BẮC KINH - Hai đặc phái viên của Đức Đạt lai Lạt ma, nhà lãnh đạo tâm linh của người Tây Tạng đã tới Bắc Kinh trong chuyến thăm nhằm củng cố quan hệ giữa Trung Quốc và chính phủ Tây tạng lưu vong.

Đàm phán song phương về vấn đề Tây Tạng đã đổ vỡ hồi năm 1993. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên dường như đã tan băng trong thời gian gần đây.

Trên thực tế, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Tây tạng lưu vong và chính phủ Trung Quốc đã ở trong tình trạng bế tắc trong gần một thập kỷ qua.

Đức Đạt lai Lạt ma nói ông chỉ muốn Tây Tạng được quy chế tự trị chứ không muốn tách rời Tây tạng khỏi Trung quốc.

Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi ông có chủ trương ly khai và có ý định đòi độc lập cho Tây Tạng.

Những khác biệt này có lẽ sẽ còn tồn tại và cuộc gặp gỡ ở Bắc Kinh sẽ chỉ là bước đi đầu tiên nhằm giải quyết khác biệt giữa hai phía.

Tuy nhiên, đây là lần thứ hai trong vòng 12 tháng qua hai bên gặp mặt và cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh cũng như những người lãnh đạo tinh thần của Tây tạng đều đã có những nhân nhượng.

Trung Quốc đã thả một số tù nhân chính trị người Tây Tạng trong khi đó Đức Đạt lai Lạt ma mới đây đã từ chối lời mới tới thăm Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc coi là một tỉnh của họ.

Đức Đạt lai Lạt ma hiện đang rất muốn tới thăm Lasa, thủ phủ của Tây Tạng.

Ông bỏ thành phố này ra đi từ hồi năm 1959 sau khi khởi nghĩa chống lại chế độ cai trị của Trung Quốc thất bại.

Kể từ đó tới nay ông sống tại Ấn độ và vẫn được hầu hết người Tây Tạng coi là vị thánh sống.(bbc)