NEW YORK -Những nguồn tin ngoại giao của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc xác nhận Washington đang soạn thảo một nghị quyết Liên Hiệp Quốc mới bàn về các thay đổi tại Iraq.

Trong số các ý kiến đang được cứu xét là chuyện bãi bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt kinh tế và từ từ xoá bỏ vai trò của Liên Hiệp Quốc trong việc kiểm soát lợi nhuận dầu mỏ của Iraq.

Chính quyền tổng thống Bush rõ rệt là đang nắm lấy đề xướng trong các kế hoạch dự định cho một kỷ nguyên mới tại Iraq.

Một kỷ nguyên chứng kiến sự trừng phạt của Liên Hiệp Quốc được bãi bỏ và quyền kiểm soát trữ lượng dầu mỏ kếch xù của nước này sẽ được trao cho một nhà cầm quyền chuyển tiếp mà sẽ giám sát công cuộc tái thiết, có thể là dưới sự chỉ đạo của Hoa Kỳ.

Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói những đề nghị này mà đã bị tiết lộ cho nhật báo Washington Post chưa được chính thức cho vào bản dự thảo nghị quyết của LHQ, nhưng chúng có thể hình thành trong những tuần lễ sắp tới.

Phản ứng ban đầu

Các giới chức LHQ đã đón nhận các ý kiến này một cách thận trọng.

Một lãnh vực gây quan ngại là tính cách hợp pháp của bất kỳ một nỗ lực nào nhằm tiếp quản quyền kiểm soát dầu mỏ của Irắc.

Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Shashi Tharoor nói chuyện này cần có sự ủng hộ của quốc tế nếu không muốn gây tranh cãi.

“Chừng nào chưa có một chính phủ Iraq được công nhận hợp lệ, vẫn còn có một số câu hỏi thực sự. Như là làm sao người ta có thể bán dầu mỏ bởi vì ai là người có quyền hợp pháp đối với dầu mỏ của Iraq?"

"Tất cả các chuyện này cần phải giải quyết và tôi nghĩ là một đề xướng của Mỹ sẽ rất đưọc hoan nghênh miễn là đề nghị này rốt cuộc đuợc các nước hội viên khác đồng ý.”

Đề nghị mới rõ ràng đi xa hơn nhiều so với các đề xướng mà nhiều nước trong Hội đồng Bảo an muốn có.

Pháp cho tới nay chỉ đề nghị ngưng các lệnh trừng phạt để chờ các thanh tra vũ khí của LHQ quay trở lại. Chỉ có thể bãi bỏ hoàn toàn chế độ trừng phạt một khi các thanh tra quyết định là Iraq không có vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Một số nước cũng có quan ngại là Hội đồng Bảo an đừng để được xem như là hợp thức hóa cuộc can thiệp quân sự do Mỹ cầm đầu tại Iraq và phong tước hiệu cho bất kỳ nhà cầm quyền mới nào đưọc Mỹ hậu thuẫn.(bbc)