BAGHDAD - Tính đến ngày thứ 6 của cuộc chiến mang tên “Tự do Iraq”, đã có gần 4 ngàn quân Iraq ra hàng liên quân Anh-Mỹ. Trong khi đó, bão cát đang làm chậm tốc độ hành quân, nhưng ở Karbala cách Baghdad chừng 80km về phía nam, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 7 thiết giáp Hoa Kỳ cùng một số đơn vị thuộc binh sĩ sư đoàn 3 bộ binh cơ giới đã vượt qua một chiếc cầu ngang bị gài đầy chất nổ nhưng không còn quân Iraq ở lại để giựt sập.

Nguồn tin từ Bộ Quốc Phòng Mỹ cho hay có thể có tới 300 quân Iraq thiệt mạng trong trận đánh tại thành phố Najab.
Quân bộ binh Iraq tấn công quân Hoa Kỳ bằng B 41 và súng nhỏ. Quân Mỹ phản công bằng thiết giáp và bộ binh. Najab cách Baghdad chừng 200 km về phía nam, nằm giữa Karbala và Nasyriah.

Quân đồng minh cũng phát hiện trên ba ngàn bộ trang phục chống vũ khí hóa học cùng nhiều vũ khí, đạn dược tại bệnh viện thành phố Nasiryah.

Trước đó sư đoàn 1 Thuỷ Quân Lục Chiến cũng mở được một hành lang tiến quân qua thành phố Nasiryah, vượt sông bằng hai chiếc cầu khác, để tiến về Baghdad.

Tại Nasiryah, sư đoàn ba bộ binh cơ giới Mỹ vừa bắt được 6 xe tải chở đầy vũ khí, hạ sát 2 binh sĩ Iraq và bắt 11 tù binh, ở phi trường Talill bên ngoài thành phố.

Ở phía Nam, chiến trận tăng cuờng độ quanh thành phố Basra. Cảng duy nhất thông ra Vịnh Ba Tư đã được đủ an ninh để chờ phân phối tiếp phẩm nhân đạo.

Như vậy là liên quân Anh-Mỹ tiến quân từ cực nam là biên giới Kuwait, với mục tiêu đầu là thành phố Umm Qasr, vượt qua các thành phố Basra, Nasiryah, Najab, và Karbala, trải dài trên một đội hình hàng dọc được bảo vệ cạnh sườn bằng thiết giáp, không quân.

Ở mũi cực bắc của đội hình tiến quân, sư đoàn 3 bộ binh cùng thiết đoàn 3 thuộc trung đoàn thiết giáp số 7 vượt sông như vừa kể, trong lúc cách đó chừng 260 km về phía nam theo khoảng cách đuờng chim bay, Sư đoàn 1 Thuỷ Quân Lục Chiến cũng vượt con sông này tại thành phố Nasiryah chưa hoàn toàn được kiểm soát.

Như vậy là liên quân đã hình thành hai mũi tiến công vào Baghdad từ phía nam.

Chiến lược của liên quân lần này là không để sa lầy vào các trận chiến đấu trong thành phố, chỉ tấn kích để mở hành lang đi qua, mở rộng lề an toàn để tiếp tục lộ trình hành quân. Không chiếm giữ các thành phố nhưng liên quân vẫn phải có lực lượng kềm chế địch quân còn chống trả trong các thành phố ấy.

Phía Iraq rõ ràng đã không dàn quân chủ lực chống cự để bị đè bẹp như trong trận vùng Vịnh 1991, mà phòng thủ trong các thành phố, mong dụ được đối phương sa lầy vào những trận chiến qua từng góc phố, con đường, để gây tổn thất nặng cho liên quân Anh Mỹ.(rfa)