BAGHDAD - Viễn cảnh chiến thắng hoàn toàn về mặt quân sự của liên quân đang đặt ý tưởng Anh - Mỹ về một Iraq “giải phóng” vào giai đoạn thử thách

Hình ảnh đám đông ăn mừng trên đường phố Baghdad dường như đang xác nhận rằng hầu hết người dân Iraq đều cảm thấy đang được giải phóng với việc rũ bỏ chế độ chuyên quyền độc đoán của ông Saddam Hussein.

Việc giải phóng đã luôn là chủ đề tranh cãi nảy lửa giữa các ý kiến đối lập về cuộc chiến Iraq. Liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu sẽ phải đương đầu với những chỉ trích quốc tế cho tới khi nào họ tìm được bằng chứng chứng tỏ Iraq có tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Những tổn thất thương vong của dân thường ở mức cao đã khiến người ta bị sốc mạnh, nhất là trong thế giới Ả rập.

Lúc này, tại thời điểm có thể coi như là một điểm bước ngoặt trong cuộc xung đột thì những nỗi lo tồi tệ nhất của những người mang tâm trạng bi quan vẫn chưa thành sự thực.

Đám đông bày tỏ sự căm thù đối với ông Saddam Hussein; người dân Iraq hân hoan kéo đổ bức tượng khổng lồ của ông này tại Baghdad.

Hành động này gợi lại những cuộc nổi dậy trước đây khiến cho các chế độ chuyên quyền khác bị lật đổ, như chính quyền của ông Nikolai Ceaucescu tại Romania hay của ông Slobodan Milosevic tại Serbia.

Giờ đây, dường như sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq không gặp phải bất kỳ hiểm nguy nào.

Một số đối tượng phản đối chiến tranh gay gắt nhất, như ông Thủ tướng Đức Schroeder, nay đã hoan nghênh những tín hiệu cho thấy cuộc chiến sẽ sớm kết thúc.

Giờ đây, liên quân mà đặc biệt là quân đội của Hoa Kỳ và Anh đang được kêu gọi là hãy trả lời sự lo ngại của hoàng tử Hassan của Jordan. Đó là chính quyền mới ở Iraq có thể sẽ bị nhiều quốc gia Ả rập coi là “con rối” của liên quân, những người đã giành chiến thắng bằng vũ lực quân sự.

Một câu trả lời có thể được đưa ra. Những người theo phe ông Saddam Hussein hầu như đã tan rã hết, không phải do hoả lực áp đảo của liên quân mà vì họ đã được giải phóng khỏi một chế độ luôn khiến người ta sợ hãi.

Có nhiều tranh cãi quanh chuyện thành lập một chính phủ đại diện cho các thành phần và có khả năng duy trì hoà bình ở Iraq.

Hoa Kỳ và Anh cảm thấy lạc quan, trên cơ sở là trong những điều kiện thích hợp, các quốc gia thành viên của thế giới sẽ được hưởng thành quả từ việc có một chính quyền công khai và một nền kinh tế thị tự do.

Một cuộc thử nghiệm mới đã bắt đầu tại Iraq, và hậu quả của nó sẽ vượt xa ra ngoài phạm vi nước này.(bbc)