NEW YORK - Cuộc bỏ phiếu cho dự thảo nghị quyết về Iraq - cho phép Mỹ và Anh kiểm soát tạm thời Iraq - có vẻ sẽ được thông qua tại HĐBA vào hôm nay, sau khi Pháp, Ðức và Nga bày tỏ sự ủng hộ

Nghị quyết này, do Anh và Tây Ban Nha đồng tài trợ, cho thấy liên minh do Mỹ cầm đầu sẽ điều hành Iraq cho tới khi nào một chính phủ được công nhận sẽ lĩnh quyền kiểm soát Baghdad, và khi lệnh cấm vận kinh tế được dỡ bỏ.

Theo phóng viên BBC tại LHQ, Anh và Mỹ rõ ràng đã cảm thấy nhẹ nhõm vào cuối hôm thứ Tư sau khi những người phản đối chính trong cuộc chiến tại Iraq giờ đây đã ủng hộ kế hoạch này, mà cho phép LHQ một vai trò lớn hơn.

Ngoại trưởng Pháp ông Dominique de Villepin nói rằng ba nước muốn phạm vi hoạt động của dự thảo nghị quyết của Mỹ phải được nới rộng thêm nữa.

Dự thảo nghị quyết này, được Anh Quốc và Tây Ban Nha đồng bảo trợ, dự trù rằng liên quân dưới sự hướng dẫn của Hoa Kỳ sẽ quản lý Iraq cho tới khi nào một chính phủ được quốc tế công nhận, nắm quyền tại Baghdad.

Các phái viên nói rằng hầu như là chắc chắn nghị quyết này sẽ được thông qua hôm nay thứ Năm.

Phái viên đài BBC tại LHQ Susannah Price nói rằng dự thảo nghị quyết này sẽ giúp cho liên quân chiếm đóng Iraq có được tính chất chính thống.

Kiểm tra các võ khí có khả năng hủy diệt hàng loạt

Ðại sứ Anh tại LHQ Sir Jeremy Greenstock đã cho đài BBC biết là sẽ có vai trò cho các thanh tra viên võ khí quốc tế tại Iraq.

Ông nói rằng vai trò chính xác của các thanh tra viên không có được ghi trong bản dự thảo nghị quyết nhưng ông nói thêm rằng sứ mạng của họ sẽ được duyệt xét lại trong vòng vài tuần tới.

Ngoại trưởng Pháp tuyên bố : Chúng tôi cũng bỏ phiếu thông qua bản dự thảo, dù cho nội dung không được sâu rộng như chúng tôi mong muốn

Hoa Kỳ cũng đang đề nghị LHQ gởi thanh tra đến khám nghiệm nhà máy nguyên tử Tuwaitha cùng với các chuyên viên của Mỹ.

Phái viên BBC Jon Leyne nói rằng kế hoạch này đánh dấu một sự chuyển hướng rất rõ của Mỹ.

Trước đây, Hoa Kỳ miễn cưỡng cho phép các thanh tra trở lại nối tiếp công tác tìm kiếm võ khí bị cấm, mà vốn là lý do chính để tung ra cuộc chiến.

Các toán chuyên viên của Hoa Kỳ không tìm thấy được bằng chứng là có võ khí hóa học, vi trùng hoặc nguyên tử tại Iraq.

Phái viên đài chúng tôi nói rằng nhà máy nguyên tử Tuwaitha gây quan ngại cho các nước trong lúc này vì trước đây nhà máy này có tồn trữ nhiều tấn uranium.

Giải pháp dung hòa

Pháp, Ðức và Nga trước đây cực lực chống lại kế hoạch chiến tranh của Hoa Kỳ, và từ đó, nhấn mạnh rằng LHQ phải có một ''vai trò trung tâm'' tại Iraq sau khi cuộc chiến kết thúc.

Ngoại trưởng Pháp nói rằng nay Hoa Kỳ, Anh Quốc và Tây Ban Nha đã ''lắng nghe các đối tác'' và bản dự thảo mới nhất này là ''kết quả của một tinh thần dung hòa''

Ngoại trưởng Pháp de Villepin, Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov và Ngoại trưởng Ðức Joschka Fischer đã bàn về bản dự thảo nghị quyết mới nhất này với Tổng thống Pháp Jacques Chirac tại Paris hôm thứ Tư.

Sau cuộc thảo luận kéo dài bốn giờ tại Hội đồng Bảo an, Hoa Kỳ nói rằng dự thảo nghị quyết thứ tư này là chung cuộc.

Các nhà ngoại giao tại LHQ nói rằng hầu như là chắc chắn, bản dự thảo này sẽ được 12 phiếu thuận trên tổng số 15 thành viên của Hội đồng Bảo an.

Nếu được thông qua, nghị quyết này sẽ hủy bỏ lệnh cấm vận áp đặt lên Iraq sau khi Iraq xâm lăng Kuwait hồi năm 1990, và đồng thời sẽ đặt Hoa Kỳ và Anh Quốc vào vị thế có quyền hành trung ương tại Iraq.

Nghị quyết này cũng dự trù một vai trò chính trị cho Ðại diện đặc biệt của LHQ tại Iraq, mà vốn sẽ được Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan bổ nhiệm sau khi dự thảo nghị quyết được thông qua. (bbc)