Trong một cuộc phỏng vấn chi tiết của Lothar C. Rilinger thuộc hãng tin Công Giáo ĐứcKath.net do Catholic World Report phổ biến bằng tiếng Anh, Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller nói: “Các nghị quyết của Con đường Đồng nghị, đã cướp đi 'chân lý của Tin Mừng' (Gl 2:5) nơi những người Công Giáo trung thành, chỉ để thay thế nó bằng thứ hỗn hợp đậu lăng rẻ tiền của một ý thức hệ cố định về giới tính … một kiểu chủ nghĩa duy vật hư vô vốn nhạo báng Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra con người theo hình ảnh và họa ảnh của Người như nam và nữ.”
Với phiên họp toàn thể vừa qua, các cuộc thương lượng và bỏ phiếu dân chủ của cái gọi là “Con đường Đồng nghị” đã kết thúc. Đa số các quyết định đã được bỏ phiếu hiện đang được thực hiện. Tuy nhiên, các nghị quyết không đáp ứng được sự chấp thuận nhất trí của Rôma và của Đức Giáo Hoàng, cả hai đều đại diện cho Giáo hội hoàn vũ và do đó 1.3 tỷ người Công Giáo Rôma, và cả hai đều chịu trách nhiệm bảo đảm sự thống nhất của Giáo hội hai nghìn năm tuổi vào sự thật của Chúa Kitô.
Trên thực tế, các nghị quyết đã bị chỉ trích không những bởi người Công Giáo Đức mà còn trên toàn thế giới. Các quyết định của tiến trình cải cách này, vốn đòi hỏi giá trị pháp lý, có khuynh hướng xa rời nguyên tắc hiệp nhất đã bảo đảm sự liên tục của Giáo hội trong hai nghìn năm. Việc từ bỏ nguyên tắc thống nhất có những hậu quả sâu rộng. Chúng tôi đã nói về điều này với Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, Nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, một sử gia duy giáo điều và về giáo điều.
Lothar C. Rilinger: Nhiều bản văn đã được thông qua cách đây vài ngày tại “Con đường Đồng nghị” ở Frankfurt và chúng ta chỉ có thể tập trung vào một số bản văn đó. Nhưng trước hết, về nguyên tắc: Một người Công Giáo có thể tra vấn bao nhiêu phần trăm giáo huấn truyền thống, chẳng hạn về chức linh mục hoặc về đồng tính luyến ái trước khi họ không còn là người Công Giáo nữa?
Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller: Bí tích truyền chức, một bí tích có nguồn gốc và bản chất, trong ba bậc phó tế, linh mục và giám mục, có nền tảng ở việc Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, chính Con Thiên Chúa kêu gọi và ủy thác cho các tông đồ. Chống lại sự phản đối của các nhóm duy linh và cuối cùng là cuộc Cải cách Thệ phản vào thế kỷ 16, rằng bí tích Truyền chức thánh không phải là một phần của bản chất của Giáo hội, Huấn quyền giám mục-giáo hoàng (đặc biệt là trong Công đồng Trent và Vatican II) đã tìm ra nguồn gốc Kitô học và vị trí giáo hội học của bí tích này, trong đó hiến chế phẩm trật, tức bí tích, của Giáo hội cũng được thiết lập (x. Vatican II, Lumen gentium 18-29).
Do đó, bất cứ ai phủ nhận các yếu tố thiết yếu của việc truyền chức này, được Chúa Kitô thiết lập trong Giáo hội, như một thừa tác vụ Lời Chúa và Bí tích được ủy nhiệm, và bất cứ ai không nhìn nhận các giám mục và linh mục là những mục tử được Chúa Thánh Thần chỉ định, thì không còn có thể tự gọi mình là Công Giáo (x. Vatican II. Lumen gentium 14). Do đó, những gì cấu thành Công Giáo không được xác định bởi văn phòng đăng ký nhà nước hoặc Ủy ban Trung ương của người Công Giáo Đức hoặc bất cứ tổ chức giáo hội nào khác về nhân quyền thuần túy, nhưng tối hậu chỉ được xác định bởi toàn bộ các giám mục Công Giáo, với Đức Giáo Hoàng trong tư cách nguyên tắc vĩnh viễn của sự hiệp nhất Giáo Hội, trong sự thật mặc khải dứt khoát của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô. Sự phản đối dị giáo đối với Mặc Khải và cách dùng từ ngữ có tính khái niệm của nó trong Tín điều ràng buộc của Giáo hội, là tự ngụy trang dưới lốt phát triển thêm ý nghĩa thực sự của nó như nó đã làm với những người theo thuyết Ngộ đạo cổ xưa, hoặc, dưới lốt một thích ứng cần thiết đối với khả năng hiểu hạn chế hoặc đương thời của người nghe như nó đã làm với những người được gọi là theo chủ nghĩa duy hiện đại của thế kỷ 19.
