Khả năng thành lập đội quân Âu châu gìn giữ hòa bình tại Iraq đã được bàn tới trong cuộc họp các ngoại trưởng châu Âu tại Hi Lạp. Người ta chờ đợi sẽ có quyết định vào cuối tuần.

Theo ngoại trưởng Ba lan, Wlodzimierz Cimoszewicz thì đội quân quốc tế giúp bình ổn Iraq có thể sẽ được phái tới lãnh thổ vào cuối tháng này.

Ngoại trưởng Ba lan đã cho các đại biểu tham dự hội nghị ngoại trưởng của Liên hiệp Âu châu (LHAC) tại Hy lạp rằng ông chờ đợi người ta sẽ thông qua một kế hoạch như vậy vào cuối tuần tới.

Ngoại trưởng Balan cũng xác nhận việc chia Iraq ra thành ba vùng, và quân đội của các nước như Mỹ, Anh, và Ba lan sẽ lo về an ninh cho mỗi vùng.

Cạnh đó, ông ngoại trưởng cũng nói rằng ông muốn LHQ biết tới và thông qua sự triển khai đó.

Các ngoại trưởng của Liên hiệp Âu châu (LHAC) đến hội nghị để bàn một loạt các vấn đề rộng lớn, nhưng họ không hề thoát hoàn toàn ra khỏi bóng đen Iraq.

Một số các nước thành viên cùng một số nước sẽ là thành viên trong tương lai của LHAC sẵn lòng phái binh sĩ như là một phần của một lực lượng ổn định hóa.

Iraq có thể bị chia làm ba khu quân sự dưới sự kiểm soát của Hoa kỳ, Anh quốc và Ba Lan, còn binh sĩ các nước Âu châu khác thì có vai trò yểm trợ.

Ngoại trưởng Anh Jack Straw cho biết sẽ sớm đưa ra các công bố chính thức.

Ngoại trưởng Ba Lan Wlodzimierz Cimoszewicz thì nói theo kế hoạch các binh sĩ Ba Lan và binh sĩ các nước khác sẽ có mặt tại Iraq trước cuối tháng nầy, nhưng các nước khác dưới sự lãnh đạo của Pháp thì sẽ không tham gia.

Có thể rằng họ không thích điều này, nhưng họ chẳng làm gì được. Họ chống cuộc chiến này ngay từ hồi ban đầu, và họ muốn cấp bách xác minh vai trò của LHQ tại Iraq.

Vì vậy mà càng thêm khó cho LHAC có được một đường lối chung về việc tái thiết kinh tế và chính trị tại Iraq, nhưng hiện không có nước nào muốn lập lại các vụ tranh chấp tai hại trước chiến tranh, do đó mà các vị ngoại trưởng nay đang xét đến nguồn cội của vấn đề.

Họ đã thỏa thuận thảo ra sách lược chung đầu tiên về an ninh của LHAC và ngoại trưởng Hy Lạp George Papandreou đã đặt mối quan hệ với Hoa kỳ làm trọng tâm của hội nghị.

Ông nói LHAC đang gặp cơn khủng hoảng, và ghi nhận một cách thắm thía rằng các nước Âu châu sẽ phải đoàn kết lại để cải thiện cuộc đối thoại xuyên Đại Tây Dương.

Chủ đề Iraq gây xung đột

Một loạt các điểm thảo luận mà chính phủ Hi Lạp đưa ra cho thấy sự khác biệt nổi lên từ cuộc chiến Iraq đã chỉ ra rằng quan hệ Âu - Mỹ không còn được suôn sẻ như xưa.

Các quốc gia Âu châu đang cố chọn ra những vấn đề để làm việc sau khi đã có nhiều tháng xung đột quanh vấn đề Iraq.

Bốn quốc gia, dẫn đầu bởi Pháp và Đức, cho rằng Liên Hiệp châu Âu nên phát triển một quân đội mạnh, với trụ sở riêng.

Một phóng viên BBC nói các thành viên khác, do Anh dẫn đầu, lại coi việc này là phương hại đến NATO và mối quan hệ của họ với Wahington.

Tuy nhiên, ngoại trưởng Anh Jack Straw nói rằng trong khi đã có những sự chia rẽ về vấn đề quân sự tại Iraq, các bộ trưởng bây giờ đều muốn bỏ lại đằng sau chuyện này.

Ngoại trưởng Bỉ, Louis Michel, nói ông hi vọng rằng sẽ không có sự qui kết trả đũa chống lại bốn nước châu Âu có tư tưởng như trên.

Nhưng cũng như vấn đề Iraq, quốc phòng là một lĩnh vực cho thấy điểm yếu của Âu châu.

Trong khi châu Âu mở rộng để bao gồm 25 quốc gia thành viên, tổ chức này hiện đang phải vật lộn để xác định xem họ muốn phản ứng với siêu cường Hoa Kỳ như thế nào. (BBC)