MỘT TRĂM LẺ MỘT CÂU HỎI VỀ CHÚA GIÊSU


Michael L. Cook, Dòng Tên
Nhà Xuất Bản Paulist Press, New York, 1993



Dẫn nhập

“Còn có nhiều điều khác Chúa Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21:24). Người ta có thể nói thêm, cả những sách về các sách từng viết ra về lời nói và việc làm, sự chết và sự phục sinh, tóm lại trọn bộ mầu nhiệm kỳ diệu mà chúng ta vốn đơn giản gọi là “Chúa Giêsu”. Như thế, tại sao lại còn một cuốn sách nữa về Người? Với tôi, câu trả lời vừa có tính cách bản thân vừa có tính cách nghề nghiệp, mặc dù tôi không và không thể tách biệt hai điều này. Tôi vào Dòng Tên năm 1953 ở cỡ tuổi non trẻ mười bẩy, rất ít ý thức được con người mà tôi sắp sửa gặp gỡ. Tôi bị lôi cốn vào Dòng Tên nhờ những người tôi được biết lúc học tại Trường Chuẩn Bị tại Seattle, nhưng, cũng như với nhiều học sinh trung học hồi ấy, với tôi, Thiên Chúa đúng hơn chỉ là một quan tòa nghiêm khắc, sẵn sàng tưởng thưởng khi chúng tôi tốt và trừng phạt khi chúng tôi xấu. Chúa Giêsu thực sự chỉ là một tên khác của Thiên Chúa. Nhưng điều đó thay đổi khi lần đầu tiên tôi gặp được Chúa Giêsu như một người bạn ấm áp, nhân bản và bản thân trong khi tham dự trọn vẹn ba mươi ngày Linh Thao của Thánh Inhã. Tôi gặp được một người yêu thương tôi, một người yêu thương tôi trọn vẹn vì tôi và không hề đặt bất cứ điều kiện gì cho tình yêu thương của Người, nhưng là một người có tình yêu thương có tính biến đổi và giải thoát mạnh mẽ. Tôi tin không có điều gì có tính sinh tử và chủ chốt đối với cuộc sống tâm linh lành mạnh cho bằng trải nghiệm được yêu thương vì chính mình và khả năng tương ứng để điều đó xẩy ra, chấp nhận tính đáng yêu của chính mình như một hồng ân nhưng không. Đó là hồng ân của Chúa Giêsu dành cho tôi.

Nhưng tình yêu như thế đòi một đáp trả bao gồm việc nhận trách nhiệm suốt cả đời mình. Dĩ nhiên, việc này diễn ra ở nhiều bình diện. Với tôi, vai trò trung tâm và có tính quyết định vốn là vai trò của thần học gia chuyên nghiệp. Từ trải nghiệm Linh thao đầu tiên hết sức tươi mát và vẫn còn mầu nhiệm, tôi biết rằng tôi muốn biết Chúa Giêsu một cách thân mật hơn, yêu thương Người tha thiết hơn, và theo chân Người trung thành hơn. Ngay lúc đó, tôi đã biết rằng một nẻo đường hướng tới việc nên trọn lời cầu nguyện này là học Kitô học nghĩa là học về việc Chúa Giêsu là ai và qua các thế kỷ, chúng ta đã nói gì về Người. Tôi rất may mắn đã có thể làm thế trong suốt gần 40 năm ở trong Dòng Tên.

