LONDON - Ngày càng có thêm tranh cãi tại Anh quốc về liệu các thông tin tình báo về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq có chính xác hay không.

Và nếu không thì ai đã thổi phồng thông tin tình báo này để tạo cớ thuyết phục gây chiến với Iraq.

Bên Hoa kỳ, thượng viên nước này cũng sẽ mở một cuộc điều tra về cách thức chính trị gia nhận và xử lý thông tin tình báo.

Sau đây là tổng hợp các bài viết của phóng viên BBC được xếp theo dạng câu hỏi để quí vị tiện theo dõi. Câu hỏi sẽ là phần in đậm:

Tình hình mới tranh cãi về vũ khí ra sao ? Có phải Anh và Mỹ đang chịu mũi dùi từ nhiều phía?

Thủ tướng Anh, Tony Blair ngày càng bị đẩy vào thế thủ, phải tìm cách giải trừ nghi vấn của nhóm người chỉ trích nói rằng ông đã nói dối đồng nghiệp và quốc hội nước Anh về nguy cơ bị tấn công trực tiếp từ Iraq bằng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Phía bên kia bờ đại dương, một đồng minh khác của nước Anh là Hoa kỳ cũng đang có quan ngại về cách đánh giá thông tin tình báo – tin tức để tạo cớ gây ra cuộc chiến Iraq.

Bên Hoa kỳ cục tình báo Trung ương Hoa kỳ -CIA - hiện đang bắt đầu quá trình rà xoát lại những loại thông tin cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách – người ta sẽ so sánh thông tin này với những gì tìm thấy ở trên thực địa. Và nhiều khả năng sẽ có thêm các cuộc điều tra khác nữa.

Tại sao chủ đề vũ khí hủy diệt hàng loạt (VKHDHL) lại quan trọng ?

Tranh cãi về VKHDHL tại Iraq quan trọng bởi nhiều lẽ. Theo phóng viên quốc phòng của đài BBC, Jonathan Marcus, thì đây chính là lý do chủ chốt để đồng minh gây chiến với Iraq. Chủ đề này đặt ra các câu hỏi hay nghi vấn về các chính trị gia tìm cách thao túng thông tin như thế nào. Chủ đề này liên quan trực tiếp đến các chủ đề cơ bản khác trong lĩnh vực thu thập tin tức tình báo, và phân tích, những điều có thể tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng hay to lớn trong cuộc đấu tranh chống lại khủng bố và phổ biến vũ khí. Điểm này mới làm cho người ta lo lắng. Tình báo đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến chống khủng bố. Tất cả các chính sách đưa ra phụ thuộc vào việc đánh giá tin tức tình báo. Nếu như, và rất có thể điều này đã xảy ra, trong thời điểm dẫn tới cuộc chiến tại Iraq, tình báo của Hoa kỳ có lúc nào đó thông báo cho các chính trị gia những điều họ muốn nghe, thì nghe sai chắc sẽ đưa ra chính sách sai.

Liệu nên kỳ vọng vào tính chính xác của tình báo tới đâu?

Các chuyên gia tình báo hay sai trong việc báo trước nguy cơ của bất ổn. Ví dụ như tiềm lực quân sự của nước Nga Sô Viết thường xuyên được đề cao quá mức trong thời chiến tranh lạnh. Và mọi người ai cũng ngạc nhiên khi nước này sụp đổ quá nhanh. Nói về các chuyên gia phân tích tình báo cấp cao thời đó,

thì có vẻ như những thông tin họ thông báo chính là điều mà nội các của tổng thống Reagan rất muốn nghe. Và hiện đang có quan ngại rằng trong giai đoạn cuộc chiến Iraq vừa qua, một tổ phân tích tình báo đặc biệt thành lập ngay trong Bộ Quốc Phòng Mỹ đã thêm gia vị vào các thông tin tình báo mà các chính trị gia theo trường phái tân bảo thủ (neo-conservatives ) của chính quyền Bush rất muốn rót vào lỗ tai.

Đó là chuyện ở Mỹ, thế còn ở Anh thì sao ?

Tất nhiên tranh cãi về thông tin tình báo tại Anh thì khác Mỹ một chút. Đó là các viên chức trung gian tại Anh thích thêm thắt vào các thông tin trong đánh giá tình báo để thêm tính thuyết phục cho trường hợp gây chiến với Iraq. Ví dụ ai cũng thấy là tuyên bố nói rằng quân đội Iraq có khả năng dùng vũ khí hóa học trong vòng 45 phút – đã tạo cho người ta cảm giác là một hiểm họa như đang rình rập xảy ra.

Thế ngoài các thông tin tình báo ra thì ai là người tin là Iraq có thể sở hữu VKHDHL?

