BẮC KINH - Hàng vạn nhân viên điều tra đã được triển khai ở quận Hải Điện của thủ đô Bắc Kinh, nơi dịch bệnh hoành hành nặng nhất, trong chiến dịch ngăn chặn nạn SARS.

Theo lời ông Chu Lương Lạc - quan chức khu vực - khoảng 30.000 điều tra viên đi kiểm tra các khu kinh doanh và sinh hoạt trong quận để tìm người bệnh và áp dụng các biện pháp tăng cường vệ sinh.

2,2 triệu dân cư trong quận được phát cặp nhiệt độ cùng các số điện thoại cấp cứu, còn các văn phòng và điểm kinh doanh được yêu cầu lắp hệ thống kiểm soát nhiệt độ.

Trước đó, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đã gây nhiều phản ứng khác nhau từ nhiều nơi.

Bùng nổ Nam Kinh

Dịch bệnh SARS ở Trung Quốc không có dấu hiệu thêm nguy hiểm, nhưng tin về mười ngàn người bị cách ly ở Nam Kinh thật sự gây kinh ngạc vì cho đến giờ người ta mới chỉ báo cáo có một ca xác nhận là nhiễm SARS mà thôi.

Tất cả những người bị cách ly là những ai có tiếp xúc gần với người bị nhiễm và ở cùng nhà tập thể, trường học và khách sạn có liên quan.

Giới chức thành phố giải thích đó là biện pháp để ngăn không cho có thêm người lây nhiễm và người chết.

Theo nhận định của ông Dick Thompson, lãnh đạo trung tâm lây truyền dịch bệnh, thì đó là biểu hiện chính quyền Trung Quốc hiện sẵn sàng có biện pháp cứng rắn để chống dịch bệnh.

- Các báo cáo càng lúc càng cẩn thận hơn, chi tiết hơn. Họ cũng trở nên dứt khoát hơn, cởi mở hơn và phổ biến các kỹ thuật đã dùng lâu ngày ở Quảng Đông, cũng như mọi thứ cần thiết để kiểm soát tình hình. Đây là cơn bùng nổ dịch bệnh lớn nhất mà chúng tôi phải đối phó và chúng tôi không biết sẽ phải làm gì để chấm dứt.

Thế nhưng ở Bắc Kinh, nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất, thì tình hình vẫn tồi tệ.

Có hơn 100 người chết và các bệnh viện thành phố phải chống chọi với 1.900 ca bệnh.

Tuy nhiên, sau thời gian chậm chạp khởi động, thì chính quyền đang cố gắng theo sát tình hình.

Một bệnh viện mới với 1000 giường bệnh đã được dựng lên, trường học đóng cửa, và dân lao động nhập cư không được phép rời thủ đô.

Bà Vũ Thanh, phó chủ tịch hội đồng nhân dân Bắc Kinh nói chính quyền đang cố gắng thu phục lòng tin của dân chúng:

- Vài tuần trước, dân chúng không biết nhiều về virus này và chính phủ có ý định giữ kín chuyện này. Bây giờ thì tình hình sáng sủa hơn. Các con số ngày nào cũng được loan báo công khai và các biện pháp rất nghiêm khắc đã được áp dụng. Và bây giờ thì ngay cả ở các miền quê người ta cũng cố bảo vệ bản thân.

Hầu hết các ca tử vong ở Trung Quốc đều là ở vùng thành thị, nhưng chính quyền y tế cảnh báo là dịch bệnh có thể lan truyền sang các vùng nông thôn.

Bạo loạn

Ở những vùng sâu vùng xa và nghèo khổ của Trung Quốc, phản ứng với bệnh SARS càng lúc càng bạo loạn.

Ở tỉnh Hà Nam dân quê đã tức giận cướp phá một trung tâm được dành để cách ly người bệnh.

Ở một nơi khác là Linh Chú, những người chống đối đã tấn công bệnh viện và một nhân viên kiểm dịch sau khi nghe nói có hai nơi nhận bệnh nhân từ các vùng lân cận bị nhiễm bệnh.

