DOHA - QARTAR. Hoa kỳ thừa nhận việc Iraq kháng cự quyết liệt đã làm chậm kế hoạch của họ trong cuộc chiến và giao tranh hiện đang tiếp diễn tại miền Nam Iraq

Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Iraq, trung tướng William Wallace, đã cho truyền thông Mỹ biết là sự kháng cự bất ngờ đến từ các lực lượng quân đội không chính quy của Iraq có nghĩa là cuộc chiến này sẽ kéo dài hơn dự tính.

Bộ trưởng quốc phòng, ông Donald Rumsfeld, đã ám chỉ một sự trì hoãn trước khi tấn công Baghdad vì ông nói Baghdad trước tiên phải bị cô lập.

Hiện nay tại Hoa kỳ và các nước khác, người ta đang lên tiếng chỉ trích cụ thể về chiến thuật quân sự mà ông Donald Rumsfeld thực hiện.

Việc phụ thuộc vào một lực lượng quân đội có tầm cỡ khá nhỏ nhưng với kỹ thuật và không lực tối tân hơn quân đội Iraq đã dựa trên giả thiết là quân đội Iraq sẽ sớm tan rã và người dân Iraq sẽ nổi dậy chống lại chế độ Saddam bị thù hằn.

Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Tổng thống Saddam Hussein cũng đã không bỏ lại đa số lãnh thổ Iraq để cố thủ tại Baghdad như đự đoán của nhiều người trong chính quyền Bush. Điều này chứng tỏ các chính trị gia đã tỏ ra tự tin hơn là các quan chức quân đội.

Tuy nhiên, các chiến thuật cũng như sự tham chiến của quân đội Iraq không chính quy đã làm nhiều người ngạc nhiên. Trung tướng Wallace đã biểu lộ sự sửng sốt khi những chiếc xe tải nhỏ không mui trang bị vũ khí nhẹ bắn vào xe tăng và xe bọc thép của liên quân.

Tức là người ta thấy không những về mặt quân sự mà còn cả những tính toán sai lệch cả về chính trị.

Giới chức Mỹ và Anh lập luận rằng sự thiếu vắng các cuộc nổi dậy của dân thường Iraq chống chế độ Saddam là do ký ức bị bỏ rơi năm 1991 của người Shia cũng như nỗi sợ sệt các chính quyền hà hiếp nhân dân tại các đô thị. Đây hẳn là một yếu tố chính.

Tuy nhiên, các chính trị gia phương tây có thể đã sai lầm khi bỏ qua các yếu tố khác. Nhân dân một nước bị ngoại bang tấn công thường có khuynh hướng đoàn kết lại với nhau. Nếu chiến tranh càng kéo dài và máu đổ nhiều hơn thì tinh thần kháng chiến khi bị xâm lược có thể càng sôi sục hơn.

Tư tưởng đối kháng bấy lâu nay của người Ả rập đối với Mỹ là một yếu tố khác. Một sắc lệnh do một giáo sĩ người Shia tại Najaf ban ra, kêu gọi các tín đồ đạo hồi đòan kết để bảo vệ Iraq chống lại kẻ thù có thể là một yếu tố gây ảnh hưởng nữa mặc dù phương Tây đã bác bỏ điều này, cho là người dân đã bị cưỡng chế phải tuân theo.(bbc)