LONDON - Sau những tranh cãi về vũ khí hủy diệt của Iraq, liệu người ta có thể tin đến đâu những tin tình báo về chương trình hạt nhân của Bắc Hàn?

Thật không may, với cả những nhà hoạch định chính sách và người dân, câu trả lời là khó có thể tin nhiều.

Các chuyên gia tình báo nói chung xem Bắc Hàn là mục tiêu khó xuyên thủng nhất để có thông tin vững chắc. Và việc có những sức ép chính trị trong chính quyền tổng thống Bush đã tạo ấn tượng về khả năng tình báo có thể bị lũng đoạn phục vụ cho mục đích chính trị.

Có những dữ kiện ai nấy đều đồng ý. Bắc Hàn quả thật có phương tiện sản xuất plutonium – một nguyên tố chủ chốt trong vũ khí hạt nhân.

Nước này có một lò phản ứng hạt nhân tại thành phố Yongbyon có thể sản xuất đủ plutonium cho một vũ khí nguyên tử mỗi năm.

Ngoài ra, Bắc Hàn đã biểu lộ khả năng sản xuất và tinh lọc plutonium. Họ đã sản xuất ít nhất một khối lượng nhỏ trong thập niên 1980 và đầu 1990.

Bắc Hàn được biết có sở hữu khoảng 8000 thanh nhiên liệu dùng cho lò hạt nhân hồi đầu thập niên 1990. Số nhiên liệu này được cho là chứa khoảng 25-30 kg plutonium, đủ cho khoảng 5, 6 vũ khí hạt nhân.

Những điều mập mờ

Nhưng có những điều khác không chắc chắn.

Nhìn từ quan điểm an ninh, hai vấn đề quan trọng là liệu Bắc Hàn có hay không vũ khí hạt nhân trước lúc bắt đầu cuộc khủng hoảng hạt nhân hồi tháng 10-2002 và liệu nước này, kể từ đó, có khả năng sản xuất vũ khí haṭ nhân hay không.

Trong lần sản xuất hạt nhân trước đây, có một vài bằng chứng rằng quốc gia cộng sản này sản xuất đủ plutonium tại Yongbyon để cho ra một, hai vũ khí hạt nhân.

Lò Yongbyon đóng cửa trong hai tháng năm 1989. Thời gian này đủ để Bắc Hàn dỡ bỏ các thanh nhiên liệu chứa plutonium tại cơ sở này và trích xuất đủ plutonium làm vũ khí.

Lúc đó không có thanh tra nước ngoài ở hiện trường, nên không có đủ dữ kiện độc lập.

Bắc Hàn thừa nhận đã đóng cửa cơ sở hạt nhân, nhưng bảo rằng chỉ gỡ bỏ một số ít nhiên liệu và chỉ tinh lọc 100g plutonium.

Để làm ra một vũ khí hạt nhân, cần hơn 4kg plutonium.

Các mẫu thử từ những tài liệu do Bắc Hàn cung cấp cho thấy nước này không trình bày đầy đủ các hoạt động trước thời điểm có thanh tra hạt nhân năm 1992.

Nhưng các cuộc điều tra không chứng minh hoàn toàn liệu Bình Nhưỡng có sản xuất đủ nguyên liệu cho một thiết bị nguyên tử hay không.

Khủng hoảng hiện nay

Có nhiều thắc mắc để ngỏ xung quanh việc Bắc Hàn đã làm được gì kể từ khi trục xuất thanh tra quốc tế tháng 12-2002.

Các quan chức tình báo Mỹ xác nhận họ đã quan sát – thông qua vệ tinh do thám – những lần vận chuyển giữa nơi lưu giữ 8000 thanh nhiên liệu và nơi dùng để trích xuất plutonium.

Nhưng để xác nhận có việc trích xuất, cơ quan tình báo cần bằng chứng cụ thể hoặc từ người đáng tin cậy hoặc từ việc nghe trộm điện tử. Hoặc nhận diện được các khí xuất hiện khi chất liệu hạt nhân được trích xuất hoặc tái chế.

Việc tái chế nhiên liệu dùng rồi từ một lò phản ứng sẽ tỏa khí Krypton-75 khó mà che dấu.

Hoa Kỳ được cho là đã đặt máy nhận dạng Krypton-75 tại Nam Hàn và tại vùng biển quanh Bắc Hàn, cũng như trên máy bay do thám.

Mặc dù tin tức trên báo chí nói Hoa Kỳ gần đây đã phát hiện khí Krypton, nhưng chưa có sự xác nhận chính thức.

Ngoài ra, ngay cả nếu quả thật khí này bị phát hiện, nó vẫn chưa cho các chuyên gia bằng chứng chắc chắn về việc liệu đã có bao nhiêu trong số 8000 thanh nhiên liệu được tái chế hay bao nhiêu plutonium được trích xuất.

Bắc Hàn đã gây thêm mơ hồ - hay có lẽ muốn lợi dụng nó - bằng cách nhiều lần tuyên bố họ đã bắt đầu tái chế nhiên liệu.

Thậm chí có khả năng việc tỏa khí Krypton là cố ý cốt để làm thế giới tin rằng nước này đã gần đạt được thành tựu hạt nhân.

Nếu Iraq giúp thế giới nhận ra rằng tình báo là một nghệ thuật chứ không phải là môn khoa học với bằng chứng chắc chắn, vấn đề Bắc Hàn lại càng củng cố suy nghĩ này.

Bắc Hàn là một lỗ đen về mặt tình báo và ít khi có tin gì có độ khả tín cao lọt ra khỏi vương quốc khép kín này.

Với những tiết lộ vừa qua về việc sử dụng tin tình báo về Iraq, những ai quan sát kĩ tình hình Bắc Hàn sẽ muốn xem xét thận trọng từng từ của các thông tin về đất nước này.(bbc)