Thành thử, câu trả lời thứ nhất là tôi viết cuốn sách này cho riêng tôi theo nghĩa nó là biểu thức nói lên tình yêu và lòng biết ơn đối với một người vốn yêu thương tôi từ trước đến nay. Thế nhưng, như chúng ta vốn biết, tình yêu của Chúa Kitô luôn thúc đẩy ta đi ra ngoài, đi vào tình yêu người khác nhất là “những người bé nhỏ” (Mc 10:14): trẻ em, góa phụ, khách lạ, người nghèo và người bị áp bức, và tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa bằng đức công chính, lòng khiêm nhường, và sự dịu dàng (Mc 6:8). Do đó, cuốn sách này được viết cho những ai – sinh viên, bằng hữu và gia đình, đồng nghiệp, khán giả đủ cỡ đủ hình dáng – không những đã lắng nghe tôi mà còn đáp ứng một cách làm phong phú và thâm hậu hành trình mà tôi đã đảm nhận như người đồng hành của Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta đều là “compañeros en Christo” (Đồng chí của Chúa Kitô) như Thánh Inhã đã ghi. Phần lớn những gì tôi đã viết trước đây đều có tính bác học dành cho giới học thuật, đồng nghiệp của tôi. Nhưng phần lớn những điều tôi trải nghiệm ở các lớp học, phòng thuyết trình và khung cảnh giáo xứ có tính mục vụ và bản thân hơn. Từ lâu tôi vốn xác tín rằng các nhà thần học, muốn hữu hiệu, phải can dự vào một loại công việc mục vụ nào đó ngõ hầu công trình chuyên nghiệp, học thuật của họ phản ảnh các thực tại của những người bị bất công chà đạp. Tôi đã tìm cách can dự trong nhiều năm và tôi hy vọng rằng cuốn sách này phản ảnh các câu hỏi chân thật của những người như thế.

Cuốn này là một phần của một loạt sách liên tục bắt đầu với cuốn Responses to 101 Questions on the Bible của Raymond E. Brown. Nó được viết trong tinh thần của cuốn sách đó như là “cuốn sách dân dã, không chủ yếu là sách bác học”. Tôi đã cố gắng phát biểu các câu hỏi như đã nhớ được từ các sinh viên, các cử tọa, và bằng hữu. Các câu trả lời phát xuất từ cách hiểu và cách tiếp cận của riêng tôi. Có hai điều cần được lưu ý. Hiển nhiên, nguồn chính của chúng tôi đối với bất cứ điều gì chúng tôi nói về Chúa Giêsu là Kinh Thánh. Do đó, cuốn sách này có nhiều câu hỏi về Kinh Thánh mà Brown đã bàn tới một cách sâu sắc và đáng ca ngợi. Ngoài ra, không tránh được việc có những gối đầu lên nhau với những câu hỏi Brown đã bàn tới. Tôi đã tìm cách phát biểu và trả lời chúng theo cách của tôi, nhưng nhiều câu hỏi y như nhau hoặc tương tự. Điều nữa, dù không quên vai trò thần học gia của tôi, xu hướng của tôi vẫn có tính KinhThánh mạnh mẽ và các câu trả lời của tôi phản ảnh điều ấy.

