WASHINGTON - Thượng nghị sĩ John Kerry là một trong những chính trị gia nỗi tiếng nhất ở Hoa Kỳ đã công khai bày tỏ sự hoài nghi về những động cơ đằng sau cuộc chiến Iraq.

Mặc dù ủng hộ cuộc chiến nhưng thượng nghị sĩ Kerry nói tổng thống Bush đã thổi phồng nguy cơ vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt của Iraq. Ông nói quốc hội hiện đang mở các cuộc điều trần sẽ tìm ra sự thật.

Nhưng một quan chức cao cấp ở bộ Quốc phòng Mỹ, Douglas Feith quả quyết sẽ tìm ra vũ khí bị cấm. Ông nói những người mới bị bắt sẽ giúp thâu thập thêm tin tình báo.

"Chúng tôi biết rõ là chúng ta sẽ biết những gì đang xảy ra ở Iraq, đặc biệt về vấn đề vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt. Chúng tôi nghĩ thông tin sẽ đến từ những người hiểu biết chứ không phải nhờ kiểm tra các địa điểm mà có được."

Tuyên bố của quan chức này theo sau tin về vụ bắt giữ bí thư tổng thống, Abid Hamid Mahmud al-Tikriti, người được cho là được Saddam Hussein tin cẩn chỉ sau có hai người con ruột của ông.

Những nhân vật thế này có lẽ phải ra tòa xét xử tội ác chiến tranh. Nhưng bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld nói các nhân vật cao cấp của chế độ Saddam Hussein sẽ có cơ hội thương lượng nếu chịu cung cấp thông tin giúp tìm vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt.

"Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện này, đó là một đề nghị hợp lý, và các luật sư đang xem xét vấn đề."

Nhưng người trước đây đứng đầu ban quản trị của Hoa Kỳ ở Iraq, tướng về hưu Jay Garner không lấy gì làm hứng thú trước ý tưởng đó.

"Tôi không chắc là tôi muốn mặc cả với những loại người như vậy. Tôi sẽ phải suy nghĩ rất nhiều trước khi làm chuyện đó."

Tin cho hay thật ra đây là sáng kiến của thủ tướng Anh Tony Blair, người hiện đang chịu nhiều sức ép chính trị trong nước để chứng minh rằng tiến chiếm Iraq là chính đáng. Tổng thống Bush đã phải lên tiếng bênh vực ông Blair.

"Tôi sẽ nói ngay là ông ấy hành động dựa trên tình báo có cơ sở vững chắc. Và những gì người ta cáo buộc ông ấy là không đúng."

Theo một chuyên gia về Trung Đông, Simon Henderson, thủ tướng Blair đang chịu nhiều sức ép hơn là tổng thống Bush để chứng minh là Saddam Hussein có vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt.

"Theo quan điểm của người Mỹ thì họ lật đổ một chế độ tàn bạo và đa số dân chúng ở Iraq cảm thấy nhẹ nhõm. Về các loại vũ khí bị cấm thì người Mỹ nghĩ rằng tranh luận như vậy là sai bởi vì trước đây Liên hiệp quốc và cả thế giới đều nghĩ rằng Iraq có vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt."

"Câu hỏi phải là: Saddam Hussein đã làm gì với chúng, và đó có phải là một mối nguy thật sự trong lúc liên quân tiến chiếm Iraq hay không?", ông Henderson nói.

Một trong các nhân chứng ra trước buổi điều trần tại quốc hội Anh là phóng viên BBC Andrew Gilligan, người đã tường thuật rằng giới chức tình báo nghĩ rằng các bộ trưởng chính phủ đã thổi phồng mối đe dọa từ Saddam Hussein.

Phóng viên Gilligan nói một trong những nguồn tin của ông cho biết việc chính phủ nói rằng chỉ trong vòng 45’ Iraq đã có thể tấn công bằng vũ khí sinh hóa thật ra chỉ dựa trên một nguồn tin không đáng tin cậy.

"Chúng tôi tường thuật dựa trên tố cáo từ nguồn tin của tôi, một người đủ cao cấp và đáng tin cậy. Tôi biết người này đã khá lâu, ông ta biết rõ vấn đề vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt của Iraq."

Ông Gillian nói thêm có còn bốn nguồn tin nữa cho ông biết đã có sự than phiền trong giới tình báo về cách chính phủ xử lý thông tin họ cung cấp.

Đây chính là điều chính phủ Anh bị cáo buộc. Cuộc điều trần sẽ kéo dài vài tuần và nếu quốc hội tìm thấy chính phủ đã xào nấu tin tình báo cho mục đích chính trị, vị trí của thủ tướng Tony Blair sẽ bị đe dọa.(bbc)