Tạp chí Aleteia đã nhờ I.MEDIA thực hiện cuộc phỏng vấn với một chuyên gia Chính Thống giáo về vai trò của các Giáo hội Kitô đối với viễn ảnh hòa bình tại Ukraine. Xin xem toàn bộ cuộc phỏng vấn tại
https://aleteia.org/2022/02/23/understanding-the-churches-and-the-russia-ukraine-conflict-interview/:




Sử gia Antoine Arjakovsky, đồng giám đốc phân khoa “Chính trị và Tôn giáo” của Cao đẳng Bernardins tại Paris, từng dạy học nhiều năm tại Nga và Ukraine. Là một tín hữu Chính Thống, ông đã thiết lập Viện Nghiên cứu Đại kết tại Lviv, một thành phố đa số theo Công Giáo ở phía tây Ukraine. Sau khi quân đội Nga xâm nhập Donbass, và lời mời gọi của Đức Phanxicô dành Thứ tư Lễ tro làm ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình, ông chia sẻ với I.MEDIA niềm hy vọng Vatican sẽ tiếp xúc với người Chính thống ở Ukraine.

Trả lời câu hỏi về vai trò của các giáo hội Kitô trong tình hình hiện tại của Ukraine, Arjakovsky trả lời rằng “Tôi đã nói về điều đó trong buổi thuyết trình gần đây với Aid to the Church in Need (Giúp đỡ Giáo hội Túng thiếu): ở Ukraine, các Giáo hội là trung tâm của bản sắc dân tộc và của cuộc xung đột hiện tại, nhưng cũng không thể thiếu họ trong việc tìm kiếm hòa bình. Người ta không thể hiểu được xung đột, cũng như quan niệm được hòa bình, nếu không nhìn vào khía cạnh giáo hội học của cuộc tranh chấp này giữa Nga và Ukraine.

Trong số 40 triệu dân ở Ukraine, có 6 triệu người Công Giáo và 25 triệu người Chính thống giáo. Trong số đó, 15 triệu thuộc về Nhà thờ Chính thống Tự trị của Ukraine, được Tòa Thượng phụ Constantinople công nhận về mặt pháp lý vào năm 2019, 5 đến 7 triệu thuộc Giáo hội Chính thống Ukraine, trực thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa từ năm 1686, và phần còn lại tự gọi mình là Chính thống mà không chỉ rõ thống thuộc của họ’.

Được hỏi các giáo hội địa phương có đoàn kết trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không, ông trả lời: “Đối diện với nguy cơ chiến tranh, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi một ngày đoàn kết dân tộc vào ngày 16 tháng 2, khi tất cả các Giáo hội này tập trung lại để cầu nguyện cùng nhau tại Nhà thờ Saint Sophia, một địa điểm mang nhiều kỷ niệm đối với Ukraine. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo chính của đất nước, H.B. Sviastoslav Schevchuk, Đức Đại tổng giám mục của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp và Tổng giám mục Epiphanius, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Ukraine, đã kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, đồng thời nhận thức rằng việc đụng độ dù nhỏ nhất cũng có thể khiến mọi điều trở nên sai trái.

Hôm đó, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp kêu gọi các tín hữu bình tĩnh, ngài nói: “Đừng sợ. Chúng ta từng chịu đựng rất nhiều thời kỳ Xô Viết, nhưng Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta không được mất niềm tin, phải giữ được bình tĩnh và không được hoảng sợ ”. Đây là điều đã gây được tiếng vang mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, cũng như ngày cầu nguyện do Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất vào ngày 26 tháng Giêng”.

Trả lời câu hỏi về hình ảnh Đức Phanxicô đối với người Ukraine nói chung và với người Chính thống giáo, Arjakovsky cho hay: “Người Ukraine có những kỷ niệm rất sâu sắc về chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II vào năm 2001, và họ mơ ước được thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm đất nước của họ, nhưng điều này dường như không có trong chương trình nghị sự. Hiện tại, Vatican đang theo đuổi chính sách hoà hoãn đông tây (Ostpolitik) về cơ bản là hướng về Tòa Thượng phụ Mạc tư khoa, thể hiện qua cuộc họp gần đây tại Paris giữa Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo, và Tổng giám mục Hilarion, người đứng đầu đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc tư khoa.

Những người bạn Công Giáo của tôi đã đúng khi tiến hành một cuộc đối thoại đầy tôn trọng với Tòa Thượng phụ Mạc tư khoa: Giáo hội này đã có nhiều người tử vì đạo, và nó cũng phải chịu đựng rất nhiều sự đàn áp của Liên Xô, với 95% giám mục bị đầy vào Gulag. Nhưng tôi mong muốn Tòa thánh cũng sẽ tiếp xúc với Giáo hội Chính thống Ukraine, được Tòa Thượng phụ Constantinople công nhận là Giáo hội tự trị thứ 15, một điều đã gây ra cuộc chia rẽ với Mạc tư khoa từ năm 2019”.

