LONDON -Vào tháng Tư năm tới, hai nước Pháp và Anh sẽ kỷ niệm 100 năm ngày ký hiệp ước hợp tác chiến lược Entente Cordiale.

Nhưng những khác biệt trong chính sách đối ngoại của Luân Đôn và Paris về Iraq và châu Âu suốt nhiều tháng qua có vẻ như khiến việc vui mừng kỷ niệm khó có thể xảy ra, trừ phi cả hai thực sự cố gắng hàn gắn.

Trong một bài trên tờ Financial Times (22/04), người phát ngôn của đảng Tự do Dân chủ Anh trong Thượng Viện, giáo sư quan hệ quốc tế William Wallace đã đưa ra một loạt nhận định vì sao Anh và Pháp đứng xa nhau thời gian qua.

Theo giáo sư Wallace, một trong những lý do là tổng thống Pháp Jacques Chirac luôn tự coi mình là một chính khách già dặn nhất châu Âu và muốn thủ tướng Anh Tony Blair, người trẻ hơn ông Chirac rất nhiều về tuổi đời, phải nghe theo.

Nhưng ông Tony Blair, vị thủ tướng Anh đầu tiên từ 45 năm qua nói thạo tiếng Pháp đã không chịu đứng vào vị trí đó. Nhất là khi vị thế quốc tế của ông Blair đang lên cao.

Ông đã chứng tỏ là chính trị gia châu Âu duy nhất có khả năng tác động đến Tòa Bạch Ốc và gặp tổng thống Bush ba lần liền trong một tháng thời kỳ trước chiến tranh Iraq.

Đường lối khác nhau cơ bản

Vẫn theo giáo sư Wallace, lý do quan trọng hơn khiến Luân Đôn và Paris ngày càng xa nhau trong các vấn đề quốc tế là cách nhìn quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.

Nước Pháp dưới thời tổng thống Chirac vẫn tiếp tục đường lối tướng de Gaulle đưa ra hơn nửa thế kỷ trước.

Đường lối đó nói ngắn gọn là nâng cao vị thế quốc tế của Pháp thông qua đối chọi và hướng tới đối chọi với Mỹ.

Nước Pháp, theo ông Wallace, đã duy trì một sự đối kháng với Hoa Kỳ mang tính ý thức hệ. Người Pháp muốn ra điều kiện với người Mỹ theo cách ‘No, unless’ ̣(Không, trừ phi…) trong khi nước Anh chọn cách nói ‘Yes, but…’(‘Đồng ý, nhưng…) khi đối thoại với Mỹ.

Trở về nhóm sơ khởi

Theo giáo sư Wallace thì việc ông Chirac lên án các nước thành viên mới của Liên Hiệp Châu Âu từ Đông Âu là quá thân Mỹ và quá trình tìm kiếm đồng minh với Đức sẽ chỉ khiến nước Pháp lùi trở lại nhóm nước sơ khởi tạo ra Liên Hiệp Châu Âu.

Nhưng giáo sư Wallace cho rằng nước Đức chỉ tạm thời theo Pháp khi họ còn yếu trên trường ngoại giao quốc tế và những người kế nhiệm của thủ tướng Gerhard Schroeder có nhiều khả năng sẽ chọn con đường khác.

Trong bài viết của mình ông Wallace khuyên các nhà lãnh đạo cả Anh và Pháp nên làm lành và phục hồi những ý tưởng cộng tác trước đây hiện bị bỏ dở.

Chẳng hạn như ý tưởng lập phi đoàn chung giữa không quân Anh Pháp đã từng được ông Michael Portillo, Bộ trưởng Quốc phòng Anh nhiệm kỳ 1995-1997 đưa ra. Hải quân hai nước đã từng có nhiều kế hoạch hợp tác, kể cả trong mục đích hướng tới có hàng không mẫu hạm chung.

Theo giáo sư Wallace Anh và Pháp là hai quốc gia duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu có khả năng quân sự và ngoại giao và tầm hoạt động cũng như tầm nhìn vượt ra khỏi khu vực địa lý của châu Âu là Địa Trung Hải.

Cả hai nước này đều có sự hiện diện quân sự ở châu Phi và có những ảnh hưởng trên những vùng khác của thế giới mà các nước châu Âu khác không có.(bbc)