Danh xưng Gioan Phaolô II

Lần đầu tiên danh xưng Gioan Phaolô ra mắt trước công chúng, đó là dịp Hồng Y Albino Luciani nhậm chức Giáo hoàng (26.08.1978). Kế nhiệm Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI, là hai vị Giáo hoàng của Công Đồng Vatican 2, Đức tân Giáo hoàng một đàng muốn tỏ lòng ngưỡng mộ, một đàng khác muốn tiếp tục sự nghiệp của hai vị tiền nhiệm, nên đã nhận cho mình một danh hiệu ở thời điểm đó chưa từng biết đến, phối hợp cả hai danh hiệu trên để làm nên Gioan Phaolô. Nhưng chỉ 33 ngày sau, Đức Gioan Phaolô qua đời (29.09.1978), Hồng Y Josef Wojtyla được bầu lên kế nhiệm và ngài muốn kế tục ngay cả danh xưng của vị tiền nhiệm để có tên gọi Gioan Phaolô II hôm nay (16.10.1978).

Như thế, trong cấu trúc của danh xưng Gioan Phaolô II, người ta gặp thấy cùng lúc ba yếu tố cũng là ba khuôn mặt trổi vượt của Đức đương kim Giáo hoàng.

1. Khuôn mặt Gioan, tông đồ của tình yêu.

Trước hết trong cấu trúc danh xưng là khuôn mặt của Gioan. Trực tiếp trong lịch sử cận kề là Gioan XXIII, vị Giáo hoàng được mệnh danh là “cha lành”, dù tuổi đời đã trọng song lại làm một việc phi thường là khai mạc Công Đồng Vatican 2 với những canh cải tới nay vẫn chưa khai thác hết. Nếu Gioan XXIII đã có một trực giác cho tương lai của Giáo hội trong Mùa Hiện Xuống mới khi mở tung cánh cửa bấy lâu đã từng khép kín, cho Chúa Thánh Thần tha hồ làm việc, thì Gioan Phaolô II cũng nối dài trực giác ấy khi khơi sâu hơn nữa những mạch nguồn canh tân và vươn xa hơn nữa những khoảng trời ơn thánh, để cho thấy Giáo hội dù dưới lớp áo 2000 ngàn năm, vẫn có đó nụ cười xuân trẻ như nụ cười của bà Sara lúc hay tin mình vẫn còn khả năng sinh nở giữa Mùa xuân không lụi tàn.

Nhưng gián tiếp và xa hơn chắc phải nói đến Gioan tông đồ, nhà chiêm niệm, nhà linh đạo, người đã cảm hứng nơi Gioan Phaolô II những suy tư mẫu mực về tình yêu Thiên Chúa thể hiện trong nhiều lãnh vực liên quan đến mọi thành phần dân Chúa. Có thể là những con chiên đang ở trong đàn cũng như những con chiên đã lìa đàn, miễn sao chúng được sống và sống dồi dào. Có thể là những người thợ được gọi làm vườn nho vào khi nắng sớm hay lúc xế chiều, miễn sao họ được trả lương đầy đủ. Và cũng có thể là “Kinh nguyện hiến tế” tha thiết cầu nguyện cho việc đại kết, cho đời nên thánh. Chính vì thế ngài đã để lại lời kêu gọi thống thiết dịp cùng với dân Chúa bước vào ngàn năm thứ ba: “Hãy bắt đầu lại từ đức Kitô”.

Phải nói rằng tình yêu Giáo hội là nghĩa vụ hàng đầu đã được Đức Gioan Phaolô thể hiện bền bỉ trong suốt chiều dài 25 năm Giáo hoàng của ngài. Rất nhiều văn kiện giáo huấn đã được hình thành từ những giờ cầu nguyện khởi đi từ trái tim mục tử vừa nhậy cảm vừa kiên quyết này, như cuốn Giáo lý công giáo toàn cầu và biết bao nhiêu văn kiện quan trọng khác thuộc loại thông điệp, tông huấn, tông hiến, tông thư… Hồng Y Suenens ghi nhận về Đức Gioan Phaolô II: “Ngài là người biết mạnh mẽ nơi bánh lái nhưng cũng là người biết yếu đuối trước Thiên Chúa trong kinh nguyện” (trích dẫn do Daniel-Ange, Jean-Paul II, don de Dieu, Fayard, Evreux 1994, tr. 68).