Điều thứ hai cần lưu ý là tôi tiếp cận với nhiệm vụ này bằng một số giả định bác học nào đó, những giả định nên nhắc đến ngay từ lúc đầu. Có hai hình ảnh về Chúa Giêsu, đôi khi dường như kình chống nhau. Một có tính truyền thống hơn, hình ảnh kia có tính hiện đại hơn. Mỗi hình ảnh tìm cách trả lời ba câu hỏi quan trọng nhất về Chúa Giêsu: Người là gì, Người dạy gì, và Người hy vọng đạt được gì? Hình ảnh truyền thống, một hình ảnh khá nổi bật trong ý thức phần lớn Kitô hữu, nhấn mạnh tới ‘khoảnh khắc” nhập thể. Chúa Giêsu là Ngôi lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng đã xuống làm nhục thể, chết vì tội lỗi chúng ta, và lên trời trở lại với vinh quang đời đời với Chúa Cha. Hình ảnh này chủ yếu dẫn khởi từ Tin Mừng Gioan. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Điều Chúa Giêsu mạc khải hay giảng dạy là căn tính của Người trong tương quan đời đời với Chúa Cha, và điều Người hy vọng đạt được là sự sống đời đời cho tất cả những ai tin Người. Người là “đường” chỉ cho chúng ta Chúa Cha và nhờ thế giúp chúng ta sống trong cùng mối tương quan đời đời của Chúa Cha và Chúa Con. Các kinh tin kính và các công đồng sau này của Giáo Hội, vốn chịu ảnh hưởng của Tin Mừng Gioan, cũng nhấn mạnh tới thiên tính của Chúa Giêsu đến nỗi nhân tính của Người dường như bị tan hòa vào đó. Các giáo phụ và công đồng chính thống luôn luôn nhấn mạnh tới nhân tính trọn vẹn trong nguyên tắc. Các ngài chủ trương rằng nếu Chúa Giêsu không mang trọn nhân tính, thì chúng ta không được cứu rỗi. Nhưng các ngài thường tỏ ra ít quan tâm tới kinh nghiệm chân thực, sống động của con người Giêsu thành Nadarét. Trong quan tâm muốn duy trì và bảo vệ thiên tính của Chúa Giêsu, các ngài đã nêu lên nhiều câu hỏi nghiêm túc về việc các ngài phải coi trọng ra sao các biểu hiện cụ thể của nhân tính Người.

Hình ảnh hiện đại, mặt khác, là kết quả của các phát triển liên tục trong khoa phê bình KinhThánh, nhất là phê bình lịch sử, trong gần hai thế kỷ qua. Một trong các kết quả chính là việc thừa nhận đặc tính hết sức khác biệt của Tin Mừng Gioan so với các Tin Mừng nhất lãm, nghĩa là Máccô, Mátthiêu và Luca. Thí dụ, nếu người ta hỏi một câu hỏi về Chúa Giêsu trong đời sống và thừa tác vụ lịch sử của Người – Người giảng dạy những gì, Người hy vọng đạt được những gì, Người biết gì về tương lai hay nghĩ gì về bản thân Người – thì các Tin Mừng nhất lãm cho ta tiếp cận với Chúa Giêsu đó tốt hơn Tin Mừng Gioan, hay truyền thống theo sau đó. Điều này tương ứng với quan tâm sâu sắc ngày nay vào con người nhân bản, lịch sử xuất phát từ Nadarét, người giống chúng ta mọi sự ngoại trừ tội lỗi (Dt 4:15). Nhiều người ngày nay muốn một Chúa Giêsu từng bước đi với chúng ta trên đường, biết và hiểu vì Người đã hoàn toàn bước vào những tầng sâu thẳm nhất của nhân sinh – nỗi vui nỗi buồn, hy vọng sợ hãi, đấu tranh, thử thách, và cám dỗ cũng như các cố gắng can đảm, các chiến thắng, các hân hoan thiêng liêng vốn đánh dấu mỗi người chúng ta như những con người nhân bản. Hình ảnh này không bác bỏ hình ảnh truyền thống nhưng có điều chỉnh nó. Chúa Giêsu không phải là một vị Thiên Chúa chỉ dường như là con người. Đúng hơn, Người là cách làm người của Thiên Chúa, “bộ mặt nhân bản của Thiên Chúa”, Đấng trở nên “vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl 2:8). Vâng lời là chuyện của ý chí nhân bản, của cuộc đấu tranh nhân bản để trung thành trước đau khổ trấn áp. Hình ảnh hiện đại không bác bỏ thiên tính của Chúa Giêsu nhưng một cách hết sức nghiêm chỉnh nó theo nẻo đường mà Người phải theo để bước vào vinh quang của Chúa Cha.

