NEW YORK - LHQ đã nhất loạt thông qua một nghị quyết tháo bỏ cấm vậ̣n kinh tế đối với Iraq, đồng thời ủy quyền điều hành tạm thời cho một chính quyền do Mỹ cầm đầu.

Hoa Kỳ và Anh đã tiến quân vào chiếm Iraq sau khi không đạt được ủng hộ của HĐBA, nhưng giờ đây, họ đã được LHQ cho phép điều hành Iraq và quyết định sử dụng tiền bán dầu của nước này như thế nào.

Đây là một tình huống chưa từng xảy ra. Điều đáng nhớ là trong thời gian chiến tranh, tổng thống Chirac nói Pháp sẽ không chấp nhận bất kỳ nghị quyết mới nào nhằm hợp pháp hóa sự can thiệp của phe Anh-Mỹ và trao cho hai quốc gia đó quyền điều hành Iraq.

Nga cũng có tuyên bố tương tự. Nghị quyết mới này không hợp pháp hóa cuộc xâm chiếm, nhưng rõ ràng là nó hợp pháp hoá địa vị thống trị của Hoa Kỳ và Anh tại Iraq thời hậu chiến.

Nó cũng không hề đưa ra hạn định thời gian để hai nước này điều hành Iraq, dẫu cho HĐBA có quyền xem xét tình hình trong vòng một năm.

Phát ngôn viên của Hoa Kỳ và Anh đã không công khai bày tỏ thái độ hân hoan, mà thay vào đó, họ nói đó là một ngày trọng đại đối với người dân Iraq.

Pháp, Đức và Nga nhấn mạnh tới sự tham gia quốc tế vào Iraq và nâng cao vai trò của đại diện LHQ.

Đại sứ Đức nói rằng với bản nghị quyết mới, họ đã để lại đằng sau những rạn nứt. Nhưng tại Paris, ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell đã nói rằng vẫn còn một chặng đường dài để qua được những căng thẳng mấy tháng rồi.

Lúc này, những cường quốc đã đặt sang một bên những bất đồng quanh chuyện Iraq. Còn rất nhiều điều đang phụ thuộc vào tiến bộ trên thực tế và quan hệ cộng tác giữa LHQ và Anh-Mỹ.

Nhưng nếu như sự thể trở nên sai lầm nghiêm trọng thì sẽ vẫn còn đủ cơ hội để các bện lại trở lại cáo buộc lẫn nhau.

Đại đa số ủng hộ nghị quyết

14 trong số 15 thành viên Hội đồng bảo an LHQ đã bỏ phiếu chuẩn thuận nghị quyết này, kể cả Pháp Đức và Nga, những nước vốn chống đối cuộc chiến ở Iraq. Riêng Syria, quốc gia Ảrập duy nhất trong HĐBA, đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu.

Trước đó, Thủ tướng Tony Blair nói việc thông qua nghị quyết này sẽ cho phép cộng đồng quốc tế "quay trở lại như cũ".

Ông nói: "Điều này cho người dân Iraq thêm hi vọng, cho phép chúng ta để lại đằng sau những chia rẽ trong quá khứ và tiếp tục công việc tái thiết Iraq với nhân dân Iraq".

Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell nói việc Pháp ủng hộ nghị quyết là một "bước đi theo hướng đúng" trên con đường hàn gắn mối quan hệ Pháp Mỹ, vốn bị chia rẽ nhiều quanh cuộc chiến Iraq.

Có nên lạc quan ?

Việc các nước bỏ phiếu thuận thông qua nghị quyết về vai trò của hai cường quốc chiếm đóng tại Iraq được coi như sự hàn gắn rạn nứt trong HĐBA, mà có lúc đã đe dọa đến sự tồn tại của LHQ.

Trong khi Nga, Pháp và Đức sẵn lòng chấp thuận việc điều trở lại các thanh tra vũ khí của LHQ đến Iraq, họ đã kẻ một vạch thẳng để tách bạch chuyện cho thanh tra vũ khí thêm thời gian và ủng hộ chiến tranh.

Cũng cần nhớ lại rằng trước khi cuộc chiến Iraq xảy ra, bầu không khí xuyên Đại Tây Dương trở nên căng thẳng, sau khi Pháp đe dọa sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết nào về Iraq do Hoa Kỳ và Anh bảo trợ.

Ba nước trong phe chủ hòa tin rằng cần trao thêm thời gian cho các thanh tra vũ khí, chiến tranh hoàn toàn không cần thiết, và nếu có, nó sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho an ninh và ổn định trong vùng.

Dù cho những lời phản chiến mạnh mẽ từ nhóm nước này, Anh và Hoa Kỳ vẫn cứ một mình khởi chiến. Có lẽ còn quá sớm để có thể kết luận rằng những rạn nứt to lớn trước đây nay đã được hàn gắn xong xuôi.(bbc)