Trên tờ First Things ngày 16 tháng 1 năm 2023, dưới hình thức “Lá thư từ Rôma # 5”, George Weigel đã tường thuật nhiều chi tiết và suy tư xung quanh Lễ An Táng Đức Hồng Y Pell tại Vatican:



Vì Chúa, hãy để chúng tôi ngồi trên mặt đất
Và kể những câu chuyện buồn về cái chết của các vị vua
.
[Richard II. 3.2]

Đức Hồng Y George Pell, người đột ngột qua đời vì ngừng tim sau ca phẫu thuật thay khớp hông thành công vào ngày 10 tháng 1, có lẽ khinh thường ý niệm cho rằng ngài là bất cứ loại vua, hay thậm chí là hoàng tử nào – mặc dù trên thực tế, ngài là Hoàng tử của Giáo hội và, trong trái tim của nhiều người Công Giáo, là nhà lãnh đạo xứng danh của nền chính thống Công Giáo năng động sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđictô XVI. Tuy nhiên, bất chấp những tiếng cười hân hoan từ vị trí hiện tại của ngài trong Hiệp Thông Các Thánh, George Pell vẫn là một nhân vật vĩ đại trong Đạo Công Giáo đương thời giống như những vị vua mà việc qua đời của họ đã được Richard II than thở bằng ngôn ngữ có một không hai của Shakespeare. Làm thế nào như vậy được? Hãy để tôi kể ra một số cách.

Hầu như một mình đơn độc, Pell đã ngăn chặn sự chảy máu về tín lý và kỷ luật trong đạo Công Giáo Úc vốn có sác xuất khiến Giáo hội địa phương đó trở thành hình ảnh ít được tài trợ hơn của thứ Công Giáo bội đạo hiện đang được trưng bày ở Đức.

Ngài là động lực đằng sau việc sửa đổi (và cải thiện rất nhiều) các bản dịch tiếng Anh của những lời cầu nguyện trong Nghi lễ Rôma, hiện nay chính xác hơn, trang nhã hơn và mang tính cầu nguyện hơn, đồng thời trung thành hơn với bản gốc tiếng Latinh.

Ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bầu chọn Hồng Y Joseph Ratzinger làm Đức Bênêđictô XVI và sau đó đưa vị giáo hoàng này (người mà ngài đã làm việc cùng khi Ratzinger là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin) đến Sydney cho Ngày Giới trẻ Thế giới 2008: một sự kiện đã có tác động vang dội đến Nước Úc không giống như những gì đã xảy ra với Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ sau Ngày Giới trẻ Thế giới năm 1993 - nghĩa là, nó đã biến Tân Phúc âm hóa từ một khẩu hiệu thành một đại chiến lược của Giáo hội với các hiệu quả mục vụ thực địa.

Ngài là người chống đối hiển hiện nhất chế độ độc tài của thuyết tương đối phe tả trong đời sống công cộng ở Úc, một người phản đối mạnh mẽ điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “Văn hóa sự chết” và sự chấp nhận phá thai và trợ tử của nó, một nhà phê bình thông minh đối với “những người vô thần mới” như Richard Dawkins và tai họa của những nhà tiên tri về biến đổi khí hậu thảm khốc, qui lỗi cho con người như Bill McKibben.

Ngài đóng vai trò trung tâm trong việc thách thức cách mà các nhân viên của Thượng Hội đồng Giám mục đã cố gắng dàn dựng cuộc họp năm 2014 của cơ quan đó—và sau đó đã cố gắng một lần nữa tại Thượng Hội đồng Giám mục năm 2015.

Ngài đã truyền cảm hứng cho một thế hệ các linh mục và giám mục trẻ người Úc trở thành những mục tử tốt lành, trang bị cho đàn chiên của họ chống lại sự độc hại của nền văn hóa hiện đại, và thách thức tất cả những người đã được rửa tội trở thành những tác nhân xây dựng một nền văn hóa sự sống thông qua sức mạnh của Tin Mừng.

Ngài sống cuộc sống của một mục tử nhân hậu mà ngài thường yêu cầu những người khác sống, có lần mời ba mươi người vô gia cư đến uống trà buổi sáng tại dinh thự tổng giám mục của ngài và đi ra đường ăn uống với những người vô gia cư mỗi tháng một lần—và không mang theo một nhóm quay phim nào.