Chống lại xu hướng chính dòng của thế giới phương Tây, họ cho rằng người ta không còn có thể nói mục đích của bản chất con người do Chúa tạo ra ở hai giới tính là gì. Và hoạt động tình dục của một người đàn ông và một người phụ nữ bên ngoài hôn nhân hợp pháp, người ta không còn có thể gọi nó là tội lỗi nếu không khiến bản thân bị xã hội tẩy chay hoặc phải chịu hình phạt được cho là công bằng thông qua cơ quan tư pháp, cơ quan có nhiệm vụ giám sát suy nghĩ, phát ngôn và hành động được xã hội cho phép một cách toàn trị. Nói một cách thẳng thừng: đó không là gì khác hơn là chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối.
Rilinger: Có ba cấp độ thừa tác vụ (phó tế, linh mục và giám mục) nhưng đó là một bí tích duy nhất. Vì vậy, đó thực sự sẽ là sự phân biệt đối xử, như Giám mục Rudolf Voderholzer đã cảnh báo ở Frankfurt, nếu phụ nữ chỉ được chấp nhận với tư cách là phó tế, chứ không phải là linh mục hay giám mục. Người ta vướng vào những vấn đề gì khi đòi hỏi chức phó tế cho phụ nữ?
Đức Hồng Y Müller: Thực sự chỉ có một thừa tác vụ bí tích duy nhất và không thể chia cắt trong ba cấp độ giám mục, linh mục và phó tế. Do đó, những yếu tố thiết yếu của nó áp dụng cho cả ba bậc phong chức. Nhận thức này bắt nguồn từ truyền thống đức tin của Giáo hội, đã chiếm ưu thế ngay cả khi đối mặt với những phản đối dị giáo, và do đó đã trưởng thành đến mức trở thành một định nghĩa có thẩm quyền ràng buộc mọi người Công Giáo trong lương tâm.
Rilinger: Lần trước, một bản văn đã được thông qua theo đó quan hệ tình dục ngoài hôn nhân nên được coi là tích cực. Giờ đây, một bản văn khác đã được thông qua nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cử hành các phép lành cho mọi loại quan hệ tình dục, cũng như cho những người đã ly dị và tái hôn dân sự, những người sống vi phạm bí tích hôn nhân bất khả phân ly của họ. Chỉ hai năm trước đây, chính những mối quan hệ tình dục ngoài hôn nhân được ban phước này đã bị Bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố là không thể. Thái độ này nói lên điều gì về Giáo hội ở Đức, về các giám mục Đức, cũng như về Rôma, nếu không có sự can thiệp ngay lập tức?
Đức Hồng Y Müller: Bộ Giáo lý Đức tin, thay mặt Đức Giáo Hoàng, đã nhấn mạnh rõ ràng về giáo lý Công Giáo về hai giới tính của con người. Trong cuộc phỏng vấn gần đây nhất (tháng 3 năm 2023) với tờ báo La Nación của Á Căn Đình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phân biệt rõ ràng giữa việc chăm sóc mục vụ cho những người đang phải vật lộn với sự hấp dẫn tình dục của người khác phái và việc thực dân hóa nguy hiểm nhất thế giới bởi ý thức hệ phái tính hoàn toàn phản khoa học, điều này sẽ được áp đặt lên tất cả mọi người - kể cả các nước nghèo - bởi nhóm vận động hành lang tỷ phú tương ứng. Nếu một quốc gia từ chối, nhóm vận động hành lang đe dọa sẽ giới hạn viện trợ phát triển và do đó tự ý chấp nhận nạn đói và bần cùng hóa.
Điều này đã được thể hiện rõ ràng trong cuộc nói chuyện giả khoa học về “con người sinh học”. Như thể tính dục của con người là một điều khác hơn là một sự kiện sinh học, một điều, tuy nhiên, trong sự thống nhất giữa thể xác và linh hồn của con người, cũng cần phải được xử lý về mặt đạo đức, liên quan đến điều tốt đẹp về mặt đạo đức, một điều sẽ đạt đến sự hoàn hảo của nó trong tình yêu.
