BASRA - Ông Blair cảm ơn binh lính Anh đã tham gia cuộc chiến

Ông Blair là nguyên thủ phương Tây đầu tiên thăm Iraq kể từ khi kết thúc cuộc chiến, dẫu cho đó chỉ là chuyến thăm vô cùng ngắn ngủi.

Động viên binh sĩ

Ông Blair đã giành vài tiếng đồng hồ tới thăm thành phố Basra ở phía nam, nơi quân Anh từng chiếm đóng và quản lý. Sau đó ông bay tới cảng Umm Qasr thăm một chiến hạm dò mìn của Anh rồi quay trở lại Kuwait ngay trong ngày.

Tại Basra, ông Blair đã có bài phát biểu gửi tới binh lính Anh đóng tại đó và cảm ơn họ đã cố gắng trong chiến trận:

"Khi nói chuyện với người dân địa phương và nhìn tình cảnh trên đường phố Basra thì ai cũng thấy nỗi khổ của người dân khi phải sống trong một chế độ độc tài. Những người dân ở đây rồi một ngày sẽ nhìn lại quá khứ của mình và họ sẽ cảm ơn các bạn về những gì các bạn đã làm cho họ. Các bạn đã mang cho họ tiền đề về tương lai của họ, một cuộc sống đầy hy vọng và khả năng thịnh vượng."

Chuyến đi của ông Tony Blair hết sức hạn hẹp về thời gian, nhưng ý nghĩa ngoại giao của nó lại hết sức to lớn.

Hoài nghi về vũ khí huỷ diệt hàng loạt

Chuyến thăm của ông Blair tới Iraq xảy ra đúng khi mà bên cả hai bờ Đại Tây Dương người ta đều đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld hôm Thứ Ba đã giải thích việc không tìm thấy vũ khí giết người hàng loạt ở Iraq bằng cách cáo buộc Saddam Hussein có thể đã tiêu hủy số vũ khí này trước khi chiến tranh bắt đầu.

Vũ khí huỷ diệt hàng loạt là một trong những lý do chính để biện minh cho cuộc chiến. Vì vậy, việc không tìm thấy nó có thể sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của Tổng Thống Bush cũng như Thủ Tướng Tony Blair.

Người ta cũng đang đặt câu hỏi về cái giá phải trả cho sự tham gia của quân Anh và Mỹ trong cuộc chiến Iraq.

Paul Rogers, giáo sư nghiên cứu về hòa bình tại Đại học Bradford cho rằng nỗi tức giận của nhiều người trong khu vực rồi sẽ được bộc lộ:

"Tình trạng một quốc gia Ả rập thuộc loại lớn nhất thế giới bị nước ngoài chiếm đóng là một điều không hay ho gì và chính phủ Anh đang bị áp lực về điều đó. Tôi nghĩ tất nhiên Hoa Kỳ vẩ̃n là mục tiêu chính của những chỉ trích và nghi kỵ, thế nhưng xu hướng bài Anh cũng đang dần dần nhen nhóm và lan truyền tại nhiều nơi trong khu vực."

Liên Hiệp Quốc nỗ lực thiết lập vai trò

Một người đang nuôi dưỡng hy vọng thiết lập lại trật tự trị an tại Iraq là đại diện đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, ông Sergio Vieira de Mello.

Ông này sẽ bay tới Baghdad nay mai để bắt đầu nhiệm sở kéo dài bốn tháng của mình. Ông Mello cũng có nhiệm vụ tạo dựng vai trò cho Liên Hiệp Quốc bên cạnh các lực lượng Anh và Mỹ.

Ông đã khẳng định phần nào vị thế độc lập của mình bằng cách yêu cầu phải lập lại trật tự và chỉ trích người Mỹ là đã không minh bạch lắm trong việc thúc đẩy quá trình chính trị.

Ông thúc giục là phải sớm trao quyền lực cho người Iraq vì theo ông, thế lực ngoại quốc không thể quản lý đất nước thay cho người Iraq được.

Ông Mello cũng nhìn nhận rằng vai trò của ông tại Iraq là khá khó xác định tuy ông nói đây là cơ hội cho Liên Hiệp Quốc thiết lập chỗ đứng của mình ở đây.(bbc)