Ngài đã nói lên sự thật trước quyền lực của giới truyền thông và khinh bỉ những lời vu khống tàn bạo mà hầu hết báo chí Úc, bao gồm cả Tập đoàn Phát thanh Úc do chính phủ tài trợ, đã đối xử với ngài. Và trong những dịp hiếm hoi khi ngài có cơ hội đưa ra những lập luận của riêng mình, ngài đã đưa ra những gì tốt nhất có thể, bằng sức mạnh nhưng cũng có sự hài hước mà những đối thủ thường hay nổi giận của ngài đặc biệt thiếu.

Sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô gọi đến Rôma, Đức Hồng Y Pell đã đi đầu trong việc chống lại nạn tham nhũng tài chính của Tòa thánh, cải cách triệt để Ngân hàng Vatican và xác định những cải cách cần thiết hơn nữa để đảm bảo tính xác thực và khả năng thanh toán của Vatican—cho đến lúc sự hỗ trợ mà ngài đã trông đợi từ thẩm quyền cấp cao nhất biến mất.

Ngài đối đầu với sự thao túng xấu xa, ác ý của hệ thống tư pháp hình sự ở tiểu bang Victoria của Úc, khiến ngài phải ngồi tù 404 ngày trong phòng biệt giam trước khi được đắc thắng tuyên bố trắng án về tội “lạm dụng tình dục lịch sử” bởi Tòa án tối cao Úc (về bồi thẩm đoàn của phiên xử đã kết tội ngài và đa số trong hội đồng phúc thẩm đã giữ nguyên bản án, trong căn bản, phán quyết này nói rằng họ đã hành động phi lý). Khi thắng kiện, và bất chấp những đau khổ to lớn, George Pell đã giúp cứu vãn những gì còn lại của nền pháp quyền ở đất nước mà ngài yêu mến—và để lại ba tập nhật ký trong tù đã trở thành một tác phẩm thiêng liêng kinh điển đương thời, mang lại niềm an ủi cho mọi người trên toàn thế giới.

Thánh Lễ An Táng ở Rôma

Sau một ngày viếng thăm Nhà thờ nhỏ Thánh Stêphanô của người Abyssinia phía sau Nhà thờ Thánh Phêrô, nơi bạn bè có thể đến và cầu nguyện bên quan tài của ngài và rảy nước thánh (một phong tục đáng yêu của người Ý), Thánh lễ cầu hồn cho Đức Hồng Y Pell đã được cử hành vào ngày Ngày 14 tháng 1 tại hậu cung Vương cung thánh đường Vatican, bên dưới kiệt tác bằng đồng khổng lồ của Gianlorenzo Bernini, Bàn thờ Ngai Tòa. Các nghi thức phụng vụ không dành cho giáo hoàng, bao gồm cả lễ cầu hồn cho các vị Hồng Y, luôn được cử hành trong không gian rộng lớn đó. Nhưng những người từng trải các sự kiện như vậy nói rằng cộng đoàn tụ họp để từ biệt George Pell, và để cầu xin Chúa Cha nhân từ đón nhận người tôi tớ của mình vào vòng tay của Chúa Ba Ngôi, là sự tụ họp lớn nhất mà họ từng thấy—lớn hơn cả các cộng đoàn dành cho lễ phong chức phó tế được cử hành ở đó bởi trường Cao Đẳng Bắc Mỹ. Ngay trước khi Thánh lễ bắt đầu, Sanpietrini, tức lực lượng lao động của vương cung thánh đường, cuống cuồng sắp thêm những chiếc ghế phía sau những chiếc ghế dài trong hậu cung rộng lớn đã chật cứng từ lâu. Và do đó, cộng đoàn đã lấp đầy toàn bộ khu vực giữa Bàn thờ Ngai Tòa và một kiệt tác khác của Bernini, chiếc tán dù trên bàn thờ cao của Đức Giáo Hoàng bên dưới mái vòm vĩ đại của vương cung thánh đường. Như một trong những cộng tác viên lâu năm của Đức Hồng Y đã nói, “Khi mọi người bay đến từ khắp nơi trên thế giới trong một thời gian ngắn, điều đó nói lên một điều gì đó”.

