ST. PETERSBURG - Đối với người châu Âu, 300 năm trước đây, nước Nga là một đất nước xa xôi và man rợ.

Ở đây, thời tiết xấu, thức ăn tồi tệ, người dân thì nổi tiếng là nghiện rượu, vũ phu và thất học.

Một nhà ngoại giao của Nga, sau khi được Nga hoàng dặn dò là không được bỏ mũ khi đứng trước vua chúa Tây phương, đã đội hẳn hai chiếc mũ khi ra nước ngoài.

Một nước Nga nghèo nàn

Nước Nga đã bỏ qua các hiện tượng văn hóa chủ chốt của châu Âu, ví dụ như sự phục hồi luật La mã, thời kì Phục hưng và phong trào cải cách châu Âu thế kỉ 16.

Thay vào đó, Nga in dấu hai thế kỉ bị Mông Cổ trị vì. Đạo chính thống Nga dạy rằng người nước ngoài là xấu, còn Nga hoàng chắc chắn sẽ thống trị toàn thế giới.

Đã biết bao lần trong lịch sử của Nga, có một khoảng cách lớn giữa tham vọng và thực tế.

Cải cách của Peter đại đế

Chính trong hoàn cảnh này, Peter đại đế đã khởi sự dự án của ông.

Ông muốn tạo ra một thủ đô kiểu phương Tây, xây từ một đầm lầy nằm trên dải bờ biển vừa mới lấy từ tay Thụy Điển. Nó sẽ có các nhà thờ như Rome, kênh đào như Amsterdam, lâu đài như Versailles và có một nhà tù.

Hàng ngàn nông nô đã chết khi tham gia xây dựng một thủ đô mà có thể gây ấn tượng cho phương Tây.

Cửa sổ nhìn ra châu Âu

Từ lúc thành lập ngày 27-5-1703, St. Petersburg đã là thủ đô của đế quốc Nga trong suốt hai thế kỉ tiếp theo.

Những cải cách của Peter đại đế, dù gây tranh cãi và có khi tàn bạo, đã cho nước Nga đủ tiềm lực để bành trướng ra châu Âu.

Sang thế kỉ 19, người Nga cũng đã có thể viết nên những tiểu thuyết tầm cỡ châu Âu, sáng tác nên các bản giao hưởng không kém gì nước Đức.

Tiếp tục là nghịch lý

Nhưng St. Petersburg tiếp tục là một nghịch lý. Liệu một nền văn hóa có thể Tây phương hóa toàn bộ hay không?

Nước Nga vẫn là một chế độ chuyên quyền, sử dụng sức mạnh mới có để can thiệp vào các nước và dập tắt các tiếng kêu dân chủ trong nước.

Mãi đến thế kỉ 20, nước này mới lần đầu tiên có quốc hội.

Các quan niệm về luật pháp và trách nhiệm cá nhân kiểu phương Tây chậm chạp bắt rễ vào một xã hội mà kiểu suy nghĩ tập thể đã ăn sâu vào truyền thống.

Ít ai hiểu nổi sự phân biệt giữa quyền sở hữu và quyền cai trị và các Nga hoàng tiếp tục xem đất nước là tài sản của riêng họ.

Bản thân các Nga hoàng cũng có sự ngập ngừng khi nghĩ về St. Petersburg. Nga hoàng cuối cùng, Nicholas đệ Nhị, là người theo đuổi chính sách ngu dân và thích Moscow nhiều hơn.

Đổi tên thành Leningrad

St. Petersburg được xem là cái nôi của cuộc cách mạng.

Tuy vậy, những người Bolshevik, khi giành được quyền lực năm 1917, đã chuyển thủ đô về Moscow.

Trong thế chiến Hai, St. Petersburg – lúc này được đổi tên là Leningrad – trải qua hai năm rưỡi bị Đức bao vây và gần một triệu người chết.

Đây cũng là thời kì của chủ nghĩa anh hùng và tinh thần đoàn kết, như nội dung của Bản giao hưởng Số bảy của Dmitry Shostakovich dành tặng thành phố.

Thời kì hậu Xô viết

Kể từ khi liên bang Xô viết tan rã, thành phố cũng lấy lại cái tên cũ St. Petersburg.

Trong buổi lễ kỷ niệm, tổng thống Putin có thông điệp gửi tới thành phố, cũng là nơi ông sinh ra:

"Nhiều người hẳn sẽ đồng ý là lịch sử thành phố này cũng phản ánh mọi mặt trong lịch sử đất nước Nga. Thành phố đã luôn cao quý, ngay cả trong những thời khắc khó khăn."

St. Petersburg, thành phố mà Peter đại đế từng gọi là “cửa sổ của nước Nga nhìn ra châu Âu”, giờ đây đang nhìn ra thế giới. (bbc)