BAGHDAD - Lật đổ tượng Saddam chỉ là bước đầu để xóa bỏ chế độ của ông

Tại một khu vực mà chế độ độc tài vẫn còn tồn tại, quyền lực của Saddam Hussein mạnh mẽ và cũng tàn bạo hơn ở các nước khác. Uy tín của ông ta, cũng như của đảng Baath cầm quyền, đã len lỏi tới tất cả các tầng lớp xã hội.

Quyền lực của tổng thống và thể chế cầm quyền của ông ta còn được hỗ trợ từ một mạng lưới điệp viên ngầm khá tàn bạo của nhiều cơ quan tình báo khác nhau trong nước.

Hiệu quả của hệ thống chính trị với bộ chỉ huy đồ sộ này là bằng mọi cách phải loại trừ chính trị khỏi Iraq.

Người dân Iraq không những bị hệ thống chính trị trong nước tước đoạt quyền định đoạt, mà còn bị khủng bộ.

Cách mạng văn hóa

Xây dựng một thể chế mới sẽ là một quá trình chậm chạp và khó khăn, nếu chúng ta nhìn nhận sự ganh đua giữa các phe nhóm tôn giáo và sắc tộc ở các khu vực khác nhau trong nước.

Và việc gây lòng tin trong người dân Iraq để huy động họ đóng góp một vai trò trong quá trình chính trị trong nước cũng không phải là dễ dàng.

Một thách thức khác là thuyết phục người Iraq rằng các vị trí chủ chốt trong hệ thống nhà nước trung ương cũng như địa phương phải được lựa chọn dựa trên các tiêu chí về tài năng chứ không phải phụ thuộc vào thẻ đảng viên đảng cầm qyền của họ.

Khi truyền hình Iraq trở lại phát sóng và các báo trong nước tái xuất bản mà không mang hình ảnh ông Saddam Hussein nữa cũng sẽ là một cú sốc với người dân trong nước.

Người ta cần một cuộc cách mạng văn hóa trong mọi nghĩa.

Cải cách giáo dục

Một trong những lĩnh vực cần tạp trung nỗ lực nhất để xóa bỏ thể chế của Sađam Hussein và chuẩn bị cho các thế hệ tương lai cho Iraq có thể sống trong một xã hội dân chủ có lẽ là giáo dục.

Sách giáo khoa phải được viết lại, các giáo trình về lịch sử và địa lý đất nước cũng cần phải được cân nhắc lại toàn bộ.

Các chương trình đào tạo giáo viên trước đây có liên quan mật thiết với hệ thống an ninh trong nước cũng sẽ phải được thay đổi.

Các nhóm đối lập của Iraq đã kêu gọi thành lập một đội đặc trách trực thuộc quản lý của chính quyền lâm thời ở Baghdad để đảm nhiệm những vấn đề này.

Một khó khăn khác nổi lên trong hệ thống giáo dục của Iraq cũng như trong các lĩnh vực khác là ảnh hưởng của lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên Iraq.

Một báo cáo của một nhóm lưu vong Iraq cho biết kể từ cuộc chiến vùng Vịnh lần một năm 1991 'cả một thế hệ trẻ em Iraq, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, không được học hành'.

Các trường học cũng như các dịch vụ xã hội, y tế, giao thông và bưu chính đều thiếu tiền và nằm trong tình trạng bị bỏ mặc cho dần tiêu hủỵ

Hệ thống cơ sở hạ tầng của Iraq đã gần tới chỗ sụp đổ thậm chí trước cả khi cuộc chiến lần này bắt đầu bởi những hư hỏng xảy ra trong hai xung đột trước cũng như tình hình kinh tế suy yếu vì bị cấm vận.

Phụ thuộc vào LHQ

Chương trình đổi dầu lấy lương thực do LHQ điều phối đã cho phép quản lý việc xuất khẩu dầu để lấy tiền mua lương thực và thuốc men.

Tháng năm trôi qua, ngày càng nhiều người Iraq trở nên phụ thuộc vào lương thực viện trợ của Liên hiệp quốc để mà sống sót.

Cung cấp thức ăn cho hàng triệu người Iraq thiếu đói đang bị đẩy vào tình trạng nghèo khó vì ảnh hưởng của cấm vận mà chính thể Saddam Hussein gây ra là một thách thức nghiêm trọng.

Trong suốt những năm cấm vận thì các nguồn tài chính khi tới tay Saddam Hussein đều được chi cho các tổ chức mà ông ta dựa vào để giữ quyền lực - đội quân chiến đấu thân cận và hoạt động tình báo, cũng như các lâu đài lộng lẫy và cách sống xa hoa của chính tổng thống.

Bất cứ dấu hiệu nào cho thấy là chính phủ mới trong nước cũng tham nhũng và độc tài như vậy sẽ làm cho dân chúng mất niềm tin vào tương lai dân chủ, nơi mà quyền lực không bị áp đặt từ trên xuống.

Tiền mà Saddam Hussein sử dụng đến từ nguồn dầu hỏa. Thế nhưng cách quản lý của ông ta đã khiến cho ngay cả các quan chức cao cấp trong lĩnh vực dầu lửa cũng không biết được chính xác là Iraq đã chi tiêu như thế nào từ việc bán dầu.

Các chuyên gia mẫn cán

Bên cạnh nhu cầu cần hàng tỷ đô la để sửa chữa và nâng cấp các cơ sở sản xuất dầu hiện có, thách thức lớn nhất nằm ở chỗ cần phải thành lập một hệ thống mới cho phép có một sự công khai minh bạch ở mọi mức độ.

Thế nhưng nói một cách lạc quan thì ngành dầu lửa Iraq đã hoạt động hàng chục năm với một bộ máy quản lý gồm các chuyên gia mẫn cán, thạo nghề và không bị đảng Baath ảnh hưởng mấy.

Một chuyên gia dầu lửa Iraq cho biết: "Mỗi cơ quan trong ngành dầu lửa đều do người của đảng cầm quyền hay là tổ chức tình báo chỉ định làm lãnh đạo, thế cho nên tất nhiên họ phải tuân lệnh các tổ chức này".

"Thế nhưng trong số các chuyên gia thì rất ít người là có quan hệ với đảng Baath".

Ngày nay, đảng Baath đã không còn nữa, thế nhưng ảnh hưởng của nó chắc sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài.

Cũng như là chính thể của Saddam Hussein. Việc lật đổ tượng của ông ta khỏi các góc phố chỉ là bước đầu tiên.(bbc)