Thực thế, Giáo Hội Công Giáo là định chế duy nhất trên thế giới đề cao vô điều kiện phẩm giá của con người vì, theo lệnh truyền của Thiên Chúa, Giáo hội gọi sự nguy hại của tội lỗi theo đúng bản chất của nó và đồng thời ban cho mọi tội nhân ân sủng ăn năn và hoán cải, và do đó mang đến cho họ triển vọng về một cuộc sống mới trong tình yêu của Thiên Chúa.
Vượt quá định nghĩa nguyên thủy nhất, và do đó tiến bộ nhất và hữu ích nhất về con người, mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã mặc khải một cách dứt khoát cho chúng ta như ý muốn của Cha trên trời, Đấng tạo thành thế giới và con người (x. Mt 11:25- 27), không nhận thức nào của con người có thể tương đối hóa lời của Người: “Há các ông không đọc rằng Đấng đã tạo ra họ từ ban đầu” [lý do trong đó ý muốn của Đấng Tạo Hóa tự mặc khải] “đã tạo ra họ có nam có nữ, và nói: 'Vì lý do này, người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ nên một'? Vì vậy, họ không còn là hai mà là một.” (Mt 19:4-6).
Ngay cả với những vặn vẹo từ ngữ tinh vi nhất, các nhà chú giải đương thời vẫn không thể che giấu sự thật mặc khải này: việc phủ nhận Thiên Chúa dẫn đến sự dối trá về mối quan hệ đúng đắn giữa nam và nữ và do đó, quan hệ giao hợp của những người đồng tính mâu thuẫn với thiên hướng tự nhiên của hai giới tính con người và do đó cấu thành tội trọng (x. Rm 1:18-32; 1Cr 6:9f). Cả những biến cố gây giông bão trên các phương tiện truyền thông chính dòng cũng như các khoản tiền phạt và án tù áp đặt đối với các Kitô hữu trung thành trong các chế độ độc tài ý thức hệ đều không thể thay đổi điều này, ngay cả khi các luật lệ liên quan có hình thức dân chủ chính thức ở bề ngoài.
Rilinger: Một bản văn khác kêu gọi tạo điều kiện cho giáo dân rao giảng, giáo dân rửa tội và giáo dân hỗ trợ trong các nghi lễ hôn nhân. Bên cạnh sự kiện là, dưới hình thức bán hợp pháp, điều này đã xảy ra ở một số giáo phận của Đức, thì cần gì phải có phó tế vĩnh viễn?
Đức Hồng Y Müller: Những phương thức này có lý do của chúng không phải vì thiếu linh mục và phó tế ở châu Âu hay trong một trường hợp khẩn cấp đặc biệt có nguy cơ sự cứu rỗi bị đe dọa, nhưng vì sự thôi thúc của những người giáo dân toàn thời gian trong thừa tác mục vụ thi hành các chức năng giống như linh mục để gia tăng uy tín xã hội của bản thân. Thừa tác viên thực sự của phép rửa là giám mục hoặc linh mục và cả phó tế, nếu cả hai vị kia đều không thể có mặt.
Một giáo dân chỉ có thể thực hiện phép rửa khẩn cấp trong trường hợp khẩn cấp, khi sự cứu rỗi cá nhân của linh hồn ứng viên lãnh phép rửa đang bị đe dọa - chứ không phải phép rửa long trọng trong cộng đồng hiển thị với đại chúng. Giáo dân, được ủy quyền và đào tạo thần học bởi một giám mục, có thể thuyết trình về linh đạo trong các buổi lễ không phải là Thánh lễ và do đó tham gia việc rao giảng trên cơ sở chức linh mục chung, nếu họ có tài liệu đủ điều kiện.
Trong thần học phương Tây – một điều cần được thảo luận chi tiết hơn – chính vợ chồng là người cử hành bí tích hôn nhân cho nhau. Giám mục hoặc linh mục, trong tư cách đại diện Chúa Kitô và là tác nhân của Giáo hội, thay mặt các chủ thể này xác nhận giao ước hôn nhân. Ngay từ đầu thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, Thánh Inhaxiô thành Antôkia đã viết cho hiền huynh giám mục của mình là Polycarp của Smyrna: “Nhưng nay có thói quen cả nam và nữ kết hôn thiết lập sự kết hợp của họ với sự chấp thuận của giám mục, để cuộc hôn nhân của họ có thể được phù hợp với Thánh ý Thiên Chúa” [x. 1 Cr 7:39: “hôn nhân trong Chúa”] “chứ không phải sau dục vọng riêng của họ. Hãy để mọi điều được thực hiện nhằm tôn vinh Thiên Chúa.” (Ch. 5). Do đó, việc đẩy các linh mục ra khỏi phụng vụ hôn nhân là một bước đi sai hướng.
