WASHINGTON - Giờ đây, khi cuộc chiến Iraq đã diễn ra được gần hai tuần, cuộc tranh luận về những gì sẽ diễn ra sau cuộc xung đột có vẻ như đang tăng cao.

Có những tín hiệu cho thấy các cuộc chiến bè phái đang diễn ra tại Washington.

Người Iraq hay người Mỹ?

Phe diều hâu muốn ông Ahmed Chalabi, lãnh tụ của một trong những nhóm đối lập chủ chốt, có một vai trò nổi bật trong Quốc Hội mới của Iraq, dẫu cho đó chỉ là chức cố vấn.

Ông Chalabi thì muốn đạt được một vị trí gì đó cao hơn nhiều so với vai trò cố vấn. Các quan sát viên tin rằng ông này muốn thúc đẩy tiến trình chính trị bằng cách lập một chính phủ tạm thời mà ông sẽ là người đứng đầu.

Hoa Kỳ đang thúc giục ông này là đừng có đôn đáo sớm quá.

Mỹ muốn rằng một khi ông Saddam Hussein bị lật đổ, quân đội Hoa Kỳ sẽ kiểm soát Iraq trong một thời gian ngắn để dọn đường cho một chính phủ lâm thời.

Các chi tiết chính yếu của kế hoạch này vẫn đang chưa được bàn thảo cụ thể. Tờ The Guardian đăng tải một ý tưởng là mỗi bộ ngành sẽ do một người Mỹ đứng đầu, và người này sẽ được bốn cố vấn người Iraq hỗ trợ. Đó có lẽ sẽ là một giả thuyết có khả năng xảy ra.

Một nhân vật đối lập nổi tiếng nói với Đài BBC rằng ông coi đó là một ý tưởng “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Ông cho rằng kế hoạch đó có nghĩa là người Mỹ, theo lời ông này, coi Iraq như một quốc gia lạc hậu thuộc thế giới thứ ba.

Vai trò của Liên Hợp Quốc

Đây cũng là vấn đề chưa được giải quyết. Phe diều hâu tại Washington có vẻ ngần ngại trong việc để tổ chức này can dự dưới bất kỳ hình thức quan trọng nào.

Ngoại trưởng Colin Powell của Hoa Kỳ đang nói đến một cách mờ nhạt về nhu cầu cần có “sự hợp tác” của Liên Hợp Quốc đối với vấn đề Iraq.

Anh quốc thì muốn có sự phê chuẩn của Liên Hợp Quốc dưới hình thức nào đó cho sự hiện diện của quân đội Anh – Mỹ trong thời hậu chiến.

Trong khi đó, ít nhất là vào lúc này, Pháp nói rằng nước này phản đối mạnh mẽ sự hiện diện đó.(bbc)