Trên tuần báo The Catholic Weekly của Tổng giáo phận Sydney, ngày 13 tháng 1 năm 2023, (https://www.catholicweekly.com.au/peter-rosengren-cardinal-george-pells-enduring-legacy-at-home-and-in-rome/) Peter Rosengren nhận định rằng trong khi hầu hết các giám mục đều được các cộng đồng của họ thương tiếc, thì tầm vóc của Đức Hồng Y George Pell lớn lao đến nỗi tin tức về cái chết của ngài ở Rôma vào ngày 11 tháng 1 ở tuổi 81 đã được người Công Giáo Úc ở khắp mọi nơi đón nhận như một cú sốc và ngay lập tức được đưa tin khắp thế giới.



Hiệu quả này càng lớn lao hơn nhờ ảnh hưởng mạnh mẽ của ngài trong Giáo hội và chính trị trong nhiều thập niên, sự thăng tiến của ngài trong các công việc của Giáo hội và mưu toan ám sát ngài bằng pháp luật bởi sự cuồng loạn của công chúng trong một sự kiện pháp lý có thể là đáng xấu hổ nhất trong lịch sử quốc gia.

Trước khi qua đời, ngài đã trở thành nhân vật quan trọng thứ ba ở Vatican, giữ chức Bộ Trưởng Văn phòng Kinh tế đầu tiên sau khi được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo các nỗ lực dọn dẹp mớ hỗn độn tài chính kỳ lạ của Vatican.

Cả ở Úc và quốc tế, Đức Hồng Y Pell là mối liên kết giữa hai thế giới: một đức tin Công Giáo mạnh mẽ và tự tin hơn nhiều vào nửa đầu Thế kỷ 20 và việc Giáo hội tìm cách giải quyết những thách thức của thời hiện đại ngày càng coi Kitô giáo, và Giáo Hội Công Giáo nói riêng, như không còn liên quan gì đến ý nghĩa của cuộc sống con người.

Việc ngài sẵn lòng tham gia tranh luận và quảng cáo công khai cho Chúa Kitô, Kitô giáo và Giáo hội đã khiến ngài được nhiều người Công Giáo trên toàn quốc ngưỡng mộ. Nó cũng đã gây ra cho ngài quá nhiều kẻ thù. Nhưng Giáo hội của ngài yêu mến ngài nhiều hơn thế gian ghét ngài.

Một khi đã bước vào cuộc tranh luận, ngài thường không thể được xếp vào loại tế nhị, thay vào đó, ngài chọn cách đề cập tới các chủ đề một cách trực diện và nếu cần, thẳng thừng. Việc ngài sẵn sàng nói rõ ràng và tránh ngôn ngữ nhẹ nhàng và thường cực kỳ hòa hoãn của những người cùng thời với ngài trong giáo hội đã khiến ngài được người Công Giáo ở khắp mọi nơi quý mến. Trên hết, họ coi ngài là một nhà lãnh đạo dũng cảm trong đức tin, điều mà họ hiếm khi gặp được.

Họ gọi ngài đơn giản là “Đức Hồng Y”. Bất cứ khi nào họ sử dụng chữ này, họ đều biết họ đang nói về ai. Trên hết, Đức Hồng Y George Pell là một người can đảm.

Tầm vóc khổng lồ của ngài trong Giáo hội ở Úc có nghĩa là cái chết của ngài trong tháng này đã được đón nhận nhiều như tin tức vào năm 1963 về việc bước vào cuộc sống vĩnh cửu của người tiền nhiệm của ngài là Đức Tổng Giám Mục Melbourne, Daniel Mannix.

Đức Hồng Y Pell ngưỡng mộ Đức Tổng Giám Mục Mannix vì sự bảo vệ mạnh mẽ của ngài đối với một Giáo Hội Công Giáo mà trong lịch sử đã bị con cháu Thệ phản Anglô Saxông của Úc lúc bấy giờ hạ xuống vị trí hạng hai.