Thánh lễ Cầu hồn được cử hành bởi Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, với hàng chục Hồng Y và giám mục đồng tế và những người khác hiện diện “trong dàn hợp xướng.” Trong số những người đồng tế có hai người phản đối gay gắt nhất các cải cách tài chính của Đức Hồng Y Pell, Đức Hồng Y Domenico Calcagno và Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu (người mà việc gửi ngân quỹ của Vatican đến Úc trong thời gian Đức Hồng Y Pell bị trừng phạt tư pháp chưa bao giờ được giải thích thỏa đáng, và là người đã đưa ra một tuyên bố tâng bốc, tự biện hộ cho mình nhân cái chết của Pell). Sau đó, có Hồng Y Michael Czerny, S.J., người có luận án tiến sĩ, “Bậc thầy Feuerbach và Nhà tiên tri Marx: Dẫn nhập vào Tôn giáo,” Pell, học giả có bằng tiến sĩ Oxford, đã đọc cuốn này và thấy rất kinh hoàng. Phù hợp hơn, những người đồng tế bao gồm nhiều người quý trọng George Pell: trong số này người ta thấy vị Đại diện của Rome đã nghỉ hưu, Hồng Y Camillo Ruini; các Hồng Y người Mỹ Raymond Burke, James Harvey và Edwin O’Brien; và Francis Arinze 90 tuổi, người Nigeria. Vị đồng tế duy nhất không phải là giám mục là vị linh mục thư ký gần đây nhất của Pell, linh mục trung thành Joseph Hamilton.

Bài giảng của Đức Hồng Y Re mô tả vị Hồng Y quá cố là “người của Chúa và người của Giáo hội”, người “được đặc trưng bởi một đức tin sâu sắc và sự kiên định tuyệt vời về tín lý, điều mà ngài luôn bảo vệ không do dự và can đảm, chỉ quan tâm đến việc trung thành với Chúa Kitô." Và mặc dù điều đó có thể khiến một số người nghe giống như bản soạn sẵn về giáo hội học, nhưng trong trường hợp này thì không phải vậy. Tôi coi điều đó khá chân thành, bởi vì Pell và Re tôn trọng lẫn nhau và đã làm việc cùng nhau hơn một lần—một lần khá gần đây—để ngăn chặn điều mà họ tin sẽ là những quyết định thảm khốc của triều giáo hoàng hiện tại. Bài đọc Tin Mừng trong Lễ cầu hồn cũng phù hợp không kém, dựa trên hoàn cảnh về cái chết của vị Hồng Y, vì Luca chương 12 ghi lại việc Chúa ca ngợi “những đầy tớ mà chủ thấy cảnh giác khi ông trở về”. Đức Hồng Y Niên trưởng cũng không bỏ sót mục tiêu nào khi ngài lưu ý rằng George Pell là một “người chủ đạo có ý chí mạnh mẽ và quyết đoán” nổi tiếng là một “nhân vật mạnh mẽ”. Điều mà Đức Hồng Y Re đáng lẽ nên nói thêm là, không giống như các đối thủ báo chí, chính trị và giáo hội của mình, Pell, trong khi đấu tranh hết mình, luôn đấu tranh cho sự công bằng.

Theo thông lệ trong những dịp này, Đức Giáo Hoàng cử hành phần cuối cùng của nghi lễ, Phó dâng Cuối cùng và Từ biệt, sau khi được đẩy vào hậu cung của vương cung thánh đường và sau đó ngồi vào một chiếc ghế di động. Trông có vẻ không được khỏe, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn phó thác người quá cố cho lòng thương xót của Chúa và, sau khi ngài được đưa ra khỏi hậu cung bằng xe lăn, đã dừng lại một lúc để thăm hỏi người em của Đức Hồng Y Pell là David, người đã nói với Đức Phanxicô về người anh em của mình, “Anh ấy là bạn của Đức Thánh Cha.” Đức Thánh Cha vỗ vai David Pell.

Khoảnh khắc không trang trọng duy nhất trong Lễ Cầu Hồn diễn ra vào phút cuối, khi sáu Sanpietrini đứng xung quanh quan tài, dường như không biết phải làm gì tiếp theo. Lực lượng tiếp viện đã đến, và chiếc quan tài nặng nề mang hài cốt của Đức Hồng Y George Pell, một người đàn ông to lớn về mọi mặt, được khiêng ra khỏi Nhà thờ Thánh Phêrô khi cộng đoàn tự nhiên vỗ tay liên tục và như đưa ra phán quyết của riêng mình về một sinh mạng to lớn.