2. Khuôn mặt Phaolô: tông đồ của truyền giáo.

Nhưng nơi Danh hiệu Gioan Phaolô II, rõ nét nhất phải kể đến phần thuộc về khuôn mặt Phaolô. Trước hết là Đức Giáo hoàng Phaolô VI, người đã đưa Công Đồng Vatican 2 đến hoàn thành. Thật vậy, thực thi sứ vụ Giáo hoàng vào thời hậu Vatican 2, Đức Gioan Phaolô II đã nhanh chóng cho thế giới thấy một bản lĩnh Phaolô xông pha không mỏi mệt trên mọi địa hình đức tin và luân lý.

“Đừng sợ!” Ngay từ bài diễn văn thứ nhất, Đức Gioan Phaolô II đã bộc lộ tinh thần ứng trực làm chứng cho Chúa mọi lúc mọi nơi và sẵn sàng lên đường đến với muôn dân. Nếu Phaolô VI là Giáo hoàng đầu tiên phá vỡ thế giam hãm vốn bao vây vị nguyên thủ Giáo hội công giáo từ lâu đến nỗi có thời người ta gọi Giáo hoàng là “người tù của Vatican”, thì Đức Gioan Phaolô II đã tiếp nối lên đường không mỏi mệt qua những chuyến công du mục vụ đến các quốc gia. Trung bình cứ ba tháng một lần. Mười năm trước đây (1993) khi thực hiện chuyến đi thứ 62, người ta cộng trừ nhân chia bảo rằng ngài đã đi được 30 vòng trái đất (x. Daniel-Ange, sđd, tr.11), và năm nay (2003) khi hoàn tất chuyến công du mục vụ thứ 102, người ta lại tính toán cho biết ngài đã đi xa hơn ba đỗi đường từ trái đất đến mặt trăng. Quả là đáng sợ. Nhưng sứ điệp chủ đạo của ngài trước sau vẫn là một: “Đừng sợ, hãy mở cửa cho Đức Kitô”.

Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cr 9, 23). Thánh Phaolô tông đồ đã có lần giãi bày tâm sự như vậy để minh hoạ cho lựa chọn truyền giáo của ngài, đồng thời cũng để minh chứng cho quyết tâm không nao núng dẫu phải trực diện với những khó khăn trên nẻo hành trình. Hôm nay, người ta cũng thấy lại Phaolô ấy hiện hình trong con người Đức Gioan Phaolô II với lửa nhiệt tình không hề tắt và niềm đam mê không vơi cạn. Dù thời thế thuận lợi hay không, khi sức khoẻ cho phép, ngài lại cất bước lên đường. Truyền giáo là bản chất của Giáo hội, truyền giáo là ơn gọi của các tông đồ, nhưng truyền giáo như thế nào lại là phong cách làm nên bản lĩnh của vị đứng đầu Giáo hội. Chính với Đức Gioan Phaolô II, người ta hiểu rõ hơn thế nào là truyền giáo của ngày hôm nay cho ngày hôm nay, “một công cuộc truyền giáo mới” bằng ngôn ngữ mới, phương cách mới và nhiệt tình mới, xua đi bóng tối của “văn hoá sự chết” và nhen lên “văn minh tình thương”.

3. Khuôn mặt Phêrô, nhà lãnh đạo Dân Chúa.

Dĩ nhiên, con số la mã đứng trong danh hiệu nói lên thứ tự của vị kế nhiệm trên ngai toà thánh Phêrô. Con số “II” trong tiếng Việt đọc là “thứ hai, đệ nhị” muốn nói rằng Đức Gioan Phaolô II tiếp nối Đức Gioan Phaolô I. Đơn giản, ai mà chả biết, vẽ chuyện. Thế nhưng con số ấy lại cho thấy cả một truyền thống tông đồ bất kể thời gian ngược lên cho đến Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi.