Rilinger: Trong cuộc họp báo khi kết thúc “Con đường Đồng nghị”, Giám mục Georg Bätzing đã nói với những người phản đối cải cách: “Chúng tôi nhận được gì từ các bạn với những quyết định mà chúng tôi đang đưa ra?” Ngài nói tiếp, “Hãy tiếp tục và sống theo những gì quan trọng đối với bạn, và chúng tôi sẽ không lấy đi điều đó của bạn.” Nói thay cho người Công Giáo bình thường, có thể nói như thế, Đức Hồng Y sẽ trả lời điều đó ra sao?
Đức Hồng Y Müller: Đó hoàn toàn theo khẩu hiệu “Hãy ngăn chặn kẻ trộm!” Những người Công Giáo trung thành sẽ không cho phép mình bị phỉ báng như những người phản đối “cải cách”, chắc chắn không phải bởi giám mục, những vị – hoàn toàn trái ngược với lý tưởng giám mục của Vatican II – không nên vả mặt người khác bằng những tuyên truyền chống Công Giáo của họ. Các tín hữu Công Giáo trung thành được hướng dẫn bởi lời của Thánh Tông đồ về sự cải cách tâm trí trong Chúa Kitô: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”. (Rm 12:2).
Các nghị quyết của “Con đường Đồng nghị” tước đoạt “chân lý Tin Mừng” (Gl 2:5) của những người Công Giáo trung thành, chỉ để thay thế nó bằng thứ hỗn hợp đậu lăng rẻ tiền của một hệ giới tính định trước, trọng tâm thực sự của người Đức. “Con đường đồng nghị”, một loại chủ nghĩa duy vật hư vô, là sự nhạo báng Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra con người theo hình ảnh và họa ảnh của Người trong tư cách nam và nữ.
Rilinger: Đức Hồng Y giải thích ra sao sự kiện này: trong mỗi trường hợp, hơn hai phần ba số giám mục đã bỏ phiếu ủng hộ các bản văn rõ ràng là mâu thuẫn với giáo huấn truyền thống của Giáo hội? Làm thế nào một giám mục có thể bỏ phiếu ủng hộ hoặc bỏ phiếu trắng - phiếu trắng được tính là phiếu không bỏ phiếu - nếu ngài chỉ thấy một số đoạn tích cực trong các bản văn, nhưng lại coi những đoạn khác có vấn đề? Trên thực tế, một số giám mục đã tuyên bố rằng họ sẽ làm chính điều đó.
Đức Hồng Y Müller: Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng và một sự lạm dụng không thể tha thứ được đối với thẩm quyền của giám mục, giống như phần lớn các giám mục đã buộc phải áp đặt tà giáo Arianô, tức là phủ nhận bản chất thần linh của Chúa Kitô, trong Đế quốc La Mã ở phía Đông, hoặc giống như các giám mục theo lạc giáo Đônatô, những người đã phát triển nền thần học bí tích đi chệch khỏi Rôma, đông hơn các giám mục Công Giáo ở Bắc Phi vào thời Thánh Augustinô. Để bào chữa cho mình, họ không thể cho rằng mình thiếu hiểu biết, sợ bị đàn áp bởi các chế độ độc tài chống giáo sĩ, hoặc bị dụ dỗ bởi tuyên truyền tẩy não. Họ phải làm quen với giáo huấn nhân học của Công đồng Vatican II về hôn nhân, gia đình và tính dục, nhất là về sự thống nhất giữa xác và hồn nơi con người (với sự tự nhận thức và tự do). Họ cũng đã bị chính Đức Giáo Hoàng, Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin, và Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Thánh bộ Giám mục, công khai chỉ trích về những lỗi lầm nghiêm trọng của họ.
Rilinger: Những giám mục đã bỏ phiếu chống lại những cải cách đã được phê duyệt hiện đang chịu áp lực rất lớn. Áp lực này được tạo ra bởi các nhà cải cách, như người ta cũng có thể thu thập được từ nhận xét của Bätzing tại cuộc họp báo. Đức Hồng Y từng là Giám mục của Regensburg. Đức Hồng Y có khuyến nghị gì cho anh em của Đức Hồng Y? Đức Hồng Y sẽ tiến hành ra sao trong tình huống này?