Các Di chúc cuối cùng, có thể nói như vậy

Thuyết giảng vào năm 1998 tại Thánh lễ an táng người bạn và người cố vấn của mình, B. A. Santamaria, một nhà lãnh đạo lao động người Úc theo đạo Công Giáo mạnh mẽ và chống cộng quyết liệt, lúc bấy giờ là Tổng Giám mục Pell của Melbourne đã nói: “Chúng ta được cho biết rằng dấu hiệu chắc chắn của một tiên tri giả là tất cả mọi người đều nêu tiếng tốt của họ. Dù chết hay sống, Bob Santamaria đã chiến thắng khỏi vấp số phận như vậy.” Điều tương tự cũng có thể xảy ra với George Pell. Và có vẻ như những lời vu khống chống Pell sẽ nhân lên khi những người ủng hộ Công Giáo Hời hợt (Lite) vật lộn với hai tài liệu mà, dù công bằng hay không, vẫn sẽ được coi là di chúc cuối cùng của Đức Hồng Y.

Tài liệu đầu tiên, một bài báo, xuất hiện trên tờ Spectator ở London một ngày sau cái chết của vị Hồng Y và là một bài phê bình gay gắt về tài liệu làm việc cho “giai đoạn lục địa” của Thượng Hội đồng Giám mục, sẽ diễn ra trên khắp thế giới trong quý đầu tiên của năm nay. Đức Hồng Y đã yêu cầu tôi cho ý kiến về bản thảo của bài báo khi tôi làm việc tại Rome vào đầu tháng 12, và trong tuần diễn ra tang lễ của Đức Giáo Hoàng danh dự Đức Bênêđíctô vào tháng 1, ngài lo ngại việc bài báo vẫn chưa xuất hiện, vì điều ngài coi là tình hình cấp bách. Rõ ràng, các biên tập viên của tờ Spectator đã quyết định công bố bài viết một cách nhanh chóng, khi nhận được tin về cái chết của vị Hồng Y.

Ngôn ngữ phê bình của Đức Hồng Y Pell là không khoan nhượng: Tiến trình Thượng Hội đồng đã biến thành một “cơn ác mộng độc hại”, trong đó các giám mục, thường được cho là những nhân vật chính của Thượng Hội đồng Giám mục, trên thực tế đã bị gạt qua một bên; hơn nữa, tài liệu làm việc cho giai đoạn lục địa của Thượng Hội đồng là một “sự tuôn tràn thiện chí của Thời đại Mới” vốn “có ý nghĩa thù địch với truyền thống tông đồ và không chỗ nào thừa nhận Tân Ước là Lời của Thiên Chúa, chuẩn mực cho mọi đức tin và đạo đức.” Đức Hồng Y cũng lo ngại sâu xa rằng vị tổng tường trình viên (hoặc người lãnh đạo) khi Thượng Hội đồng họp vào tháng 10 năm 2023 dự kiến là Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, S.J., người Luxembourg, người đã “công khai bác bỏ các giáo huấn căn bản của Giáo hội về tình dục với lý do rằng chúng mâu thuẫn với khoa học hiện đại”; Pell viết tiếp, “trong thời gian bình thường, điều này có nghĩa là việc ngài tiếp tục làm tổng tường trình viên là không phù hợp, thực sự là không thể.”

Bất chấp những bức tranh biếm họa, George Pell không phải là người độc đoán (không giống như một số người lãnh đạo tiến trình Thượng hội đồng). Trong bài viết trên Spectator của mình, ngài thoải mái thừa nhận “những thất bại của các giám mục, những người đôi khi không lắng nghe... và có thể là những người theo chủ nghĩa giáo sĩ trị và theo chủ nghĩa cá nhân.” Nhưng Chúa Kitô đã truyền lệnh rằng Giáo hội của Người phải được cai quản bởi các giám mục, như Đức Hồng Y Pell đã viết, “kể từ thời Thánh Irênê thành Lyon... người bảo đảm cho việc tiếp tục trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô, truyền thống tông đồ.” Và, như tôi và những người khác đã viết, đó là vấn đề mấu chốt xuyên suốt toàn bộ cuộc thảo luận thường rất hời hợt về “tính đồng nghị” trong Giáo hội đương thời, bất luận những cuộc thảo luận đó liên quan đến “Con đường đồng nghị” của Giáo hội Đức hay Thượng hội đồng về tính đồng nghị này ở các giai đoạn lặt vặt của nó: Mặc khải Thiên Chúa có thực chất, có thẩm quyền và ràng buộc theo thời gian hay không, hay kinh nghiệm đương đại của chúng ta cho phép chúng ta sửa đổi, điều chỉnh hoặc thậm chí bỏ qua những gì đến với chúng ta qua Kinh thánh và truyền thống các sứ đồ?