Giống như “Danny” Mannix đã đối đầu với Thủ tướng Billy Hughes về vấn đề cưỡng bách tòng quân trong Thế chiến thứ nhất và giành chiến thắng, “Đức Hồng Y” không sợ đảm nhận các vấn đề khó khăn hoặc chức vụ cao trong cuộc tranh luận công khai, ngay cả khi điều đó có nghĩa là đảm nhận các chức vụ không được ưa chuộng.

Điều quan trọng với ngài là sự thật, điều mà ngài không bao giờ tin là được xác định bởi các cuộc thăm dò dư luận hoặc tình cảm của công chúng, bất kể mức độ phổ biến như thế nào.

Thông phần vào Thập Giá Chúa Kitô

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Pell chắc chắn đã dự một phần vào Thập Giá mà Chúa của ngài dường như dành cho những người mà Người hết sức yêu thương khi ngài bị buộc tội lịch sử về lạm dụng tình dục, bị kết án tại một tòa án ở Victoria vào tháng 2 năm 2019 và bị kêu án tù.

Người Công Giáo Úc đã bị sốc khi biết một anh hùng của đức tin và bản sắc của họ đã bị kết án vì những tội ác ghê tởm nhất, tuy nhiên nhiều người cảm nhận rõ rằng cuộc điều tra về căn bản đã được dàn dựng một cách tồi tệ bởi những người quyết tâm gài bẫy ngài. Kết quả là một trò hề pháp lý, vì không có nhân chứng và bằng chứng.

Tất cả điều này đã xảy ra trong bối cảnh phổ biến của một số báo chí tồi tệ nhất trong lịch sử Úc, bao gồm cả từ đài truyền hình quốc gia của Úc, nơi đã muốn dư luận trên toàn quốc và ở tiểu bang quê hương của ngài bị đầu độc chống lại ngài trong nhiều năm, khiến - nhiều chuyên gia pháp lý đồng ý - một xét xử công bằng gần như không thể có.

Ngay cả những người Công Giáo đối lập và chỉ trích quan điểm thần học và chính trị của Đức Hồng Y, chẳng hạn như giáo sư luật Đại Học Công Giáo Úc, Frank Brennan SJ, đã coi cuộc điều tra, xét xử và các bản án kết quả là siêu thực, vượt quá niềm tin hợp lý và là trò hề công lý rõ ràng.

Chuyên gia về Luật Hiến pháp Úc, Giáo sư Greg Craven, Phó Viện trưởng Viện Đại học Công Giáo Úc, đã đồng tình trong cách hiểu của ông đối với mớ hỗn loạn pháp lý và não trạng bề hội đồng của đám đông công chúng đã được tung ra để chống lại Đức Hồng Y.

Điều trớ trêu nhất là, bắt đầu với tư cách Tổng Giám mục Melbourne, vị giáo phẩm này đã quyết tâm thay mặt các nạn nhân giải quyết các tội ác lạm dụng, kể cả các cách hỗ trợ họ và cung cấp các biện pháp khắc phục. Trong khi đó, các đồng nghiệp giám mục người Úc thận trọng hơn nhiều của ngài vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết vấn đề và không thoải mái với quyết định của ngài.

Do đó, việc cuối cùng Đức Hồng Y Pell được tòa án tối cao minh oan và nhất trí tha bổng vào tháng 4 năm 2020 là một cái tát lịch sử và nặng nề vào mặt cảnh sát Victoria, các công tố viên, hai trong số ba thẩm phán chủ tọa phiên phúc thẩm của ngài và giới truyền thông, những người đã hỗ trợ và tiếp tay cho toàn bộ sự kiện. Việc tha bổng đã trở thành tiêu đề hoàn cầu.

Trong khi đó, cuộc tranh cãi ở Úc đã tạm thời làm lu mờ tầm quan trọng lịch sử rộng lớn hơn của Đức Hồng Y Pell đối với Giáo hội ở Úc và trên toàn thế giới.

Một sự nghiệp trái ngược với thế gian

Sinh ngày 8 tháng 6 năm 1941 khi chiến tranh nổ ra trên khắp thế giới với cha mẹ là ông bà George và Margaret Pell, chàng trai trẻ người Úc cao lớn đã đăng ký với Câu lạc bộ bóng đá Richmond vào năm 1959 và chơi trong đội dự bị của môn túc cầu Úc. Tuy nhiên, sự nghiệp như một ngôi sao trong các trận đấu quốc gia của Úc đã không thành.

