Ngài ở trên Twitter và trên khắp Facebook; một nhà sản xuất Hoa Kỳ đang thực hiện một cuốn phim tài liệu về đời sống ngài, và một tài tử nổi danh của Anh đang viết một vở kịch về ngài. Âý thế nhưng, nhiều người vẫn không biết Cha Dòng Tên Pierre Teilhard de Chardin là ai.



Nhiều người ái mộ cha, cả học giả, khoa học gia lẫn nghệ sĩ, đang cố gắng thay đổi điều trên và đặt vị linh mục kiêm nhà cổ sinh vật học này trở lại ánh sáng nổi bật và chỗ đứng xứng đáng của ngài ở Vatican.

Sinh ngày 1 tháng 5 năm 1881, vị tu sĩ Dòng Tên này là một nhà địa chất và cổ sinh vật học nổi tiếng, người đã dự phần vào việc khám phá ra Người Bắc Kinh vào năm 1925. Khám phá này ủng hộ lý thuyết cho rằng các hữu thể nhân bản biến hóa từ nhiều dòng dõi ở các miền khác nhau.

Cảnh cáo

Tuy nhiên, các cố gắng của ngài nhằm tích nhập điều khoa học gợi ý về biến hóa với các chân lý đức tin dẫn đến việc ngăn cấm giảng dậy và xuất bản trong suốt sinh thời của ngài. Văn Phòng Thánh, tiền thân của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, năm 1962, 7 năm sau ngày ngài qua đời, đã ban hành một monitum – tức lời cảnh cáo chính thức, phần lớn áp dụng đối với các nhà đào tạo tại các chủng viện, vì cho rằng công trình của ngài chứa “nhiều hàm hồ nguy hiểm và nhiều sai lạc trầm trọng”.

Bản cảnh cáo này không bao giờ nói rõ các hàm hồ hoặc sai lạc này là những điều gì, và có lý thuyết cho rằng cuối cùng, đây chỉ là một thủ thuật có tính chính trị nhằm làm suy yếu ảnh hưởng to lớn của các ý nghĩ và viễn tượng của ngài trong các cuộc thảo luận tại Công Đồng Vatican II, khởi đầu từ năm 1962.

Trước cha Teilhard, Giáo Hội vốn tìm cách “bảo vệ Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng, chống lại ý niệm biến hóa, thế mà nay, cái ông Dòng Tên này lại nhìn thấy biến hóa trong chương trình của Thiên Chúa”, Đức Cha Melchor Sanchez de Toca, phó tổng thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa và là một chuyên gia về mối tương quan giữa khoa học và đức tin nói thế.

Đức Cha de Toca nói với Catholic News Service hồi đầu tháng Năm rằng cách tiếp cận của vị tu sĩ Dòng Tên này có tính khai phá vì “nó không đơn giản chỉ là việc hòa giải khoa học và đức tin; nó tích nhập, tạo ra một viễn kiến đơn nhất, toàn bộ vì trong quá khứ, đã có nguy cơ phân rẽ triệt để” hai điều này.

Theo Đức Cha, ngày nay monitum hoàn toàn lỗi thời vì không những nó không bao giờ ngăn cản được việc người ta nghiên cứu các trước tác của ngài, mà các nhà thần học ngày nay “có thể đưa ra các phán đoán hoàn cầu tốt hơn đối với các công trình của ngài” và chỉ ra các ý nghĩa chúng muốn nói và các điểm yếu của chúng. Đức cha nói rằng “Ngài là một nhà thơ và nhân chủng học có tài, chứ không hẳn là triết gia hoặc thần học gia tài ba”, đây là lý do có “một số hồ đồ trong các công trình của ngài”.

Tuy nhiên, viễn kiến tổng thể của Teilhard gây ảnh hưởng lớn đối với các nghị phụ Công Đồng trong văn kiện Gaudium et Spes, và mọi vị giáo hoàng gần đây, bắt đầu với Chân Phúc Phaolô VI, đã trích dẫn một cách thuận lợi các công trình của ngài. Đức Phanxicô thậm chí đã dành cho cha một ghi chú trong thông điệp Laudato Si’ của ngài, lồng vào một cảm thức về sự diễn biến thế giới đầy huyền nhiệm và đẹp đẽ, trong đó, số phận sau cùng của vũ trụ nằm trong sự viên mãn của Thiên Chúa.

Đức cha Sanchez xác nhận rằng Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, đứng đầu Hội Đồng Văn Hóa, đã đệ trình một đề nghị lên Đức Phanxicô xin ngài bãi bỏ monitum trên, sau khi ý tưởng này được bàn cãi trong đại hội toàn thể của Hội Đồng hồi tháng 11 năm 2017.

David Grumett, một nhà chuyên môn về Teilhard và là giảng sư thần học và đạo đức học lâu năm tại Đại Học Edinburgh, cho hay: dù việc bãi bỏ lệnh cấm chỉ có tính tượng trưng vào lúc này, nhưng nó vẫn đáng kể đối với thân nhân của Cha và nhiều hiệp hội đang cổ vũ việc nghiên cứu công trình của cha.

