PRAHA - Đa số người qua lại quảng trường Vaclav là khách du lịch và người dân địa phương trên đường tới công sở. Địa điểm diễn ra các cuộc biểu tình năm 1989 giờ đã trở thành trung tâm thương mại của Praha.

Có cảm giác như thành phố này đang phải gồng mình để phô diễn trạng thái hoạt động bình thường của nó cũng như để chứng minh là Praha đã tiến xa như thế nào kể từ năm 1989. Vào năm ấy, chế độ cầm quyền thay đổi đột ngột. Cho đến nay, các vùng khác tại cộng hòa Czech vẫn còn phải vật lộn với những hệ quả của sự thay đổi này.

Ông Pehe nói “Cảm giác hăng hái, phấn khích thường kéo dài chỉ một vài tháng. Rồi sau đó chúng tôi nhận ra là thật sự mình chưa có được đủ mọi thứ để có thể phấn khích đến mức ấy. Thế là chúng tôi lại phải lao động cật lực để lèo lái đất nước đi lên.”

Vào năm 1989, một nhà phê bình chính trị, ông Jiri Pehe đang sống lưu vong. Ông trở về Praha hẳn một vài năm sau đó để làm cố vấn cho cựu tổng thống cộng hòa Czech, ông Vaclav Havel. Ông biết rõ đối với người dân ở đây, bỏ qua quá khứ khó khăn như thế nào.

Ông nói: "Nằm phía dưới vỏ bọc và bề mặt của chế độ cộng sản là bao nhiêu mảng đời và kinh nghiệm sống khác nhau. Nhiều người sống gần cả đời dưới chế độ đó. Nếu như họ chối bỏ giai đoạn này thì họ tự chối bỏ bản thân mình.”

Khi tượng ông Saddam Hussein đổ ở Baghdad, vài trăm người dân Iraq đã có mặt ở đó trước các ống kính truyền hình thế giới. Tuy nhiên, đa số không tham gia vì sợ hãi và nhiều người còn không khỏi nghi ngờ về một đất nước Iraq thời hậu Saddam.

Tại Praha năm 1989, hàng trăm ngàn người đã có mặt trong các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, nhiều người lúc đó vẫn tin vào chế độ cộng sản như Siva Botava, năm ấy 16 tuổi.

“Tôi cũng đoán là cuộc cách mạng sẽ nổ ra nhưng lúc đó tôi không cho là người ta làm cách mạng để lật đổ chế độ. Tôi chỉ mơ là cuộc sống sau này sẽ tốt hơn.”

Ales Machacek năm ấy còn là một cậu học sinh đã tham gia vào các cuộc biểu tình dẫn đến cuộc cách mạng Nhung. Anh nói dân chúng Iraq phải giữ vững lập trường của họ trong việc họ muốn đất nước thay đổi theo chiều hướng nào nếu như họ thật sự mong muốn điều đó xảy ra.



“Tôi sẽ động viên họ phải mạnh mẽ lên và tiếp tục những gì họ làm. Nếu họ có lòng tin thì mọi thứ sẽ thay đổi. Nếu họ nỗ lực làm mọi thứ để mang lại thay đổi thì thay đổi sẽ xảy ra."

Mỹ đã công bố tên tuổi nhân vật sẽ chịu trách nhiệm giám sát thời kỳ quá độ tiến tới một nước Iraq hậu Saddam. Tuy nhiên đa số quan chức của ông ta là người Iraq và nhiều người trong số này có liên hệ với chính quyền cũ.

Khi ông Vaclav Havel lên nắm quyền tại Czechoslovakia, ông thừa nhận là người Tiệp Khắc chỉ biết chống lại chính quyền chứ không biết lãnh đạo nó. Thủ tướng đầu tiên của ông Havel là một người cộng sản có danh tiếng, bà Marian Clafa.

Nhà bình luận chính trị Jiri Pehe nói đây là một phần không tránh khỏi trong gian đoạn quá độ.

Ông nói: “Ở Czechoslovakia, chúng tôi phải trông cậy vào một số người có danh tiếng trong chế độ cộng sản. Tôi cho là sự việc tương tự sẽ xảy ra ở Iraq. Không thể trao quyền lãnh đạo đất nước hoàn toàn cho những người bị chế độ cũ đàn áp vì họ không có kinh nghiệm lãnh đạo đất nước.”

Chiến dịch vận động người dân cộng hòa Czech bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập liên hiệp châu Âu sắp sửa diễn ra. Đây là thước đo bước tiến của cộng hòa Czech. Tuy nhiên, cũng cần nhớ là người dân cộng hòa Czech đã nhận được sự ủng hộ từ các nước láng giềng để thay đổi chế độ. Còn Iraq thì không. Điều này sẽ làm cho thử thách trước mắt càng khó khăn hơn cho Iraq.(bbc)