Được hỏi phải chăng Vatican chưa hề tiếp xúc với giáo hội Chính thống Ukraine, Arjakovsky quả quyết: “Thật vậy, ba năm sau khi đắc cử, Tổng Giám mục Epiphanius vẫn chưa có bất cứ tiếp xúc chính thức nào với Tòa thánh, là định chế tôi thấy hơi rụt rè, trong khi nó có thể đóng góp cho hòa bình bằng cách đảm nhiệm vai trò trung gian giữa các tòa thượng phụ Mạc tư khoa và Constantinople.

Tôi nhấn mạnh rằng ngày cầu nguyện do Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất vào ngày 26 tháng Giêng là quan trọng, nhưng người dân Ukraine hiện đang chờ đợi những cử chỉ cụ thể. Cầu nguyện cho phép đối thoại, cho một sự tin tưởng nhất định. Vấn đề không phải là ném đá vào chính sách ngoại giao của Vatican, đây là thành quả của một lịch sử lâu dài, nhưng sẽ không nhất thiết phải chỉ hướng các nỗ lực về phía Nga”.

Được hỏi về não trạng “yêu mến Nga” (Russophilia) trong một phần lớn thế giới Công Giáo, đặc biệt là ở Pháp, và về sự mù quáng đối với Vladimir Putin, Arjakovsky trả lời: “Bản thân tôi là người gốc Nga, và dĩ nhiên tôi rất cảm động trước sự quan tâm của nhiều người Pháp đối với ‘linh hồn Nga’ trong văn hóa và linh đạo Nga. Nhưng người ta phải mở rộng tầm mắt của họ trước thực tại, với thực tại sức mạnh hiện nay của Nga. Vladimir Putin rất luyến nhớ Liên Xô; ông ta đã công khai tuyên bố rằng ông coi việc Liên Xô tan rã là một ‘thảm họa’.

Ngày nay chúng ta đang chứng kiến một cuộc xung đột văn minh giữa những người nghĩ rằng chúng ta có thể tự hào về Liên Xô, và những người tin rằng chủ nghĩa cộng sản thật khủng khiếp. Chúng ta không được quên rằng trong thế kỷ 20, chủ nghĩa cộng sản đã gây ra 100 triệu người chết, tức là có 100 triệu người bị sát hại, như Nicolas Werth đã nhắc nhở chúng ta trong cuốn Hắc thư về Chủ nghĩa Cộng sản. Chúng ta không thể bỏ qua một giai đoạn đầy bi thảm như vậy mà không bị phán xét. Nhưng kể từ khi Liên Xô kết thúc năm 1991, chủ nghĩa cộng sản vẫn chưa thực sự bị phán xét.

Hơn nữa, Tổng thống Putin đã không tôn trọng các cam kết quốc tế của đất nước mình. ‘Giác thư Budapest’ ký kết năm 1994 giữa Hoa Kỳ và Nga, trong số nhiều điều khác, đã qui định việc phi hạt nhân hóa Ukraine để đổi lấy sự đảm bảo bất khả xâm phạm biên giới của đất nước. 20 năm sau, Nga đã nuốt chữ ký của mình bằng cách sáp nhập Crimea”.

Liệu các Kitô hữu Tây phương có nên tránh sự mê hoặc vốn khiến họ không sáng suốt đối với Mạc tư khoa? Arjakovsky cho rằng: “Năm 2018, tôi đã thành lập một ủy ban đối thoại, công lý, sự thật và hòa giải với sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu, với sự tham gia của hơn 200 trí thức Nga, Ukraine và các nước châu Âu khác. Chúng tôi đã làm việc đặc biệt với Đài tưởng niệm Quốc tế, gần đây đã bị chính quyền Nga cấm. Người phương Tây phải mở rộng tầm mắt và đối mặt với thực tại.

Ngày nay không có sự tương ứng giữa những người muốn bảo vệ chủ nghĩa cộng sản và những người muốn bảo vệ học thuyết xã hội của Giáo hội, nghĩa là, trên bình diện dân sự, phẩm giá con người, tự do, dân chủ và nhân quyền. Tổng thống Putin coi chủ nghĩa tự do là một hình thức của sự suy đồi và cần phải có các chế độ dựa trên “quyền lực theo chiều dọc”, trong khi người Ukraine muốn đi theo mô hình châu Âu”.