm nghiệm ngay ở đây và vào lúc này. Mọi người đều được mời. Những người từ khước tới vì lý do trong sạch và thánh thiện tự loại bỏ chính họ. Óc khôi hài của Chúa Giêsu không chỗ nào hiển nhiên một cách xúc động bằng trong câu truyện Giakêu, người thu thuế giầu có và bị khinh bỉ này quá lùn, không thể thấy Chúa Giêsu trong đám đông nên đã chạy lên trước và leo lên một cây sung. “Này ông Giakêu, mau mau xuống đây đi; vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.” Và họ càu nhàu vì Người sắp sửa là khách trong căn nhà của kẻ tội lỗi (Lc 19:1-10).



Câu hỏi 49: Cha có thể nói một điều về sự tha thứ được không? Tại sao Chúa Giêsu kêu gọi “những kẻ tội lỗi” chứ không phải “những người chính trực”?

Tha thứ đòi hỏi việc người ta thừa nhận họ cần nó và sẵn lòng chấp nhận việc họ lệ thuộc một người khác để việc tha thứ diễn ra. Chúng ta thấy khó cả để tha thứ lẫn để được tha thứ vì chính hành vi này phá vỡ hình ảnh độc lập và tự lập của ta. Khi Chúa Giêsu nói rằng Người đến kêu gọi không phải những người chính trực mà là các kẻ tội lỗi, tôi hiểu chữ “chính trực” này là những kẻ tự coi mình là chính trực nghĩa là những người coi mình được công chính hóa nhờ các hành động riêng của họ. Trong dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ (Lc 18:10-13), Luca hiểu nó cách này (các câu 9.14). Thế nhưng đây không phải chỉ là vấn đề ai trong số này được công chính hóa. Theo một nghĩa nào đó, cả hai người họ đều được công chính hóa: Người biệt phái được công chính hóa nhờ tuân giữ lề luật, người thu thuế được công chính hóa nhờ khiêm nhường nài nỉ ơn tha thứ. Điều không được công chính hóa là thái độ của người biêt phái đối với người thu thuế. Ông khinh bỉ người thu thuế và những người tội lỗi khác và coi họ vốn bị Thiên Chúa loại trừ khỏi lòng thương xót. Chính sự cứng lòng muốn loại những người khác khỏi lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa đã bị Chúa Giêsu thách thức bằng việc vươn tới và bao gồm “các người thu thuế và tội lỗi” vào vương quốc. Thái độ của người thu thuế trong dụ ngôn nói lên việc thừa nhận phải có đối với việc mình cần và chấp nhận sự lệ thuộc của mình để được vào vương quốc Thiên Chúa. Không như người biệt phái, người thu thuế không làm các so sánh đầy ác cảm. Chúa Giêsu đưa ra một thách thức khi nói rằng: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21:31).

Ơn tha thứ của Thiên Chúa không thể diễn ra nghĩa là hữu hiệu, trừ khi và tới mức chúng ta thực sự tha thứ cho nhau (Mt 6:14-15). Tôi hiểu lời cầu xin tha thứ trong Kinh Lạy Cha, như được Mátthêu ghi lại (Mt 6:12), có nghĩa là ơn tha thứ của Thiên Chúa vốn luôn luôn ở thế hành động. Là tình yêu, Thiên Chúa luôn luôn cung cấp ơn tha thứ của Người. Nhưng ơn tha thứ của Người không thể thực sự hữu hiệu trong đời sống con người nếu các hữu thể nhân bản làm trái tim họ cứng cỏi đối với người khác và khước từ tha thứ cho họ. Ơn tha thứ của Thiên Chúa, trong tư cách tình yêu của Người, lên sức mạnh để chúng ta tha thứ và yêu thương lẫn nhau, nhưng chỉ trong chính giây phút thực sự tha thứ và yêu thương người khác chúng ta mới cảm nghiệm được ơn tha thứ và tình yêu của Thiên Chúa giữa cuộc đời của chúng ta mà thôi. Đàng sau lời cầu xin cho có bánh ăn, vốn song hành với lời cầu xin ơn tha thứ trong kinh Lạy Cha, chắc chắn là thực hành của Chúa Giêsu muốn ngồi chung bàn với các viên thu thuế và người tội lỗi. Bẻ bánh và chung chén với Chúa Giêsu tại bàn ăn là cảm nghiệm tha thứ và chúc phúc của Thiên Chúa, một cảm nghiệm giải phóng thực sự của nước Thiên Chúa vốn đang “ở giữa các ông” (Lc 17:21).