Một chiều kích khác của phương thức hiện đại cần được nhấn mạnh là các trước tác Tân Ước như chúng ta có hiện nay, là sản phẩm cuối cùng của một diễn trình giải thích và phát triển lịch sử lâu dài. Các câu chuyện về Chúa Giêsu thoạt đầu được truyền bằng miệng, rồi mới được viết xuống và được duyệt lại trong một thời kỳ lâu dài. Các kinh tin kính và công đồng cũng là một phần của cùng một diễn trình. Ngày nay, Chúa Giêsu đến với chúng ta sau khi được sàng lọc qua một diễn trình đa dạng và phức tạp của điều ta gọi là truyền thống Kitô giáo. Chúng ta không thể coi điều chúng ta nói về Người trong đức tin giống hệt như sự kiện lịch sử. Truyền thống về Người chứa phần lớn lịch sử nhưng nó cũng khẳng định nhiều điều, thí dụ như thiên tính, vượt quá các giới hạn của phương pháp lịch sử như khoa này được hiểu ngày nay. Năm 1964, Ủy ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh và Công đồng Vatican II năm 1965 đã khẳng định với giới học giả hiện thời về Kinh Thánh rằng ít nhất có ba giai đoạn trong truyền thống Tin Mừng về Chúa Giêsu. Trước nhất, có giai đoạn Chúa Giêsu người Galilê sinh ra khoảng năm 6-4 TCN và chết khoảng năm 30 CN. Điều chúng ta có thể nói về đời sống nhân bản, lịch sử của Người tùy thuộc vào tính giá trị của các phương pháp tái dựng lịch sử của chúng ta, giống như giai đoạn sau. Do đó, giai đoạn kế tiếp là giai đoạn rao giảng truyền khẩu bởi các Kitô hữu sớm nhất từ khoảng năm 30 tới năm 70 CN. Điều này xẩy ra khi các Kitô hữu ra khỏi đời sống làng mạc thôn dã, nông dân hơn của Chúa Giêsu, mà ngôn ngữ chính là tiếng Aram, để chuyển sang đời sống thành thị của những người Do Thái và Dân Ngoại nói tiếng Hy Lạp. Mặc dù giai đoạn này có tính truyền khẩu, Thánh Phaolô đã bắt đầu viết các thư của ngài vào khoảng năm 51 CN, và các bình diện viết Tin Mừng sớm hơn và nguyên sơ hơn có lẽ đã bắt đầu vào cùng thời kỳ này hay sớm hơn. Cuối cùng là giai đoạn thứ ba, giai đoạn thực sự viết các bản cuối cùng của các Tin Mừng qui điển như ta có hiện nay. Việc này bắt đầu với Thánh Máccô vào khoảng lúc Đền Thờ bị phá hủy năm 70 CN và lên tới cao điểm là bản sau cùng của Tin Mừng Gioan vào khoảng năm 90-100 CN. Rõ ràng, các tác giả Tin Mừng trong các bản sau cùng của họ đã sáp nhập nhiều yếu tố từ các giai đoạn trước của truyền thống. “... lựa chọn một vài điều từ nhiều điều đã được truyền lại hoặc bằng miệng hoặc bằng chữ viết, giản lược một số thành một tổng hợp, giải thích... một số điều theo hoàn cảnh của giáo hội họ, và duy trì các hình thức công bố nhưng luôn một cách chúng thuật lại cho chúng ta sự thật trung thực về Chúa Giêsu...” (Vatican II, Dei Verbum số 19). “Sự thật trung thực về Chúa Giêsu” bao gồm lịch sử nhưng vươn xa hơn thế nhiều. Các tác giả Kinh thánh là những nhà thần học giải thích truyền thống về Chúa Giêsu dưới góc độ hoàn cảnh hiện thời của họ ngõ hầu công bố ý nghĩa của Người một cách hữu hiệu hơn cả trong các cộng đồng của họ lẫn trong những xứ truyền giáo. Chúng ta phải làm cùng một điều nếu Chúa Giêsu tiếp tục sống động, tích cực và hiện diện giữa chúng ta. Với tôi, chúng ta truyền lại không phải những chữ đã chết trong quá khứ mà là Thần trí sống động.

