PETERSBURG - Về mặt quốc tế mà nói, mấy ngày này đánh dấu điểm cao nhất trong thời gian ông Putin làm tổng thống Nga.

Ông thu hút khoảng 40 nhà lãnh đạo thế giới, không những đến nước Nga mà còn đến thành phố nhà của ông nữa.

Bốn lãnh vực quan trọng của nền đối ngoại Nga được tường thuật chi tiết chỉ trong vòng mấy ngày thôi: đó là Trung Quốc, Cộng Đồng các quốc gia độc lập, Liên Hiệp Âu châu và Hoa Kỳ.

Đây là cơ hội vàng son để ông Putin chứng tỏ với thế giới rằng nước Nga đã thay đổi theo chiều hướng đi lên kể từ những ngày hỗn độn của thời ông Boris Yeltsin còn làm tổng thống.

Nhà lãnh đạo Nga đã phác họa cái nhìn của ông đối với vị trí nước Nga trên thế giới khi ông lên tiếng hai tuần lễ trước đây tại quốc hội.

“Toàn thể quyết định và hành động của chúng ta cần phải nhằm bảo đảm rằng trong tương lai nhìn thấy được, Nga sẽ có chỗ đứng vững chắc của mình giữa các nước thực sự hùng mạnh, tiến bộ về kinh tế và có thế lực trên thế giới. Giờ đây chúng ta có được cơ may này, chúng ta cần phải nắm lấy nó.”

Quan hệ với châu Âu

Nga đã có quan hệ buôn bán vững chắc với Liên hiệp Âu châu.

Số lượng hàng xuất cảng chỉ riêng sang nước Đức thôi cũng bằng gấp đôi số hàng xuất cảng sang Hoa Kỳ.

Nhưng Nga vẫn còn chưa được Âu châu coi trọng.

Điện Kremlin phải ra sức thuyết phục Liên Hiệp Âu châu rằng họ đã làm hết sức họ để giúp cho nền an ninh của Âu châu.

Sự đi lại mà không cần chiếu khán, đó là ước mơ của một số người Nga thì hiện vẫn còn xa vời.

Hội đàm Nga-Mỹ

Sau khi họp với các nhà lãnh đạo Âu châu, ông Putin sẽ gặp tổng thống Bush.

Chỉ trong mấy tuần lễ trước đây, chưa chắc có được cuộc gặp này. Nga là nước chống đối mạnh mẽ cuộc chiến do Hoa Kỳ cầm đầu tại Iraq, và hiện vẫn không biết chắc chuyện này gây phương hại bao nhiêu tới bang giao giữa hai nước.

Đại sứ Mỹ tại Nga, Alexander Vershbow, nhìn nhận điều này trong một cuộc phỏng vấn hồi gần đây với đài BBC:

“Tôi không nghĩ là những điều cơ bản trong mối bang giao đã bị cuộc khủng hoảng gây phương hại nghiêm trọng. Nhất định là chúng tôi đã trải qua một lúc rất gay go, không có gì nghi ngờ cả. Nhưng theo tôi thì chung cục, Nga nhìn nhận rằng họ vẫn còn những quyền lợi y như trước khi có cuộc khủng hoảng Iraq và trong vòng mấy tháng tới đây chúng tôi sẽ ra sức đi vào con đường hợp tác nhiều hơn trước.”

Chuyến đi của ông Bush đến St. Petersburg là biện pháp nghiêm chỉnh đầu tiên để Nga và Mỹ trở lại con đường hợp tác hơn nữa.

Dự định thăm Anh

Đến tháng sáu này, ông Putin sẽ tiếp tục cụôc tấn công ngoại giao bằng cách trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nga trong 150 năm thực hiện chuyến công du ở cấp cao nhất tại Anh quốc.

Nhưng trong lúc ông bắt đầu để ý tới cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, ông Putin thừa biết rằng có thắng cử hay không là nhờ ở chính sách trong nước chứ không phải ở đường lối đối ngoại.

Sau thời gian ngoại giao mùa hè này, tổng thống Nga có thể sẽ tập trung vào một thời gian hành động có phối hợp trong nước để bảo đảm chắc rằng cuộc bầu cử tổng thống sẽ không diễn ra sau một mùa Đông bất mãn.(bbc)