LONDON - Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jack Straw cảnh báo Liên Hiệp Quốc có thể lại bị đẩy ra ngoài lề nếu Hội đồng Bảo an không có được đồng thuận trong vấn đề Iraq

Ông Straw, phát biểu trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu tại Athens, Hy Lạp nói rằng nếu không có đồng thuận thì buộc Hoa Kỳ và Anh sẽ phải đưa ra kế hoạch của mình.

Ông Tony Blair đang trên đường tới dự hội nghị thượng đỉnh nhằm mục đích hàn gắn quan hệ với các nước mà quan hệ với Anh quốc có phần sứt mẻ xung vì bất đồng quanh cuộc chiến Iraq.

Hoạt động này đã bắt đầu vào hôm thứ Ba, khi mà thủ tướng Anh gặp gỡ Thủ tướng Ðức Gerhard Schroeder, người cùng với tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Pháp Jacques Chirac đã phản đối chiến tranh một cách tích cực nhất.

Theo sau cuộc gặp tại Hannover, ông Blair và ông Schroeder đã cho thấy họ đã có tiếng nói chung trong thống nhất rằng Liên hiệp quốc phải tham gia vào giải quyết vấn đề Iraq.

Ở Iraq một cuộc họp do Hoa Kỳ chủ trì đã được tổ chức để bàn về hình thái của chính phủ tương lai. Các đại biểu đã thống nhất rằng người Iraq phải chọn ra lãnh đạo cho chính mình.

Vai trò tối quan trọng

Phát biểu trong chuyến công du vùng Vịnh trước khi tới Athens, ông Jack Straw nói rằng Liên hiệp quốc có thể đóng vai trò quan trọng từng hứa hẹn nếu như có sự hợp tác của các thành viên Hội đồng Bảo an.

Ðây là lần đầu tiên Anh quốc ám chỉ việc qua mặt Liên Hiệp Quốc trong vấn đề Iraq thêm lần nữa.

Phóng viên ngoại giao của đài BBC Bridget Kendall đi cùng đoàn nói rằng cảnh báo trên của ông Straw rõ ràng là để nhằm gây áp lực đối với Pháp, Ðức và Nga.

Cả ba nước này đều có chân trong Hội đồng Bảo an (Đức là thành viên không thường trực) và về nguyên tắc họ có thể ngăn chặn các nghị quyết của tổ chức này về việc công nhận tính hợp hiến của Iraq thời hậu chiến trên trường quốc tế.

Theo ông Straw nếu không có hợp tác từ phía các thành viên Hội đồng Bảo an, Anh và Mỹ sẽ phải có giải pháp khác về tư cách pháp lý của Iraq.

Ông Straw nói ông sẽ mang tới cuộc họp ở Athens thông điệp rằng 'đang có một tình hình mới ở Iraq' và hy vọng rằng Liên hiệp châu Âu 'sẽ có thể trợ giúp quá trình cải cách và thay đổi để tiến tới tương lai tốt đẹp hơn tại Iraq'.

Ông nói: 'Tất cả những gì chúng tôi đang làm, người Mỹ đang làm, hoàn toàn phù hợp với trách nhiệm của chúng tôi mà luật pháp quốc tế quy định', và cả hai ông Bush và Blair đều mong muốn Liên hiệp quốc tham gia vào vấn đề Iraq.

Thỏa thuận

Cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày sẽ cho ông Blair cơ hội gặp gỡ tổng thống Pháp Jacques Chirac, người phản đối cuộc chiến tranh Iraq.

Ông Blair cũng có thể sẽ gặp Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, người từng tuyên bố rằng Liên Hiệp Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng tại Iraq thời hậu chiến.

Sau khi gặp ông Schroeder ngày hôm thứ Ba, ông Blair nói: 'Tôi tin rằng đã có thỏa thuận là Liên Hiệp Quốc sẽ đóng vai trò chủ chốt'.

'Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Schroeder rằng điều quan trọng là phải thống nhất nguyên tắc cho vai trò đó và sau đó thảo luận các chi tiết về việc thực hiện nó'.

Tiếng nói quan trọng

Thủ tướng Anh cũng sẽ sử dụng cuộc gặp tại Athens mà mục đích ban đầu là để bàn về việc mở rộng Liên hiệp châu Âu, để đưa ra kế hoạch của ông về một vị trí chủ tịch thường xuyên cho Liên hiệp này thay vì cơ chế quay vòng hiện nay.

Các báo Anh đưa tin rằng ông Blair muốn các nghị viên Nghị Viện châu Âu bầu chọn ra vị chủ tịch với nhiệm kỳ hai năm rưỡi, thay cho cơ chế các nước thay nhau làm chủ tịch EU sáu tháng một. Tuy nhiên đây mới chỉ là những tin ban đầu chưa chính thức được chính phủ Anh xác nhận.

Ông tin rằng quyết định này sẽ mang lại cho châu Âu tiếng nói quan trọng hơn, tuy nhiều nước nhỏ thì sợ rằng nếu như vậy họ sẽ bị đẩy ra ngoài lề.

Kế hoạch này cũng được Pháp và Ðức ủng hộ và như vậy nó làm cho ba nước lại gần nhau hơn.

Cuộc gặp tại Athens có thể sẽ khẳng định việc mở rộng lớn nhất trong lịch sử Liên hiệp Âu châu, với sự gia nhập của các nước Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia, Slovenia, Latvia, Litva, Malta và đảo Síp làm cho số các nước thành viên tăng lên thành 25.(BBC)C