LONDON -Vào ngày 09/06 tới đây, tuyên bố về việc Anh có nên gia nhập khối sử dụng đồng tiền chung Euro hay không sẽ được trình trước Hạ Nghị Viện

Về khả năng gia nhập, để đạt được sự công bằng thì chắc chắn phải đưa vấn đề ra trưng cầu dân ý.

Đường lối chính thức của Anh quốc là việc từ bỏ đồng bảng Anh và chấp nhận đồng Euro chỉ được đưa ra cân nhắc khi nào một số thử thách kinh tế cơ bản đạt được kết quả theo yêu cầu đặt ra.

Đài BBC được biết ông Bộ Trưởng Tài Chính Anh, ông Gordon Brown, có quan điểm là chuyện Anh gia nhập khối sử dụng đồng Euro vẫn chưa được đặt ra.

Hãng Whale Tankers tại Solihull là nhà sản xuất các xe tải dọn rác trên phố, chuyên thu dọn các chất thải ô nhiễm. Rod Turner là giám đốc điều hành công ty.

Với ông, cũng như với nhiều người điều hành doanh nghiệp khác, tỷ lệ lạm phát thấp và môi trường ổn định mà Ngân Hàng Trung Ương Anh Quốc đem lại là điều tuyệt vời. Ngân Hàng Trung Ương Anh Quốc là một cơ quan định chế độc lập, chuyên kiểm soát các hoạt động ngân hàng tại Anh.

Rod Turner nói chỉ nên gia nhập khu vực sử dụng đồng tiền tệ chung của Châu Âu, đồng Euro nếu như có những bằng chứng vững chắc và có tính thuyết phục cho thấy việc đó là có lợi. Tuy nhiên, ông đánh giá rằng nếu gia nhập khu vực đồng Euro, nền kinh tế Anh quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Một số kinh tế gia hàng đầu của Anh cũng đồng ý với ý kiến trên. Roger Bootle thuộc tổ chức nghiên cứu Capital Economics nhận xét:

"Tôi nghĩ rằng lý do rõ ràng nhất đối với việc chúng ta không nên gia nhập khối sử dụng đồng Euro là hãy nhìn vào nước Đức. Đó là một quốc gia lơ lửng trên bờ vực suy thoái lẫn giảm phát. Điều đó vô cùng nguy hiểm."

"Đức là nước không có ngân hàng trung ương, không có một ngân hàng nào tương đương với một chi nhánh của Barclays. Ngân hàng Bundesbank nổi tiếng của Đức thì giờ đây chẳng đáng giá gì, nó không có những chính sách đòn bẩy để cải thiện tình hình."

"Tôi nghĩ rằng nếu như Anh quốc gia nhập khối sử dụng đồng Euro thì chúng ta sẽ vấp phải vấn đề tương tự."

Người ta cũng lo ngại rằng việc quay sang sử dụng đồng Euro sẽ bị các công ty và các cửa hàng lợi dụng để đẩy cao giá cả. Ví dụ như ở Bologna của Italia, người tiêu dùng địa phương nói rằng giá cả nơi này đã nhảy vọt so với trước khi áp dụng đồng Euro. Thậm chí có người còn cho là giá cả đã bị tăng lên ít nhất là 25%.

Khó có thể nói được là bao nhiêu phần trong đó là do thực sự giá cả tăng lên, bao nhiêu phần là do chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi tiền.

Chương trình tuyên truyền cho đồng Euro nói rằng giá cả sẽ giảm xuống do đồng tiền chung sẽ cho phép người tiêu dùng có thể so sánh giá cả trên toàn khối EU.

Có thật vậy không? Theo Hiệp Hội Người Tiêu Dùng Châu Âu, là tổ chức đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề này ở vùng Strasbourg của Áo, thì để có thể so sánh được giá cả, người tiêu dùng phải đi sang một nước khác mua sắm thực sự.

Việc minh bạch về giá cả thì hiển nhiên là tốt, nhưng các công ty biết thừa là người tiêu dùng thì có thể đi lại nhiều và xa tới mức nào nhằm mua món hàng giá rẻ hơn.

Anh là một quốc gia độc đáo ở Châu Âu, do có thái độ ngờ vực cao đối với đồng Euro.

Đồng Euro hiển nhiên là gắn chặt với các vấn đề tình cảm, như là chủ quyền quốc gia hay là tính tự tôn dân tộc.

Điều đó cũng ảnh hưởng tới sự chấp nhận về thành công hay thất bại của nền kinh tế ở cựu lục địa. Nhân dân nước Anh không muốn gắn mình với cái mà họ coi là sự thất bại kinh tế ở Pháp và Đức. (bbc)