Đức Hồng Y Müller: Trong vài năm qua, trò chơi của chế độ độc tài truyền thông này đã được dàn dựng, điều này tự nó đã chứng tỏ sự vô thần của những người điều hành chiến dịch này, thậm chí đã lọt vào các định chế được các các giám mục trả tiền. Sự vô thần này phản bội chính nó trong các cuộc kích động vô nhân đạo và phi đạo đức chống lại các đại diện đứng đắn và có thẩm quyền, bất kể là giám mục, linh mục và giáo dân, luôn theo nguyên tắc: nếu không có tranh luận, hãy thử việc xúc phạm bản thân.
Rilinger: Các bí tích vẫn thành sự, ngay cả khi một linh mục hoặc giám mục hoàn toàn ủng hộ các nghị quyết của “Con đường Đồng nghị”. Nhưng liệu các tín hữu có nên thường xuyên lãnh nhận các bí tích từ các giáo sĩ như vậy không, hay họ nên sẵn sàng đi xa hơn, để rước lễ vào các Chúa nhật ở một nơi khác chẳng hạn?
Đức Hồng Y Müller: Vâng, các bí tích có giá trị ngay cả khi chúng được thực hiện bởi một giám mục ly giáo hoặc dị giáo – nhưng chỉ khi vị ấy có ý định làm những gì mà Giáo hội hiểu qua các bí tích này. Nhưng chúng ta cũng nên tránh những người này, những người đã dẫn rất nhiều con chiên của Chúa Kitô được trao phó cho họ đi sai đường. Nhân đây, nhiều Giáo phụ của Giáo hội cũng đã bị bách hại nặng nề bởi những kẻ dị giáo, chẳng hạn như Thánh Athanasiô Vĩ đại, Gioan Kim Khẩu, Đức Giáo Hoàng Martinô I, và những người khác.
Điều gọi là sự chúc phúc các cặp đồng là một sự lừa dối dán nhãn. Vẻ bề ngoài của cử chỉ ban phép lành không tương ứng với bất thực tại nào về ân sủng trợ giúp được Thiên Chúa thông ban. Thật là một tội trọng khi kêu cầu danh Thiên Chúa để biện minh cho sự vi phạm phù phiếm các điều răn của Người (vốn luôn cứu chúng ta khỏi tai họa tội lỗi) bằng tình yêu của Chúa. “Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1Ga 5:3-4)
Rilinger: Trong phạm các hệ luận của “Con đường Đồng nghị” – giống như trong một đảng chính trị – người Công Giáo Đức phải tin điều gì và người Công Giáo trên toàn thế giới nên tin điều gì đã được quyết định theo đa số phiếu. Có phù hợp với Kinh thánh cũng như với các giáo huấn và truyền thống của Giáo hội hay không khi các quyết định về đức tin được xác định một cách ràng buộc bởi đa số phiếu theo các chỉ thị chính trị, đặc biệt là khi một phần lớn các thành viên không được giáo dục về thần học hoặc chỉ được giáo dục sơ cấp?
Đức Hồng Y Müller: Hội nghị này, vốn tự phụ tự gọi mình là “Con đường Đồng nghị”, mặc dù không có một dấu hiệu nhỏ nhất nào cho thấy bất cứ cuộc thảo luận nào là cởi mở và được hướng dẫn bởi Lời Chúa, không có nền tảng nào trong kết cấu bí tích của Giáo hội. Nó chỉ đơn thuần là một diễn đàn để trao đổi ý kiến, mặc dù không thành công. “Con đường Đồng nghị” hoàn toàn không phải là chủ quyền của Giáo hội toàn quốc Đức thay cho Thiên Chúa, có thể ra lệnh cho các giám mục từ bỏ các sự thật được mặc khải để ủng hộ một thế giới quan duy vật hoặc thậm chí là đối lập hoàn toàn với các sự thật này (như đã được tuyên bố một cách hoàn toàn thiếu hiểu biết về thần học).
Đối với các giám mục đã đồng ý với các bản văn phi Kinh thánh này hoặc bỏ phiếu trắng một cách hèn nhát, hoàn toàn trái ngược với sứ mệnh thần linh của họ, tức là trình bày và bảo vệ đức tin Công Giáo trong tất cả sự thật và sự trọn vẹn của nó, lời của tác giả Tin Mừng áp dụng cho họ “ngay cả trong giới lãnh đạo Do-thái cũng có nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu. Nhưng họ không dám xưng ra, vì sợ bị nhóm Pharisêu khai trừ khỏi hội đường. Thật thế, họ chuộng vinh quang của người phàm hơn là vinh quang của Thiên Chúa”.(Ga 12:42-43).
