WASHINGTON - Chính quyền Syria không an tâm trước những lời phát biểu của Hoa Kỳ

Hôm nay tại Damascus, Thứ trưởng Ngoại giao Anh Mike O’Brien sẽ hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Syria.

Phía Anh có nhiều câu hỏi cho Syria, chẳng hạn như về tin nói rằng các nhân vật cao cấp của Iraq đã sang Syria trú ẩn, hay Syria có vũ khí hóa học hay không.

Nhưng phía Syria chắc chắn là có nhiều câu hỏi đến liên quân Anh Mỹ. Họ muốn biết có phải Syria là nước ‘tiếp theo trên bản danh sách’ các nước là đối tượng của các hoạt động quân sự Hoa Kỳ đang xem xét.

Không khí trước cuộc gặp đã không có vẻ là dễ chịu sau khi các nhân vật cao cấp nhất của chính quyền Mỹ nhắc đến Syria trong một loạt lời phát biểu.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Colin Powell nói :"Sau khi chế độ ở Baghdad đã biến đi thì chúng tôi hy vọng Syria sẽ hiểu rằng có một cơ hội cho họ nếu họ muốn ngưng ủng hộ các hoạt động khủng bố”.

Nhưng lời lẽ mạnh nhất đến từ Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld. Phát biểu trên đài truyền hình NBC, ông nói: "Syria nằm trong danh sách các nước khủng bố từ nhiều năm nay. Họ đã cộng tác với Iran, là đường trung chuyển cho nhóm Hizbollah qua ngả Damscus, ngả Beirut. Họ vẫn đang chiếm đóng Li-băng…Họ ủng hộ rất tích cực các hoạt động khủng bố".

Thái độ của chính quyền Bush đối với Syria đang ngày một thù địch

Còn chính tổng thống Bush thì cho rằng Syria có vũ khí hóa học nhưng cho rằng Syria cần cộng tác với Hoa Kỳ. Ông nói nước Mỹ tin rằng có vũ khí hóa học ở Syria và rằng mỗi tình huống đòi hỏi cách đáp lại khác nhau và rằng nay Hoa Kỳ đã có mặt ở Iraq, thì vấn đề tiếp theo đối với Syria là Hoa Kỳ trông đợi sự hợp tác từ Syria và hy vọng sẽ nhận được sự hợp tác đó.

Dù ông không nói sự hợp tác hay cộng tác (cooperation) ở đây là gì nhưng đây rõ ràng là một hình thức gây sức ép không úp mở.

Quan điểm của Anh Quốc

Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jack Straw lại bác bỏ lời nói rằng Syria có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo, sau Iraq.

Ông Straw phát biểu: "Tôi đã nói rất rõ, rằng Syria không phải là nước tiếp theo trong danh sách và như thủ tướng đã nói chưa đầy một tuần trước thì ông không hề biết về một kế hoạch quân sự nào chống lại Syria cả".

Tuy thế, ông Jack Straw cũng nói rằng trong bầu không khí chính trị mới này thì người ta trông đợi mọi thành viên của cộng đồng quốc tế tôn trọng các luật lệ quốc tế và trông đợi Syria hợp tác trong những vấn đề được nêu ra như những người Iraq có thể đã chạy trốn sang Syria hay như ông nói, là vấn đề sở hữu vũ khí sinh hóa bất hợp pháp.

Theo tướng Iraq Ali al-Jajjawi -cựu tư lệnh Vệ Binh Cộng Hòa ở Mosul thì nhân vật thứ nhì trong đảng Ba'ath của Iraq Izzat Ibrahim và các nhân vật cao cấp khác của chế độ Iraq đã chạy sang Syria trước ngày Mosul thất thủ thứ Sáu tuần trước.

Syria lên tiếng bác bỏ

Giám đốc truyền thông trong Bộ Ngoại Giao Syria, tiến sỹ Bouthiina Shaba'an là cố vấn của tổng thống Syria Assad. Bà bác bỏ những lời tố cáo rằng Syria cho các nhân vật cao cấp của Iraq vào trú ẩn.

Bà nói: "Mới hai ngày trước đây, tổng thống Assad nói chuyện qua điện thoại với thủ tướng Tony Blair và chúng tôi cũng nói với Đại sứ Hoa Kỳ ở đây. Họ biết rằng chúng tôi không hề che giấu bất cứ ai, và cũng chẳng có ai từ chế độ Iraq xin vào trú ẩn ở nước tôi cả".

Bà cũng nói rằng quan hệ giữa Syria và chế độ Iraq có một lịch sử tồi tệ và dù Syria chống chiến tranh nhưng không nên lẫn lộn giữa chuyện đó với vấn đề của chế độ Iraq.

Cả Syria và Iraq trước đây đều là quốc gia độc đảng do đảng Ba'ath lãnh đạo. (bbc)