Trong những ngày qua, nhiều vị độc giả gởi điện thư ca ngợi lập trường chống chiến tranh của tổng thống Pháp Jacques Chirac. Có vị còn so sánh ông Jacques Chirac với Đức Giáo Hoàng. Để rộng đường dư luận, xin dịch tóm tắt một số đoạn trong những tài liệu "nặng ký" đăng trên The Weekly Post (March 24 - March 30, 2003), The Middle East Digest (December 1996) và một bài của ký giả Úc T.R. Halvorson phát trong chương trình THE CUTTING EDGE - SADDAM’S FRIENDS trên đài SBS của Úc Đại Lợi lúc 20:30 tối thứ Ba 25/03/2003.

Trong bài France In The Middle East (Nước Pháp trong vấn đề Trung Đông), (The Middle East Digest - December 1996), tác giả Binyamin Netanyahu - cựu thủ tướng Do Thái, cho biết:

Chuyến công du đầu tiên của Saddam Hussein đến một thủ đô Tây Phương là tại Paris vào năm 1972, khi ông ta đồng ý bán cho Pháp một số lượng dầu khổng lồ. Ông Jacques Chirac, lúc bấy giờ là thủ tướng Pháp, đã chào đón Saddam Hussein, mời ông ta về nhà nghỉ cuối tuần và hơn hai năm sau đó đã sang Baghdad đáp lễ.

Hình 1 và hình 2: Saddam Hussein và Jacques Chirac trong một lò phản ứng nguyên tử tại Pháp.

Nước Pháp nhanh chóng trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Saddam Hussein sau Liên Sô. Năm 1976, Jacques Chirac trực tiếp tham gia trong kế hoạch cung cấp một lò phản ứng nguyên tử cho Saddam Hussein tại Osirak. Một nước nhiều dầu như Iraq không thể giải thích nhu cầu của một lò phản ứng nguyên tử như một nguồn cung cấp năng lượng. Động cơ thực sự đàng sau vấn đề này là việc chiết xuất plutonium để sản xuất vũ khí nguyên tử. Vì thế, Do Thái đã bất ngờ không kích vào địa điểm này để ngăn chặn trước thảm họa vào năm 1981.

Trong suốt cuộc chiến tranh Iran-Iraq, Pháp tiếp tục cung cấp cho Iraq những máy bay chiến đấu Mirage F1, hỏa tiễn chống tàu thủy Exocet, và các thiết bị cần thiết để nâng cao mức độ chính xác của các hỏa tiễn Scud. Chỉ một năm trước khi xảy ra chiến tranh vùng Vịnh, bộ trưởng quốc phòng Pháp, ông Jean -Pierre Chevènement, người sáng lập hội Hữu Nghị Pháp-Iraq, đến thăm Baghdad và bảo Saddam Hussein rằng người Pháp muốn "nâng những quan hệ song phương của chúng ta lên một mức cao hơn".

T.R. Halvorson, cho biết thêm chi tiết với những con số cụ thể:

Cho đến năm 1970, Pháp đã là một bạn hàng chủ yếu của Iraq. Quan hệ ngoại giao và thương mại càng được củng cố hơn khi vào năm 1974 thủ tướng Pháp lúc ấy là ông Jacques Chirac gọi Saddam Hussein là một người "bạn tri kỷ".

Tháng 12/1974, Saddam Hussein, lúc bấy giờ đang giữ chức phó tổng thống Iraq đã mời thủ tướng Pháp Jacques Chirac sang thăm Baghdad. Jacques Chirac nhận lời và sang Baghdad vào năm 1975. Trong số các nhà ngoại giao Tây Phương, Jacques Chirac là người duy nhất có mối quan hệ hiểu biết cá nhân với Saddam Hussein. Trong chuyến viếng thăm này, Saddam Hussein cho các công ty Pháp nhiều đặc quyền và 23% cổ phiếu dầu Iraq. Ngược lại, Chirac đồng ý bán cho Saddam Hussein hai lò phản ứng nguyên tử. Một lò phản ứng với công suất 70 megawatt và một lò chỉ có 1 megawatt dùng cho việc nghiên cứu. Pháp cũng đồng ý huấn luyện 600 chuyên gia và khoa học gia Iraq. Nhận thấy hiểm họa trước mắt, ngày 7/6/1981, Do Thái bất ngờ tấn công lò phản ứng 70 megawatt đặt tại Osirak. Một trong những người tham gia trong trận không kích này là phi hành gia Do Thái Ilan Ramon, người vừa tử nạn trong vụ tàu Columbia ngày 1/2/2003 vừa qua.