Thay vào đó, chàng trai trẻ George Pell bắt đầu học để trở thành linh mục tại Corpus Christi College, Werribee vào năm 1960, và cũng theo học trường Cao đẳng Truyền bá Đức tin ở Rome.

Thời gian có tính lịch sử; diễn trình học tập để trở thành linh mục của George Pell diễn ra trong Công đồng Vatican II năm 1962-1965, một sự kiện mang tính bước ngoặt trong đời sống của Giáo hội hiện đại.

Ngài được thụ phong cho Giáo phận Ballarat vào năm 1966 bởi Đức Hồng Y Grégoire-Pierre Agagianian, vị Hồng Y từng là đặc sứ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII tại Đại hội Thánh Mẫu Saìgòn năm 1959, khi vẫn đang học ở Rome.

Ngài tiếp tục học tại Đại học Oxford, nhận bằng Tiến sĩ về Lịch sử Giáo hội vào năm 1971, một thời gian nghiên cứu cung cấp thông tri sâu sắc cho suy nghĩ của ngài về một Giáo hội đang nhanh chóng bị nhấn chìm bởi sự thay đổi triệt để trong quan điểm của thời hiện đại.

Khi Giáo hội hoàn cầu nhận thấy mình bị ảnh hưởng bởi các cuộc tranh luận của thời đại về mọi điều, từ biện pháp tránh thai đến thần học giải phóng, Giáo hội mỗi năm mỗi thấy mình bước vào cuộc khủng hoảng về căn tính của chính mình.

Tuy nhiên, trong khi nhiều người Công Giáo gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bị coi là mất phương hướng về phần Giáo hội, trong khi sử gia George Pell chấp nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình, ngài biết rõ Giáo hội đã nhiều lần trải qua những điều tồi tệ hơn. Ngài luôn giữ tinh thần lạc quan.

Với những ai cảnh báo về một Giáo Hội có nguy cơ bị tràn ngập bởi dị giáo, đôi khi ngài nhấn mạnh rằng nếu muốn thấy một Giáo hội đang gặp khó khăn nghiêm trọng, thì thay vào đó, nên nhìn vào kinh nghiệm của Giáo Hội trong Thế kỷ thứ 10, trong đó sự thối nát lan tràn phần lớn đời sống của Giáo Hội.

Trong khi đó, mối quan hệ lâu dài của ngài với những nhân vật như BA Santamaria, nhà trí thức Công Giáo có ảnh hưởng ở Melbourne, đã khiến ngài bị xếp vào loại “bảo thủ” trong các công việc của Giáo hội ở Úc.

Mặc dù hai người không đồng ý với nhau về mọi chuyện, nhưng Santamaria, từng được người viết tiểu sử của Gough Whitlam mô tả như nhà trí thức duy nhất của Úc thuộc đẳng cấp cao của châu Âu, là một trong những nhánh trí thức chính của George Pell.

Hai người chia sẻ niềm đam mê đối với Giáo hội, bóng đá và chính trị, cũng như một tình bạn sâu sắc và sự tôn trọng lẫn nhau. Chính Đức Tổng Giám Mục Pell lúc đó đã chủ trì lễ tang cấp nhà nước của Santamaria tại Nhà thờ Chính tòa St Patrick ở Melbourne vào năm 1998.

Một dấu chỉ mâu thuẫn

Do đó, việc tấn phong ngài làm Giám Mục Phụ Tá của Melbourne vào năm 1987 đã được người Công Giáo Úc lo lắng theo dõi với hy vọng có sự tự do hơn cho tín lý của Giáo hội, trong các vấn đề hôn nhân, ngừa thai và luân lý tính dục vốn trở thành tiêu điểm của một xã hội đang trong diễn trình thay đổi sâu xa do cuộc Cách mạng Tình dục những năm 1960 gây ra.