Một nhà khoa học không hẳn thần học gia

Grumett nói với CNS rằng ông hy vọng khám phá bất ngờ có tính lịch sử đầu năm nay của Paul Bentley, một tài tử người Anh từng có tiếng nhờ vai anh đóng trong Game of Thrones của HBO, sẽ khuyến khích việc bỏ lệnh cấm này và, ngược lại, giúp người ta lưu ý hơn tới những gì Teilhard có thể dạy cho người thời nay.

Bentley, người đã viết một vở kịch nói về cuộc điều tra của Vatican về vị linh mục và 6 mệnh đề ngài được yêu cầu ký nhận, đã tìm thấy các mệnh đề nguyên thủy này tại văn khố của Dòng Tên tại Rôma. Anh cũng tìm thấy các thư từ chưa được công bố giữa Cha và các bề trên của cha, cung cấp cho ta một cái hiểu đầy đủ hơn về suy nghĩ của ngài.

Grumett và Bentley là đồng tác giả một tham luận chi tiết hóa các khám phá này; nó sẽ được đăng trong số tháng Sáu của tờ Zygon: Journal of Religion and Science.

Tuy nhiên, theo Grumett, “chúng ta cần thông đạt việc này không những với các tạp chí học thuật” và với các đại học, mà với cả nền văn hóa đại chúng, như với xuất phẩm đang mong chờ của Bentley, “để giúp người ta hiểu ra rằng sứ điệp của cha vẫn còn liên quan” với thế giới rộng lớn, chứ không phải chỉ với các học giả và các Kitô hữu mà thôi.

Teilhard “muốn trung thành và trung tín với Giáo Hội, và ngài đã ký nhận các mệnh đề” cho dù ngài có do dự đối với mệnh đề thứ tư là mệnh đề nói rằng “toàn thể nhân loại có nguồn gốc từ một nguyên tổ, là Ađam”.

Grumett cho hay “Teilhard là một nhà cổ sinh vật học, làm việc với các hóa thạch (fossils) và ngài có nhiều bằng chứng về sự biến hóa sinh học chứng tỏ rằng hữu thể nhân bản đầu tiên phát sinh từ nhiều dòng dõi” chứ không phải từ một cặp duy nhất.

Ông nói “Ngài cũng coi tội nguyên tổ là một phần của mọi điều hiện hữu”, vì cho rằng sự vật cuối cùng cũng ra thồi nát hay xuống cấp. Teilhard quan niệm thiên đàng, hiểu như không có tội, nơi hoàn hảo, hiện hữu trong tương lai, “chứ không phải là nơi của quá khứ lịch sử” mà từ đó con người đã phải xa rời.

Grumett cho rằng có nhiều vấn đề trong việc đem thần học truyền thống và khoa học lại với nhau, vì biến hóa quả có ảnh hưởng đến việc “ta hiểu Ađam, Evà và thiên đàng ra sao”. Dù thế, sáu mệnh đề và các hành động sau đó của Teilhard cho thấy ngài luôn vâng lời Giáo Hội cho dù thấy việc này khó khăn.

Thiên Nhiên và Sáng Thế cùng một tác giả

Linh mục Dòng Tên Paul Mueller, bề trên cộng đoàn Dòng Tên tại Đài Thiên Văn Vatican và là nhà chuyên môn trong lãnh vực tôn giáo – khoa học, nói với CNS rằng các câu hỏi liên quan đến khoa học và đức tin không nên bị đóng khung thành “hoặc là... hoặc là” (“either-or”) như thể người ta buộc phải quyết định “trung thành” chỉ với một phía.

Trong một điện thư, cha viết “trung thành, cuối cùng, là trung thành với sự thật, và cả khoa học lẫn Giáo Hội đều theo đuổi sự thật”.

Cha Muller nhận định: cái hiểu hay giải thích của con người đối với hai nguồn này, tức “cuốn sách” thiên nhiên và cuốn sách Sáng Thế, “có giới hạn và bất toàn”.

Ngài nói thêm: “Cả hai ‘sách’ đều được viết bởi cùng một ‘tác giả’ là Thiên Chúa, nên cuối cùng, chúng không thể bất đồng, vì sự thật không thể mâu thuẫn với sự thật và Thiên Chúa không thể mâu thuẫn với Thiên Chúa”.

Mueller nhận định rằng “vì thế, nếu xem ra đối với chúng ta bất cứ điều gì đúng trong câu truyện Địa Đàng và Ađam Evà nhưng mâu thuẫn với bất cứ điều gì đúng trong lý thuyết biến hóa, thì đừng vội hoảng loạn. Nên kiên nhẫn. Tiếp tục nghiên cứu đi, tiếp tục quan sát, tiếp tục cầu nguyện. Hãy tin tưởng vào sự hợp nhất cuối cùng của sự thật”.

Mueller kết luận “chính những người không có niềm tin vào sự hợp nhất cuối cùng của sự thật kết cục đã bắt những người như Galileo và Teilhard ký nhận (các mệnh đề) và kết cục đã nhấn mạnh rằng khoa học chứng minh không có Thiên Chúa”.