Nối tiếp Đức Gioan Phaolô I, vị Giáo hoàng với nụ cười khó quên, luôn gần gũi với hết mọi người, Đức Gioan Phaolô II cũng rất ân cần với Giáo hội địa phương, nơi ngài nhận sứ vụ. Mỗi Chúa nhật, người ta thấy Giám mục Roma đi đến các giáo xứ trong thành phố, đến mỗi xứ, đến mọi xứ, và ở đó, đơn giản như một cha xứ bình thường, ngài ngồi toà giải tội, dâng lễ, thăm một vài người già cả neo đơn hay nghèo khó, chơi đùa với các bạn trẻ thiếu nhi, dùng bữa với các linh mục, quan tâm chuyện vãn và quan sát tình hình. Mỗi thứ tư ngài gặp gỡ cộng đoàn quốc tế tại Quảng trường thánh Phêrô để gửi trao sứ điệp giáo lý. Mỗi thứ bẩy, bổ nhiệm các Giám mục. Mỗi thứ ba, gặp gỡ Hội đồng Giám mục các quốc gia về “ad limina” viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Mỗi tháng tôn phong một vị thánh. Mỗi ngày gặp gỡ và lắng nghe, hỏi han và chúc lành, mệt nghỉ, từ bé em vô tư đến các nhà lãnh đạo mọi tôn giáo, mọi ý thức hệ gần xa.

Nhưng Giáo hoàng còn là vị kế nhiệm thánh Phêrô làm thủ lãnh của Giáo hội toàn cầu, nên sứ vụ của ngài thật bao la, bao la. Ngài làm việc trong tình đồng đoàn huynh đệ, nhưng ngài hành xử với năng quyền cá nhân. Ngài đồng hành với các Giám mục năm châu, nhưng chỉ mình ngài đứng mũi chịu sào trên con thuyền Giáo hội. Ngài cần đến tính công đồng (conciliarité) vì nơi ngài vẫn có đó tính tối thượng (primauté). Cuốn Giáo lý Công giáo toàn cầu do ngài ban hành là công trình của trên 65.000 ý kiến góp về từ trên 2.500 Giám mục khắp nơi (x. sđd, tr.42).

Và cũng như Phêrô ở thượng nguồn đức tin Công giáo vốn bị giằng co trong biện chứng giữa vinh quang và Thập giá, Đức Gioan Phaolô II ngày nay cũng không thể khác đi được. Trong mắt nhìn của người này, ngài là hiện thân của vinh quang, nhất là qua những nghi thức hoành tráng tôn phong hiển thánh; nhưng trong mắt nhìn của người khác, ngài lại là chứng nhân của Thập giá, mang lấy nỗi đau của Chúa Kitô trong thân thể mầu nhiệm là Giáo hội. Vị Giáo hoàng duy nhất bị mưu sát là ngài (13.05.1981). Vị thủ lãnh Giáo hội duy nhất để lời xin lỗi trước lịch sử cũng là ngài. Và ngài còn là tiếng nói cho những người không tiếng nói, ngay cả cho các thai nhi giữa một thế giới dẫy đầy những biểu hiện của “văn hoá sự chết”.

Như thế đó danh hiệu Gioan Phaolô II, có Gioan chiêm niệm, có Phaolô tung hoành và cũng thấp thoáng bóng Phêrô kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió thời đại.

Đối với phần đông tín hữu trẻ Việt Nam, ít là những người ở độ tuổi từ 30 đổ lại, danh xưng Gioan Phaolô II đã là danh xưng quen thuộc để gọi tên vị đứng đầu Giáo hội Công giáo. Trong Kinh nguyện Thánh thể, người ta nghe chủ tế xướng danh Đức Thánh Cha; qua lời nguyện tín hữu người ta hiệp thông cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng; và trước Thánh Thể trong giờ chầu cũng vẫn là danh tánh vị Cha chung được hát lên bởi toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Và cứ như thế, một cách tự nhiên, danh xưng Gioan Phaolô II đi vào bộ nhớ tôn giáo của mỗi người cả trong phần cứng lẫn phần mềm, theo nhịp điệu hàng ngày.

Nếu tên gọi ở trong Thánh Kinh không chỉ để gọi tên, dù là tên cúng cơm bố mẹ đặt cho, mà còn để nói lên vận mạng của một người, thì danh xưng của vị đứng đầu Giáo hội Công giáo, vì là tự chọn, nên cũng hữu ý gửi gắm ở đó cả một tâm huyết, cả một chương trình, cả một sứ mạng.

Tên là người. Thật ấn tượng, tên gọi Gioan Phaolô II.

Giám mục Phụ tá TGP Saigòn