Tuy nhiên, việc ngài được Thánh Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng Giám mục thứ bảy của Melbourne vào năm 1996 đã gây ra một cú sốc đối với các giới quan liêu và giáo sĩ trị của Giáo hội, nhiều người trong số họ dường như đã mặc nhiên quyết định theo đuổi một cuộc rút lui nhằm nhích lại gần với một nước Úc ngày càng bị thế tục hóa, trong bối cảnh một cộng đồng Công Giáo rõ ràng đang suy giảm về số lượng.

Sự quyết đoán và khả năng lãnh đạo của George Pell không mất nhiều thời gian để bộc lộ. Ngài ưu tiên cải tổ Chủng viện Tổng giáo phận, thiết lập các thực hành bắt buộc đối với các chủng sinh như tham dự Thánh lễ hàng ngày và lần chuỗi Mân Côi - những thực hành được coi là bình thường ở mọi nơi khác trong Giáo hội.

Các nhân viên chủng viện giận dữ đã nổi dậy và công khai đe dọa sẽ từ chức chống lại việc áp đặt lại những gì họ coi là chương trình nghị sự “bảo thủ” của Tổng Giám mục.

Một cách đầy cá tính, George Pell đã nắm bắt cơ hội và chấp nhận đơn từ chức của họ. Ngài lập tức bắt tay vào việc bổ nhiệm lại các nhân viên mà ngài tin tưởng sẽ đào tạo nên các linh mục cho công cuộc tân phúc âm hóa.

Lấy cảm hứng từ việc Đức Giám Mục William Brennan khai trương chủng viện riêng của mình ở Wagga Wagga vào năm 1992, sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Sydney vào năm 2001, ngài đã hồi sinh Chủng viện Good Shepherd tại Homebush.

Theo sự dẫn dắt của một đồng minh giám mục thân cận khác, Đức Tổng Giám Mục Barry Hickey của Perth, ngài đã lo cho chủng viện Redemptoris Mater thứ hai của Úc được mở tại Villawood, hoạt động dưới sự bảo trợ của Con đường Tân dự tòng.

Khuôn mặt công khai của ngài trong các cuộc tranh luận đã khiến nhiều người coi ngài là một nhà lãnh đạo bẩm sinh, với thủ tướng lúc đó là John Howard chỉ định ngài là đại biểu của Hội nghị Lập hiến Úc năm 1998.

Phục vụ Rome và Giáo hội hoàn vũ

Tuy nhiên, khuôn mạo Đức Tổng Giám Mục Pell đã được theo dõi xa hơn. Năm 1990, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm thành viên của Bộ Giáo lý Đức tin, vốn là cơ quan bảo vệ tín lý chính của Giáo hội trong nhiều thế kỷ, nơi ngài sẽ phục vụ cho đến năm 2000.

Việc bổ nhiệm nhạy cảm và quan trọng về phía vị thánh-giáo hoàng tương lai phản ảnh mức độ tin tưởng và tôn trọng đối với phán đoán trí thức và sự hiểu biết của Đức Tổng Giám Mục Pell về Giáo hội.

Năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Chủ tịch Ủy ban Vox Clara về các bản dịch tiếng Anh của các bản văn phụng vụ, một sự bổ nhiệm quan trọng để bảo đảm các bản dịch Thánh lễ sang tiếng bản xứ trung thành với các bản văn tiếng Latinh.

Việc dịch các bản văn đã phát triển thành một vấn đề trong Giáo hội trong nhiều thập niên sau Công đồng Vatican II, khi Thánh lễ bắt đầu được cử hành bằng tiếng bản xứ. Đồng thời, những đổi mới phụng vụ - một số kỳ lạ và chắc chắn không bao giờ được công đồng cho phép hoặc kêu gọi - đã nhân lên và phát triển mạnh ở nhiều quốc gia.

Các bản dịch do Vox Clara thực hiện dưới sự chủ trì của George Pell đã trở thành những bản văn dứt khoát của những lời cầu nguyện được sử dụng cho việc cử hành Thánh lễ Công Giáo trên khắp thế giới.

Năm 2003, ngài được phong Hồng Y bởi Thánh Gioan Phaolô II, khiến ngài trở thành một trong số khoảng 130 người chịu trách nhiệm bầu chọn người kế vị thứ 264 của Thánh Phêrô.