Câu hỏi 50: Nếu Chúa Giêsu bao gồm và mời gọi mọi người vào nước Thiên Chúa như thế, thì tại sao Người lại loại phụ nữ khỏi chức linh mục?

Chúng ta từng đã gợi ý (Câu hỏi 29) rằng chức linh mục, như chúng ta biết nó, đã được khai triển sau đời sống và sự chết của Chúa Giêsu. Do đó, quả là vô ích khi gán các thái độ và ý định cho Người liên quan tới vấn đề chuyên biệt về nữ linh mục hiện đang làm chúng ta ngày nay bận tâm. Tuy nhiên, cũng đáng nói ít điều về thái độ và cách xử sự của Người đối với phụ nữ trong thừa tác vụ lịch sử của Người vì kiến thức này có thể dùng để thách thức và chỉnh sửa các thái độ vốn đầy thiên kiến đối với và hạ giá phụ nữ.

Trong thời Chúa Giêsu, phụ nữ, cùng với trẻ em, nô lệ, và thú vật, phải tùy thuộc thẩm quyền tổ phụ của người nam chủ gia đình. Họ không có quyền lợi độc lập đối với người chồng. Họ không thể ly dị. Vị trí của họ là ở trong nhà và, ở nơi công cộng, họ phải im lặng, nhất là với ngoại nhân, và thực hành công việc của họ không được ai lưu ý. Họ không được giáo dục về luật lệ và chắc chắn không tham dự những cuộc thảo luận hoàn toàn của nam giới giữa thầy và học trò.

Chúa Giêsu chứng tỏ một sự tự do đáng kể trong việc phá bỏ các cấm kỵ này. Người đàm đạo với các phụ nữ ở nơi công cộng (như Ga 4:5-42; lưu ý phản ứng ngạc nhiên của các tông đồ trước việc Người nói chuyện với một người đàn bà). Người chữa lành họ, đụng đến họ và để họ đụng đến Người nơi công cộng (xem câu hỏi 42). Đáng lưu ý một cách đặc biệt là câu truyện “người đàn bà tội lỗi” (Lc 7:36-50). Phản ứng sửng sốt của Simong biệt phái trước sự hiện diện và hành động của người đàn bà nói thay cho nhiều người: “... người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào...” Đối với Chúa Giêsu, đây là lúc chữa lành, một việc trở thành khả hữu nhờ đức tin của người đàn bà. Người ca ngợi đức tin của phụ nữ (Mc 12:41-44; Mt 15:28) và coi họ là hình ảnh của nước Thiên Chúa (Lc 15:8-10; Mt 13:33; 23:37). Quan trọng nhất, Người mời gọi họ lên đường với Người (Lc 8:1-3) và Người bênh vực quyền làm môn đệ của họ và ngồi ngang hàng với các người nam để nghe giáo huấn của Người. Câu truyện của Marta và Maria (Lc 10:38-42) là về hai người đàn bà, một người chọn làm các bổn phận của mình trong nhà, còn người kia thì chọn ngồi dưới chân Chúa Giêsu như một môn đệ. Chúa Giêsu bênh vực Maria, người đã chọn phần tốt hơn sẽ không bị lấy đi khỏi chị”. Cũng như đã không bị lấy đi, vì mọi tin mừng đều ghi nhận rằng mặc khải Chúa Giêsu Nadarét sống lại trước nhất đã được ban cho các nữ môn đệ của Người, những người sau đó đã công bố nó cho các nam môn đệ. Theo Thánh Phaolô, nếu tông đồ là người đã nhìn thấy Chúa Giêsu sống lại và đó là chính nền tảng của Giáo Hội (1Cr 9: 1-2), thì xem ra đàn bà cũng như đàn ông đều có thể được gọi là tông đồ vào thời Giáo Hội sơ khai.