BAGHDAD - Viên tướng Mỹ về hưu được trao nhiệm vụ dẫn dắt chính phủ lâm thời tại Iraq trong thời kỳ tái thiết đất nước đã bay tới thủ đô Baghdad.

Ông Jay Garner bay tới Iraq từ Kuwait trong tình hình các cuộc tranh luận đang rất sôi nổi trên thế giới về việc các lực lượng Hoa Kỳ sau khi giành thắng lợi còn được ở lại nước này trong bao lâu.

Các tranh luận cũng xoay quanh vai trò của Liên hiệp quốc trong việc thành lập một chính thể mới để thay đổi chế độ của ông Saddam Hussein.

Hoa Kỳ đã hứa hẹn rút quân đội của mình khỏi Iraq và trao quyền kiểm soát cho một chính quyền của người Iraq một khi chính phủ lâm thời hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Thái độ chống Mỹ

'Hôm nay là một ngày tuyệt vời, đối với bản thân tôi nó thật là tuyệt,' tướng Garner phát biểu khi tới nơi.

'Còn gì hơn là một ngày trong đời anh có thể giúp đỡ ai đó, giúp một dân tộc nào đó như những gì chúng tôi có kế hoạch thực hiện tại đây'.

Ông cũng nói nhiệm vụ trước mắt của ông là khôi phục 'càng sớm càng tốt' các dịch vụ cần thiết nhất như nước, điện, mà tại nhiều nơi trong thành phố Baghdad đã bị cắt.

Ông cũng dự định tới thăm một bệnh viện, một nhà máy điện và nơi xử lý nước thải ở Baghdad trước khi du hành tới miền Bắc Iraq.

Ông Garner nói mục đích của ông là thực hiện công vụ và rời Iraq càng sớm càng tốt, thế nhưng ông từ chối không đưa ra thời gian biểu khi người ta hỏi ông liệu công việc của ông có thể kết thúc trong 90 ngày hay không.

'Tôi không vạch dấu 90 ngày lên tường. Chúng tôi sẽ ở đây cho tói khi nào cần thiết. Nhưng chúng tôi cũng sẽ rời khỏi đây một cách sớm sủa,' ông nói.

Thế nhưng các nhóm Hồi giáo Shiite chủ chốt trong nước nói họ sẽ tẩy chay mọi cuộc đàm phán với tướng Garner.

Nhiều giáo chức Hồi giáo Shiite đã kêu gọi tín đồ ra đường để biểu tình đòi liên quân phải rút ngay ra khỏi Iraq.

Trong khi đó thì ông Ahmed Chalabi, lãnh đạo một nhóm chính trị được một số nhân vật trong chính phủ Mỹ hậu thuẫn thì lại kêu gọi quân Mỹ ở lại Iraq khoảng hai năm cho tới khi nước này tiến hành bầu cử.

Ông Chalabi, thủ lĩnh đảng Quốc dân Ðại hội cho rằng không có nhân vật tôn giáo nào chờ đợi để nắm giữ quyền lực ở Iraq cả, mặc dù đã có lo lắng rằng lỗ hổng quyền lực mà Saddam Hussein để lại sẽ nhanh chóng bị các tổ chức Hồi giáo cực đoan chiếm giữ.

Ông Chalabi đã phát biểu những lời trên trong khi hàng chục ngàn người Hồi giáo Shiite tiếp tục hành hương tới thánh địa Karbala, điều mà trước đây chế độ Saddam đã ngăn cản họ.

Lương thực tới Baghdad

Việc tướng Garner tới Baghdad được coi như là nỗ lực đầu tiên trong công cuộc tái thiết đất nước Iraq.

50 chiếc xe tải chở lúa mạch từ Chương trình viện trợ lương thực của Liên hiệp quốc đã tới Baghdad hôm Chủ nhật. Ðây là đợt cứu trợ lớn nhất kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

Tuy nhiên dù đã có các cố gắng để khôi phục lại hệ thống điện nước nhưng thủ đô Baghdad vẫn còn thiếu các dịch vụ tối thiểu và phố xá thì đầy rác.

Việc cướp bóc cũng làm cho thành phố bị thiếu dịch vụ y tế trầm trọng.

Khủng hoảng tị nạn

Trong khi đó thì Liên hiệp quốc đang cảnh báo về khủng hoảng tị nạn có thể sẽ xảy ra tại khu vực biên giới giữa Iraq và Jordan.

Gần một ngàn người gốc Iran và Palestine không nhà cửa đã cắm trại tại khu vực đất hoang giữa hai nước này sau khi chạy khỏi nhà của họ ở Iraq.

Các nhân viên cứu trợ mô tả điều kiện tại các trại này là 'hết sức khó khăn'.

Có tin nói rằng các nhóm Iraq có vũ trang đã bắt một số người rời khỏi nhà của họ.

Liên Hiệp Quốc đã có lời thỉnh cầu nhưng Jordan vẫn từ chối không nhận người tị nạn qua biên giới.(bbc)