Việc bổ nhiệm làm Hồng Y, trong căn bản là một thành viên trong nội các cố vấn của Đức Giáo Hoàng, là một trong những dấu hiệu tin cậy cao nhất đối với sự dấn thân của một cá nhân đối với Chúa Kitô và Giáo hội. Nó cũng tự động làm cho những người đã được phong Hồng Y trở thành giáo hoàng tiềm năng trong tương lai.

Năm 2005, Đức Hồng Y Pell trở thành thành viên của mật nghị bầu chọn Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, một giáo sĩ trầm lặng, uyên bác và nhã nhặn, làm Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Ratzinger, một trong những nhà thần học hàng đầu của thời đại, đã từng là một chuyên viên tại Vatican II. Trước cuộc khủng hoảng đang diễn ra của chính Giáo hội về căn tính trong thời hiện đại, Đức Hồng Y Pell đã xác định rõ ràng tính chính thống của Công đồng Vatican II và nỗ lực bảo đảm giáo huấn của nó lan rộng và được chấp nhận trong toàn Giáo hội.

Mặc dù các Hồng Y bị cấm tiết lộ bất cứ chi tiết nào của mật nghị, nhưng Đức Hồng Y Pell được coi là người có ảnh hưởng lớn trong quyết định bầu chọn Ratzinger làm giáo hoàng của mật nghị.

Ngày Giới trẻ Thế giới: một chiến thắng

Mặc dù ngày càng tham gia nhiều hơn vào các công việc của giáo hội ở bình diện hoàn cầu, nhưng Đức Hồng Y Pell đã không bỏ bê thành phố Sydney được ngài chọn làm thành phố thân yêu của ngài. Với sự tự tin đặc trưng, ngài bắt đầu vận động hành lang cho Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Sydney năm 2008 trong một chiến dịch hậu trường được phối hợp và tổ chức chặt chẽ.

Ngài coi sự kiện này là một thời điểm khích lệ và tiềm năng quan trọng trong đời sống của một Giáo hội đang đương đầu với thực tại nằm ở một trong những xã hội thế tục nhất trên thế giới.

Nửa triệu người hành hương đã đến Sydney vào năm 2008 để tụ họp với tân giáo hoàng người Đức, Hồng Y Pell và các giám mục từ khắp nơi trên thế giới. Công việc tổ chức hàng ngày của sự kiện lớn được giao cho Giám Mục Phụ Tá Sydney lúc đó là Anthony Fisher OP.

Bất chấp sự xa xôi của Úc với phần còn lại của thế giới, sự kiện ở Sydney được coi là thiết lập một tiêu chuẩn mới xuất sắc cho các cuộc tụ họp Ngày Giới trẻ Thế giới và là một thí dụ điển hình về cách tổ chức thành công.

Trong số những thành quả của nó là việc nhiều người trở lại với Giáo hội và nhiều ơn gọi hôn nhân Kitô giáo, đời sống tu trì và chức linh mục, cùng với tác động rộng lớn hơn đối với Giáo hội ở Sydney và Úc. Tác động của nó tiếp tục diễn ra 15 năm sau sự kiện.

Đức Hồng Y Pell cũng dấn thân mạnh mẽ vào giáo dục, đặc biệt vào thời điểm trong đó Ngành Học Thuật ở các xã hội phương Tây dường như đã tự nguyện đầu hàng các ý thức hệ tản mạn chủ yếu được thống nhất nhờ việc bác bỏ và thù địch đối với Kitô giáo.

Ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng ngành giáo dục đại học Công Giáo của Úc: trong tư cách Viện trưởng danh dự xây dựng Đại học Công Giáo Úc, người sáng lập phân bộ Melbourne của Viện Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II, đồng sáng lập cơ sở Sydney của Đại học Notre Dame Australia, và là người hỗ trợ có ảnh hưởng của Cao đẳng Campion, trường cao đẳng Nghệ thuật Tự do đầu tiên của Úc.

Ngài coi những sáng kiến trên và những sáng kiến khác như cung cấp cho giới trẻ một nền giáo dục độc đáo nhưng cũng góp phần vào lợi ích chung lâu dài của xã hội.

