NEW YORK - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan xác nhận rằng theo suy nghĩ của ông thì chính quyền của ông Saddam Hussein tại Iraq đã sụp đổ.



Ông Annan nói rằng đã không còn một chính phủ hoạt động tại Iraq. Ông ghi nhận những hình ảnh ăn mừng phát đi trên các kênh truyền hình toàn thế giới, nhưng đồng thời cũng bày tỏ lo ngại cho người dân Iraq:



"Khi nghĩ về những tổn thất nhân mạng, cả về quân sự lẫn dân sự, có thể thấy là người Iraq đã phải trả giá đắt. Chúng ta đã nhìn thấy những cảnh cướp phá; hiển nhiên, vấn đề trật tự pháp luật là một vấn đề vô cùng đáng quan ngại."



Liên Hợp Quốc tìm kiếm vai trò



Ông Annan nói ông hy vọng rằng trong vài ngày tới, Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận về vai trò tới đây của Liên Hợp Quốc trong kỷ nguyên hậu chiến.



Tuy nhiên, giới ngoại giao không cho rằng đó sẽ là một tiến trình đơn giản.



Các thành viên Hội Đồng Bảo An vẫn đang phân rẽ sâu sắc trong vấn đề này. Một số quốc gia như Pháp và Nga đang lập luận rằng vai trò trung tâm phải thuộc về Liên Hợp Quốc.



Các quốc gia khác như Hoa Kỳ thì đã thể hiện rằng mặc dù Liên Hợp Quốc sẽ đóng vai trò nhất định, nhưng vai trò đó không nhất thiết phải là vai trò quan trọng như trong các chiến dịch trước đây, ví dụ như trong thời gian hậu chiến ở Afganistan chẳng hạn.



Hoa Kỳ chẳng mặn mà



Ông Colin Powell nói với tờ Thời Báo Los Angeles rằng Hoa Kỳ cần sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc.



Thế nhưng ông Powell bày tỏ rõ ràng rằng sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc đối với một chính quyền lâm thời Iraq sẽ chỉ được bàn tới sau khi Hoa Kỳ đã chọn xong các thành viên cho chính phủ mới. Liên Hợp Quốc sẽ không đóng vai trò chỉ đạo trong quá trình chuyển đổi chính trị tại Iraq.



Đường lối này đã nhận được sự ủng hộ từ Paul Wolfowitz, thứ trưởng quốc phòng, người cho rằng cuộc họp của các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Nga sẽ diễn ra vào cuối tuần này có thể được coi là một điều gì đó nhưng dứt khoát không phải là loan báo về tầm quan trọng của Liên Hợp Quốc.



Ông Wolfowitz nói:



"Tôi hy vọng là họ sẽ nghĩ về những khoản nợ khổng lồ mà họ đã cho kẻ độc tài vay để mua vũ khí, xây dinh thự và thiết lập những công cụ đàn áp. Tôi nghĩ họ nên cân nhắc xem liệu có phải nên bỏ qua một vài hay toàn bộ các khoản nợ đó để chính quyền mới của Iraq không phải è cổ ra mà trang trải."



Thông điệp của ông Wolfowitz thật là rõ ràng. Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận những rao giảng từ các quốc gia từng có quan hệ kinh tế mật thiết với ông Saddam Hussein.



Thế nhưng mặc dù chính quyền ông Bush đang tranh luận một cách sôi nổi về quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với việc thành lập một chính quyền Iraq mới, hiện vẫn còn quá ít những điều rõ ràng về việc Hoa Kỳ định làm việc này như thế nào.



Cuộc họp của các nhóm đối lập Iraq đã bị trì hoãn vì những tranh cãi nội bộ của Washington quanh chuyện những ai sẽ tham dự cuộc họp cũng như cuộc họp sẽ được tổ chức ở đâu.(bbc)