Kitô học, một chuyên khoa của tôi, chỉ là một cố gắng liên tục giữ cho mình trung thành với các truyền thống quá khứ về Chúa Giêsu chính bằng cách công bố Người như mới trong hoàn cảnh đương thời. Mục đích là tiếp tục kể câu chuyện của Chúa Giêsu, một câu chuyện không bao giờ kết thúc. Chúng ta phải liên tục suy niệm và giải thích câu chuyện của Người để nó biến đổi chúng ta và giải thoát chúng ta, để câu chuyện của Người trở thành câu chuyện của chúng ta, khi chúng ta theo chân Người làm môn đệ. Khi cố gắng trung thực với toàn bộ truyền thống từ thời Chúa Giêsu cho tới ngày nay, cách tiếp cận Kitô học của tôi bao gồm bốn chiều kích khác biệt nhưng bất khả tách phân và bất khả miễn chước: Chúa Giêsu lịch sử, sự chết của Người trên thập giá, sự phục sinh, và nhập thể. Ngày nay có một số người bác bỏ nhập thể, coi nó như không có liên quan, không cần thiết cho đức tin Kitô giáo. Theo quan điểm của tôi, nó có tính yếu tính hơn cả mọi khẳng định đức tin Kitô giáo vì nó có tính căn để hơn cả. Nhập thể khẳng định việc Thiên Chúa đích thân can dự vào lịch sử con người và trải nghiệm nhân bản của chúng ta. Không điều gì làm chính cốt lõi nhân tính chúng ta xúc động sâu xa hơn. Thiên Chúa đã trở thành một người trong chúng ta. Thiên Chúa cảm nghiệm từ bên trong điều chúng ta cảm nghiệm, đau khổ điều chúng ta đau khổ, mãi trung thành nơi chúng ta cần trung thành. Có điều gì có thể căn để hơn điều đó không? Nhưng dưới góc độ các cách tiếp cận đương thời, việc khẳng định nhập thể chỉ có thể khả hữu khi chấp nhận toàn bộ trải nghiệm của Chúa Giêsu: đời sống và thừa tác vụ nhân bản và lịch sử của Người, “biến cố” trung tâm và quyết định là sự chết và sự phục sinh của Người, và đời sống và thừa tác vụ liên tục của Giáo Hội, bắt đầu với các Thánh Phêrô, Phaolô và Gioan và tiếp diễn tới Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và xa hơn nữa. Tôi có thể đồng ý với các nhà thần học và các học giả Kinh Thánh ngày nay khi họ muốn “tái bối cảnh hóa” truyền thống Gioan-giáo phụ-công đồng (hình ảnh truyền thống) bên trong quan điểm lịch sử và lũy tiến hay phát triển về Chúa Giêsu (hình ảnh hiện đại). Khẳng định rằng Chúa Giêsu là chính việc nhập thể của Thiên Chúa chỉ không thể khả hữu nếu không có sự phân tích phê phán của diễn trình giải thích đem chúng ta tới một khẳng định như vậy. Khẳng định của Công đồng Canxêđoan (451) rằng Chúa Giêsu là con người trọn vẹn và là Thiên Chúa trọn vẹn trong sự hợp nhất của một ngôi vị không diễn ra trong chân không. Các công đồng cũng là sản phẩm sau cùng của một diễn trình giải thích lịch sử lâu dài. Cuốn sách này sẽ cố gắng trả lời một số câu hỏi phát xuất từ nhu cầu liên tục phải giải thích và hiểu truyền thống của chúng ta.