Trong suốt thời gian làm Hồng Y Tổng Giám mục Sydney, ngài đã theo đuổi các mối quan hệ và liên minh chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác như Tổng Giám mục Anh giáo lúc bấy giờ của Sydney Peter Jensen và thúc đẩy nhiều phong trào mới ở Sydney. Giáo hội là một trong số ít dấu hiệu của sự phát triển đầy tự tin trong bối cảnh Công Giáo Úc.

Năm 2012, ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm thành viên của Bộ Giám mục, một chức vụ quan trọng tư vấn cho Đức Giáo Hoàng về việc lựa chọn các giám mục để lãnh đạo Giáo hội trên khắp thế giới và do đó xác định phần lớn đặc tính của Giáo hội ở bất cứ nơi nào nó hiện hữu.

Sau sự từ chức lịch sử của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, vào năm 2013, Đức Hồng Y Pell đã tham gia mật nghị thứ hai, chắc chắn sớm hơn nhiều so với dự đoán của ngài vì không có giáo hoàng nào nghỉ hưu trong hơn sáu thế kỷ.

Kết quả bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam bán cầu, người Mỹ đầu tiên và người Argentina đầu tiên, có thể đã khiến vị Hồng Y người Úc nghĩ rằng cuối cùng ngài cũng có thể bắt đầu suy tính về việc nghỉ hưu.

Thay vào đó, ngài được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng đầu tiên của Văn phòng Kinh tế Vatican mới được thành lập bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào tháng 2 năm 2014, được giao nhiệm vụ nhạy cảm là hỗ trợ Đức Giáo Hoàng cải cách và giải quyết tình trạng lạm dụng và tham nhũng tài chính của Vatican từng kéo dài trong nhiều thập niên.

Tình trạng tồi tệ của các khía cạnh quản lý tài chính của Vatican được cho là một trong những yếu tố khiến Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI già yếu phải từ chức giáo hoàng.

Đức Hồng Y Pell đã cư trú toàn thời gian ở Rôma và bắt đầu quá trình gian khổ để xác định những gì hiện hữu về tài chính và những gì cần phải làm.

Điều rõ ràng là ngài đã vấp phải sự phản đối gay gắt của giáo triều, kể cả từ các nhân vật cao cấp ở Vatican, những người đã không ngờ phải đối phó với sự xem xét kỹ lưỡng và nhân cách mạnh mẽ của cậu bé người Úc xuất thân từ rừng rậm.

Quyết định trở lại Úc của ngài để đối đầu với cáo buộc lạm dụng — mặc dù ngài có thể chọn ở lại Vatican vô thời hạn — đã khiến ngài từ bỏ vai trò của mình. Quyết định cũng cho thấy điều có thể được mô tả là sự ngây thơ đáng ngạc nhiên của vị giáo phẩm liên quan đến hệ thống pháp luật Úc, khi ngài cho rằng mong muốn trở lại của ngài được thúc đẩy chính bởi lòng mong muốn có công lý và được bênh vực mình trước một tòa án.

Điều chắc chắn là cả ngài lẫn nhóm pháp lý của ngài đều không biết rõ các thủ tục đầy ác mộng và kỳ lạ của hệ thống đó. Sau khi Tòa án tối cao minh oan cho ngài, có vẻ như một trong những người tìm cách làm hỏng nỗ lực cải cách tài chính của ngài ở Vatican, Đức Hồng Y Angelo Becciu - hiện đang bị xét xử ở Vatican vì các giao dịch tài chính mờ ám liên quan đến một tài sản đầu tư ở London - đã gửi vài triệu đô la đến Úc chính vào thời điểm có phiên toà xử Đức Hồng Y Pell.

Sau khi được trả tự do, Đức Hồng Y Pell đã mời Đức Hồng Y Becciu một cách rõ ràng và công khai giải thích nhiều lần về ý hướng và mục đích sử dụng số tiền này. Các chi tiết đã không được đưa ra.

