DHAKA - Doanh số bán tôm trên toàn cầu đạt tới mức ít nhất là 50 tỷ đô la mỗi năm; nhu cầu khủng khiếp về món ăn tao nhã này hầu hết là từ phương Tây và Nhật Bản

Có chừng 50 quốc gia đang phát triển đang nuôi tôm, hầu hết là ở các vùng duyên hải tại châu Á và Mỹ La-tinh.

Vậy ngành kỹ nghệ này có đem lại lợi ích gì cho những nước nghèo không?

Giám đốc tổ chức bảo vệ môi trường Environmental Justice Foundation, Steve Trent, nói rằng thay vì đem lợi ích lại cho các cộng đồng ven biển nghèo kiệt, nghề nuôi tôm đã thực sự khiến nhiều người trong số đó trở nên nghèo khổ hơn.

Lý do là vì họ bị những doanh nhân thiếu lương tâm tống cổ ra khỏi phần đất của mình.

Ông Trent nói với mảnh đất thích hợp, người ta có thể xây dựng trang trại nuôi tôm; đầu tư ban đầu không mấy tốn kém và chủ trại có thể nhanh chóng xuất khẩu sản phẩm thu lời.

Dân bản địa không muốn phải ra khỏi mảnh đất của cha ông, nhưng có những người trong giới kinh doanh thì vì lợi nhuận mà sẵn sàng gây áp lực.

Khi dân địa phương phản kháng, ví dụ như ở Bangladesh, thì đơn giản là họ sẽ bị tống cổ đi, bị hành hung và trong một số trường hợp còn bị sát hại.

Một vấn đề khác nữa là việc trả tiền rẻ mạt.

Muối và hóa chất từ các đồng tôm thì phá hủy đất nông nghiệp của dân bản địa và làm hỏng nguồn nước sạch. Công nhân vốn phải ngụp lội suốt ngày trong nước thì bị các chứng bệnh về da và hô hấp.

Rừng ngập mặn, vốn bảo vệ cho đời sống của rất nhiều loại thủy sản thì thường bị phá sạch để mở ruộng nuôi tôm.

Thế nhưng một số nông dân lại lập luận rằng nếu như không có tôm, thì họ sẽ chẳng có cách gì để kiếm sống.

Rõ ràng, nhu cầu ngày càng tăng đối với loại thức ăn cao cấp này đem đến rất nhiều vốn cho các nước nghèo trên thế giới.(bbc)