Cuối cùng, liên quan tới các câu hỏi người ta nêu ra, một câu hỏi bề ngoài xem ra đơn giản và thẳng thừng, nhưng có thể nêu lên nhiều vấn đề phức tạp. Một câu hỏi như thế được người ta hay nêu lên là: Chúa Giêsu có biết Người là Thiên Chúa không? Với câu hỏi này hay bất cứ câu hỏi nào, điều quan trọng là lưu ý loại câu hỏi nào đã được nêu lên. Nó có phải là câu hỏi lịch sử về điều Chúa Giêsu thực sự đã nói và làm trong đời Người lúc còn ở thế gian không? Hay nó là một câu hỏi tâm lý về tình trạng tâm trí bên trong của Người nghĩa là điều Người suy nghĩ về hay có ý làm, hay các động lực nằm bên dưới các hành động của Người? Hay nó là câu hỏi thần học về những cách khác nhau người ta đã dùng để hiểu và giải thích mối tương quan của Người với Thiên Chúa trong các thế kỷ qua? Những cách giải thích này rất có thể tìm thấy trong Kinh Thánh hay trong các kinh tin kính và tín lý của Giáo Hội hay trong các công trình của các nhà thần học và học giả Kinh Thánh từ trước cho tới tận ngày nay. Hay nó là câu hỏi bản thân về việc tất cả những điều này thích hợp ra sao đối với đời sống thiêng liêng của người ta, hay nó là câu hỏi Giáo Hội về các xu hướng và thực hành trong Giáo Hội, hay nó là câu hỏi xã hội về các vấn đề chúng ta đang đối phó trong thế giới ngày nay. Tất cả các câu hỏi này đều tốt và có giá trị, nhưng loại câu trả lời đưa ra tùy thuộc loại câu hỏi đang nêu ra và nguồn tài liệu có sẵn cho một câu trả lời thỏa đáng.

Tất cả các câu hỏi trên đều được bàn tới trong các trang kế tiếp, nhưng dàn ý của cuốn sách này được xây dựng quanh việc phân biệt giữa các câu hỏi lịch sử và thần học. Sau một số câu hỏi khởi đầu về các nguồn gốc và việc giải thích chúng, chúng ta sẽ xem xét các câu hỏi chỉ có các câu trả lời lịch sử (đời sống và thừa tác vụ của Chúa Giêsu). Sau đó, chúng ta sẽ hỏi các câu hỏi ra khỏi các quan tâm lịch sử để bước vào các quan tâm thần học, cả giải thích của Giáo Hội sơ khai về Chúa Giêsu đặt cơ sở trên thập già và phục sinh lẫn giải thích tiếp diễn của Giáo Hội về sau về Chúa Giêsu dưới hình thức các kinh tin kính và công đồng (các tín lý). Cuối cùng, chúng ta sẽ xét xem các câu hỏi quanh ý nghĩa của Chúa Giêsu đối với ngày nay.

Khi đặt các câu hỏi trực tiếp với Chúa Giêsu hay đặt câu hỏi về Người, chúng ta nên giữ cho hiện diện trong trí khôn ta và sống động trong trái tim ta câu hỏi trung tâm và nền tảng nhất, câu hỏi mà chính Người hỏi chúng ta như các môn đệ của Người: “Nhưng các con nói Thầy là ai?” (Mc 8:29).

Dàn ý của cuốn sách

I.Các nguồn và việc giải thích chúng (Các câu hỏi 1-10)

II.Đời sống Chúa Giêsu: Các câu hỏi lịch sử (11-55)

A. Sinh ra, thơ ấu, tuổi trẻ em và niên thiếu (các câu hỏi 11-26)
B. Thừa tác vụ công khai: Lời nói, việc làm, số phận (các câu hỏi 27-55)

III.Cái chết của Chúa Giêsu: từ lịch sử qua thần học (các câu hỏi 56-66)

IV.Sự phục sinh của Chúa Giêsu: Biến cố thần học có tính quyết định (các câu hỏi 67-74)

V.Người công bố như Người được công bố: khai triển truyền thống trong Giáo Hội (các câu hỏi 75-84)

VI.Ngày nay, Chúa Giêsu Kitô là ai? (các câu hỏi 85-101).