Di sản lâu dài của Đức Hồng Y Pell

Tuy nhiên, điều tốt đẹp có thể đến từ bóng tối. Điều hoàn toàn có thể là rất lâu sau khi ngài qua đời, di sản lâu dài nhất của ngài sẽ được tìm thấy trong nhật ký trong tù của ngài.

Những tài liệu trầm lặng, đầy suy tư này có thể trở thành kinh điển vì chiều kích tâm linh trong việc chúng vượt qua các đau khổ thuộc loại tồi tệ nhất. Điều sáng lạn trong các trang của chúng là niềm tin vào Thiên Chúa và Đấng Cứu Rỗi mà những người biết và làm việc với ngài đều biết đã củng cố toàn bộ cuộc đời ngài.

Ngài trở thành một sức mạnh trong Giáo hội hoàn cầu, không chỉ về mặt quản trị mà còn về tư duy của ngài đối với xã hội hiện đại, Giáo hội và những điểm giao thoa giữa hai bên.

Ngài đã đọc rất nhiều trong suốt cuộc đời của ngài, đưa ra nhiều bài phát biểu và đóng góp nhiều bài báo cho các ấn phẩm có ảnh hưởng, tập trung vào lịch sử, xã hội, Giáo hội, văn hóa và chính trị.

Một thí dụ điển hình là bài phát biểu kéo dài một giờ của ngài tại Quốc hội New South Wales trong Bữa tối dành cho Đại học Campion vào tháng 8 năm 2022. Theo phong cách tiêu chuẩn của Đức Hồng Y George Pell, ngài đã dám đi vào việc đánh giá trên phạm vi rộng lớn về tình trạng hiện tại của thế giới, các vấn đề địa chiến lược, những thay đổi sâu rộng trong xã hội và văn hóa Úc trong suốt cuộc đời của ngài, những thách thức mà Giáo hội phải đối đầu và tầm quan trọng của nền giáo dục đích thực trong một thế giới bị thống trị bởi ý thức hệ.

Cái chết của Đức Hồng Y Pell để lại một khoảng trống trong Giáo hội ở Úc và xa hơn nữa ở những nơi như Hoa Kỳ, nơi mà ngài thường đến để nói chuyện và diễn thuyết và là nơi ngài được nhiều người ngưỡng mộ.

Bị ghét rộng rãi ở Úc, người Công Giáo ở mọi nơi khác trên thế giới ngưỡng mộ và yêu mến ngài. Nhiều nhân vật và trí thức Công Giáo cao cấp coi ngài như một papabile, tức một trong những người được coi là có tiềm năng được bầu làm giáo hoàng.

Rõ ràng là nhà lãnh đạo Giáo Hội Úc dễ nhận biết nhất trong bất cứ giáo phái nào, ngài được biết đến, được tôn kính và bị ghét ở những bộ phận ngang nhau khắp nước. Ở Úc, dù tốt hay xấu, ngài là tiếng nói của Giáo hội, trong quá trình này trở thành cột thu lôi cho những người ghét Giáo Hội và những lời chỉ trích của họ trở nên phi lý và ác ý, đổ lỗi cho con người này.

Không ngoa khi nói rằng ngài bị tấn công vì sự hiện diện hùng vĩ và các chủ trương vững chắc của ngài. Bằng bất cứ cách đo lường nào, ngài vẫn là một nhân vật khổng lồ.

Cậu bé xuất thân từ bụi rậm vươn tới tầm ảnh hưởng cao trong Giáo hội trong khi có đặc điểm khiêm tốn đối với tất cả, một phẩm chất mà bạn bè và đồng nghiệp của cậu chắc chắn cậu sở hữu ở mức độ đáng kể mặc dù tầm vóc to lớn của cậu đã thống trị Giáo hội ở Úc trong một thời gian dài. Có lẽ ngài không nhận ra rằng ngài đã trở nên quan trọng như thế đối với người Công Giáo ở Úc và trên toàn thế giới.

Mặc dù đau buồn trước sự mất mát chắc chắn bị cộng hưởng bởi cái chết của Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđictô XVI chỉ 12 ngày trước đó, hàng ngàn người Công Giáo Úc—đặc biệt những người tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 2008—cũng tin chắc rằng họ có một người bạn mới trên thiên đàng.