Dù sao đi nữa thì cả chính phủ Anh và Hoa kỳ đều cho rằng đe dọa về vũ khí tại Iraq là có thật. Đó là lý do giải thích tại sao quân đội của hai nước này đã mặc các đồ bảo hộ, trong tình huống tấn công vũ khí hóa học xảy ra,

và họ đã ở trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến trước một cuộc tấn công như vậy trong thời gian cuộc chiến. Cũng cần phải nhắc thêm ở đây là bản thân Hội đồng bảo an LHQ, dù không tán thành chiến tranh, tin rằng chế độ tại Iraq cần phải giải trình rõ ràng các nghi vấn về vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đó là lý do tại sao HĐBA bỏ phiếu thông qua nghị quyết trao cho Iraq cơ hội cuối cùng để loại trừ vũ khí.

Thế là cuối cùng tình báo lại sai ? Vậy sai như thế nào?

Rất có thể các thông tin tình báo về các loại vũ khí tại Iraq là sai. Đây không phải là lần đầu tiên. Liệu người ta đã đưa ra lý do không chính xác khi xâm lược Iraq cho công chúng Anh quốc ? Vâng nghe qua thì lý lẽ kiểu đó cũng có thể đúng. Thế có đúng là Iraq theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hay không ? Hiện người ta vẫn chưa đưa ra đánh giá cuối cùng. Tuy nhiên một số phân tích gia đặt dấu hỏi về lý do tiến hành cuộc chiến. Cách thức người ta nói về chương trình vũ khí của Iraq chỉ càng biện hộ cho việc thay đổi chế độ thì mới tìm ra được bằng chứng về vũ khí. Thế nhưng cho đến nay, ngoài một vài các phòng thí nghiệm lưu động khả nghi, người ta vẫn chưa tìm ra được các bằng chứng về vũ khí.

Cạnh đó, có thể có một giả thuyết khác mang tính khôn ngoan hơn. Liệu Iraq có sở hữu tri thức và kỹ năng để chế tạo vũ khí ? Chắc chắn là có. Liệu Iraq có những cơ sở chế tạo vũ khí giả trang là cơ quan dân sự ? Nhiều khả năng đấy chứ. Liệu chính quyền Iraq có coi việc sở hữu các loại vũ khí đó là mục tiêu chiến lược hay không ? Ai cũng nghi ngờ về chuyện này ? Liệu những điều như thế này thôi có đủ thuyết phục gây chiến với Iraq hay không ? Cái này tự quí vị quyết định.

Chắc chắn lý lẽ này không phải là do hai cá nhân ông Blair và Bush đặt ra. Khi mọi sự nay đã qua đi, nhìn lại ta có thể thấy rằng nguy cơ về đe dọa trực tiếp từ Iraq đã được thổi phồng quá mức. Và ngay trong lúc này đây, ông Blair đang cảm thấy chịu nhiều sức ép.

Đó là ông Blair. Thế còn chính quyền Bush thì sao ?

Nội các của ông Bush đang phải đối diện với các nghi vấn về tính chân thực sau khi rao giảng hàng tháng trời về nguy cơ rình rập của vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq. Kể từ khi chính thể Saddam Hussein bị lật đổ tám tuần trước đây, quân đội Mỹ đã không tìn thấy bằng chứng nào về vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vì lý do này mà thượng nghị sĩ John Warner loan báo rằng Ủy ban Tình báo và Quân lực của Thượng viện sẽ tiến hành điều tra về tính xác của một số tài liệu tình báo liên quan tới Iraq. Theo phóng viên đài BBC tại Washington thì tiếng nói của ủy ban này rất mạnh. Nếu ủy ban này phát hiện ra những gì sai trái thì người bị hổ thẹn ghê ghớm không ai khác hơn là chính quyền Bush. Cạnh đó, ủy ban này sẽ công bố các thông tin mà họ thu thập được. Các phân tích gia cho rằng nếu có cái gì đó khuất tất xảy ra, thì uy tín chính trị của tổng thống Bush sẽ bị ảnh hưởng tương đối tai hại.

Liệu người ta có nói tới về thua thiệt trong cuộc bầu cử tới cho ông Bush hay không ?

Dù cho có những nghi vấn về lý do gây chiến do chính quyền Bush đưa ra, thế nhưng tương lai chính trị của ông Bush không hề bị đe dọa vì đa số cử tri tại Hoa kỳ vẫn cho rằng cuộc chiến tại Iraq là điều cần phải làm. Thế nhưng tại Anh quốc, thì cái nhìn của báo giới hay cử tri Anh lại khác một chút, và người ta cho rằng không hẳn là ông Blair dễ đẩy khỏi ghế thủ tướng, thế nhưng rồi thế nào ông ta cũng sẽ gặp nhiều sóng gió trận này.(bbc)