WASHINGTON - Hoa Kỳ sẽ trình lên Liên Hiệp Quốc một dự thảo nghị quyết nhằm chấm dứt lệnh cấm vận đối với Iraq

Ngoại trưởng Colin Powell nói hành động này, đã được Anh và Tây Ban Nha ký chấp thuận, sẽ được đưa ra trước Hội đồng Bảo an trong tuần này.

Nghị quyết này dự kiến sẽ vạch ra vai trò cho LHQ trong việc tái thiết Iraq.

Tổng thống George W Bush nói ông muốn bắt đầu với việc ngừng thi hành luật năm 1990 của Mỹ áp đặt lệnh cấm vận lên Iraq, cũng như bãi bỏ một số biện pháp trừng phạt kinh tế - một hành động đã được tuyên bố vào hôm thứ Tư.

Ông Bush nói với các phóng viên tại Washington, bên cạnh Thủ tướng TBN Jose Maria Aznar rằng: "Chế độ mà các lệnh trừng phạt này nhằm vào hiện nay không còn điều hành Iraq nữa".

Các lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi Iraq xâm lược Kuwait năm 1990.

Ông Powell nói dự thảo nghị quyết cho LHQ sẽ có "tầm nhìn xa" chứ không tiếp tục "những trận đánh trong quá khứ" - một ám chỉ tới sự chia rẽ sâu cay trong Hội đồng Bảo an trước cuộc chiến.

Tuy nhiên, phóng viên Jon Leyne của BBC tại Washington nói Nga và các thành viên của Hội đồng tỏ ra miễn cưỡng phải bỏ quyền kiểm soát nguồn dầu của Iraq, vốn được thực hiện theo lệnh cấm vận với chế độ cũ.

Ông Powell, nói chuyện sau các buổi thảo luận với Tổng thư ký Kofi Annan tại New York, nói Mỹ đang tìm cách để thuyết phục Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc tham gia nghị quyết mới này.

Ông nói: "Bất cứ điều gì xảy ra trong quá khứ là đã qua rồi".

Theo phóng viên BBC, dự thảo nghị quyết được biết kêu gọi bãi bỏ ngay các lệnh trừng phạt, và lên giai đoạn trong vòng bốn tháng cho chương trình đổi dầu lấy lương thực.

Theo đó, nghị quyết này sẽ tạo ra một ban cố vấn quốc tế, bao gồm Tổng thư ký LHQ, Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế nhằm kiểm định việc chi trả cho nguồn thu từ dầu của Iraq và đảm bảo rằng nguồn tiền này sẽ được sử dụng cho lợi ích của nhân dân Iraq.

Những lệnh trừng phạt mà Mỹ đã bãi bỏ bao gồm:

các qui định cho phép hàng ngàn người dân Iraq tại Mỹ được gửi tới 500 đôla/tháng cho gia đình và bạn bè tại Iraq

cho phép các nguồn cung cấp viện trợ nhân đạo được gửi tới Iraq

cho phép bất kỳ hoạt động nào mà chính phủ Mỹ thanh toán, bao gồm các công việc tái thiết của các nhà thầu

cho phép các hoạt động nhân đạo tư nhân do các tổ chức có trụ sở tại Mỹ thực hiện. (bbc)