BAGHDAD - Nhờ có cuộc xâm nhập và chiếm đóng của liên quân Anh - Mỹ trên đất Iraq, giờ đây báo chí Iraq đã có thể được tự do xuất bản

Hàng chục tờ báo mới đã và đang xuất hiện tại Iraq thời hậu Saddam.

Ishmel Zaire là tổng biên tập tờ Al Sabah, một tờ báo đang chuẩn bị cho ra ấn bản đầu tiên. Ông khẳng định sẽ theo đuổi con đường thông tin không thiên vị:

"Đây là một tờ báo của người Iraq. Họ tài trợ cho chúng tôi, chúng tôi xin cám ơn và chúng tôi sẽ thể nghiệm loại hình tự do báo chí này. Tôi sẽ không bao giờ bôi nhọ tên tuổi, tiếng tăm của chúng tôi cũng như của các phóng viên khác, những người chưa bao giờ phục tùng Saddam Hussein bằng cách theo đuôi bất kỳ chính phủ nào khác. Và nhất định không trở thành cái loa của Hoa kỳ, chừng nào tôi còn là tổng biên tập ở đây."

Báo giới tại Iraq vốn trước kia cũng chỉ là những cái loa cho chính quyền của Saddam, giờ đây đã có một loạt những cái tên mới đại diện cho các cộng đồng rất đa dạng ở đây.

Có những tờ báo như Al Zamad ra đời tại hải ngoại nhưng bây giờ đã có mặt trong nước. Có những tờ báo mới chẳng hạn như Asar do một giáo sĩ Hồi giáo lập ra, hay Bagio Baghdad hoặc Hoea, nghĩa là tự do.

Khắp nơi trong thành phố các nhóm sinh viên cũng đang rầm rộ cho ra những tờ báo riêng của họ nhằm phản ánh quan điểm của giới trẻ mà cho đến gần đây vẫn bị chính quyền cũ tại Iraq đàn áp.

Salem Talif, tổng biên tập tờ báo Al Muha Jaroon tỏ ra vô cùng phấn chấn:

"Tờ báo của chúng tôi đang cố gắng đưa tiếng nói tuổi trẻ đến với toàn thế giới để người ta biết đến thanh niên Iraq. Trước cuộc chiến vừa rồi chúng tôi không hề có tiếng nói, đặc biệt là giới thanh niên, chúng tôi chẳng được lên tiếng ở bất cứ đâu."

Ở Iraq, nếu như dùng radio dò sóng thì chỉ tìm được một vài đài phát sóng tầm trung là hết, trong đó gồm có một kênh thông tin còn non trẻ của Iraq và vài chương trình từ Iran phát sang. Dịch vụ truyền hình quốc gia Iraq thì chưa chính thức hoạt động lại.

Nhưng trên các đường phố của thủ đô bắt đầu mọc lên rất nhiều cửa hàng bán đĩa vệ tinh để bắt sóng truyền hình.

Dưới thời Saddam Hussein những loại đĩa này bị cấm. Người dân không được phép có đĩa.

Nếu như ai đó lén lút lắp đặt đĩa vệ tinh mà bị phát hiện thì ngay lập tức sẽ có đám an ninh tới tịch thu, khổ chủ sẽ bị phạt tiền và có thể phải ngồi tù 6 tháng nữa.

Giờ đây, tình hình mới khiến cho đám kinh doanh thiết bị vệ tinh tại Iraq thời hậu chiến tràn trề hy vọng. Người ta có thể bắt được tới hàng ngàn kênh truyền hình khác nhau, từ BBC đến đài Pháp, Mỹ, Trung quốc, với các nội dung từ bóng đá, bóng rổ đến âm nhạc.

Với những chiếc đĩa vệ tinh như thế, bây giờ người Iraq chẳng thua kém gì dân ở các nước khác tại Trung đông trong việc có thể xem những chương trình video nhạc pop phương tây tràn ngập trên các kênh truyền hình.

Nhiều người có thể cho rằng đây là một sự phát triển không tốt nhưng chí ít thì người dân Iraq nay cũng có được một cơ hội để bày tỏ tư tưởng của mình một cách tự do hơn sau bao nhiêu thập niên bị đè nén.(bbc)