BAGHDAD - Hoa Kỳ đang có những bước đi đầu tiên nhằm xây dựng một chính phủ Iraq mới, với việc tiến hành tổ chức tại Nasiriyah cuộc họp giữa các phe phái đối lập Iraq

Chừng 60 nhân vật Iraq từ trong nước và từ hải ngoại đang tề tựu tại thị trấn Nasiriyah ở miền Nam Iraq để bắt đầu chuỗi các cuộc họp mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới.

Chủ trì các cuộc họp sẽ là phái viên của Hoa Kỳ là Zalmay Khalilzad. Ông này đã giữ vai trò tương tự trong việc xây dựng chính quyền hậu Taliban tại Afganishtan.

Cuộc họp sẽ được tổ chức tại một căn cứ không quân ngay gần Nasiriyah. Ngay việc lên danh sách tham dự cũng đã khiến cho các nhà tổ chức Hoa Kỳ phải đau đầu.

Hoa Kỳ đã cố gắng tạo ra sự cân bằng thích hợp giữa những người Iraq trong nước và hải ngoại, giữa các nhóm sắc tộc và các lãnh tụ tôn giáo.

Thế nhưng điều này đã khiến ông Ahmad Chalabi, một nhân vật đối lập nổi tiếng, người vừa mới trở về Iraq sau hơn 40 năm sống lưu vong, chỉ trích.

Ông này nói rằng các đại diện cho vùng nông thôn đã quá nổi trội. Rồi những người Iraq khác có lẽ cũng sẽ nói điều tương tự về ông này.

Phong trào đối lập Iraq đang bị chia rẽ do sự kình địch và ghen tị. Một trong số các nhóm người Shi-a chiếm đa số đặt tại Tehran nói rằng nhóm này sẽ tẩy chay cuộc họp vào hôm nay Thứ Ba để phản đối một thực tế là quân đội Hoa Kỳ đang giật dây sự kiện này.

Tại một buổi thuyết trình tại Doha, các quan chức Hoa Kỳ nói rằng đó không phải là nỗ lực nhằm áp đặt một chính quyền bù nhìn, và cũng bác bỏ chuyện ông Chalabi là người mà chính quyền ông Bush ưng ý.

Thủ tướng Anh Tony Blair nói ông hy vọng rằng trong vài tuần, một chính phủ lâm thời Iraq sẽ được thành lập và việc bầu cử sẽ diễn ra trong khoảng một năm sau đó.

Đất nước này đang nổi lên sau ba thập niên dưới chế độ tàn bạo. Với nhiều người Iraq thì ưu tiên hàng đầu vào lúc này là lương thực và nước sạch, là trật tự pháp luật.

Sự chuyển đổi từ chiến tranh sang hoà bình tại nước này vẫn đang trong quá trình khó khăn. Mặc dù vẫn chưa tìm kiếm được những gương mặt lãnh đạo tương lai của Iraq, nhưng Hoa Kỳ đang nôn nóng muốn rằng chính quyền lâm thời cần phải đi vào hoạt động càng sớm càng tốt.(bbc)