Cô Grace Standen là giáo viên tiếng An ở Hồ nam, nói có chuyện bất ổn trong cách mà chính quyền phòng chống dịch bệnh:

- Có thể có 50 phần trăm dân chúng hài lòng với chuyện chính phủ đang làm và những biệ́n pháp chính phủ đang áp dụng. Có khoảng 50 phần trăm khạ́c thì hơi gay gắt hơn, họ nghĩ có hơi quá và nói với tôi là “Cô biết đó, tỷ lệ người chết trên số người mắc bệnh là 5 phần trăm thì có gì là ghê gớm đâu. Và nếu tin báo là chỗ chúng tôi không có ca bệnh nào thì tại sao chúng tôi lại không được đi lại thoải mái chứ ?”.

Bà Vũ Thanh, phó chủ tịch hội đồng nhân dân Bắc Kinh, cho rằng dịch bệnh SARS là một phép thử cho giới lãnh đạo Trung Quốc.

- Dân chúng đang chờ đợi xem chính phủ sẽ làm gì, sẽ có trách nhiệm đến mức nào. Tôi cho rằng trong cái cách mà chính phủ đang bị thử thách, như bao người khác, nhưng ít nhất trong lúc này tôi nghĩ họ xem chuyện này rất quan trọng và họ sẽ có các biện pháp tốt, vì họ đến nhiều nơi, đặc biệt là các nơi mắc bệnh nặng nhất và nói chuyện với dân chúng, xem xét tình hình diễn biến thế nào.

Trong lúc đó ở mặt trận khoa học thì các nghiên cứu mới cho thấy virus SARS biến đổi hơn là các phát hiện ban đầu, và chúng có thể sống sót bên ngoài cơ thể người hàng tuần lễ.

Các nghiên cứu do tổ chức y tế thế giới công bố cho rằng virus có thể lan truyền theo đường chất thải và không nhất thiết phải có tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh.

Lãnh đạo cơ quan dịch bệnh lây lan của tổ chức y tế thế giới Dick Thompson nói là các nghiên cứu đang được tiếp tục công bố:

- Có một loạt các phát hiện cho chúng tôi biết về phương thức mà virus có thể sống và tồn tại trong môi trường bên ngoài cơ thể người. Chúng tôi thấy virus này mạnh hơn là các loại virus corona thông thường. Nếu nhiệt độ thấp thì virus có thể sống đến 21 ngày. Trong môi trường thông thường trên bề mặt plastic với nhiệt độ trong nhà chúng có thể sống được 2 ngày.

Nơi duy nhất ngoài châu Á mà người ta chết vì SARS chính là Canada.

Hiện có khoảng 100 ca nghi ngờ ở châu Âu.

Hôm qua giới chức y tế các nước liên hiệp châu Âu vừa họp để bàn biện pháp đối phó với dịch bệnh lây lan.

Giám đốc tổ chức y tế thế giới Gro Harlem Brundland cho rằng không thể nói nơi nào dịch bệnh nguy hiểm hơn nơi nào, nhưng bà cho rầng nếu các chính phủ kịp hành động nhanh thì có thể sẽ dập tắt được dịch bệnh:

- Ðiều quan trọng là tất cả các Bộ Trưởng Y tế ở khắp thế giới, và các chính phủ, chắc chắn là, ở cấp cao hơn nữa, phải coi rất là nghiêm túc chuyện có cửa mở ra cơ hội, chúng ta vẫn có thể kiềm chế căn bệnh mới đầu tiên của thế kỷ này, và khiến nó phải đi mất như là ở Việt Nam. Các nước khác có thể đạt được cùng một chuyện như vậy, và nếu chúng ta may mắn và chúng ta kiềm chế, cô lập và đối phó với tình hình, chúng ta có thể thành công trong việc đẩy nó đi.

Và Trong lúc người ta vẫn chết vì bệnh SARS ở Trung Quốc, thì giới chức y tế ở mọi nơi đều nóng lòng muốn chứng tỏ là họ có thể chống không cho virus SARS đến gần nước họ.(bbc)