BẮC KINH - Các đoàn đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc vừa bắt đầu thảo luận về các kế hoạch hạt nhân của Bắc Hàn.

Cuộc hội đàm bắt đầu hôm thứ Tư này là cuộc đầu tiên kể từ khi khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên khởi sự vào tháng Mười năm ngoái.

Mở màn là một bữa sáng giữa hai đoàn Hoa Kỳ và Trung Quốc để thảo luận trước khi hội đàm ba bên được tiến hành tại Bắc Kinh.

Cuộc hội đàm kéo dài ba ngày này do Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ chuyên về vấn đề Ðông Á James Kelly và Phó Văn phòng Quan hệ với Hoa Kỳ của Bắc Hàn Li Gun chủ trì.

Ông Kelly đã không đưa ra bình luận nào khi ông rời khách sạn đi dự cuôc hội đàm tổ chức tại nhà khách chính phủ tại thủ đô Bắc Kinh, nơi giới lãnh đạo dùng làm chỗ tiếp đón các quan chức nước ngoài cao cấp.

Trong một hoạt động phản ánh quan hệ căng thẳng giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ, mười chiến đấu cơ của Bắc Hàn đã bắt đầu tập trận, Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết.

Các chiến đấu cơ này có nhiệm vụ khống chế các máy bay do thám của Nga và Hoa Kỳ.

Lập trường cứng rắn

Cuộc hội đàm tại Bắc Kinh được coi như bước đột phá trong quá trình căng thẳng kéo dài đã sáu tháng nay xung quanh chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Căng thẳng Hạt nhân

10/2002: Mỹ nói Bắc Hàn 'thừa nhận' có nguyên tử mật 11/2002: Mỹ quyết định ngưng cấp dầu cho Bắc Hàn 12/2002: Bắc Hàn trục xuất thanh tra nguyên tử 01/2003 :Bắc Hàn nói rút khỏi hiệp ước phổ biến hạt nhân 02/2003: Bắc Hàn tái khởi động nhà máy hạt nhân Yongbyon

Thế nhưng các nhà phân tích nói rằng việc thảo luận sẽ rất khó khăn vì Hoa Kỳ và Bắc Hàn đều có lập trường rất cứng rắn trong vấn đề này.

Bắc Hàn trong những ngày gần đây đã cảnh báo rằng nước này sẵn sàng tái xử lý thanh nhiên liệu hạt nhân, trong khi tướng Leon LaPorte chỉ huy 37.000 quân Mỹ đóng tại Nam Hàn thì hôm thứ ba đã tuyên bố rằng Bắc Hàn 'đe dọa sự ổn định trên toàn cầu'.

Liên minh Hoa Kỳ - Nam Hàn là lực lượng quân sự 'ngăn chặn sự hung hăng của Bắc Hàn và sẵn sàng đánh trả bất kỳ hành động khiêu khích nào từ bên ngoài', ông LaPorte nói.

Hoa Kỳ muốn thuyết phục Bắc Hàn chấm dứt chương trình hạt nhân của mình, còn Bắc Hàn thì lại muốn được bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ không tấn công quân sự.

Một phóng viên BBC nói rằng ngay cả việc ai tham gia hội đàm cũng từng là vấn đề tranh cãi. Bắc Hàn mô tả vai trò của Trung Quốc đơn giản chỉ là nước chủ nhà, trong khi Hoa Kỳ thì kiên quyết đòi hỏi Bắc Kinh phải là một bên tham gia hội đàm để quốc tế hóa vấn đề.



Căng thẳng trên báo


Thứ Sáu tuần trước cuộc gặp đã có nguy cơ không xảy ra khi mà Thông tấn xã Bắc Hàn đưa tin rằng Bình Nhưỡng đã đang tái xử lý các thanh nhiên liệu hạt nhân - bước cần thiết để sản xuất plutonium dùng trong vũ khí nguyên tử.

Bản tin này sau được chữa lại vào ngày thứ Hai tuần này thành Bắc Hàn đang 'tiến tới việc tái xử lý' số 8 ngàn thanh nhiên liệu.

Sửa đổi này là phù hợp với các đánh giá tình báo của phương Tây và Á châu rằng lò phản ứng tại Yongbyon vẫn chưa hoạt động lại.

Lần trước khi ông James Kelly có cuộc hội đàm với phía Bắc Hàn thì ông đã cáo buộc họ là tiến hành một chương trình vũ khí nguyên tử bí mật, gây ra khủng hoảng hạt nhân vào tháng Mười 2002.

Sau đó Tổng thống Bush đã cho ngừng cấp viện dầu lửa vẫn được cung cấp cho Bình Nhưỡng theo một thỏa thuận ký năm 1994 để ngăn chặn Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân.

Vào tháng 12 năm ngoái, Bắc Hàn đã khởi động lại một số cơ sở hạt nhân của mình, rút khỏi Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân và cho các thanh tra của Liên hiệp quốc về nước.(bbc)