Câu trả lời cho câu hỏi đó từ những người đang pha chế điều mà Đức Hồng Y Pell đã lên án một cách đúng đắn là “một trong những tài liệu rời rạc nhất từng được gửi đi từ Rome” vẫn chưa được đưa ra.

Di chúc thứ hai trong số “di chúc cuối cùng” này thực sự là một tài liệu trước đó, một bài phê bình toàn diện về triều đại giáo hoàng hiện tại, được công bố lần đầu vào tháng 3 năm ngoái trên blog Settimo Cielo của chuyên viên kỳ cựu về Vatican, Sandro Magister, với tác giả có biệt danh là “Demos” (dân thường). Một ngày sau cái chết của Hồng Y Pell, Magister tiết lộ trên blog của mình rằng “Demos” thực ra là George Pell. Đánh giá từ cả văn bản và các cuộc trò chuyện của tôi với Đức Hồng Y, đối với tôi, dường như tài liệu này là kết quả của các cuộc trò chuyện giữa một số thành viên của Hồng Y đoàn. Tuy nhiên, một số công thức khá quen thuộc với những người thường xuyên tiếp xúc với Đức Hồng Y Pell và, theo lời khai của Magister, dường như ngài là người cuối cùng soạn lại những gì rút ra từ những cuộc trò chuyện đó.

Bản tuyên ngôn “Demos” ít luận chiến hơn bài báo của Đức Hồng Y Pell trên tờ Spectator và trình bầy lý lẽ chống lại hướng hiện tại của chính sách và hành động của giáo hoàng trong một số phạm trù: thần học/tín lý, luật pháp và hành chính. Bản tuyên ngôn xứng đáng được đọc kỹ, cẩn thận, vì vậy ở đây chỉ đề cập đến một số điểm tóm tắt.

(1) Triều giáo hoàng hiện tại dường như không rõ ràng về bản chất của Chức vụ Phêrô trong Giáo hội. Việc vị Giáo hoàng này hay bất cứ vị giáo hoàng nào biết khuyến khích giới trẻ “làm rối tung” trong việc thử nghiệm các cách thức mới mẻ nhằm đem Chúa Kitô đến với người khác và phục vụ những người bị gạt ra ngoài lề xã hội đều là điều tốt. Nhưng ngôi vị giáo hoàng không hiện hữu để làm rối tung. Như “Demos” đã nói, “Trước đây, phương châm là Roma locuta. Causa finita est [Rôma đã nói, mọi chuyện kết thúc.] Hôm nay là: Roma loquitur. Confusio augetur. [Rôma lên tiếng, sự hàm hồ bối rối tăng lên.]”

(2) Giáo huấn của Giáo hội ngày nay có một sự thiếu sót rõ rệt về việc lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Điều này được thể hiện theo nhiều cách, nhất là “các cuộc tấn công có hệ thống” vào “di sản lấy Kitô giáo làm trung tâm của Thánh Gioan Phaolô II” thể hiện qua việc dỡ bỏ Viện Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II của Đại học Latêranô (hiện không còn sinh viên nữa), và các cuộc tấn công vào việc giảng dạy của Đức Gioan Phaolô II trong Veritatis Splendor ở một số địa điểm học thuật của Rôma và trong Giáo hoàng Học viện về Sự Sống.

(3) Tình trạng vô luật pháp hơn là công lý hiện đang là đặc điểm của hoạt động hành chính và tư pháp của Vatican. “Demos”/Pell thậm chí còn chỉ trích việc Đức Hồng Y Becciu bị “cách chức” và tước bỏ nhiều đặc quyền của ngài “mà không có bất cứ bằng chứng nào” và không có “thủ tục tố tụng”. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với cách mà triều đại giáo hoàng này đối xử với Tổng Giám mục Paris và Giám mục Arecibo ở Puerto Rico. Các hành vi vô luật pháp ở Vatican trong triều đại giáo hoàng hiện tại, bao gồm nghe lén và tịch thu tài sản, không phải là hiếm.