Rilinger: “Con đường Đồng nghị” cho rằng họ đại diện cho người Công Giáo Đức một cách ràng buộc về mặt pháp lý, hàm ý rằng nó được hưởng tính hợp pháp này. Liệu một cơ quan ngoài Giáo hội không được hợp pháp hóa một cách dân chủ có thể đưa ra quyết định cho tất cả người Công Giáo Đức không?
Đức Hồng Y Müller: “Con đường Đồng nghị Đức” không phải là một phần của kết cấu bí tích của Giáo Hội và không gì khác hơn là một cơ quan không chính thức. Không thể có chuyện đại diện ràng buộc về mặt pháp lý cho người Công Giáo. Các thành viên của cơ quan này, do Ủy ban Trung ương các người Công Giáo Đức (ZdK) cử đến hoặc do các giám mục bổ nhiệm, không đại diện cho Giáo hội đối với cả nhà nước, xã hội cũng như lịch sử, và chắc chắn không phải đối với người Công Giáo trong sự vâng phục Thiên Chúa cách trung thành. Họ không đại diện cho ai ngoài chính họ. Ngay cả khi họ được ủy quyền cho cơ quan này với tư cách là đại diện của đa số người Công Giáo Đức trong một cuộc bầu cử tổng quát và tự do nào đó, họ sẽ không có thẩm quyền nào có thể ràng buộc từng cá nhân người Công Giáo Đức hoặc toàn thể họ trong lương tâm đức tin của họ. Ngay cả phần lớn các giám mục cũng không thể bắt buộc bất cứ ai phải tuân theo những tuyên bố trái với đức tin hoặc mệnh lệnh trái với đạo đức.
Không giống như các tông đồ, các giám mục không phải là những người mang mặc khải không thể sai lầm, được hoàn tất vào cuối thời đại các tông đồ và có sẵn một cách toàn diện trong Kinh thánh và Truyền thống Tông đồ. Họ chỉ được hưởng tính bất khả ngộ (như một cách giải thích đích thực của depositum fidei [kho tàng đức tin]) trong tính toàn diện của chúng, dưới sự lãnh đạo của Giám mục Rôma, nếu họ tuân thủ “giáo huấn của các tông đồ” (Cv 2:42) (Vatican II, Dei verbum 7- 10).
Rilinger: Ủy ban Trung ương các người Công Giáo Đức (ZdK) tuyên bố đại diện cho toàn bộ lợi ích của giáo dân Công Giáo, mặc dù các thành viên của Ủy ban này không được người Công Giáo Đức bầu vào cơ quan này. Do đó, Ủy ban này chỉ có thể được coi như có vẻ đại diện. Liệu cơ quan này sau đó có tính hợp pháp để đại diện cho lợi ích của toàn bộ giáo dân Công Giáo Đức hay không?
Đức Hồng Y Müller: Tuyên bố ngạo mạn đại diện cho lợi ích của người Công Giáo tự nó là một dấu hiệu cho thấy sự dốt nát thần học khủng khiếp của các tác giả những bản văn “Đồng nghị” quái đản này. Ai là thành viên đã được rửa tội của Thân thể Chúa Kitô sẽ đến gần để tuyên bố và thực thi quyền lợi của họ, nếu họ quan tâm đến sự cứu rỗi của thế giới trong Chúa Kitô, hơn là ham muốn quyền lực thuần túy trần tục của họ?
Nhân tiện, Giáo hội lữ hành không có lợi ích thế gian nào cả (Vatican II, Lumen gentium 8). “Không được linh hứng bởi tham vọng trần tục, Giáo hội chỉ tìm kiếm một mục tiêu đơn độc: tiếp tục công việc của Chúa Kitô dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần phù trợ. Và Chúa Kitô đã đến thế gian này để làm chứng cho sự thật, để giải cứu chứ không phải để ngồi phán xét, để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.” (Vatican II, Gaudium et spes 3).
Rilinger: Thưa Đức Hồng Y, chúng con cảm ơn vì những lập luận của Đức Hồng Y, những lập luận này dựa trên tín lý học của Giáo Hội Công Giáo Rôma và do đó có tính đến truyền thống thần học lâu đời của Giáo hội Rôma.