THƯỢNG HẢI - Thủ đô thương mại Thượng Hải có ca tử vong đầu tiên, còn Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhìn nhận rằng tình hình SARS vẫn còn đang rất gay go.

Ông cùng nội các nước này đã đặt ra chương trình tính toán về những thiệt hại gia tăng đối với nền kinh tế Trung Quốc, và thừa nhận rằng nền kinh tế quốc gia đang phải đối mặt với những thua lỗ nghiêm trọng.

Bổ sung thêm vào tin tức không hay này là chuyện căn nhà quyền lực kinh tế của toàn quốc là Thượng Hải đã báo tin về bệnh nhân đầu tiên thiệt mạng về SARS tại thành phố này.

Lâu nay, người ta vẫn coi là căn bệnh này đã nhảy từ Quảng Đông ở miền Nam tới thủ đô Bắc Kinh ở miền Bắc mà bỏ qua Thượng Hải nằm trên đường đi.

Số người tử vong

Trung Hoa đại lục: 225 Hong Kong: 208 Singapore: 27 Canada: 23 Đài Loan: 13 Nguồn: WHO/giới chức địa phương

Giờ đây, giới chức thành phố này đã trở nên lo lắng. Họ đã tuyên bố áp dụng việc cách ly trong vòng hai tuần đối với bất kỳ trường hợp nào đến từ các điểm trong phạm vi Trung Quốc có nhiễm SARS.

Một hướng dẫn viên du lịch nói rằng điều này sẽ khiến cho công việc làm ăn trở nên khó khăn hơn. Anh cho biết trong hơn hai tháng qua, công ty anh đã không đón được đoàn khách ngoại quốc nào.

Nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng kinh tế mà dịch bệnh đem lại, giới chức Thượng Hải đang hứa hẹn là sẽ hỗ trợ cho các khách sạn, các hãng xe buyt và các công ty lữ hành; đi lại và du lịch rõ ràng là những lĩnh vực đầu tiên bị SARS gây ảnh hưởng, dù là ở Thượng Hải hay bất kỳ nơi nào.

Vậy SARS đã tác động tới tổng thể nền kinh tế của Trung Quốc như thế nào?

David Murphy, phóng viên Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông hiện ở Bắc Kinh nói rằng những thiệt hại cho đến nay mới ở mức tương đối hạn chế.

Theo Murphy, lý do là vì mảng dịch vụ và du lịch có vai trò tương đối khiêm tốn trong nền kinh tế Trung Quốc, chỉ vào khoảng dưới 30%. Tỷ lệ này ở các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Hong Kong hay là Singapore là chừng 60-70%.

Paul Cavey là kinh tế gia cao cấp thuộc Bộ Phận Tình Báo Kinh Tế Hong Kong thì nhìn thấy một bức tranh có phần ảm đạm hơn, vì nước này bị ảnh hưởng cả trong lĩnh vực tiêu dùng cá nhân lẫn hoạt động xuất khẩu. Theo Cavey, ban đầu ảnh hưởng của SARS mới giới hạn trong ngành hàng không và công nghiệp du lịch, nhưng nay đã lan ra một cách rộng rãi sang các ngành khác.

Chính phủ Trung Quốc đang lo lắng vì SARS có thể sẽ làm trầm trọng thêm tỷ lệ thất nghiệp nay đã đạt ở mức 8,5%.

Vào hôm qua Thứ Năm, chính phủ nước này cảnh báo các doanh nghiệp trong khu vực bị ảnh hưởng của SARS rằng không được phép sa thải nhân viên chỉ với lý do là công việc làm ăn không được thuận lợi nữa.

David Murphy của Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông đánh giá việc sa thải nhân công là một trong những ngòi nổ khiến cho cuộc khủng hoảng y tế có thể biến thành cuộc khủng hoảng kinh tế hay chính trị nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ông đánh giá bức tranh kinh tế dài hạn có vẻ như sáng sủa hơn, nhờ vào đầu tư nước ngoài, với điều kiện là bệnh SARS có thể sớm được kiểm soát:

"Có những việc có thể giải quyết qua điện thoại, hay là điện thoại truyền hình, hoặc qua email cũng được. Những loại công việc đó vẫn đang được xử lý. Các nhà đầu tư thì đang trì hoãn những chuyến đi công cán tới Trung Quốc. Nhưng chẳng có lý gì mà họ lại huỷ bỏ chúng cả. Họ đang nói tới chuyện hoãn chuyến đi, nhưng tâm trạng chung là họ sẽ trở lại nước này vào khoảng cuối năm nay."

Trung Quốc là thị trường hấp dẫn với nguồn nhân công rẻ và năng suất lao động cao. Đó là những lý do cơ bản mạnh mẽ khiến giới đầu tư nước ngoài tìm đến Trung Quốc.

Trong ba tháng đầu năm nay, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng tới 50%. Như vậy, rõ ràng là các công ty đang rất quan tâm đến thị trường này.

Vào lúc này, giới chức Trung Quốc đang tiến hành phòng ngừa ở mức nghiêm ngặt nhất.

Nước này đã có lệnh là các sản phẩm xuất khẩu phải được cách ly để làm yên lòng khách hàng nước ngoài và nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình chuyên chở.

Các quan chức cũng đã được yêu cầu là phải đảm bảo nắm được tình hình thu hoạch mùa màng.

Câu hỏi là liệu những biện pháp này có đem lại hiệu quả gì đáng kể không.(bbc)