(4) Việc thường xuyên sử dụng tự sắc như một công cụ quản trị của giáo hoàng cũng giống như việc các tổng thống Hoa Kỳ sử dụng quá mức các lệnh hành pháp và phản bội một cách tiếp cận chuyên quyền nào đó đối với việc quản trị.

(5) Tài chính của Vatican vẫn đang gặp khó khăn nghiêm trọng, xét về diễn trình tài chính bên trong Tòa thánh, chính sách và thực hành đầu tư, cũng như khoản nợ lương hưu khổng lồ chưa được tài trợ.

(6) Thế giá tinh thần của Tòa thánh trong các vấn đề thế giới đang “ở mức thấp”, do chính sách Trung Quốc hiện tại của Vatican và những điều tương tự trong cách tiếp cận của Vatican đối với các quốc gia độc tài khác, trong đó “đối thoại” đã thay thế bằng chứng đạo đức rõ ràng và sự bảo vệ mạnh mẽ các Kitô hữu bị bách hại.

Tài liệu “Demos” sau đó kết thúc bằng cách phác thảo những gì sẽ được yêu cầu trong mật nghị tiếp theo để bầu chọn tân giáo hoàng.

Dù những lời nhận xét khiếm nhã sẽ được ném vào mộ của Đức Hồng Y Pell vì hai tuyên bố di chúc này, những người nghiêm túc trong Giáo hội sẽ tập trung vào câu hỏi liệu những văn bản này có mô tả chính xác tình hình Công Giáo hiện nay hay không. Tôi tin rằng chúng đã làm được điều đó. Hãy để các nhà phê bình chứng minh điều ngược lại.

"Đừng sợ"

Cái chết của Đức Bênêđictô XVI là một nỗi buồn, nhưng nỗi buồn có thể chịu đựng được vì cái chết của ngài đã được mong đợi từ nhiều năm. Cái chết của George Pell giáng một đòn rất mạnh vào những người trông chờ vào vị trí lãnh đạo của ngài trong hoàn cảnh Công Giáo hiện nay. Bạn bè của ngài cảm thấy bị tước đoạt nguồn khôn ngoan, sức mạnh, và vâng, cả niềm vui, vì Đức Hồng Y Pell là người rất vui. Và, phải nói rằng, vị Hồng Y, có lẽ hơn bất cứ ai khác, đã cung cấp xương sống cho các vị Hồng Y khác từng bị đưa khỏi hiện trường; vậy Chúa đang nói gì? Có lẽ có thể gợi ý rằng thông điệp đang được chuyển tải là thế này: Đã đến lúc những người khác trong Hồng Y đoàn bước lên và thể hiện sự can đảm và dũng cảm vốn là dấu hiệu tiêu biểu cho sự phục vụ của George Pell đối với Giáo hội.

Khi được đề cử làm giám mục, Pell đã lấy khẩu hiệu giám mục của Đức Gioan Phaolô II trong bài giảng lễ nhậm chức của ngài vào ngày 22 tháng 10 năm 1978: Đừng Sợ. Sống mệnh lệnh đó trong cuộc sống của mình, George Pell đã giúp rất nhiều, rất nhiều người khác sống, không phải là không sợ hãi mà là vượt qua nỗi sợ hãi: đối đầu với những thử thách của chúng ta với sự hiểu biết chắc chắn rằng chính Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, và Chúa Kitô là Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, Chúa Kitô, Đấng cuối cùng chịu trách nhiệm về Giáo hội. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đời sống, sự dạy dỗ và hành động của chúng ta phù hợp với những thực tại căn bản của đời sống Kitô hữu.

Quả thực, đây là một thời kỳ đáng sợ trong Giáo Hội Công Giáo, kể cả ở Vatican, trong đó nỗi sợ hãi thống trị bầu không khí hiện nay. Và giờ đây, hiện thân của lòng dũng cảm Công Giáo, Đức Hồng Y George Pell, đã đi đến phần thưởng vĩnh cửu của mình. Những người trong chúng ta, những người yêu mến ngài, và đặc biệt là những người trong chúng ta đủ may mắn được cộng tác với ngài, giờ đây phải sống với tinh thần không sợ hãi đó và kêu gọi những người khác thực hiện điều đó—đặc biệt là với những người có trách nhiệm cung cấp cho Giáo hội sự lãnh đạo của vị giáo hoàng tương lai.