NOUAKCHOTT - Các báo cáo từ quốc gia Tây Phi châu, Mauritania, cho hay Tổng thống Maaouiya Ould Taya đã bị buộc ra khỏi dinh thự sau khi quân lính có cuộc nổi dậy

Hai phía đã có chiến trận trên đường phố thủ đô Nouakchott, và được biết các tòa nhà chính phủ đã bị cướp bóc.

Một phóng viên đài BBC nói có những báo cáo cho hay quân đội trung thành với Tổng thống hiện đang tụ tập tại thành phố và quân nổi dậy hiện đang chuẩn bị đương đầu với họ.

Cuộc nổi dậy này là thách thức nghiêm trọng nhất cho tới nay đối với sự cai trị của Tổng thống Taya.

Ông Taya đã tự tạo ra nhiều kẻ thù từ phía những người Hồi giáo do ông đã có quan hệ thân thiết với Israel kể từ khi ông nổi dậy nắm quyền hành vào năm 1984.

Vào đầu hôm Chủ Nhật, người ta nghe thấy tiếng xe tăng và vũ khí nhẹ quanh dinh tổng thống và sân bay gần Nouakchott.

Sau đó, người ta nhìn thấy khói bốc lên từ dinh tổng thống, mà nhiều người cho là do những người nổi dậy gây nên.

Được biết các trận đánh với các lực lượng trung thành với Tổng thống vẫn đang diễn ra tại khu vực này.

Thành phố sợ hãi

Vẫn chưa rõ Tổng thống và gia đình ông ta hiện đang ở đâu.

Nhân viên của ông này thì cho biết Tổng thống đang ở "nơi an toàn".

Người ta cho là những người nổi dậy đã nắm giữ tòa nhà của đài phát thanh quốc gia trong cuộc tấn công lần thứ hai, sau khi bị đẩy lui lúc đầu.

Cũng có những báo cáo cho hay việc hôi của đang diễn ra tràn lan.

Một quan chức chính phủ cho biết giới chức đã kiểm soát được tình hình và các lực lượng tăng cường từ bên ngoài thủ đô hiện đang trở về đây.

Tuy nhiên, phóng viên BBC tại Nouakchott cho biết chính quyền này có vẻ sắp sụp đổ đến nơi.

Có những báo cáo không chính thức cho biết Tham mưu trưởng quân đội, đại tá Mohammed Lanine Ndiayane, đã bị giết hại trong cuộc giao tranh hôm Chủ Nhật.

Một người dân tại thành phố Nouakchott cho hãng AP biết tin này qua điện thoại.

Bạo động phổ biến

Một số báo cáo cho hay các thành viên của các lực lượng vũ trang thông cảm với Iraq đã tham gia cuộc nổi dậy.

Mặc dù là một nước Cộng hòa Hồi giáo chính thức, giới chức Mauritania đã đàn áp những người Hồi giáo và chính trị gia nghi là có liên hệ với cựu lãnh đạo Iraq, Saddam Hussein, kể từ khi cuộc chiến Iraq bắt đầu.

Hàng chục người đã bị bắt giữ và bị cáo buộc tội có âm mưu chống nhà nước.

Dân số Hồi giáo của Mauritania đa phần phản đối quan hệ thân thiết của nước này với Israel, các phóng viên cho biết.

Đây là một trong ba quốc gia duy nhất trong Liên đoàn Arab có quan hệ ngoại giao toàn diện với Israel.

Về mặt chính trị, Mauritania có hệ thống đa đảng kể từ năm 1991.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa dân chủ xã hội là đảng chính nắm quyền, và phe đối lập đã tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1997.(bbc)