LONDON -Cuộc chiến đánh vào Iraq do Hoa Kỳ cầm đầu đã làm sống lại những so sánh lịch sử, nhất là với những diễn biến chính trị làm thay đổi toàn bộ vùng Đông Âu khi Chiến Tranh Lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ bước vào đoạn kết.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld nói cảnh dân chúng vui mừng ở Baghdad hôm trước làm ông nhớ lại thời gian bức tường Berlin bị kéo đổ.

Có những người khác cho rằng cảnh ở Baghdad giống như cảnh chế độ độc tài Ceauscescu ở Rumani sụp đổ.

Nhưng những so sánh đó có đúng không?

Bình luận viên Đông Âu của BBC Jan Repa thử nhìn trong phần sau.

Trong ngày đầu tiên của của xâm lăng, quân Mỹ và Anh gặp phải sự chống cự mạnh hơn họ tưởng và thế là, các nhà báo, các nhà bình luận đã tìm ngay đến các ví dụ từ thế chiến thứ Hai.

Họ cho rằng quân Mỹ có thể sẽ bị sa lầy vào những trận chiến trên đường phố như quân Đức tại trận Stalingrad.

Khi xe tăng và thiết giáp Hoa Kỳ phóng như bay trên sa mạc trên đường đến Baghdad họ lại còn tìm đến những ví dụ lịch sử xa hơn, đến tận vụ thảm bại của Napoleon ở chiến trường Nga năm 1812. Đó là một chiến dịch vào nhanh nhưng thua chạy còn nhanh hơn.

Khi tượng của ông Saddam Hussein bị kéo đổ ở Baghdad thì các nhà bình luận lại nhắc đến vụ tượng Felix Dzherzhinsky bị đập bỏ ở Matxcơva.

Ông Felix Dzherzhinsky là một người cộng sản Balan nhưng là ông tổ ngành mật vụ Xô-Viết, được gọi là Felix bàn tay máu. Họ cũng nhắc đến vô số các bức tượng Lenin bị đập bỏ tại các nước Đông Âu.

Nhóm dân quân của ông Saddam thì được so sánh với mật vụ Securitas của Ceauscescu trong những ngày cuối cùng của chế độ cộng sản Rumani. Còn khu trung tâm Baghdad thì được gọi là một cổng Brandenburg mới, một quảng trường Vaclav hay khu xưởng đóng tàu Gdansk mới.

Nhưng nếu có ai muốn một sự so sánh thật chính xác với những gì xảy ra ở Đông Âu thì sụ sụp đổ của vua Iran mới đúng.

Đó là một nhà độc tài được nước ngoài hậu thuẫn và chế độ đó bị quyền lực của dân chúng kéo đổ. Nhưng cuộc cách mạng Iran lại chẳng có tính dân chủ và kẻ thua cuộc vì đã nâng đỡ vua Iran khi đó chính là Hoa Kỳ.

Các thể chế ở Đông Âu trước đây tồn tại được là nhờ Liên Xô và sức mạnh quân sự và sự đe dọa thường trực của quân Xô-Viết đã duy trì các chế độ đó.

Xe tăng của Hồng Quân Liên Xô đã tái lập chính quyền cộng sản năm 1956 ở Hungary, ở Tiệp Khắc năm 1968. Các nước Đông Âu có thể đã từng hy vọng nước Mỹ can thiệp trong thập niên 50 và 60 nhưng hy vọng đã tiêu tan những năm sau đó.

Chỉ đến năm 1988 khi Mikhail Gorbachov tuyên bố rằng Matxcơva sẽ không dùng bạo lực để duy trì các đồng minh Đông Âu nữa thì sự thay đổi thể chế mới bùng nổ. Bùng nổ gần như ngay lập tức.

Có thể ông Gorbachov đã không đánh quá cao tính vững vàng cuộc các chế độ cộng sản Đông Âu, hoặc có thể đó chính là cái giá Liên Xô phải trả để chấm dứt cuộc đối đầu trong Chiến tranh Lạnh với Hoa Kỳ mà Liên Xô không còn đủ sức lực về kinh tế để theo đuổi nữa.

Nước Mỹ khuyến khích sự thay đổi chế độ ở Đông Âu nhưng không hề có cuộc chiến tranh gọi là “giải phóng’ nào do Mỹ lãnh đạo ở đó cả.

Trong thời gian Chiến tranh Lạnh, các nước như Balan, Hungary, Rumani và Tiệp Khắc luôn lấy Tây Âu làm điểm so sánh.

Đối với họ, sự thống trị của Liên Xô là một nỗi sỉ nhục cho danh dự dân tộc. Và mức sống chênh lệch giữa Đông và Tây Âu chỉ làm người dân thêm thất vọng với thực tại.

Nhưng sau khi chủ nghĩa cộng sản tan biến, người ta mới thấy rằng những thói xấu và thái độ sống chủ nghĩa này tạo thành nếp trong con người Đông Âu nặng nề tới mức nào.

Tệ quan liêu, né tránh trách nhiệm, tính gian dối và ngại trình bày quan điểm cá nhân hay thái độ vừa ngây thơ, vừa vị kỷ trong quan hệ với người nước ngoài những nét chính của tấm chân dung đó.

Người Đông Âu thời cộng sản được khuyến khích tự nhìn mình là những kẻ đần độn, cần được bàn tay dìu dắt, chỉ đường từ Matxcơva để tiến bộ.

Nay thì tư duy đó xem ra khó gạt bỏ hơn là các chế độ chính trị.(bbc)