Hình 3 và hình 4: Jacques Chirac tại Baghdad

Trong thập niên 70 và 80, Pháp là nước thứ nhì sau Liên Sô bán cho Iraq những trang bị quân sự với số lượng rất lớn. Ngoài những trang thiết bị quân sự, Pháp còn là nước cung cấp nhiều phương tiện cho Iraq nghiên cứu về vũ khí sinh hóa.

Một vài con số cho thấy khả năng gây họa của Saddam Hussein kinh hoàng đến mức nào với những phương tiện kỹ thuật thủ đắc được từ Liên Sô và Pháp và cả một số nước Tây phương khác: Khoảng 450,000 đến 730,000 người Iran thiệt mạng trong chiến tranh Iran- Iraq. Có những trận đánh, cả một trung đoàn Iran không còn một ai sống sót như trong trận đánh tại Al-Faw tháng 2/1986. Từ 150,000 đến 340,000 người Iraq bị giết. Hàng trăm ngàn người Kurd bị giết hay biến mất. Ghê rợn nhất là vụ khủng bố bằng hơi độc tại Halabjah ngày 16/3/1988 trong đó hơn 5000 người Kurd chết và hàng chục ngàn người khác bị thương vì hơi độc mustard.

Trong chiến tranh với Iran, Iraq đã phải nợ Pháp khoảng 20 tỷ Mỹ Kim. Jacques Chirac vận động để Iraq có thể trả dần món nợ này.

Năm 1986, tờ Newyork Times tường thuật rằng "Jacques Chirac nhiều lần lặp đi lặp lại rằng ông ta là bạn tri kỷ của Saddam Hussein". Năm 1987, tờ Manchester Guardian Weekly trích thuật lại lời của ông Jacques Chirac cho rằng ông ta "thực sự ngưỡng mộ Saddam Hussein từ năm 1974". Vì những chuyện như vậy, báo chí Iran thường gọi ông Jacques Chirac là Jacques Iraq hay "Shah-Iraq".

Theo nhận định của bài xã luận đăng trên tờ The Weekly Post (March 24 - March 30, 2003), đàng sau lời quyết liệt chống chiến tranh của ông Jacques Chirac là món nợ hơn 5 tỷ Mỹ Kim vũ khí mà Iraq nợ Pháp. Nếu chế độ Saddam Hussein sụp đổ thì món nợ này sẽ không bao giờ được thanh toán.

Trong những ngày qua, ông Jacques Chirac thường lớn tiếng kêu gọi các nước khác nên tôn trọng các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Điều này rất tốt và rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, có lẽ cũng nên nhắc lại rằng vào năm 1995, ông ta đã từng từ chối không chịu ngưng các vụ thử vũ khí hạt nhân tại vùng Mururoa Atoll trong quần đảo Polynesia ở Nam Thái Bình Dương. Thái độ này của ông đã làm giận dữ các phong trào bảo vệ môi trường khắp thế giới, đặc biệt tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Quyền thủ tướng Úc lúc bấy giờ là ông Kim Beazley đã mạnh mẽ chỉ trích thái độ của Jacques Chirac là "một sự khinh mạn" đối với nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngưng thử vũ khí nguyên tử.

Thành ra, đằng sau những lời quyết liệt "veto, phủ quyết, block" của ông Jacques Chirac người ta thấy thấp thoáng hình ảnh những tờ Mỹ Kim và Euros, và chập chờn hình ảnh của những người Kurd, Iran, Iraq, kể cả trẻ em, người già và phụ nữ quằn quại hay nằm co quắp chết - hơn là một thiện chí hòa bình xuất phát từ yêu thương.