WASHINGTON - Tổng thống George Bush nói nhờ có các lực lượng do Mỹ cầm đầu, "gọng kìm khủng bố kẹp cổ người dân Iraq đang được nới lỏng"

Sau một tuần bước vào cuộc chiến, cả Hoa Kỳ lẫn đồng minh Anh quốc đều quan tâm đến việc bác bỏ những gợi ý rằng cuộc chiến này không đi theo đúng kế hoạch dự định.

Hoặc có vẻ như họ bắt đầu tỏ ra nao núng.

Trả lời các câu hỏi từ các phóng viên, cả ông George Bush trông có vẻ cáu kỉnh lẫn ông Tony Blair đều nhấn mạnh rằng các lực lượng của họ sẽ chiến đấu tại Iraq cho tới khi nào cần thiết.

Ông Bush nói: "Nhân dân Iraq phải biết điều này. Họ sẽ được giải phóng và Saddam Hussein sẽ phải bị hạ bệ".

Thủ tướng Tony Blair cũng nhấn mạnh là chiến dịch quân sự đã đạt kết quả lớn.

Ông nói: "Tôi nghĩ chúng ta mới trải qua có một tuần tại cuộc chiến này. Và trong chưa đầy một tuần, chúng ta đã đạt được kết quả rất lớn.

"Theo tôi, xét cho cùng, bây giờ các lực lượng liên quân đã cách Baghdad chỉ nội trong 50 dặm, các giếng dầu ở phía Nam đã được bảo đảm an toàn, phía Tây thì được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công từ bên ngoài, và chúng ta đã có các lực lượng tiến vào phía Bắc".

Thủ tướng Blair nói liên quân phải tiếp tục tiến hành chiến dịch cho đến khi nào công việc của họ hoàn thành. Ông cũng nói chuyện dự đoán chiến dịch này sẽ kéo dài bao lâu chẳng giải quyết được chuyện gì.

Về phần mình, tổng thống Bush muốn giảm bớt những mong đợi rằng các lực lượng do Mỹ cầm đầu sẽ có thắng lợi sớm; và ông cũng khuyến cáo về những khó khăn trước mắt.

Ông nói: "Các lực lượng liên quân đang hàng ngày cùng tiến quân với tiến bộ vững chắc trước kẻ thù. Và dần dần, gọng kìm khủng bố kẹp cổ người dân Iraq cũng đang được nới lỏng".

"Chiến dịch trước mắt sẽ đòi hỏi lòng dũng cảm nhiều hơn, và yêu cầu phải có sự hi sinh hơn, tuy nhiên, chúng ta đã biết được kết quả. Iraq sẽ được giải giáp, chế độ Iraq sẽ phải chấm dứt, và người dân Iraq bấy lâu nay phải chịu đựng sẽ được tự do."

Hai vị lãnh đạo này phần lớn nói về những vấn đề chung chung, và buổi họp báo này cũng không dự định là buổi báo cáo về quân sự.

Nhưng Thủ tướng Anh cũng liên hệ tới một sự cố cụ thể, là việc đài truyền hình al-Jazeera phát hình hai lính Anh bị thiệt mạng, mà theo ông Blair, là họ đã bị xử tử.

"Nếu bất cứ ai cần có bằng chứng hơn về sự tàn bạo của chế độ Saddam, thì hành động tàn ác này đã cho thấy điều đó. Lại thêm một sự vi phạm trắng trợn các công ước chiến tranh. Hơn thế, đối với gia đình các binh lính tham gia thì đây là một sự độc ác không thể nào hiểu nổi."

Vai trò của Liên Hiệp Quốc?

Về vai trò của Liên Hiệp Quốc, ông Blair cũng xuống giọng rằng chi tiết về vai trò của LHQ vẫn còn phải được giải quyết.

Ông nói: "Chắc chắn rằng Liên Hiệp Quốc phải tham gia chặt chẽ vào quá trình này. Chuyện này không chỉ đúng, mà nó còn vì lợi ích của tất cả các bên".

"Tất cả những gì tôi đang nói với mọi người là trọng tâm trước mắt của chúng ta phải là vào chương trình đổi dầu lấy lương thực, bởi vì đây là chuyện chúng ta cần giải quyết với LHQ trong vài ngày trước mắt."

Tuy nhiên, ông Blair chắc sẽ còn phải đương đầu với một cuộc chiến nữa với những nhân vật tại Washington muốn LHQ chỉ tham gia ở mức tối thiểu.(bbc)